Saturday, April 30, 2022

Chúa Nhật Tuần III Phục Sinh – Năm C –1-5-2022

CN III PS

Gioan 21:15-19

15Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?”  Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.”  Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” 16 Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?”  Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.”  Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” 17 Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có thương mến Thầy không?”  Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có thương mến Thầy không?”  Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con thương mến Thầy.”  Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. 18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý.  Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” 19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một ghi nhận rất nổi tiếng về cuộc hiện ra của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ khi họ đánh cá cả đêm mà chẳng bắt được gì.  Chúa Giêsu hiện đến với họ và chỉ cho họ phải thả lưới như thế nào, kết quả là bắt được rất nhiều cá.  Sau khi đã kéo cá vào bờ, họ thấy Chúa Giêsu đã dọn sẵn lửa và một số cá đã nướng; họ cũng đem những cá mới bắt được, nướng và thầy trò cùng ăn sáng với nhau.  Sau khi ăn sáng xong, Chúa Giêsu đã hỏi Phê-rô đến ba lần: Phê-rô con có yêu mến Thầy không?  Nhiều người cho rằng, Chúa Giêsu hỏi Phê-rô ba lần vì ông đã chối Ngài ba lần, khi Ngài bị bắt và bị tra tấn trước khi tử hình.  Tôi có thể hình dung, Phê-rô cảm thấy lúng túng, bối rối và xấu hổ biết chừng nào khi gặp lại Chúa Giêsu.  Thật không dễ gì cho Phê-rô khi trả lời cho những câu hỏi của Chúa Giêsu.   Đây cũng là điểm quan trọng.  Có lẽ tôi chưa bao giờ rơi vào hoàn cảnh như Phê-rô phải chối Chúa, nhưng đời sống yếu đuối sa đi ngã lại nhiều lần của tôi, có thể cũng làm tôi khó đối diện với Chúa Giêsu trong lúc này.  Nếu Chúa Giêsu hỏi tôi có yêu mến Ngài không, tôi sẽ trả lời Ngài như thế nào?  Tôi lấy giây phút này để trả lời Ngài với tất cả con người thật của tôi.

2.     Sau khi Phê-rô đã trả lời với tất cả cõi lòng của mình cho Chúa Giêsu, Ngài vẫn tín nhiệm ông và chia sẻ với ông ưu tư của Ngài về đoàn chiên của mình, nhờ ông chăm sóc.  Đoàn chiên là giáo hội tương lai, một trọng trách lớn như thế, vậy mà Chúa Giêsu chỉ đặt một tiêu chuẩn duy nhất ở người lãnh đạo thôi, đó là: lòng mến.  Chỉ có lòng mến Chúa sẽ có thể làm được tất cả.  Tôi đang có khó khăn trong tương quan giữa vợ chồng đến muốn bỏ nhau ư?  Nếu tôi có thể trả lời cho Chúa Giêsu biết tôi rất yêu Ngài, chắc chắn tôi sẽ có thể dám yêu người phối ngẫu và tiếp tục hàn gắn mọi đổ vỡ.  Tôi đang gặp khó khăn về con cái ư?  Nếu tôi có thể cho Chúa Giêsu biết tôi rất yêu Ngài, chắc chắn tôi sẽ có thể dám yêu thương con cái và giải hòa với con cái.  Tôi đang gặp khó khăn với những người trong sở, hoặc hàng xóm ư?  Nếu tôi có thể trả lời cho Chúa Giêsu biết tôi rất yêu mến Ngài, chắc chắn tôi sẽ có thể dám yêu thương và giải hòa với họ.  Tôi lấy giây phút trả lời cho Chúa Giêsu và để ý Ngài sẽ trao gởi ước mơ gì cho tôi trong ngày hôm nay hoặc trong thời gian này.   

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Friday, April 29, 2022

Thứ Bảy Tuần II Phục Sinh – Năm C –30-4-2022 – Lễ Thánh Pi-ô V, Giáo Hoàng

Thu Bay II PS

Tông Đồ Công Vụ 6:1-7

1Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên.2 Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: "Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải.3 Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó.4 Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa."5 Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Tê-pha-nô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Phi-líp-phê, Pơ-rô-khô-rô, Ni-ca-no, Ti-môn, Pác-mê-na và ông Ni-cô-la, một người ngoại quê An-ti-ô-khi-a đã theo đạo Do-thái.6 Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông.7 Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giê-ru-sa-lem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin.

(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay nghe thật gần trong từng cộng đoàn, xứ đạo và xã hội của tôi hôm nay: vấn đề phân biệt đối xử.  Các cộng đoàn Kito hữu tiên khởi họ một lòng một ý lấy mọi sự riêng làm của chung và phân phát cho mọi người tùy theo nhu cầu của họ, như tôi đã thấy trong Cv 4:32-37.  Mới đó vậy mà ở bài đọc hôm nay tôi lại thấy, nhóm này được ưu đãi hơn nhóm kia.  Những bà góa Hy-lạp kêu trách các tông đồ vì họ cảm thấy bị bỏ rơi, bị kỳ thị, không được đối xử giống những bà góa Do-thái.  Cuộc sống nếu không đặt Chúa lên trên hoặc là trung tâm của đời sống thì lòng tham và tính thiên vị cho người của mình vốn đã nằm sẵn trong mỗi người sẽ nổi lên và làm chủ mọi hành động và thái độ của mình, từ đó sinh ra tính bộ tộc, tính đồng hương, tính gia đình.  Mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh đều phát sinh những chủ nghĩa bộ tộc kiểu mới như tôi thấy những năm gần đây tại Mỹ đang nổi lên những chủ nghĩa dân tộc cựu đoan (Ultranationalism), chủ nghĩa ưu việt da trắng (White supremacy).  Người của mình phải được quan tâm trước nhất, phải được ưu đãi hơn những người không phải của mình.  Đáng buồn!  Đáng sợ!  Phân biệt đối xử không phải là đường lối của Chúa; bởi khi tôi phân biệt đối xử, tôi đã hạ giá người khác, một hình ảnh của Thiên Chúa.  George Hruby, một sử gia, thi sĩ và nhiếp ảnh gia quốc tế nói: “Ngày nào nhân loại chinh phục được chủ nghĩa bộ lạc, ngày đó nhân loại mới thực sự văn minh – Until Mankind can conquer tribalism, it will never truly be civilized.”  Tôi có nhận thấy tính thiên vị ấy cũng cắm rễ sâu trong tôi?  Hành động, suy nghĩ và thái độ đầy thành kiến trong tôi được diễn tả gần đây nhất qua sự kiện và biến cố nào?  Tôi xin Chúa giúp tôi bớt bỏ những thiên vị và thành kiến trong tôi và xin được ơn chữa lành cho tất cả những ai đã bị thiệt thòi vì tôi.   

2.     Các tông đồ quá bận rộn trong việc rao giảng lời Chúa nên việc chăm sóc mục vụ đã không được chu đáo; chính vì thế, vấn đề xung khắc xảy ra trong cộng đoàn.  Các tông đồ đã thành lập những thừa tác viên chuyên lo phục vụ cộng đoàn thay cho các tông đồ, gọi là phó tế, và tác vụ phó tế này vẫn còn cho đến ngày nay.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi muốn cầu nguyện cho các phó tế và người phối ngẫu của họ, để họ biết phục vụ cộng đoàn cho xứng đáng.  Tôi cũng tạ ơn Chúa vì sự hy sinh rất lớn của người phối ngẫu của phó tế, đã chuyên tâm lo lắng việc nhà để phó tế có thể an tâm phục vụ cộng đoàn.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, April 28, 2022

Thứ Sáu Tuần II Phục Sinh – Năm C –29-4-2022 – Lễ Thánh Catherine of Siena

 Thu Sau II PS

Gioan 6:1-15

1Khi ấy, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a. 2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. 3 Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

5Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình.  Người hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” 6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. 7 Ông Phi-líp-phê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” 8 Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người: 9 “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” 10 Đức Giê-su nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ.  Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. 11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó.  Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. 12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” 13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. 14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” 15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay được trích từ một chương khá quan trọng trong Phúc âm Gioan, như một gợi ý cho những gì rất quan trọng mà Chúa Giêsu sẽ nói trong phần còn lại của chương này về chính Ngài là bánh hằng sống.  Trước hết, Gioan cho tôi biết, lúc bấy giờ có rất nhiều người say mê, đi theo Chúa Giêsu để được nghe Ngài giảng, riêng số người đàn ông thôi cũng đã lên đến năm ngàn người.  Sự thường xưa nay trong các buổi giảng giải đạo nghĩa và trong các giờ thờ phượng, số đàn bà tham gia bao giờ cũng nhiều hơn, có thể nhiều gấp đôi, so với số đàn ông.  Con số mà Gioan nói có làm cho tôi suy nghĩ?  Họ say mê đi theo Chúa Giêsu để được nghe Ngài giảng, đến quên ăn, tôi có khao khát và say mê lắng nghe và học hỏi Chúa như thế nào? 

2.     Câu chuyện Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều nghe thật lạ, lạ đến không tưởng được.  Từ năm chiếc bánh và hai con cá, vậy mà Chúa Giêsu đã làm phép lạ khiến, năm ngàn người ăn no và còn dư đến mười hai thúng bánh vụn.  Những gì Chúa Giêsu làm, quả đúng nghĩa của phép lạ.  Tuy nhiên, Thánh Gioan không bao giờ dùng chữ “phép lạ” trong phúc âm của ngài để nói về những việc lạ lùng như: nước hóa thành rượu, hay hóa bánh ra nhiều, như câu chuyện trong bài đọc hôm nay, nhưng dùng chữ “dấu lạ”.  “Phép lạ” khác “dấu lạ”.  Phép lạ làm cho người ta chỉ dừng ở những gì lạ lùng xảy ra trước mắt họ.  Phép lạ ấy có thể làm cho người ta trầm trồ, thán phục, ngưỡng mộ.  Trong khi đó “dấu lạ” là một dấu chỉ, hướng người ta đến một cái khác, người khác chứ không giữ người ta ở với biến cố mà họ chứng kiến, dù rất ngoạn mục, đầy hấp dẫn.  Bởi thế, trong các trình thuật về những việc lạ lùng mà Chúa Giêsu đã làm, Gioan luôn viết là: có nhiều người tin vào Chúa Giêsu, có nhiều người nhận ra Chúa Giêsu đích thực là Đấng Mê-si-a.  Cách viết của Gioan làm cho họ tập trung vào Chúa Giêsu, không tập trung vào phép lạ Ngài làm.  Tôi cảm thấy thế nào sau khi đọc lại câu chuyện trên?  Câu chuyện ấy có làm cho tôi tin Chúa Giêsu hơn, có làm cho niềm tin của tôi mạnh mẽ hơn?  Tôi nói chuyện với Gioan, nói chuyện với Chúa Giêsu trong lúc này, để cho niềm tin của tôi mỗi ngày một lớn mạnh hơn.          

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, April 27, 2022

Thứ Năm Tuần II Phục Sinh – Năm C –28-4-2022 – Lễ Thánh Louis Mary de Montfort

Thu Nam II PS

Tông Đồ Công Vụ 5:27-33

27Bấy giờ, viên lãnh binh Đền Thờ cùng các thuộc hạ điệu các Tông Đồ đến giữa Thượng Hội Đồng; vị thượng tế hỏi các ông rằng: 28 “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Giê-ru-sa-lem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi!” 29 Bấy giờ ông Phê-rô và các Tông Đồ khác đáp lại rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. 30 Đức Giê-su đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, 31 và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối và ơn tha tội. 32 Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người.” 33 Nghe vậy, họ giận điên lên và muốn giết các ông.

(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Trong tác phẩm nổi tiếng, “Report to Greco”, của đại văn hào Kitô, người Hy-lạp, Nikos Kazantzakis (1883-1957), ông cũng đã từng chín lần được giải Nobel văn chương, mô tả giáo hội có ba loại Kitô hữu. “Loại thứ nhất nói, ‘Lạy Chúa, con là một cây cung trong tay Chúa.  Xin hãy dương con lên đừng để rỉ sét.’  Loại thứ hai nói, ‘Lạy Chúa, xin đừng dương con căng quá, kẻo con gẫy mất.’  Loại thứ ba nói, ‘Lạy Chúa, xin cứ dương con lên hết mình, dù cho con có thể bị gẫy.’The first says, ‘I’m a bow in your hands, Lord.  Draw me lest I rot.’  The second says, ‘Do not overdraw me, Lord.  I shal break.’  The third says, ‘Overdraw me, and who cares if I break.’”  Các tông đồ trong bài đọc hôm nay thuộc loại người Kitô thứ ba.  Tôi đọc lại bài đọc trên và tự hỏi chính mình: Tôi đang thuộc loại người Kitô nào?

2.      Thật không tưởng tượng được, các Kitô hữu tiên khởi, lúc đầu họ thật nhút nhát, thật sợ hãi ở trong nhà đóng kín cửa vì sợ.  Ấy thế mà bây giờ, họ mạnh dạn đến mức dù bị tù đầy, dù bị đòn roi, dù bị hiểu lầm, dù bị chống đối vu oan, thậm chí dù bị giết, họ vẫn không sợ, chỉ vì họ đã gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh.  Câu nói của Phê-rô và các Tông Đồ khác đã chứng tỏ sự mạnh mẽ và can đảm của họ như thế nào: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm.”  Có lẽ họ chỉ sợ một điều, đó là: sợ mất Chúa Giêsu Phục Sinh.  Đây cũng là điều rất thật đã xảy ra ở mọi thời đại trong một lịch sử giáo hội bị bách hại, kéo dài suốt hai ngàn năm qua.  Ấy vậy mà, mà các Kitô hữu ở mọi thời đại vẫn rất giống nhau trong lòng mến với Chúa Giêsu Phục Sinh dù có bị bách hại đến mức nào.  Có nhiều hình thức bách hại niềm tin, tôi đang phải đối diện với những bắt bớ nào vì niềm tin của tôi vào Chúa Giêsu Phục Sinh hôm nay?  Tôi có dám trả lời với cuộc đời này như các tông đồ đã trả lời năm xưa không?  Trong giây phút này, tôi có thể nói chuyện với Chúa Giêsu Phục Sinh hoặc nói chuyện với các tông đồ, để tìm sức mạnh cho việc sống đức tin hôm nay.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện bằng bài hát, “Đức Tin Sắt Son và Bài Ca Ngàn Trùng” do Thanh Quốc và Kim Long sáng tác, với sự trình bày của Angelo Band, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=EeISQ0TyIQI&list=RDEeISQ0TyIQI&start_radio=1

