Saturday, July 31, 2021

HỘI THẢO HÔN NHÂN - GIA ĐÌNH ONLINE

Xin mọi người quảng bá và ghi danh tham dự qua đường dẫn sau: https://tinyurl.com/yj8bu88e




Chúa Nhật Tuần XVIII Thường Niên – Năm B –1-8-2021

CN XVIII TN

Ê-phê-xô 4:17, 20-24

17 Thưa anh em, đây là điều tôi nói với anh em, và có Chúa chứng giám, tôi khuyên anh em: đừng ăn ở như dân ngoại nữa, vì họ sống theo những tư tưởng phù phiếm của họ... 20 Còn anh em, anh em đã chẳng học biết về Đức Ki-tô như vậy đâu; 21 ấy là nếu anh em đã được nghe nói về Đức Giê-su và được dạy dỗ theo tinh thần của Người, đúng như sự thật ở nơi Đức Giê-su. 22 Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, 23 anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, 24 và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.

(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay được trích từ thư của Phao-lô gởi cho cộng đoàn Ê-phê-xô.  Những lời khuyên của Phao-lô thiết tưởng vẫn còn hợp với đời sống của tôi hiện nay.  Phao-lô khuyên mọi người đừng sống theo lối sống cũ, lối sống của những người không mang những giá trị của niềm tin Kitô.  Đây là một lời khuyên rất thiết thực cho mọi thời đại; khi mà, tôi mang những giá trị của niềm tin Kitô, nhưng lại phải chống chọi với nhiều cám dỗ của lối sống ngoài Kitô giáo.  Nhiều người ngoài Kitô giáo, họ được năm thê bảy thiếp và chẳng ai cấm họ ngừa thai, phá thai; trong khi đó, Kitô giáo chỉ cho phép một vợ một chồng và ngừa thai, phá thai là một trọng tội.  Nhiều hôn nhân ngoài Công giáo, đụng chuyện là đưa nhau ra tòa, là bỏ nhau, là chia cắt mọi quan hệ; trong khi đó, Công giáo lại không dễ cho phép người ta chia lìa nhau như vậy, nhưng mời gọi mọi người cầu nguyện, xét mình, hối lỗi, hoán cải và tìm mọi cách để cứu vãn hôn nhân của họ.  Nhiều người không phải Kitô hữu sống theo triết lý, mạnh được yếu thua, nên tìm mọi cách để thắng, để trục lợi cho bản thân trong mọi hoàn cảnh, và bằng mọi cách, kể cả gian lận,  chiếm đoạt; trong khi đó, Kitô hữu không được làm như vậy, trái lại phải sống theo tinh thần Tám Mối Phúc...  Phải chăng, nhiều khi tôi đã quên mất tôi là ai, căn tính của tôi là một người Kitô hữu nghĩa là gì; để rồi, tôi phân bì, tôi bước lê nặng nề trong niềm tin của tôi và cuối cùng chỉ biết chạy theo số đông bên ngoài, bất chấp mọi luân lý và lề luật của đạo?  Tôi có cảm thấy đuối sức khi sống niềm tin Kitô giữa lòng thế giới hôm nay không?  Tôi muốn ngồi bên Chúa để được tiếp sức mỗi ngày. 

2.      Phao-lô còn khuyên, tôi cần phải để cho Thần Khí Chúa biến đổi tôi, nhờ đó tôi có sức sống thánh thiện và công chính.  Đâu là những góc cạnh trong tôi cần được biến đổi để tôi trở nên công chính và thánh thiện hơn?  Tôi muốn nói chuyện cùng Chúa Thánh Thần, xin Ngài đổi mới tôi luôn, như từ một con sâu xấu xí trở thành một bướm sắc mầu hấp dẫn.

Phạm Đức Hạnh, SJ  

Friday, July 30, 2021

Thứ Bảy Tuần XVII Thường Niên – Năm B –31-7-2021 – Lễ Thánh I-nha-xi-ô Loyola

Thu Bay XVII TN

1 Cô-tin-tô 10:31-33

31Thưa anh em, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa. 32 Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là cho người Do-thái hay người ngoại, hoặc cho Hội Thánh của Thiên Chúa; 33 cũng như tôi đây, trong mọi hoàn cảnh, tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm ích lợi cho riêng tôi, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ.

