Luca 2:16-21
16Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bê-lem. Họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài
Nhi đặt nằm trong máng cỏ. 17 Thấy thế, họ kể lại điều họ
đã được nghe nói về Hài Nhi này. 18 Tất cả những ai nghe
đều ngạc nhiên về những gì các người chăn chiên nói cho biết. 19 Còn
bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong
lòng. 20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn
vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ
đã được loan báo. 21 Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến
lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ
thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.
(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm
Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Hôm nay ngày đầu năm mới, Giáo
hội mừng Lễ Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, một tước hiệu đã có từ thế kỷ I, Theotokos (Theo tiếng Hy-lap có nghĩa là
Đấng cưu mang Thiên Chúa – God-bearer). Đây là một ngày lễ rất đặc biệt không chỉ mừng trong Giáo hội Công Giáo, mà cả Giáo Hội Chính Thống, các Giáo phái lớn Tin Lành. Kitô hữu trong thế kỷ đầu ấy đã không ngần
ngại gọi Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa; tuy nhiên, tước hiệu này có thể làm tôi
cảm thấy khó chịu, bởi Mẹ Ma-ri-a là một thụ tạo giống như tôi, được Thiên Chúa
dựng nên, làm sao Mẹ có thể là mẹ Thiên Chúa được? Nếu tôi có cảm giác khó chịu như vậy, cũng là
chuyện bình thường; và nếu tôi lý luận như thế, quả cũng không sai. Bởi tước hiệu này đã trở nên tranh cãi sôi
nổi vào khoảng thế kỷ V, cũng với lập luận giống tôi hôm nay. Một trong những người nổi tiếng và bị Giáo
hội kết án lạc giáo, đó là: Nestorius. Lập
luận của Nestorius là, Chúa Giêsu có hai bản tính: Thiên Chúa và Con Người, khi
Mẹ Maria cưu mang và sinh Chúa Giêsu, thì Mẹ chỉ sinh ra bản tính con người của
Chúa Giêsu thôi, chứ Mẹ không sinh ra bản tính Thiên Chúa. Vì thế chỉ nên gọi Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Chúa Kitô
chứ không thể là Mẹ Thiên Chúa. Cái sai
của ông là ở chỗ, tách biệt hai bản tính nơi Chúa Giêsu. Chính vì thế mà Công đồng Ê-phê-xô, năm 431,
đã lên án lạc thuyết Nestorius, và Giáo hội xác định Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên
Chúa, không phải Mẹ sinh ra Thiên Chúa, nhưng Mẹ sinh ra Chúa Giêsu, Ngài vừa là
Thiên Chúa thật và cũng vừa là người thật.
Hai bản tính này không thể tách rời nhau, không phải khi này Chúa Kitô
mang bản tính này và khi khác thì mang bản tính khác. Xét cho cùng, khi nói Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên
Chúa, tước hiệu này không nhằm đề cao Mẹ cho bằng, tôn vinh Chúa Kitô, Ngài là
Thiên Chúa thật, chứ không phải là một con người mà tôi tôn vinh thành
Chúa. Giáo hội đặt Lễ Mẹ Ma-ri-a là Mẹ
Thiên Chúa vào ngày đầu tiên trong năm mang một ý nghĩa tích cực là, trao phó
cả Giáo hội và nhân loại cho Đức Mẹ che chở, và trong suốt cả năm mới này được
Chúa Kitô, Đấng mà tôi thấy trong máng cỏ ngày Lễ Giáng Sinh, cũng chính là
Thiên Chúa thật đã đến trong kiếp người và trong kiếp khó nghèo đến tận cùng
của kiếp người để chia sẻ mọi đau khổ với thế giới này. Tôi muốn nói gì với Mẹ Ma-ri-a trong ngày đầu
năm? Tôi muốn nói gì với Chúa Kitô trong
giây phút đầu năm này?
2. Giáo hội chọn bài đọc của Lễ
Vọng Giáng Sinh cho ngày lễ kính Mẹ Ma-ri-a hôm nay, một lần nữa như muốn nhắc
lại xác tín của Công đồng Ê-phê-xô về Chúa Giêsu mà Đức Mẹ sinh ra, đặt nằm
trong máng cỏ, không chỉ là người thật nhưng còn là Thiên Chúa thật, được các
thiên thần ca hát khi sinh ra và được đặt tên như đã được thiên thần báo
trước. Tôi đọc lại bài đọc trên cho thật
kỹ và chiên ngắm Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, để ý tôi có dám xác tín rằng trẻ
thơ giữa chuồng bò ấy lại cũng chính là Thiên Chúa? Tôi có nghi ngờ gì về Chúa Giêsu, hãy nói
chuyện với Ngài, xin Ngài mạc khải cho tôi về Ngài? Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát,
“Mary, Mẹ Có Biết?”, sáng tác do Mark
Lowry, lời Việt do Jean Kiệt, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=d7wNC9T7a_c
Phạm Đức Hạnh, SJ