    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, April 26, 2022

Thứ Tư Tuần II Phục Sinh – Năm C –27-4-2022

Thu Tu II PS

Gioan 3:16-21

16 “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. 19 Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. 20 Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. 21 Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay rất đẹp.  Ngay câu mở đầu của bài đọc hôm nay đã nói lên Thiên Chúa là ai và tương quan giữa Ngài và tôi như thế nào.  Một Thiên Chúa rất mực yêu thương tôi, sẵn sàng trao ban con một của Ngài cho tôi.  Tôi có kinh nghiệm yêu và được yêu bao giờ chưa?  Tôi đã cho đi như thế nào cho người tôi yêu?  Người yêu đã cho tôi như thế nào?  Trong cuộc đời này, dù tôi có được yêu đến mấy đi nữa chắc chắn tình yêu ấy không thể sánh với tình yêu mà Thiên Chúa đang dành cho tôi.  Tôi có thể đọc lại bài đọc trên nhiều lần để cảm nghiệm từng lời, từng ý tưởng mà Gioan đang nói cho tôi về Thiên Chúa.  Tôi để cho những lời này rớt thật sâu trong tâm hồn tôi và trở thành sức sống mãnh liệt, niềm hy vọng vô biên và sức mạnh phi thường trong tôi, giúp tôi sống yêu thương, lạc quan và đầy hy vọng, có sức lan tỏa qua những người xung quanh. 

2.      Bài đọc hôm nay bao gồm hai ý tưởng: Một, tình yêu của Thiên Chúa dành cho tôi quá bao la, đến không tưởng nổi; hai, án phạt dành cho những ai không tin nhận Thiên Chúa.  Có lẽ cần phải nói rõ hơn về án phạt.  Tôi có thể cảm thấy dị ứng với từ “án phạt” khi không tin vào Thiên Chúa.  Nếu Chúa phạt vì tôi không tin, còn gì là tự do của tôi?  Nếu Chúa phạt vì tôi không tin, còn gì là Thiên Chúa yêu thương vô điều kiện?  Có lẽ tôi cần phải hiểu “án phạt” trong bối cảnh Tin Mừng Gioan khi ngài nói, niềm tin vào Thiên Chúa như một người sống trong ánh sáng.  Một chủ đề suyên xuốt Tin Mừng Gioan đó là, ai tin nhận Thiên Chúa thì thuộc về sự sáng, còn ai không tin vào Thiên Chúa thì ở trong tối tăm.  Như vậy trong kiểu nói của Gioan đã rõ, không phải Thiên Chúa phạt khi tôi không tin nhận Ngài, nhưng là tự tôi chọn phần thiệt về tôi.  Tôi chối bỏ không tin nhận Thiên Chúa, không phải Ngài phạt tôi, giam tôi trong ngục tối, mà là tôi tự chọn ở trong bóng tối.  Nếu tôi tin nhận Thiên Chúa, tôi được trở thành con của Thiên Chúa, mà con cái thì ở trong nhà; nếu tôi không tin nhận Thiên Chúa, tôi không thuộc về Ngài, tôi chọn ở ngoài nhà của Ngài.  Giờ cầu nguyện hôm nay cũng có thể là những giây phút xét mình: Tôi có thuộc về Thiên Chúa, tin nhận Ngài, hãnh diện là con của Chúa và đang ở trong ánh sáng, hay tôi vẫn chọn ở trong bóng tối?  Tôi hình dung để cảm nhận niềm hạnh phúc được sống trong ánh sáng của Chúa nơi chỉ có: sự trung thực, tấm lòng thành, tâm hồn tự do và sự liên đới.  Trong khi đó, bóng tối chỉ toàn những: gian dối, hận thù, ganh ghét, nghi kỵ, bi quan, hủy diệt nhau.  Tôi muốn chọn lối sống nào: bóng tối hay ánh sáng?  Nếu như ý chí tôi muốn sống trong anh sáng, nhưng lòng tôi vẫn cứ muốn ở mãi trong bóng tối, vậy điều gì đang giam hãm tôi?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, April 25, 2022

Thứ Ba Tuần II Phục Sinh – Năm C –26-4-2022

Thu Ba II PS

Công Vụ Tông Đồ 4:32-37

32Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý.  Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. 33 Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại.  Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng. 34 Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, 35 đem đặt dưới chân các Tông Đồ.  Tiền ấy được phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. 36 Ông Giô-xếp, người được các Tông Đồ đặt tên là Ba-na-ba, nghĩa là người có tài yên ủi, có một thửa đất. Ông là một thầy Lê-vi quê quán ở đảo Sýp. 37 Ông bán đất đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ.