(Trích Thư Cô-rin-tô I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Những lời khuyên của Thánh Phao-lô trong bài đọc hôm nay thật thiết thực cho đời sống đức tin và chứng nhân của tôi hôm nay.  Trước hết, Phao-lô kêu gọi mọi người hãy tìm mọi cơ hội trong mọi việc mình làm để vinh danh Thiên Chúa.  Đây cũng là một trong những ơn xin của Kinh Lạy Cha mà tôi vẫn đọc mỗi ngày: “Chúng con nguyện danh Cha cả sáng.”  Đây cũng là tâm nguyện của Thánh I-nha-xi-ô mà tôi mừng lễ hôm nay.  Khi còn sinh thời, trong tất cả những lá thư và văn kiện, Thánh I-nha-xi-ô thường kết thúc bằng câu: A.M.D.G, tiếng La-tinh viết là: Ad Majorem Dei Gloriam, nghĩa là Để Vinh Danh Chúa Hơn.  Tôi muốn vinh danh Chúa ngay trong giây phút này của giờ cầu nguyện, bằng cách: tạ ơn Chúa về một đêm an lành, hoặc một ngày đã qua chăng?  Tôi muốn thực hành lời khuyên của Phao-lô, tìm cách vinh danh Thiên Chúa trong ngày hôm nay như thế nào, từ việc: ăn uống, ngủ nghỉ, làm lụng, giao tiếp, phục vụ và phụng sự?

2.      Lời khuyên của Phao-lô cũng mời gọi tôi sống đời sống chứng nhân trong môi trường quanh tôi, không gây gương mù gương xấu cho bất cứ ai, dù người trong đạo cũng như người ngoài đạo, nhưng sống hiếu hòa và quảng đại với mọi người.  Lời khuyên này thật thiết thực cho tôi giữa mùa đại dịch hiện nay, không khép cửa lòng nhưng rộng mở vươn đến những người khó khăn quanh tôi.  Lời khuyên này cũng gần với tâm tình của Thánh I-nha-xi-ô, ngài nói: “Người nào mang Chúa ở trong tim, sẽ mang cả thiên đàng ở mọi nơi người ấy đến.”  Tôi muốn nói chuyện với Chúa về đời sống chứng nhân của tôi bao lâu nay.  Tôi đã nêu gương mù gương xấu hay tôi đã nêu gương tốt trong mọi môi trường sống của tôi?  Tôi xin Chúa chữa lành cho những gương xấu tôi đã gây nên cho những người xung quanh.  Tôi muốn xin Chúa giúp tôi, bắt đầu từ hôm nay, biết can đảm sống và chia sẻ niềm vui, sự hòa thuận, tình liên đới, đức yêu thương, lòng bình an… trong mọi nơi tôi sinh hoạt và hiện diện. 

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Thursday, July 29, 2021

Thứ Sáu Tuần XVII Thường Niên – Năm B –30-7-2021 – Lễ Thánh Peter Chrysologus, Giám mục và Tiến sĩ Hội Thánh

Thu Sau XVII TN

Mát-thêu 13:54-58

54Khi ấy, Đức Giê-su về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? 55 Ông không phải là con bác thợ sao?  Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao? 56 Và tất cả chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?  Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” 57 Và họ vấp ngã vì Người.  Nhưng Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương và trong gia đình mình mà thôi.” 58 Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay ghi nhận biến cố Chúa Giêsu về thăm quê, nhưng rồi Ngài đã thất vọng vì dân chúng khinh thường, không tin, chỉ bởi họ quá quen biết Ngài và gia đình của Ngài.  Thái độ “Bụt nhà không thiêng” có lẽ xảy ra ở mọi thời và trong mọi văn hóa trên thế giới.  Thái độ này có đang xảy ra ở tôi không khi mà, Thiên Chúa vẫn làm phép lạ nhãn tiền trong tôi, trong gia đình tôi và ở mọi nơi tôi sống mỗi ngày, ấy vậy mà tôi vẫn không nhận ra, và chẳng có một chút trân quý hoặc biết ơn Chúa một cách thật lòng.  Trái lại, chỗ nào có nói Chúa chảy máu, Mẹ chảy dầu, người kia linh, phép lạ chỗ này chỗ khác, tôi có thể bỏ ra rất nhiều tiền để đến những nơi ấy, cho rằng đến đó cầu nguyện mới được ơn, rồi gục đầu đánh tội, cầu nguyện thành tâm!  Có thể tôi cũng vẫn cầu nguyện ở nhà, nhưng mà chẳng tha thiết lắm và cũng chẳng tin rằng Chúa sẽ ban, cho nên cầu nguyện cho qua chuyện.  Tôi có nghĩ Chúa Giêsu cũng đang thất vọng về tôi vì Ngài chẳng làm được gì nơi tôi, gia đình tôi chỉ vì tôi không nhạy bén, thậm chí coi thường những chuyện lạ Chúa vẫn làm trong tôi và quanh tôi?  Tôi muốn nói gì với Chúa lúc này đây? 

