Wednesday, August 24, 2022

Thứ Năm Tuần XXI Thường Niên – Năm C –25-8-2022 – Lễ Kính Vua Thánh Louis

Thu Nam XXI TN

Mát-thêu 24:42-44

42Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến. 43 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông phải canh thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. 44 Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay đã vào phần cuối của chương 24, như vậy chỉ còn một chương nữa trong Phúc âm Mát-thêu, chương 25, trước khi những chương kế tiếp trình thuật về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.  Như vậy, những lời trong bài đọc hôm nay như là những lời trăn trối quan trọng của Chúa Giêsu dành cho những người Ngài thương mến.  Ngài nhắn nhủ các môn đệ phải sẵn sàng chờ ngày Chúa đến.  Ngày giờ ấy xảy đến với tôi như giờ kẻ trộm đến đào ngạch khoét vách nhà tôi.  Hình ảnh kẻ trộm nghe sao tiêu cực và làm tôi sợ hãi ngày giờ Chúa đến quá!  Có thể, Chúa Giêsu đã chứng kiến nhiều gia đình bị trộm cắp chăng, nên Ngài mới dùng hình ảnh nay?  Tôi không nên vội kết luận là xã hội thời Chúa Giêsu trộm cắp và xấu xa hơn xã hội tôi hôm nay.  Không chắc!  Bởi, ngày nay, đâu đâu người ta cũng cảnh báo: Coi chừng móc túi!  Coi chừng xe bị đập kiếng!  Nhà nào cũng gắn báo động chống trộm và camera chống trộm!  Như vậy để thấy, chẳng hình ảnh nào diễn tả rõ, mạnh mẽ và gần gũi với tôi để nói ngày Chúa đến cho bằng hình ảnh kẻ trộm.  Trộm đến nhà ai, chúng đến rất kín đáo và rất bất ngờ, đến mức không ai ngờ.  Dù hình ảnh kẻ trộm rất tiêu cực, nhưng tôi có thức tỉnh và coi những gì Chúa nói là nghiêm túc, phải sẵn sàng, hay tôi vẫn coi thường, ỷ y.  Chúa Giêsu nói với các môn đệ và cũng là nói với tôi: Sẵn sàng nhé!  Tôi coi những lời trăn trối này của Chúa Giêsu quan trọng như thế nào?  Tôi sẵn sàng chưa?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này không?

2.     Nhưng thế nào là Chúa đến?  Chúa đến có nghĩa là thời hạn cho tôi đã hết.  Tôi đã có cả một đời sống để chuẩn bị.  Tôi đã có cả một Giáo hội để được dạy bảo.  Tôi đã có cả một kho tàng khôn ngoan của nhân loại nằm trong Kinh Thánh để được giúp sống tốt.  Tôi được chia đồng đều như mọi người trên mặt đất này, mỗi ngày ai cũng hưởng đúng 24 tiếng; ai cũng có một con tim, một khối óc.  Tôi đã sử dụng chúng như thế nào?  Ngày Chúa đến là thời hạn cuối cùng cho tôi.  Tôi đã sống một đời sống như thế nào để khi Chúa đến, tôi được Chúa đón vào Nước Chúa, tiếp tục sống hạnh phúc hơn, hay tôi sẽ tiếc nuối, vì chẳng còn cơ hội làm lại cuộc đời?  Khi Chúa đến Ngài thấy tôi hạnh phúc, khỏe mạnh, bình an, Ngài tiếp tục dẫn tôi đến nhiều niềm vui và hạnh phúc khác nữa, hay Ngài mất cơ hội giúp tôi, bởi tôi đã thân tàn ma dại vì rượu chè, gian dối, cờ bạc, cướp bóc, và phải nay tù mai khám?  Ngày Chúa đến còn là thời hạn cuối cùng cho gia đình tôi.  Tôi đã vun đắp gia đình trong yêu thương và hạnh phúc như thế nào, để tiếp tục được đón nhận hết niềm vui này đến niềm vui khác, hay tôi sẽ phải chứng kiến cha mẹ tôi qua đời, hoặc người phối ngẫu của tôi gạt nước mắt chia tay với tôi, hoặc con cái tôi vào tù ra khám, gia nhập băng đảng vì chẳng tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong gia đình tôi nữa?  Có thể Chúa sẽ đến đêm nay, ngày mai, tuần này, trong tháng này, trong năm này, hoặc đã đến rồi, mà tôi vẫn không hay biết.  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu và để ý xem Ngài đang muốn nói gì với tôi trong bài đọc hôm nay?   

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment