Tuesday, August 31, 2021

Thứ Tư Tuần XXII Thường Niên – Năm B –1-9-2021

Thu Tu XXII TN

Luca 4:31-37

38Đức Giê-su rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Si-môn.  Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Si-môn đang bị sốt nặng.  Họ xin Người chữa bà. 39 Đức Giê-su cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài. 40 Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người.  Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. 41 Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!”  Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Ki-tô. 42 Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi. 43 Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” 44Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giu-đê.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Tôi có thể thấy một ngày sống của Chúa Giêsu thật bận rộn, như trong bài đọc hôm nay.  Khi danh tiếng Chúa Giêsu càng ngày càng lan rộng, người ta từ tứ phương thiên hạ tuôn đến với Ngài để được nghe Ngài giảng và để được Ngài chữa lành.  Những người bệnh đã được Chúa Giêsu chữa lành là nhờ những người thân của họ mang họ đến.  Giây phút này, tôi cũng mang đến với Chúa Giêsu tất cả những người thân quen mà tôi biết, họ đang bị đủ mọi thứ đau khổ và bệnh tật từ thể lý, tâm lý, xã hội đến tâm linh.  Đặc biệt, cả thế giới đang trải qua đại dịch lúc này.  Tôi muốn mang cả thế giới vào trong giờ cầu nguyện này và đặt trước mặt Chúa.  Tôi lấy tất cả niềm tin và phó thác, tôi xin Chúa Giêsu chữa lành cho thế giới và cho những người thân quen của tôi.   

2.      Dân chúng đã nhận ra quyền năng và những việc làm của Chúa Giêsu, nên họ yêu mến Ngài đến mức muốn giữ Ngài ở lại với họ mãi.  Tôi có nhận ra Chúa Giêsu thật quan trọng và dễ mến đối với tôi đến nỗi, tôi cũng muốn giữ Chúa ở lại mãi trong tôi?  Điều gì đã khiến tôi không có thái độ mạnh mẽ với Chúa Giêsu, giống dân Do-thái xưa?  Có thể tôi không tin Chúa Giêsu lắm?  Có thể tôi không yêu Ngài lắm?  Có thể tôi đang có nhiều thứ khác, người khác, quan trọng hơn Chúa Giêsu?  Dù tôi có tâm tình nào, tôi muốn thổ lộ một cách thành thực với Chúa Giêsu trong lúc này.

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Monday, August 30, 2021

Thứ Ba Tuần XXII Thường Niên – Năm B –31-8-2021

Thu Ba XXII TN

Luca 4:31-37

31Người xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng. 32 Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền. 33 Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: 34“Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?  Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” 35 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”  Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. 36 Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào?  Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!” 37 Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Sau khi rời khỏi quê hương của Ngài, Chúa Giêsu bắt đầu đi rao giảng ở vùng kế cận.  Người ta sửng sốt về những lời Chúa Giêsu giảng, bởi cảm thấy những lời Ngài nói đầy quyền uy.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn chen chân vào đám đông ấy để được nghe Chúa Giêsu giảng chăng?  Tôi để ý, dân chúng thì sửng sốt, còn tôi cảm thấy thế nào?  Sửng sốt?  Tôi để ý cảm xúc sửng sốt này đang dẫn tôi đến gần Chúa Giêsu ra sao?  Không cảm thấy gì?  Tôi để ý có điều gì đang ngăn cản tôi khiến tôi không có cảm xúc nào?  Có thể tôi không nghe được những gì Chúa Giêsu đang nói trong tôi?  Điều gì đã khiến tôi không thể nghe được tiếng của Ngài?  Tôi nói chuyện với Chúa về khó khăn này. 