2.      Đây là lần duy nhất Kinh Thánh ghi nhận Chúa Giêsu về thăm quê của Ngài, và không có một ghi nhận thứ hai!  Điều này cho tôi thấy, sự cứng lòng tin của họ lớn lắm đến mức “bất trị” và Chúa Giêsu thật sự bất lực đối với họ.  Tôi muốn nhìn lại đức tin của tôi có khô cứng và chai lỳ đến mức trầm trọng và lâu dài như vậy không?  Tôi muốn xin cho được mở lòng, nhạy bén trước sự hiện diện và những việc Chúa vẫn làm trong tôi, trong môi trường sống của tôi mỗi ngày, và tôi tỏ bày lòng biết ơn Ngài.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, July 28, 2021

Thứ Năm Tuần XVII Thường Niên – Năm B –29-7-2021 – Lễ Thánh Mác-ta, Maria và La-da-rô

Thu Nam XVII TN

Luca 10:38-42

38Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. 39Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. 40Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ.  Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao?  Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” 41Chúa đáp: “Mác-taMác-ta ơi!  Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! 42Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay làm nổi bật hai thái độ hoặc hai loại người thường thấy trong tôi, hoặc trong cộng đoàn của tôi.  Thứ nhất, loại người của công việc.  Họ lu bu bận rộn tối ngày, nhìn đâu cũng thấy việc, chẳng khi nào thấy họ ngưng tay ngưng chân, khi nào cũng đứng ngồi không yên.  Tôi có thấy tôi thuộc loài người này không?  Tôi có bận rộn đến tối tăm mặt mũi, chẳng có giờ cho Chúa, chẳng có giờ cho ai và cũng chẳng có giờ cho chính mình?  Tôi không chỉ bận rộn ở bên ngoài, tôi còn bận rộn cả trong tinh thần và tâm hồn nữa.  Ngay cả trong các giờ cầu nguyện, tôi cũng rất bận rộn và chẳng có một chút gì gọi là nghỉ ngơi trong Chúa?  Đảm đang và quán xuyến mọi công việc trong gia đình và đời sống là một đức tính rất tốt mà ai cũng cần phát triển, nhưng điều quan trọng tôi cần phải hỏi chính mình trong giây phút này, đó là: Chúa ở đâu trong cả một ngày sống, trong cả một giờ cầu nguyện của tôi?  Cả cuộc đời vất vả, cả một ngày bận rộn tôi được gì và mất gì?  Cuộc sống bận rộn ấy đang dẫn tôi đi đâu?  Tôi muốn dừng lại, nghỉ ngơi và chiêm ngắm Chúa đang hiện diện và ngắm nhìn tôi trong lúc này.  Tôi hít thật sâu những dưỡng khí Chúa ban và thở ra cho cuộc đời tất cả sự sống, sự thanh thản, bình an và tình yêu của Chúa trong lúc này.  Tôi để ý và đáp trả như thế nào về câu nói của Chúa Giêsu: “Con lo lắng quá nhiều chuyện!”

2.      Thứ hai, loại người của cầu nguyện.  Cầu nguyện là một nhu cầu của cuộc sống; đồng thời, cầu nguyện còn là căn tính của người có đức tin.  Tôi có phải là người của cầu nguyện?  Đời sống cầu nguyện của tôi hiện nay như thế nào?  Khô khan, nguội lạnh hay, rất đẹp và đang sinh hoa trái trong đời sống?  Có thể tôi là loại người cầu nguyện, nhưng việc cầu nguyện chăm chỉ đang biến đổi đời sống tôi ra sao?  Cầu nguyện có thúc đẩy tôi làm một điều gì đó cho chính mình, những người thân xung quanh và môi trường sống của tôi không?  Nếu cầu nguyện và rồi tôi vẫn thụ động, chẳng làm gì cả, hoặc chỉ nghĩ đến bản thân của tôi mà thôi, tôi đã cầu nguyện sai, hoặc tôi đã chẳng cầu nguyện với Chúa mà là với ma quỷ.  Tôi có cần cân bằng đời sống cầu nguyện và phục vụ của tôi không?  Hãy sống như Thánh Augustine nói: “Hãy cầu nguyện như mọi sự tùy thuộc ở Chúa, và hãy làm việc như mọi sự tùy thuộc ở mình.”  Tôi muốn nói gì với Chúa trong giây phút này?         