(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một trang nhật ký tuyệt đẹp kể về đời sống của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi.  Khi ấy, mọi người sống rất mực chăm sóc cho nhau, không ai lấy sự gì làm của riêng, nhưng tự nguyện bỏ mọi sự vào làm của chung và phân phát cho mọi người tùy theo nhu cầu của mỗi người, không một ai phải túng thiếu.  Lối sống này nghe cũng quen quen với nhiều người đã từng sống dưới thời Hợp Tác Xã của Chế độ Cộng sản do Karl Marx chủ xướng.  Tuy nhiên Cộng sản đã không thành công, dẫn đến cả khối cộng sản Đông âu sụp đổ.  Ngày hôm nay chỉ còn một vài nước, trong đó có Việt Nam, mang danh nghĩa là Cộng sản, nhưng thực chất là những nước tư bản độc tài với kiểu phát triển kinh tế thị trường.  Chẳng một nơi nào mà tham nhũng tìm được đất mầu mỡ để phát triển vững mạnh cho bằng các nước có chế độ độc tài.  Dưới chế độ độc tài, tham nhũng đã tự tung tự tác phát triển thành những thành trì kiên cố, đẻ ra biết bao nhiêu những tư sản đỏ cùng các nhóm lợi ích.  Trong chế độ độc tài, càng có quyền người ta sẽ càng giầu; càng có quyền sẽ càng tham nhũng.  Tại sao hai ngàn năm trước các cộng đoàn Kitô đã làm được, còn Cộng sản ngày nay lại thất bại?  Câu trả lời rất rõ, đó là: Những người Kitô đã đặt Thiên Chúa là cùng đích cho đời sống của họ; trong khi đó, Cộng sản chủ trương vô thần.  Nếu cuộc đời này không có Thiên Chúa và chẳng có đời sau, sẽ chẳng còn luân lý đạo đức gì nữa.  Người ta sẵn sàng làm mọi sự, miễn sao có lợi cho bản thân.  Lối sống của những Kitô hữu ban đầu vẫn còn duy trì cho đến ngày hôm nay tại các dòng tu.  Kể cả trong các đoàn thể Kitô, một khi họ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa và tình yêu của Ngài, họ bỗng trở nên rất quảng đại, sẵn sàng chia sẻ những gì họ có một cách vô vị lợi.  Trong giây phút này tôi muốn nhìn lại đời sống của tôi: Tôi đã quảng đại hay ích kỷ?  Trong mọi quyết định, suy nghĩ và tương quan của tôi, có Chúa trong đó không?  Nếu không, tôi sẽ không bao giờ sống được như các Kitô hữu tiên khởi; đồng thời, tôi chẳng khác gì những người Cộng sản vô thần. 

2.      Tôi đọc lại bài đọc trên để nhận ra, để cảm nghiệm sự thanh thoát và bình an của các Kitô hữu tiên khởi?  Tôi có thể bắt chước họ phần nào không?  Điều gì đang giữ tôi ở mãi trong lối sống ích kỷ, nặng tính vật chất và rất tạm bợ này?  Tôi cần Chúa giúp gì để tôi được thanh thoát và bình an hơn?

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Sunday, April 24, 2022

Thứ Hai Tuần II Phục Sinh – Năm C –25-4-2022 – Lễ Thánh Sử Mác-cô

Thu Hai II PS

Mác-cô 16:15-20

15Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao.  Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” 19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là lễ kính Thánh Mác-cô, tác giả của Phúc âm Mác-cô.  Giờ cầu nguyện hôm nay có lẽ tôi muốn dâng lời tạ ơn Chúa về những nỗ lực của Thánh Mác-cô, để lại cho Giáo hội một tập sách Tin Mừng rất có giá trị.  Trong Tân Ước có bốn phúc âm, Phúc âm Mác-cô là tập sách được viết ra đầu tiên nhất.  Tập sách ấy quả là phúc âm, quả là tin mừng vì được viết vào thời điểm rất quan trọng trong lịch sử giáo hội.  Khi ấy giáo hội đang bị bắt bớ, chính vì thế những gì Mác-cô viết về cuộc đời Chúa Giêsu là để nâng đỡ và củng cố đời sống của các tín hữu đang bị bách hại.  Ngay trong bài đọc hôm nay, tôi có thể thấy những lời thốt ra từ Chúa Giêsu Phục Sinh như cảnh báo cho các môn đệ về những khó khăn và thử thách mà họ sẽ có thể gặp, nhưng hãy an tâm, một khi tin tưởng ở Chúa Giêsu Phục Sinh, họ sẽ có những quyền năng làm được nhiều điều mà trước đó họ không thể.  Các tác giả các Phúc âm Mát-thêu và Luca cũng đã dựa vào Phúc âm Mác-cô để viết ra phúc âm của các ngài.  Có một khó khăn hay thách đố nào trong đời sống đức tin của tôi lúc này?  Tôi đọc lại bài đọc trên, những lời của Chúa Giêsu sai các môn đệ đi có là một an ủi, nâng đỡ và mang cho tôi những hy vọng không?  Tôi cũng nói chuyện với Chúa Giêsu và xin cũng được sai đi rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay.   

2.      Thánh Mác-cô mở đầu Phúc âm của ngài bằng câu chuyện Gioan Tẩy Giả ở trong hoang địa lớn tiếng rao giảng kêu gọi người ta ăn năn và thay đổi đời sống.  Bởi thế, giáo hội đã dùng hình ảnh con sư tử, chúa sơn lâm, để làm biểu tượng cho Thánh sử Mác-cô.  Mác-cô cũng kết thúc phúc âm của ngài bằng hình ảnh Chúa Giêsu sai các môn đệ đi khắp nơi loan báo Tin Mừng cho mọi người.  Dĩ nhiên những gì Chúa Giêsu nói chỉ mang tính biểu tượng, không nên hiểu theo nghĩa đen mà thọc tay vào miệng rắng hay uống thuốc độc; nhưng là, nếu tôi gắn bó với Chúa Giêsu, cuộc đời tôi sẽ làm được nhiều chuyện phi thường vì có Chúa ở cùng.  Tôi muốn đón nhận sứ điệp từ Chúa không?  Đâu là những nơi Chúa đang muốn tôi đi tới và ai là những người Chúa muốn tôi gặp và loan truyền những điều gì trong ngày hôm nay? 