2.      Sau khi rao giảng Tin Mừng bằng lời, Chúa Giêsu rao giảng bằng hành động, Ngài trừ quỷ.  Tôi lại để ý đến bối cảnh này.  Quỷ đã nhận ra sự hiện diện và căn tính của Chúa Giêsu trước tất cả mọi người.  Tôi có nhận ra sự hiện diện của Chúa ngay trước mặt tôi lúc này không?  Nếu có, tôi để ý Chúa đang nhìn tôi như thế nào, Ngài đang muốn nói gì hay làm gì cho tôi?  Tôi mở lòng để đón nhận Ngài một cách trọn vẹn.  Nếu không nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu đang trước mặt tôi, vậy điều gì đang khiến tôi không thể nhận ra Ngài?  Vì tôi không quen biết sự hiện diện của Ngài, bởi lâu nay tôi đã chẳng có ao ước tìm gặp Ngài mỗi ngày?  Vì bận rộn bên ngoài và những xáo trộn trong tâm hồn, khiến tôi không có bình an để nhận ra sự hiện diện của Ngài trong lúc này?  Vì không tha thiết muốn biết Chúa có đang ở với tôi trong lúc này hay không?  Phải chẳng tôi đang có những cái khác lấp đầy tất cả lòng muốn của tôi, khiến tôi không còn muốn Chúa nữa?  Tôi muốn nói gì và xin Chúa giúp tôi nhận biết Chúa như thế nào trong lúc này.      

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, August 29, 2021

Thứ Hai Tuần XXII Thường Niên – Năm B –30-8-2021

Thu Hai XXII TN

Luca 4:16-22

16Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng.  Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. 17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a.  Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: 18Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.  Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19công bố một năm hồng ân của Chúa. 20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống.  Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. 21 Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” 22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một trang nhật ký rất quan trọng về hành trình rao giảng của Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu, trong bài đọc hôm nay, trở về quê hương của Ngài sau khi chịu phép rửa và sau khi cầu nguyện 40 đêm ngày trong hoang địa.  Trước khi bắt đầu hành trình rao giảng công khai, Chúa Giêsu trở về quê hương và rao giảng tại đó trước nhất.  Đây là một điểm rất đáng cho tôi suy ngẫm trong giờ cầu nguyện này.  Có lẽ, trước khi rao truyền giáo ở bất cứ nơi đâu, hãy bắt đầu từ chính nơi tôi quen thuộc và gần gũi nhất, đó là: gia đình tôi, đoàn thể tôi, sở làm của tôi và xứ đạo tôi, trước khi đi xa qua các địa phận khác.  Đồng thời, trước khi tôi truyền giáo cho những người khác, hãy bắt đầu truyền giáo cho chính tôi, tức biết sửa mình trước khi sửa người.  Đúng như Khổng Tử đã nói: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.”  Tôi muốn dành những giây phút của cầu nguyện mỗi ngày này để xét mình và sửa mình.  Có điều gì tôi cần Chúa giúp để tôi biết sửa mình và tu thân hơn?  Tôi hỏi Chúa và bàn chuyện này với Ngài.

2.      Thứ đến, điều Chúa Giêsu giảng tại quê hương của Ngài, có thể ví như Tôn Chỉ và Mục Đích của cuộc đời rao giảng công khai của Ngài.  Những gì Ngài rao giảng tại hội đường ngày hôm ấy đã là kim chỉ nam, hướng dẫn mọi suy nghĩ, lời nói và hành động cho cả cuộc đời dương thế của Ngài.  Bởi nếu tôi đọc cho đến cuối của các phúc âm, tôi sẽ thấy, chỗ nào Chúa Giêsu cũng chữa lành, an ủi, giải thoát và đỡ nâng mọi người đau khổ, giúp họ nhận ra một Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, chậm bất bình và đầy lòng khoan dung.  Tôi có thể đọc lại Tôn Chỉ và Mục Đích của Chúa Giêsu ở trên và lấy nó làm Tôn Chỉ và Mục Đích của đời sống tôi chăng?  Hoặc tôi có thể viết riêng cho tôi một Tôn Chỉ và Mục Đích cho đời sống của tôi?  Tôi có thể xin Chúa chúc lành và giúp tôi thực hiện được những gì tôi viết trong Tôn Chỉ và Mục Đích cuộc đời ấy.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, August 28, 2021