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, July 27, 2021

Thứ Tư Tuần XVII Thường Niên – Năm B –28-7-2021

Thu Tu XVII TN

Mát-thêu 13:44-46

44Khi ấy, Đức Giê-su kể cho dân chúng nghe dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng.  Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

45“Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. 46 Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay bao gồm hai dụ ngôn, và hai dụ ngôn này có thể được tóm gọn trong hai chữ: “Hy vọng”.  Thứ nhất, tôi có thể thấy Thiên Chúa là một Đấng đầy hy vọng.  Ngài như một thương gia rất lạc quan và đầy hy vọng, cả cuộc đời rong ruổi đi tìm cho bằng được tôi, một viên ngọc quý.  Ngài sẵn sàng bán đi tất cả để có được tôi.  Có khi nào tôi cảm thấy biết ơn và hãnh diện vì được là viên ngọc quý trong con mắt của Chúa không?  Tôi đã sống và diễn tả niềm vui, sự hãnh diện này như thế nào?  Tôi muốn dành giây phút này chiêm ngắm Chúa để nhận ra Ngài đang chiêm ngắm tôi như thế nào?  Ngài đang hãnh diện, mê ngắm nhìn tôi ra sao?  Vẻ đẹp thân xác và tâm hồn cao đẹp nơi tôi đang làm cho Chúa vui đến chừng nào?

2.      Thứ hai, tôi cũng muốn đặt cho tôi câu hỏi: Tôi thật sự đang sống lạc quan và hy vọng đến mức nào?  Tôi có thấy Thiên Chúa là một viên ngọc quý không?  Tôi khao khát đi tìm Ngài như thế nào?  Bao lâu nay tôi thật sự hăm hở tìm gặp Chúa mỗi ngày hay tôi chỉ theo Chúa kiểu nửa vời?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này? 

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Monday, July 26, 2021

Thứ Ba Tuần XVII Thường Niên – Năm B –27-7-2021

Thu Ba XVII TN

Xuất Hành 33:7-11

7Bấy giờ, ông Mô-sê lấy một chiếc lều và đem dựng cho mình bên ngoài trại, cách một quãng xa.  Ông gọi lều ấy là Lều Hội Ngộ.  Ai thỉnh ý Đức Chúa thì ra Lều Hội Ngộ, ở ngoài trại. 8 Mỗi khi ông Mô-sê ra Lều, toàn dân đứng lên, ai nấy đứng ở cửa lều mình và nhìn theo ông Mô-sê cho đến khi ông vào trong Lều. 9 Mỗi khi ông Mô-sê vào trong Lều, thì cột mây đáp xuống, đứng ở cửa Lều, và Đức Chúa đàm đạo với ông Mô-sê. 10 Khi thấy cột mây đứng ở cửa Lều, toàn dân đứng dậy; và ai nấy phủ phục ở cửa lều mình. 11 Đức Chúa đàm đạo với ông Mô-sê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau.  Rồi ông Mô-sê trở về trại; nhưng phụ tá của ông là chàng thanh niên Giô-suê, con ông Nun, thì cứ ở trong Lều, không rời khỏi đó.

(Trích Sách Xuất Hành, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay có nhiều ý có thể giúp cho đời sống cầu nguyện được đẹp hơn mỗi ngày.  Trước hết, đó là hình ảnh Mô-sê làm một cái lều để gặp Chúa và ông gọi đó là Lều Hội Ngộ.  Chúa có cần một cái lều như vậy để gặp Mô-sê không?  Dĩ nhiên, Thiên Chúa không cần một cái lều và Ngài cũng không chỉ ở trong cái lều đó mà thôi, bởi vì Ngài hiện diện ở mọi nơi.  Điều này cho tôi thấy, tôi có thể cầu nguyện ở mọi nơi, bởi đâu cũng có Chúa.  Tuy nhiên, việc làm một cái lều là cần thiết cho Mô-sê, bởi ông là người, không phải là Chúa.  Ông cần đến những hình ảnh và không gian cụ thể để giúp ông dễ dàng gặp Chúa hơn.  Đời sống cầu nguyện của tôi cũng cần bắt chước Mô-sê.  Dù biết rằng, tôi có thể cầu nguyện ở khắp mọi nơi, nhưng sẽ giúp tôi nhiều hơn khi tôi có một chỗ cầu nguyện nhất định trong ngày.  Nơi đó có thể là một góc nào đó trong nhà của tôi, một góc nào đó nơi sở làm của tôi.  Một khoảnh khắc nào đó trong lịch làm việc rất bận rộn của tôi.  Nơi đó cũng có thể là nhà thờ hoặc nhà chầu mà cả gia đình tôi có thể đến gặp Chúa hằng tuần.  Tôi có thể tạo một không gian và thời gian riêng cho đời sống cầu nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa mỗi ngày chăng?  Tôi xin cho có lòng ao ước gặp Chúa mỗi ngày, như Mô-sê đã làm năm xưa.