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Saturday, April 23, 2022

Chúa Nhật Tuần II Phục Sinh – Năm C –24-4-2022

CN II PS

Gioan 20:19-31

19Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái.  Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn.  Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em!  Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

24Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!”  Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông.  Các cửa đều đóng kín.  Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy.  Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy.  Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” 29 Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin.  Phúc thay những người không thấy mà tin!”

30Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay rất phong phú, có rất nhiều ý tưởng có thể giúp tôi cầu nguyện.  Tuy nhiên hai điểm sau có thể là quan trọng và cần thiết cho tôi lúc này: Thứ nhất, Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, không có Tô-ma, với lời chúc bình an và ban Thánh Thần.  Tôi để ý đến lời ban Thánh Thần của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.   Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”  Như vậy, lãnh nhận Thánh Thần là để tha thứ và chữa lành, và cũng nhờ Thánh Thần mà tôi mới có sức mạnh và can đảm để tha thứ cho chính mình và cho người khác.  Giáo hội đã dùng lời ban Thánh Thần của Chúa Giêsu làm công thức xá giải cho hối nhân mỗi khi họ lãnh Bí tích Hòa giải.  Lời xá giải mà tôi vẫn được nghe từ linh mục giải tội nói với tôi mỗi khi lãnh Bí tích Hòa giải, như sau: “Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hoà thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội.  Nhờ tác vụ của Hội thánh xin Chúa ban cho con ơn tha thứ và bình an.  Vậy cha tha tội cho con: Nhân danh Cha + và Con và Thánh Thần.”  Hôm nay là Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa, một Chúa nhật đặc biệt Giáo hội dùng để diễn tả lòng thương xót của Chúa bằng cách mời gọi mọi tín hữu hãy cảm nhận lòng thương xót ấy qua Bí tích Hòa giải.  Sau giờ cầu nguyện này tôi có thể đi lãnh Bí tích Hòa giải.  Tôi cũng có thể sống sự tha thứ và hòa giải như Thiên Chúa luôn tha thứ và hòa giải với tôi.

2.     Thứ hai, sự xác tín trong niềm tin.  Trong lần thứ nhất Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, không có Tô-ma ở đó.  Sau khi các môn đệ kể lại cho Tô-ma rằng họ đã gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh như thế nào, nhưng ông không tin.  Ông đòi niềm tin ấy phải đến từ chính kinh nghiệm riêng của ông.  Tám ngày sau, Chúa Giêsu Phục Sinh lại hiện đến với các môn đệ và lần này có Tô-ma.  Chúa Giêsu đã nói riêng với Tô-ma, mời gọi ông thọc tay vào vết thương của Ngài.  Đây là một hình ảnh tuyệt đẹp về niềm tin.  Tôi chỉ có thể có đức tin mãnh liệt vào Thiên Chúa khi tôi có kinh nghiệm trực tiếp và cá vị với Ngài.  Để có kinh nghiệm ấy trước hết phải có lòng ao ước.  Thứ hai phải được Thiên Chúa ban cho.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể xin như Tô-ma, được cảm nghiệm Chúa Giêsu Phục Sinh bằng ngũ quan của tôi.  Tôi không thể chỉ ôm một mớ kiến thức giáo lý mà tôi đã được dạy từ bé mà đã đủ cho niềm tin của tôi, nhưng phải là kinh nghiệm đổi đời mỗi ngày mang tính cá vị và thân mật giữa tôi với Chúa Giêsu Phục Sinh.  Tôi cúi đầu và tha thiết cầu xin.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, April 22, 2022

Thứ Bảy Bát Nhật Phục Sinh – Năm C –23-4-2022

Thu Bay BNPS

Mác-cô 16:9-15

9Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. 10 Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. 11 Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.

12Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. 13 Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.

14Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa.  Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. 15 Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Đọc xong bài đọc trên, có lẽ cụm từ còn ở lại trong tôi mãi, đó là: “vẫn không tin”.  Chúa Giêsu đã phục sinh và hiện ra với người này, hiện ra với người kia, hiện ra với cá nhân, hiện ra với tập thể nhiều người; tuy nhiên, khi những người này thuật lại cho những người khác nghe, nhưng họ vẫn không tin.  Ai cũng đòi niềm tin của họ vào Chúa Giêsu Phục Sinh phải là kinh nghiệm riêng của họ với Ngài.  Điều này cho thấy, niềm tin Chúa Giêsu đã phục sinh, từ ban đầu, đã không phải là chuyện của mấy người nhẹ dạ cả tin, mà đã trải qua một quá trình thanh lọc từ những kinh nghiệm cá vị với Chúa Giêsu Phục Sinh.  Niềm tin ấy cũng vẫn như thế trong suốt hai ngàn năm qua; tức là, ai cũng phải có kinh nghiệm riêng về Chúa Giêsu Phục Sinh thì niềm tin ấy mới mạnh mẽ, mới tạo nên những biến đổi với cá nhân và cộng đồng xã hội xung quanh.  Nếu không có một kinh nghiệm riêng tư về Chúa Giêsu Phục Sinh mà chỉ nghe về Ngài, niềm tin của tôi sẽ chẳng thể nẩy mầm hoặc bén rễ sâu được trong đời sống; để rồi, gió thổi chiều nào ngả về chiều ấy, khi buồn thì tìm Chúa khóc than, khi vui chẳng cần biết Chúa là ai nữa, khi bình an vô sự chẳng cần nói với Chúa hay muốn gặp Ngài, nhưng khi gặp thử thách gian nan thì than trách Chúa, bỏ lễ, bỏ đạo, bỏ Chúa.  Tôi xem lại đời sống đức tin của tôi như thế nào, mạnh mẽ hay èo uột, đang phát triển mạnh hay đã héo khô từ bao giờ?  Bỏ giờ ra ngồi bên Chúa Giêsu Phục Sinh mỗi ngày, tâm tình nhỏ to với Ngài từ đáy lòng của tôi sẽ là những giây phút kinh nghiệm riêng tư về Ngài, là những giây phút hạt giống đức tin của tôi được tưới tắm, nhờ thế mà nảy mầm bén rễ.  Tôi bắt đầu. 