Chúa Nhật Tuần XXII Thường Niên – Năm B –29-8-2021

CN XXII TN

Mác-cô 7:1-8, 14-16

7/1Có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. 2 Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. 3 Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; 4thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. 5 Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” 6 Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. 7 Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. 8 Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm… 14 Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: 15Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. 16 Ai có tai nghe thì nghe!”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Thứ nhất phải nói ngay rằng, rửa tay trước khi ăn là một điều tốt và đúng; đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch như hiện nay, người ta không chỉ rửa tay bằng nước mà còn phải rửa tay bằng xà-phòng hoặc dung dịch sát trùng nữa.  Có thể người Do-thái đã trải qua những đại dịch trước kia, khiến rất nhiều người chết, nên họ mới có tập tục rửa tay kỹ lưỡng như vậy trước khi ăn chăng.  Điều đáng nói ở đây, đó là: lối giữ luật máy móc và hình thức mà không để ý đến chiều sâu trong tâm hồn.  Chúa Giêsu dùng ngay các chỉ trích của những người Pha-ri-sêu về chuyện không rửa tay của các tông đồ và chuyện người Do-thái để ý rửa sạch các đồ đồng để nói đến một sự thanh tẩy nội tâm.  Ngài trích dẫn lời Tiên tri Isaia rằng: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.”  Tôi muốn dừng ở câu nói này và để ý, bao lâu nay tôi đã thờ Chúa với tất cả tấm lòng hay chỉ bằng môi miệng, với tất cả trái tim hay chỉ đọc kinh rang rảng trên miệng, với tất cả sự kết thân với Chúa hay chỉ là để mong thưởng thiên đàng và vì sợ sa hỏa ngục?  Tôi đã đến với Chúa trong thái độ nào trong giờ cầu nguyện hôm nay, vì một sự khao khát muốn gặp Chúa hay vì một thói quen làm một cách vô ý thức?  Tôi nói chuyện và chia sẻ thật lòng với Chúa về con người và tấm lòng của tôi.

2.      Sau khi Chúa Giêsu chỉnh những người Pha-ri-sêu, Ngài quay qua nói với dân chúng cũng cùng một ý như vậy.  Chứng tỏ việc thờ Chúa bằng miệng mà không bằng lòng, việc trong nước sơn hơn trọng gỗ, không chỉ là vấn đề của những người Pha-ri-sêu mà thôi, mà còn là vấn đề của mọi người, trong đó có tôi.  Trước khi Chúa Giêsu nói với dân chúng, Ngài nói: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ.”  Tôi đọc lại nhiều lần những lời trên của Chúa Giêsu để nghe và hiểu cho rõ.  Nếu có điều gì tôi chưa hiểu rõ, tôi có thể hỏi Chúa Giêsu trong lúc này.       

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, August 27, 2021

Thứ Bảy Tuần XXI Thường Niên – Năm B –28-8-2021 – Lễ Thánh Augustine, Tiến Sĩ Hội Thánh

Thu Bay XXI TN

Mát-thêu 25:14-30

14[Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng]: “Có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. 15 Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người.  Rồi ông ra đi.  Lập tức, 16người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. 17 Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. 18 Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. 19 Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. 20 Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.’ 21 Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm!  Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành!  Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh.  Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’ 22 Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.’ 23Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm!  Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành!  Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh.  Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’ 24 Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. 25 Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất.  Của ông đây, ông cầm lấy!’ 26 Ông chủ đáp: ‘Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác!  Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, 27thì đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! 28 Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. 29 Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. 30 Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.’

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Có ít là hai điểm có thể giúp tôi suy niệm từ bài đọc hôm nay.  Bài đọc hôm nay là một dụ ngôn, trong đó, Chúa Giêsu khẳng định: ai trong cuộc đời này, dù họ là ai và như thế nào, tất cả đều được Thiên Chúa trao tặng cho một số nén bạc, tùy theo khả năng mỗi người.  Người năm nén, người hai nén, người một nén…  Trước hết, sự tin tưởng của Thiên Chúa đã “xem mặt gởi vàng” cho tôi.  Tôi có thấy Chúa đã trao cho tôi những nén vàng nào?  Ngài tin tưởng tôi ra sao?  Tôi sẽ nhận thấy sự tin tưởng của Chúa đối với tôi lớn như thế nào khi tôi nhận ra những nén bạc Chúa đã đặt để trong đời sống của tôi như: sức khỏe, công ăn việc làm, thời giờ, tài năng…  Tôi ngồi đây và kiểm đếm những ân sủng và những nén vàng Thiên Chúa đã tín nhiệm tôi, trao gởi cho tôi kể từ khi mới sinh.  Tôi muốn nói gì cùng Chúa trong lúc này?