2.      Trong Kinh Thánh, hình ảnh cột mây trên Lều Hội Ngộ luôn là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa với dân của Ngài.  Mô-sê vào trong Lều và đàm đạo với Thiên Chúa như bạn với bạn.  Một hình ảnh thật đẹp của cầu nguyện.  Tôi có thói quen cầu nguyện nói chuyện với Thiên Chúa như bạn nói với bạn không?  Có bao giờ tôi kể Chúa như một người bạn rất thân của tôi và đến với Ngài nhỏ to chuyện vãn như bạn với bạn không?  Nếu chưa, tôi có thể thử nói chuyện với Chúa ngay bây giờ.  Ngài đang chờ và mong tôi không có một sợ hãi, xa cách, hình thức và giả dối mỗi khi đến với Ngài, nhưng phải thật thoải mái, tự tin, thành thật và đầy thân tình.  Tôi bắt đầu và để giờ ra nói chuyện với Chúa trong giây phút này.

 Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, July 25, 2021

Thứ Hai Tuần XVII Thường Niên – Năm B –26-7-2021 – Lễ Gioakim và Anna – Song Thân của Đức Mẹ

Thu Hai XVII TN

Mát-thêu 13:31-35

31Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. 32Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.”

33Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

34Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, 35hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay tôi tiếp tục cầu nguyện với hai dụ ngôn khác trong loạt bài các dụ ngôn của Chúa Giêsu.  Cả hai dụ ngôn của bài đọc hôm nay có cùng một ý nghĩa giống nhau, đó là: niềm hy vọng vào sự lớn mạnh và tác động của Nước Trời trong cuộc đời này, lớn không tưởng được.  Thiên Chúa luôn đi bước trước, Ngài làm việc liên lỉ trong âm thầm và kín đáo, chẳng ai biết được, thậm chí Ngài chẳng cần kể công với ai; ấy thế mà với thời gian, những gì Chúa làm dù rất nhỏ bé và tầm thường lại trở thành phi thương, siêu thường.  Tôi có thấy những việc Thiên Chúa làm như vậy trong tôi, trong mọi môi trường tôi sống không?  Cụ thể là cuộc đời của tôi, bắt đầu từ sự yêu thương của cha mẹ, dẫn đến sự kết hợp giữa hai mầm sống là tinh trùng và trứng của cha mẹ tôi, nhỏ bé đến mắt thường không thấy được vậy mà, khi kết hợp với nhau lại làm ra con người của tôi to lớn đến mấy chục cân hiện nay.  Cụ thể đó là những việc làm của tôi hoặc của mọi người trong cuộc đời này, có thể bắt đầu từ những suy nghĩ rất đơn sơ, tầm thường, ấy thế mà đã làm ra những tác phẩm và sản phẩm lớn cung ứng cho cả thế giới.  Tôi muốn lấy giây phút này để nhìn vào những việc Chúa đã thực hiện trong tôi, những điều tôi đã cộng tác với Ngài để làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc đời của tôi.  Tôi muốn cám ơn Chúa và xin cho được trở nên nhạy bén hơn, trân quý hơn mọi việc tôi làm dù nhỏ bé, tầm thường đến đâu, nhưng với ơn Chúa, mọi sự đều trở nên siêu thường được.

2.      Trong bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn: hạt cải và nắm men.  Hạt cải là một hạt rất nhỏ bé và men là một hợp chất không thể nhìn bằng mắt thường dùng trong tiến trình phân hủy đường, bột, trái cây thành bánh và rượu...  Có khi nào tôi nghĩ, Chúa đã đặt tôi trong gia đình, cộng đoàn và giáo hội như là Nước Trời, bắt đầu như một hạt cải nhỏ bé, hoặc như một nắm men vô hình không?  Tôi hài lòng với vai trò nhỏ bé, khiêm nhường và ẩn khuất ấy hay tôi than vãn?  Tôi có thấy cuộc đời tôi có đầy những tài năng và triển vọng mà Chúa có thể dùng để biến đổi cuộc đời này không?  Tôi có thấy sự hiện diện và những việc làm của tôi đang tác động đến những biến đổi trong gia đình và cộng đoàn tôi ra sao?  Tôi hỏi và nói chuyện với Chúa về lối sống và việc làm của tôi xem, có đang xảy ra như những gì Chúa mong đợi ở tôi?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, July 24, 2021

Chúa Nhật Tuần XVII Thường Niên – Năm B –25-7-2021

CN XVII TN

Ê-phê-xô 4:1-6

1Thưa anh em, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. 2 Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau3 Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau4 Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng5 Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. 6 Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.