2.      Chỉ khi nào tôi ngồi bên Chúa Giêsu Phục Sinh, kết thân với Ngài mỗi ngày, tôi mới có thể thực hiện được mệnh lệnh của Ngài: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”  Như vậy, căn tính của Kitô giáo là loan báo Tin Mừng, không loan báo bất cứ tin gì khác: hận thù, lên án, trừng phạt, bất khoan dung…  Ngày nào tôi không loan báo Tin Mừng, xa tránh việc sống Tin Mừng, ngày ấy tôi đánh mất căn tinh Kitô của tôi.  Tôi không còn là tôi nữa.  Từ hôm nay trở đi, tôi sẽ nói gì, làm gì và sống như thế nào để gọi là loan báo Tin Mừng?  Tôi xin Chúa giúp tôi luôn ý thức về bổn phận và trách nhiệm của tôi trong việc loan báo Tin Mừng.  Để nhắc nhở tôi phải loan báo Tin Mừng như thế nào, tôi có thể dùng bài hát , “Gieo và Gặt”, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=tDfY03d6ra8

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, April 21, 2022

Thứ Sáu Bát Nhật Phục Sinh – Năm C –22-4-2022

Thu Sau BN PS

Gioan 21:1-14

1Khi ấy, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a.  Người tỏ mình ra như thế này. 2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. 3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.”  Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

4Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. 5 Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?”  Các ông trả lời: “Thưa không.” 6 Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.”  Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. 7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!”  Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. 8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

9Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!” 11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ.  Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12 Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn!”  Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. 14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay có thể rất gần với hoàn cảnh của tôi, của gia đình, của cộng đoàn tôi trong lúc này.  Thánh Gioan kể, các môn đệ vất vả đánh cá suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào.  Tôi có thể hình dung được sự đói mệt, thất vọng, chán nản của các môn đệ cho một đêm làm việc cật lực, vậy mà chẳng được bắt được gì.  Công cốc!  Cho đến khi họ gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, nghe theo hướng dẫn của Ngài, lúc đó họ mới bắt được nhiều cá, nhiều đến mức kéo lên không nổi.  Biến cố này nhắc nhở tôi về lời khẳng định của Chúa Giêsu trong một lần giảng, Ngài đã nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành.  Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5).  Có khi nào tôi đã vất vả luống công cho đời sống của tôi, gia đình và xứ đạo tôi?  Tôi đã làm việc cật lực hết mình, nhưng cũng chẳng đi đến đâu.  Chẳng hạn như tôi đã bỏ rất nhiều nỗ lực trong việc nuôi dạy con cái, gởi chúng đi hết trường này đến chương trình nọ, giữ chúng bận rộn tối ngày, mong sao chúng thành công, trưởng thành và sống đạo nhưng rồi, đứa này bỏ học, đứa kia bỏ nhà thờ, đứa khác quay lại trách móc oán hận cha mẹ đủ điều?  Công cốc!  Chẳng hạn tôi dành rất nhiều thì giờ và tâm huyết cho đoàn thể của tôi, mong sao mọi người có một nền tảng đức tin vững chắc, một sự kết thân nồng nàn với Chúa, một tình tương thân tương ái với nhau, một sự ảnh hưởng cụ thể trong xứ đạo và cộng đồng, ấy thế mà bao nhiêu năm rồi, hội đoàn của tôi cứ như con tầu mắc cạn, chẳng tiến được bao nhiêu, đời sống đức tin thì hời hợt, đời sống cộng đoàn thì đầy chia rẽ, ai ai cũng cứ chạy theo những hào nhoáng bên ngoài.  Công cốc!  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn nhìn lại xem: Chúa ở đâu trong những nỗ lực và vất vả của tôi?  Tôi đã mời gọi Chúa cộng tác với tôi như thế nào?  Tôi có cầu nguyện nhưng là để tôi làm theo ý Chúa hay để Chúa làm theo ý tôi?  Tôi muốn thay đổi gì và làm gì sau giờ cầu nguyện này để có thể có được những mẻ cá nặng đến không thể kéo lên được?