2.      Thứ hai, những người nhận được những nén bạc của chủ, đã đi làm lợi thêm nhiều nén khác, chỉ có người chẳng quý trọng nén bạc họ đã nhận được mới đem đi chôn.  Tôi quý trọng những gì Chúa đã tín thác nơi tôi như thế nào?  Tôi đã làm lợi được những gì từ những nén bạc ấy hay tôi đã đem chôn?  Tôi nghĩ Chúa hạnh phúc như thế nào khi tôi khoe với Ngài về những gì tôi đã sinh lợi?  Tôi nghĩ Chúa buồn tôi như thế nào khi tôi đang chôn vùi những nén bạc ấy?  

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Thursday, August 26, 2021

Thứ Sáu Tuần XXI Thường Niên – Năm B –27-8-2021 – Lễ Thánh Monica

Thu Sau XXI TN

Luca 7:11-17

11Khi ấy, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. 12 Đức Giê-su đến gần cửa thành, đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá.  Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. 13 Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” 14 Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài.  Các người khiêng dừng lại.  Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” 15 Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói.  Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. 16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. 17 Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một câu chuyện rất hay, diễn tả cái đẹp đầy nhân tính và thần tính của Chúa Giêsu.  Trước hết, khi Chúa Giêsu và các môn đệ cùng một đám đông vừa vào đến Thành Na-in, Ngài thấy người ta đang đưa tang một người thanh niên, người con duy nhất của một bà góa.  Luca cho tôi biết, đám tang người thanh niên là người con duy nhất của một bà góa trong thành.  Trong văn hóa kỳ thị nữ giới thời bấy giờ, nữ giới đóng vai trò thứ yếu trong xã hội, họ hoàn toàn lệ thuộc vào nam giới, lấy chồng là để nương nhờ vào chồng, chồng chết phải cậy nhờ vào con trai.  Bà góa này đã mất chồng, giờ bà cũng mất nguồn sống cuối cùng là con trai của bà.  Đám đông dù có thương bà, khóc tiễn con trai cùng bà, nhưng sau đám tang, ai cũng về nhà đó, để lại bà góa này một mình trong cô quạnh, không chỗ tựa nương.  Chúa Giêsu như thấu hiểu được nỗi khốn khổ của bà, Ngài đã làm cho con trai của bà sống lại.  Đây không chỉ là một biến cố đầy ngoạn mục trước mắt dân chúng, nhưng còn là một hành động rất nhân văn và đầy tình người của Chúa Giêsu.  Leo Tolstoy, một văn hào lỗi lạc của Nga nói: “Nếu chỉ cảm thấy đau ở chính mình, đó mới chỉ là dấu hiệu cho biết bạn còn sống; nhưng nếu cảm được nỗi đau của người khác, điều đó mới chứng tỏ bạn là con người.”  Câu chuyện đầy thương cảm của Chúa Giêsu đối với bà góa Na-in trong bài đọc hôm nay muốn nói gì với tôi?  Tôi nhạy bén và quảng đại giúp đỡ những người đau khổ quanh tôi như thế nào?  Hôm nay là lễ Thánh Monica, bổn mạng của các người mẹ.  Tôi muốn cầu nguyện và làm những gì cụ thể hơn để an ủi đỡ nâng những người mẹ đã mất con trong đại dịch này, trong thời điểm đau thương của cuộc chiến tại Afghanistan, trong cơn động đất ở Haiti?