(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay trích từ thư gởi Giáo đoàn Ê-phê-xô vào khoảng năm 60, lúc Phao-lô đang bị cầm tù vì đức tin.  Không giống như các thư khác khuyên các giáo đoàn hãy thận trọng trước những lạc giáo làm cho mọi người có thể dễ dàng xa lìa niềm tin vào Chúa Giêsu, lá thư Ê-phê-xô nhấn mạnh với mọi người, khi tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa là cha mọi người, mọi người cũng phải yêu thương đoàn kết với nhau.  Lá thư Ê-phê-xô chứa đựng nhiều tình cảm gắn bó với Giáo đoàn, bởi Phao-lô đã từng ở với họ trong ba năm, ngài hiểu vấn đề của Giáo đoàn có những chia rẽ và bất hòa.  Bài đọc hôm nay nói lên trọng tâm của thư Ê-phê-xô.  Những tâm tình của Phao-lô nhắn gởi Giáo đoàn Ê-phê-xô năm xưa hẳn vẫn có giá trị đối với gia đình và cộng đoàn của tôi hôm nay.  Trong một gia đình và cộng đoàn, dù cùng tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô, ấy thế mà chỗ nào cũng thấy phe này chống phe kia, người thuộc cha chính, người thuộc cha phó, người đứng về phe của mẹ, người đứng về phe của ba.  Tôi lấy những giây phút này cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong gia đình, cộng đoàn và giáo hội.  Xin cho mọi người biết tin thì cũng biết yêu. 

2.      Tôi đọc lại bài đọc trên và để ý đến những lời Phao-lô khuyên nhủ.  Tôi chọn một trong những lời khuyên, phần in đậm, trong bài đọc để tập kiến tạo tình hiệp nhất trong gia đình và cộng đoàn của tôi ngay từ hôm nay.  Tôi chú ý đặc biệt đến một điểm nào đó mà tôi thường mắc phải, để tập chừa dần những tật xấu mà tôi thường góp phần trong các cuộc chia rẽ của gia đình và cộng đoàn, chẳng hạn như: thiếu đức khiêm nhường, thiếu sự kiên nhẫn, thiếu đức yêu thương…  Tôi xin Chúa chúc lành và nâng cho quyết tâm xây dựng tình hiệp nhất và bình an của tôi.  

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, July 23, 2021

Thứ Bảy Tuần XVI Thường Niên – Năm B –24-7-2021

Thu Bay XVI TN

Mát-thêu 13:24-30

24Khi ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe dụ ngôn sau đây: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. 26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. 27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: ‘Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao?  Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?’ 28 Ông đáp: ‘Kẻ thù đã làm đó!’  Đầy tớ nói: ‘Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?’ 29 Ông đáp: ‘Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.  Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi’.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một trong những dụ ngôn trong diễn từ thứ ba của Chúa Giêsu, từ Phúc âm Mát-thêu.  Dụ ngôn này có thể gợi lên trong tôi nhiều điều để suy niệm trong giờ cầu nguyện này.  Trước hết, Chúa Giêsu nói Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng của mình.  Như vậy, Chúa Giêsu khẳng định: Thiên Chúa là người gieo giống, Ngài chỉ gieo giống tốt trong cuộc đời này, cuộc đời của tôi mà thôi, chứ không gieo cỏ lùng.  Cỏ lùng là do kẻ thù.  Điều này có thể giúp tôi xem lại cách nghĩ và nói năng của tôi bao lâu nay.  Mỗi khi có những đau khổ hoặc tai ương nào, phải chăng tôi vẫn nói: “Thánh giá Chúa gởi”?  Chúa không bao giờ gởi đau khổ đến cho con người; trái lại, Ngài luôn tìm đủ mọi cách để đồng lao cộng khổ với con người đi qua mọi khổ đau.  Trong giờ cầu nguyện hôm nay có thể tôi cần hỏi: Đâu là những cỏ lùng, những khổ đau đang phát triển rất mạnh trong cuộc đời tôi, gia đình và cộng đoàn của tôi?  Tôi đã cộng tác với Chúa như thế nào khi đối diện với những cỏ lùng ấy?  Có khi nào tôi cũng tiếp tay gieo cỏ lùng vào trong cuộc đời người khác, vào gia đình và cộng đoàn chăng?  Tôi nói gì với Chúa trong giây phút này?

2.      Thứ hai, cám dỗ nhổ cỏ là một cám dỗ rất thường trong lòng mọi người, và thường là tôi thấy người ta là cỏ, hoặc thấy cỏ trong vườn nhà người khác thôi, chứ hiếm khi tôi thấy tôi là cỏ đối với người khác, hoặc vườn nhà tôi cũng đầy cỏ mà tôi không muốn nhổ, chỉ thích nhổ cỏ nhà người ta thôi.  Thế nhưng, Chúa Giêsu không muốn tôi làm điều này.  Ngài muốn cả cỏ và lúa cùng mọc lên cho đến mùa gặt, khi ấy cỏ lùng và lúa sẽ dễ phân biệt hơn.  Điều này cho tôi thấy Chúa nhân từ biết bao và rất hy vọng nơi sự hoán cải của tôi.  Ngài luôn cho tôi cơ hội.  Ngài chờ đợi tôi một cách kiên nhẫn.  Tôi muốn nói chuyện với Chúa về những cám dỗ trong tôi về thói thích nhổ cỏ nhà hàng xóm, về thói chỉ thấy người khác là cỏ và tôi không bao giờ là cỏ.  Tôi hỏi Chúa xem, tôi phải làm gì về những cỏ lùng trong tôi và gia đình tôi.  Tôi lắng nghe và làm theo những gì Chúa chỉ dẫn. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, July 22, 2021