2.      Hình ảnh chiếc lưới trong Kinh Thánh thường được dùng như một biểu tượng để nói về Nước Trời.  Nước Trời đã thả xuống cuộc đời này và đã bắt được nhiều cá đến không tưởng, đến kéo lên không nổi, vậy mà lưới không rách.  Người ta đã đếm số cá bắt được là 153 con; nếu hiểu con số này theo nghĩa đen thì bằng đó cá vẫn không phải là quá nhiều.  Nhưng 153 là con số biểu tượng, số ấy có nghĩa là 1+5+3= 9.  Trong văn hóa Do-thái, 9 là số tròn, số hoàn hảo; điều này có nghĩa là, khi các môn đệ cộng tác với Chúa Giêsu Phục Sinh, họ đã có thể bắt được nhiều cá đến vô số kể.  Nước Trời luôn có chỗ cho mọi người.  Có niềm vui nào đến từ sự cộng tác của tôi với Chúa và đã thu gặt được một kết quả mĩ mãn không?  Tôi chia sẻ niềm vui này và sống niềm vui này với Chúa ngay bây giờ.  Tôi để ý Chúa vui và hãnh diện về tôi như thế nào?  Có một việc làm nào đó, góc cạnh nào đó trong đời sống của tôi mà Chúa muốn chúc mừng và cảm ơn tôi không?  Tôi ngồi bên Chúa trong lúc này và cho Chúa có cơ hội để chúc mừng và cảm ơn tôi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Vâng Lời Thầy,” sáng tác của Lm Thái Nguyên, với sự trình bày của Hoàng Quân, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=wHpNjAnJ5k

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, April 20, 2022

Thứ Năm Bát Nhật Phục Sinh – Năm C –21-4-2022

Thu Nam BNPS

Luca 24:35-48

35Khi ấy, hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. 36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt?  Sao lòng anh em còn ngờ vực? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà!  Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. 44 Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một trong những câu chuyện đã xảy ra dồn dập trong ngày thứ nhất trong tuần.  Chúa Giêsu phục sinh hiện ra ở nhiều nơi và với nhiều người trong ngày thứ nhất ấy.  Khi hai môn đệ từ Emmaus về, đang thao thao kể cho các môn đệ khác về việc họ đã gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với họ như thế nào, Ngài đã hiện ra với tất cả mọi người ngay lúc ấy và nói với họ: “Bình an cho anh em!”  Người ta sẽ không cảm thấy giá trị của “bình an” cho đến khi họ bị giao động bởi chiến tranh, bắt bớ, bất hòa, chán nản, mất hy vọng.  Chưa bao giờ các môn đệ cần sự bình an như lúc này, khi mà họ đang hoang mang, thất vọng, sợ hãi vì vừa chứng kiến Chúa Giêsu bị giết một cách dã man trên thập giá.  Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với họ, an ủi và đem cho họ sự bình an.  Lịch sử Giáo hội hai ngàn năm qua là một lịch sử đầy những bắt bớ và thử thách.  Bởi thế, “bình an” luôn là điều Giáo hội cầu xin và mong đợi.  Có lẽ vì thế mà trong mọi Thánh lễ, mỗi ngày, ở khắp nơi trên thế giới, “bình an” luôn là lời chúc được lập đi lập lại nhiều lần trong Thánh lễ qua linh mục chủ tế: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em.”  “Bình an” cũng là một trong những điều mà Chúa Giêsu đã từng sai sai các môn đệ đi rao giảng: “Khi vào nhà nào, trước hết các con hãy chúc bình an cho nhà đó” (Lk 10:5).  Tôi có thực sự bình an?  Tôi muốn được gặp Chúa Giêsu Phục Sinh lúc này và cảm nhận sự bình an mà Ngài đang ban cho tôi.  Tôi muốn chia sẻ sự bình an của Chúa đến những ai và những nơi nào hôm nay?

2.      Trình thuật Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ trong bài đọc hôm nay cũng rất lạ.  Khi mọi người đang nói với nhau, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện đến với họ.  Ngài như không có thân xác, không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian nữa.  Thế rồi, Ngài lại có thân xác và hỏi các môn đệ có gì ăn không, và mời gọi họ đụng vào xương thịt của Ngài, để chứng minh: Ngài không phải là ma, cũng chẳng phải là chuyện của trí tưởng tượng.  Như vậy, khó có thể nói Chúa Giêsu Phục Sinh phải là như thế này hay phải là như thế kia.  Mỗi người, mỗi hoàn cảnh Chúa Giêsu Phục Sinh mạc khải cho người ấy mỗi cách, tùy theo khả năng đón nhận của họ.  Điều đó cũng có nghĩa là, dù tôi là ai, Chúa Giêsu Phục Sinh sẽ đến với tôi trong khả năng hiểu biết và đón nhận của tôi.  Điều quan trọng là yêu mến, mong đợi và mở lòng.  Tôi có ba điều này không?  Tôi muốn lắng nghe, để ý và mở lòng trong mọi nơi tôi hiện diện và mọi việc tôi làm trong ngày hôm nay.     

Phạm Đức Hạnh, SJ