2.      Thứ hai, trong bối cảnh của Tin Mừng, câu chuyện này còn muốn nói đến chiều kích ơn cứu độ mà Thiên Chúa làm cho con người.  Hình ảnh anh thanh niên thành Na-in chết cũng là hình ảnh của nhân loại đang chết, đắm chìm trong tội lỗi.  Người ta sẽ chẳng tự thoát khỏi vòng tội lỗi, nếu không được Thiên Chúa cứu.  Đó chính là lý do Ngôi hai nhập thể, để chỉ muốn làm cho con người được sống lại và sống với Thiên Chúa.  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu về ơn cứu độ Ngài đã chết để cứu độ tôi?  Tôi muốn suy ngẫm hình ảnh Chúa cứu sống người thanh niên trong bài đọc hôm nay, để cảm nghiệm sâu hơn về ơn cứu độ của Chúa đang dành cho tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, August 25, 2021

Thứ Năm Tuần XXI Thường Niên – Năm B –26-8-2021

Thu Nam XXI TN

Mát-thêu 24:42-44

42Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến. 43 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông phải canh thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. 44 Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”

 (Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Anthony de Mello, SJ, một linh mục Dòng Tên người Ấn độ có lần nói: “Phần nhiều người ta sinh ra đã ngủ, lớn lên vẫn ngủ và chết đi chưa một lần thức!”  Ông không có ý nói đến ngủ theo kiểu mỗi khi cơ thể mệt mỏi, mắt cần nhắm lại để nghỉ ngơi cho lại sức, nhưng là cái ngủ trong tâm hồn.  Tỉnh thức có lẽ là điểm chung của nhiều tôn giáo và tôn giáo nào cũng tìm cách đưa dẫn con người ta đến, để được tự do; nơi ấy được gọi là thiên đàng (Kitô giáo), nơi ấy gọi là niết bàn (Phật giáo).  Bài đọc hôm nay Chúa Giêsu mời gọi tôi phải tỉnh thức luôn, theo một nghĩa sâu xa như Phật giáo gọi là giác ngộ và Kitô giáo gọi là thức tỉnh.  Khi ngủ, người ta chẳng làm gì cả, chẳng biết gì cả, chẳng ý thức gì cả, dù có làm gì trong lúc ngủ, người ta cũng chỉ hành động như một bản năng, hoặc bị vô thức điều khiển.  Chỉ khi nào thức, người ta mới có thể biết và làm điều mình muốn làm.  Chuyện ngủ và thức trong đời sống tâm linh cũng thế.  Trong giây phút này và có lẽ trong từng phút giây của cuộc sống tôi cần phải tự vấn luôn: tôi có thật sự đang tỉnh hay đang ngủ?  Nếu tôi đang thực sự thức, tôi có thực sự tự do?  Nếu tôi đang ngủ, tôi đã ngủ bao lâu rồi?  Có khi nào tôi đã thức?  Cái gì đang làm tôi cứ ngủ mãi mà chưa một lần thức? 

2.      Chúa Giêsu nói giờ Chúa đến như kẻ trộm, không thể hiểu một cách tiêu cực.  Điều Ngài muốn nói chính là, ranh giới giữa thức và ngủ thật mong manh, không dễ để nói tôi đang thức, trong khi tôi lại đang thật sự ngủ.  Nếu tôi thật sự tỉnh, tôi sẽ luôn thấy Chúa, luôn bình tĩnh, an vui và muốn tiếp xúc trực tiếp với Ngài.  Chỉ khi nào ngủ, tôi mới sợ hãi mỗi khi Chúa đến; tôi mới cần bám víu và phụ thuộc vào đủ mọi thứ như: tiền bạc, danh vọng, đam mê, luật lệ, lễ nghi, lối sống hằng ngày…  Cuộc sống của tôi cứ như người “chết đuối vớ cả cọng rơm”, tưởng là cọng rơm có thể cứu sống tôi nên cứ bám lấy nó mãi, không thể buông bỏ được.  Tôi muốn đọc lại những lời dạy trên của Chúa Giêsu và xin Ngài giúp tôi biết thức, muốn thức và làm thế nào để biết thức tỉnh luôn.              