Thứ Sáu Tuần XVI Thường Niên – Năm B –23-7-2021

Thu Sau XVI TN

Mát-thêu 13:18-23

18Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. 19 Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. 20 Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận; 21 nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nông nổi nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. 22 Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt Lời, khiến Lời không sinh hoa kết quả. 23 Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm qua Lễ kính Thánh Maria Mác-đa-la với bài đọc riêng cho ngày lễ, và vì thế bài đọc hôm nay là nối tiếp cho bài đọc của hai ngày trước.  Bài đọc hôm nay là phần giải thích dụ ngôn cho bài đọc của hai ngày trước.  Các nhà chú giải cho rằng, phần giải thích dụ ngôn này không phải là những lời của Chúa Giêsu mà là những đúc kết từ các cộng đoàn Kito hữu thời sơ khai.  Những lời giải thích này dựa vào những kinh nghiệm có thực trong đời sống của các Kito hữu khi họ thấy, cũng lời Chúa ấy được gieo vào lòng mọi người thế mà, người này chẳng sinh hoa lợi nào, người khác lại sinh được gấp trăm, người sáu chục, kẻ ba chục…  Cách giải thích dụ ngôn như vậy có thể vẫn còn thích hợp với đời sống đức tin hiện nay.  Tôi có thể thấy sự khác biệt về kết quả của những hạt giống được gieo trong gia đình, trong động đoàn và giáo hội của tôi.  Tôi đã được đón nhận Ngôi Lời là Chúa Giêsu, gieo vào lòng tôi từ khi lãnh Bí tích Rửa tội.  Tương quan giữa tôi và Ngôi Lời chặt chẽ, mạnh mẽ, nồng nàn như thế nào?  Ngôi Lời đã được bén rễ sâu, trở thành cây và sinh hoa trái trong đời sống của tôi như thế nào?  Tôi lấy giây phút này để suy nghĩ và cầu nguyện về món quà rất lớn là Ngôi Lời đã được gieo vào cuộc đời tôi và tôi muốn có những quyết tâm nào cho Ngôi Lời được lớn mạnh trong tôi.

2.      Một trong những lo lắng và than phiền trong rất nhiều các gia đình hải ngoại hiện nay đó là con cái thờ ơ, thậm chí bỏ đạo, không còn đi lễ và cầu nguyện nữa.  Tôi muốn dành những giây phút này để suy niệm và cầu nguyện về vấn đề đức tin trong gia đình và cộng đoàn của tôi.  Phải chăng bao lâu nay tôi chỉ cho con tôi những tấm gương GIỮ ĐẠO mà chúng chưa thấy tôi SỐNG ĐẠO?  Bao lâu nay gia đình tôi và cộng đoàn vẫn chỉ lo cổ võ giữ đạo bằng cách đọc kinh, đi lễ VÌ LUẬT BUỘC?  Mọi thực hành đức tin chỉ làm như một thói quen, một cái máy không có con tim, không có một tương quan thân mật, mang tính cá vị với Thiên Chúa?  Tôi bỏ rất nhiều giờ và tiền của cho việc xây những nhà thờ thật tráng lệ, những chuyến hành hương linh địa này thánh địa kia, những cuộc rước sách và lễ nghi rất đình đám, trong khi đó một cung thánh trong đó tràn ngập yêu thương, lòng nhân ái, kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa ngay trong tâm hồn, mỗi ngày thì lại trống rỗng, vắng tanh?  Phải chăng gia đình tôi là những vệ đường, những vùng đất đầy sỏi đá và gai góc nên đức tin đã chẳng bén rễ sâu được, để ngày hôm nay con cái bỏ nhà thờ, bỏ tất cả những gì tôi đã vất vả vun trồng?  Tôi cần phải cải tạo mảnh đất gia đình và cộng đoàn của tôi như thế nào, cho nó thật sự trở thành những mảnh đất mầu mỡ để đức tin của con cái tôi được lớn mạnh?  Tôi ngồi bên Chúa Giêsu trong lúc này để xem xét lại mọi việc làm của tôi, cái nào thật sự hữu ích và cần thiết cho đời sống đức tin của con cái.  Tôi bàn chuyện này cùng Chúa Giêsu. 