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, August 24, 2021

Thứ Tư Tuần XXI Thường Niên – Năm B –25-8-2021 – Lễ Thánh Louis

 Thu Tu XXI TN

Isaia 58:6-11

6Đức Chúa phán thế này: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? 7 Chẳng phải chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? 8 Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành.  Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. 9 Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: ‘Có Ta đây!’  Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, 10nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ. 11 Đức Chúa sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi, giữa đồng khô cỏ cháy, Người sẽ cho ngươi được no lòng; xương cốt ngươi, Người sẽ làm cho cứng cáp.  Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm như mạch suối không cạn nước bao giờ.”

(Trích Sách Isaia, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay chưa phải là Mùa Chay, nhưng bài đọc trong lễ kính Thánh Louis lại là những lời khuyên phải sống chay tịnh như thế nào mới đẹp lòng Chúa.  Dù chưa phải là Mùa Chay, nhưng có lẽ việc sống và thực hành chay tịnh luôn là điều tôi cần phải làm quanh năm, chứ không phải chờ đến Mùa Chay.  Lời Tiên tri Isaia cách đây ba ngàn năm vẫn còn thức thời đối với tôi, đang sống trong thế kỷ 21 hôm nay, đó là liên đới với mọi người nghèo khổ và chống lại mọi bất công trong xã hội.  Có lẽ đây là điểm chung của mọi tôn giáo.  Một tôn giáo mà xa lạ với những người nghèo và dửng dưng trước những bất công xã hội, tôn giáo đó thật sự là một tôn giáo tồi.  Đời sống đức tin và cầu nguyện của tôi không đem lại những tác động biến đổi trước những bất công áp bức trong xã hội, không quan tâm đến những người đau khổ, thấp cổ bé họng, tôi đã không sống đức tin của tôi, tôi đang dùng tôn giáo để đánh lừa Thiên Chúa, đánh lừa cuộc đời và đánh lừa chính tôi.  Trong giây phút này, tôi muốn nhìn vào lối sống đạo và thực hành đức tin của tôi bao lâu nay.  Tôi đã sống tình liên đới với những người đau khổ quanh tôi như thế nào?  Tôi có giúp giải thoát những ai đang bị áp bức bất công, hay tôi đang tạo nên những gông cùng trên họ?

2.      Tôi đọc lại những lời trên của Isaia nhiều lần và để ý, Chúa đang mời gọi tôi phải làm gì trong cuộc sống đời thường quanh tôi và bên ngoài giờ cầu nguyện của tôi.  Tôi xin Chúa cho tôi nhạy bén nhận ra những người đau khổ và đang bị áp bức bất công quanh tôi; đồng thời, can đảm và quảng đại giúp đỡ họ.  Đây chính là những cách chay tịnh tôi phải làm và sống quanh năm, không chỉ có Mùa Chay.

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Monday, August 23, 2021

Thứ Ba Tuần XXI Thường Niên – Năm B –24-8-2021 – Lễ Thánh Ba-tô-lô-mê-ô Tông Đồ

Thu Ba XXI TN

Gioan 1:45-51

45Khi ấy, ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” 46 Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?”  Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến mà xem!” 47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” 48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?”  Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” 49 Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!” 50 Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin!  Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” 51 Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là những cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với các môn đầu tiên.  Người ta đã có thể gặp được Chúa Giêsu nhờ người khác đã giới thiệu về Ngài.  Đời sống đức tin của tôi hôm nay chắc chắn cũng đã có được nhờ những người khác đã dẫn tôi đến với Chúa và dạy cho tôi biết về Ngài.  Tôi có tâm tình gì với Chúa trong lúc này về món quà là được biết Chúa?  Tôi có thể dành dây phút này cầu nguyện cho tất cả những người đã giúp tôi đến với Chúa và gặp Chúa chẳng?  Tôi đã được gặp Chúa nhờ người khác giới thiệu, tôi có thể cũng là một người môi giới cho người khác được gặp Chúa không?  Tôi ngồi bên Chúa trong lúc này và để ý xem Ngài sẽ gởi tôi đến với những ai, và muốn tôi giới thiệu với họ về Ngài như thế nào trong ngày sống hôm nay? 

2.      Na-tha-na-en ngạc nhiên khi được giới thiệu về Chúa Giêsu xuất thân từ Na-da-rét, nhưng ông càng ngạc nhiên hơn khi ông gặp Ngài.  Thiên Chúa thường làm những điều ngạc nhiên trong cuộc sống với mọi người.  Có bao giờ tôi đã được Chúa làm cho điều này, ban cho điều kia một cách ngạc nhiên, một điều tôi không thể ngờ không?  Kinh nghiệm rất ngạc nhiên ấy đã dẫn tôi đến với Chúa và yêu mến Ngài ra sao?  Tôi muốn nói gì với Chúa về những lần Chúa đã đến với tôi và giúp tôi đến ngỡ ngàng?

Phạm Đức Hạnh, SJ  

Sunday, August 22, 2021

Thứ Hai Tuần XXI Thường Niên – Năm B –23-8-2021 – Lễ Thánh Rosa Lima

Thu Hai XXI TN

Mát-thêu 23:13, 15

13 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rằng: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả!  Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào!  Chính các người không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào.

15 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả!  Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người.

 (Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Tôi có thể đọc thấy trong bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu đã nóng điên được trước tình trạng giữ luật một cách khắt khe và máy móc của những người Pha-ri-sêu.  Họ đặt ra những rào cản và những gánh nặng cho dân chúng, khiến ai nấy cứ mang mãi những mặc cảm tội lỗi, mất tự do và không gặp được Chúa trực tiếp, nhưng phải qua họ.  Đối lập với một chỗ khác (Mt 5:1-12), Chúa Giêsu nói về Tám Mối Phúc, bài đọc hôm nay là những lời nguyền, nếu không muốn nói là, Ngài chửi những người Pha-ri-sêu.  Bài đọc hôm nay có thể là một nhắc nhở rất tốt cho tôi về cách dạy giáo lý cho con cái tôi và người khác trong các xứ đạo.  Phải chăng tôi đã bắt người ta thuộc từng lề luật, từng câu giáo lý và từng câu kinh; rồi, dựa vào sự thuộc bài hay không của họ mà tôi cho họ được lên lớp, được chịu Rước Lễ và Thêm Sức?  Nếu cuối ngày học, năm học hoặc khóa học mà họ chỉ thuộc làu, đọc rang rảng các câu kinh bổn thôi, thật sự việc dạy giáo lý này là một thất bại lớn, và tôi chẳng khác nào những người Pha-ri-sêu bị Chúa Giêsu mắng trong bài đọc hôm nay.  Việc dạy giáo lý cho người ta biết kinh bổn là cần thiết, nhưng cái cần thiết này chỉ là những giàn giáo để xây lên một tòa nhà, chứ giàn giáo không phải là tòa nhà.  Cuối một ngày học, một năm hoặc một khóa học giáo lý, người ta phải thật sự biết, yêu mến và kết thân với Chúa Giêsu, chứ không chỉ có thuộc kinh bổn.  Tôi cần phải dạy cho người học giáo lý luôn tìm cách tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu, thọc tay vào cạnh sườn Ngài, nói một cách khác tìm mọi cách tiếp cận với Ngài, chứ không phải chỉ gặp Chúa từ xa qua màn ảnh.  Tôi muốn ngồi bên Chúa trong cự ly thật gần với Ngài trong lúc này, ngả đầu vào ngực Chúa, ôm lấy Chúa, nhờ đó tôi có kinh nghiệm về Chúa để chia sẻ Chúa một cách rất thật cho người khác, chứ không bằng sách vở lý thuyết. 

2.      Là những bậc cha mẹ, anh chị, thầy cô giáo tôi đã trình bày cho những người xung quanh một Thiên Chúa như thế nào?  Có phải đó là một Thiên Chúa như một người Mẹ đầy từ tâm, nhân hậu, khoan dung, yêu thương vô điều kiện, khiến ai cũng hăm hở tìm gặp Ngài mỗi sáng tối, ngày nào không gặp thì nhớ và thèm Thiên Chúa; hay, đó là một Thiên Chúa khó tính, xét nét, nhỏ mọn, dữ như ông kẹ, chuyên rình phạt con người từ những chuyện vớ vẩn như ngủ gật, chia lòng chia trí, lỡ chay Mùa Chay, để rồi miễn cưỡng đi lễ, miễn cưỡng cầu nguyện, miễn cưỡng sống tốt chỉ vì sợ sẽ bị Chúa phạt, chỉ sợ sẽ phải sa hỏa ngục, mà chẳng có một chút lòng mến?  Tôi muốn ngồi bên Chúa mỗi ngày và muốn được đi vào trong thân tình với Thiên Chúa, để hiểu Ngài trước khi chia sẻ với bất cứ ai về Ngài.          