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Wednesday, July 21, 2021

Thứ Năm Tuần XVI Thường Niên – Năm B –22-7-2021 – Lễ Thánh Maria Ma-đa-lê-na

Thu Nam XVI TN

Gioan 20:1-2, 11-18

1Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến.  Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

11Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc.  Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. 13 Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?”  Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” 14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. 15 Đức Giê-su nói với bà: “Này bà, sao bà khóc?  Bà tìm ai?”  Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” 16 Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a!”  Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’). 17 Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.” 18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay Giáo hội mừng lễ Thánh Maria Mác-đa-la, một vị thánh lớn trong Giáo hội, nhưng lại bị hiểu lầm một cách đáng thương suốt nhiều thế kỷ.  Trước hết, Maria là một trong những tên gọi rất phổ biến thời Chúa Giêsu; vì thế, để xác định đúng danh tính của một Maria là rất khó, nên đã xảy ra sự lẫn lộn giữa Maira này với Maria kia.  Ba người bị hiểu như là một người, đó là: Maria Mác-đa-la, một trong những môn đệ của Chúa Giêsu (Ga 20:11-18), người đàn bà tội lỗi sám hối vô danh (Lc 7:36-50), và Maria tại Bê-tha-ni, là chị em của Mác-ta và La-da-rô (Lc 10:38-42).  Sự lẫn lộn này chỉ xảy ra ở Giáo hội Tây Phương (La-mã), phát sinh từ những bài giảng Phục sinh, thế kỷ thứ 6, của ĐGH Gregory I, khi ngài cho rằng trong các phúc âm chỉ có hai người tên là Maria, một là Đức Mẹ Đồng Trinh Maria, mẹ của Chúa Giêsu, và hai là Maria Mác-đa-la, một gái điếm đã ăn năn trở lại.  Nói như vậy, ngài đã gộp các Maria khác và người đàn bà tội lỗi, ngoài Đức Mẹ Maria, thành một Maria Mác-đa-la, một gái điếm đã được Chúa Giêsu hoán cải.  Sự ngộ nhận này đã khiến cho nhiều nơi đã lấy tên Maria Mác-đa-la đặt tên cho các trung tâm dành cho các cô gái hoàn lương, hoặc những trung tâm chăm sóc các trẻ em sinh ngoài giá thú, hoặc các tiệm giặt ủi quần áo.  Nhận định của ĐGH Gregory I hoàn toàn không có cơ sở.  Trong khi đó, Thánh Ambrôsiô, Thánh Jerome, Thánh Augustinô, Thánh Albertô Cả và Thánh Tôma Aquinô (gọi Maria Mác-đa-la là tông đồ của các tông đồ) đều không công nhận ba người này là một.  Mặt khác, Giáo hội Đông Phương (Hy-lạp), ba nhân vật này là ba người khác nhau, với Thánh Maria Mác-đa-la và Thánh Maira Bê-tha-ni có những ngày lễ kính riêng biệt.  Phải đến Công đồng Vatican II, năm 1969 Giáo hội Công giáo La-mã mới phục hồi danh tính cho Maria Mác-đa-la, không phải là một gái điếm, mà là tông đồ của Chúa Giêsu.  ĐGH Phan-xi-cô đã nâng ngày lễ của Maria Mác-đa-la từ Lễ Nhớ thành Lễ Kính.  Nhìn vào lịch sử và cuộc đời bị hiểu lầm của Maria Mác-đa-la, tôi có thể nói chuyện với thánh nữ và Chúa về những lần tôi bị hiểu lầm chăng?  Sự hiểu lầm đã gây tổn thương cho tôi đến mức nào?  Tôi có thể xin Chúa chữa lành và phục hồi cho tôi chăng?          

2.      Bài đọc hôm nay là một bài đọc thật đẹp nói về Maria Mác-đa-la, một con người có một trái tim nồng nàn với Chúa Giêsu.  Chính vì bà yêu nhiều nên bà cũng đón nhận được nhiều.  Chính bà là người đầu tiên gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh.  Chính bà là người đầu tiên loan báo tin mừng phục sinh.  Điều này cho tôi thấy, tôi chỉ có thể gặp được Chúa Giêsu phục sinh khi tôi có một tình yêu sâu đậm với Ngài.  Tôi chỉ có thể mạnh dạn loan báo tin mừng phục sinh khi tôi có kinh nghiệm gặp Chúa Giêsu phục sinh.  Tôi đọc lại bài đọc trên và nhìn vào lòng tôi xem, tình yêu của tôi với Chúa Giêsu lớn như thế nào?  Có lớn đủ để tôi gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh không?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu và nói chuyện với Maria Mác-đa-la trong lúc này. 

Phạm Đức Hạnh, SJ