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, August 21, 2021

Chúa Nhật Tuần XXI Thường Niên – Năm B –22-8-2021

CN XXI TN

Ê-phê-xô 5:21-32

21Thưa anh em, vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. 22 Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, 23 vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. 24 Và như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. 25 Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; 26 như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, 27 để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. 28 Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình.  Yêu vợ là yêu chính mình. 29 Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Ki-tô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, 30 vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. 31 Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. 32 Mầu nhiệm này thật là cao cả.  Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh.

(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là những lời khuyên bổ ích cho đời sống hôn nhân gia đình.  Những lời khuyên này vẫn cần thiết cho mọi thời đại và ở mọi nơi.  Tuy nhiên, đối với các nước Phương Tây, nơi mà quyền của nữ giới đang được xem lại, sao cho nam nữ được đối xử bình đẳng, một điều rất tốt và là dấu chỉ của một trong những tiến bộ của loài người, thì những lời khuyên của Phao-lô trong bài đọc hôm nay lại dễ bị xem là tiêu cực; thậm chí, nó trở nên dị ứng với nhiều người.  Đặc biệt người ta dị ứng với câu: “Như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy.”  Trong xã hội xưa, thời Thánh Phao-lô hai ngàn năm trước, và ở nhiều nơi trong xã hội Việt Nam ngày nay vẫn còn trọng nam khinh nữ, nên hai chữ “tùng phục” đã dùng như một thuật ngữ bình thường đến quen miệng mà chẳng ai để ý đến khía cạnh tiêu cực của nó.  Trong bối cảnh của xã hội phát triển ngày nay, câu nói trên có thể được viết lại như thế này được không: “Như Hội Thánh YÊU Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng YÊU chồng trong mọi sự như vậy”?  Điều này thật đúng trong tương quan vợ chồng.  Bởi ở xã hội nào đi nữa, trong tình yêu không thể có sự phục tùng, mà chỉ có chiều lòng nhau, nhường nhịn nhau.  Tôi muốn dành giây phút này để nhìn vào đời sống hôn nhân của tôi.  Tôi đã yêu người bạn đời của tôi như thế nào?  Tình yêu giữa hai chúng tôi có đang phản ảnh tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo hội không?  Yêu chồng/vợ tôi có đang là một khó khăn như thế nào trong lúc này?  Tôi có thể ngắm nhìn tình yêu Chúa Kitô và Giáo hội, hoặc có thể nói chuyện với Chúa Kitô để tìm sức mạnh, để tìm một hướng đi đẹp cho gia đình tôi được không? 

2.      Tôi muốn đọc thật chậm những lời khuyên của Phao-lô dành cho tôi là một người vợ.  Tôi muốn đọc thật chậm những lời khuyên của Phao-lô dành cho tôi là một người chồng.  Tôi chỉ có thể làm được những gì Phao-lô khuyên khi tôi tập yêu Chúa Kitô mỗi ngày.  Chính tình yêu giữa tôi với Chúa Kitô mới cho tôi sức mạnh để hiểu, để tha thứ và để yêu vợ/chồng của tôi.  Tôi muốn lập lại lời thề hôn năm xưa với Chúa Kitô về người bạn đời của tôi và xin Ngài mưa hồng ân xuống trên gia đình chúng tôi trong lúc này.  Tôi cũng có thể đọc lại thật chậm những lời khuyên trên của Phao-lô nếu tôi là một người độc thân để, xem lại tương quan giữa tôi với Chúa Kitô như thế nào, hầu có thể giúp tôi dám yêu những người xung quanh tôi.             

Phạm Đức Hạnh, SJ