Mát-thêu 8:28-34
28Khi ấy, Đức Giê-su sang bờ bên kia, đến
vùng đất của dân Ga-đa-ra, thì có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón
Người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy. 29 Chúng
la lên rằng: “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây hành hạ chúng
tôi sao?” 30 Khi ấy, ở đàng xa, có một bầy heo rất đông
đang ăn. 31 Bọn quỷ nài xin Người rằng: “Nếu ông đuổi
chúng tôi, thì xin sai chúng tôi nhập vào bầy heo kia.” 32 Người
bảo: “Đi đi!” Chúng liền ra khỏi hai
người đó và nhập vào bầy heo. Thế là tất
cả bầy heo từ trên sườn núi lao xuống biển và chết đuối hết. 33 Các
người chăn heo bỏ chạy vào thành, kể lại mọi sự, và những gì đã xảy ra cho
những người bị quỷ ám. 34 Bấy giờ, cả thành ra đón Đức
Giê-su, và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ.
(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch
của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Trong Kinh Thánh, có ít là bảy câu chuyện Chúa
Giêsu đã chữa người ta khỏi bị quỷ ám; câu chuyện hôm nay có thể nói là ấn
tượng nhất. Tuy nhiên, dù là câu chuyện
quỷ ám nào, xảy ra ở đâu và thời đại nào cũng đều có một điểm chung đó là, nạn
nhân đã mất khả năng làm được những điều họ muốn. Họ đã bị thần dữ điều khiển để chỉ làm những
điều ngoài ý muốn, những điều ác, xấu xa, chia rẽ, đau khổ và hận thù. Nhìn như vậy, tôi sẽ thấy chuyện quỷ ám không
có gì là xa lạ với cuộc sống hiện nay của tôi, nó xảy ra trong tôi, trong những
người thân của tôi, trong xã hội quanh tôi, mỗi ngày. Tôi có thể lấy những giây phút này mà xem lại
mình. Có những hành động nào trong tôi
mà tôi đã mất khả năng kiểm soát? Chẳng
hạn như những thứ nghiện ngập: Rượu, ma túy, cờ bạc, tình dục, Internet, háo danh, tự cao
tự đại, tham công tiếc việc, bạo hành, nói hành nói xấu, hận thù, tham lam, độc
ác… Tôi đã kiểm soát được những điều gì
trong danh sách này, và đã kiểm soát được bao nhiêu? Tôi có cảm thấy bất lực trước những đam mê và
nghiện ngập này? Tôi muốn xin Chúa Giêsu
trừ những tà này trong tôi. Tôi muốn
được giải thoát và tự do. Tôi muốn được
sống và được làm người.
2. Một điểm có thể làm tôi rất khó hiểu, thậm chí khó chịu và bực tức ở phần cuối của câu chuyện trừ quỷ này, đến mức muốn phản đối việc làm của Chúa Giêsu, đó là: Chúa Giêsu đã cho phép quỷ nhập vào đàn heo lớn, khiến chúng lao xuống biển chết hết. Tôi có thể cảm thấy bực tức vì Chúa đã gây thiệt hại cho dân làng! Thế cho nên chẳng lạ gì, dân làng đã yêu cầu Chúa Giêsu rời khỏi họ. Có thể đây là điểm tôi cần suy niệm và cầu nguyện lâu hơn. Kinh Thánh không bao giờ được viết cho một nhóm người nào đó, ở một văn hóa và thời đại nào đó, mà là viết cho mọi người ở mọi văn hóa và thời đại. Chính vì thế, tôi có thể thấy bản văn Kinh Thánh nào cũng có tính thời sự, như thể Kinh Thánh đã được viết riêng cho tôi. Trở lại sự tiếc nuối về đàn heo. Có phải sự tiếc nuối này đã làm cho tôi chỉ nghĩ đến đàn heo mà không nghĩ đến hai người đã được chữa lành khỏi bị quỷ ám? Có khi nào tôi đã đặt sự sống con vật trên sự sống con người không? Hủy hoại bất kỳ sự sống nào cũng là không được phép. Nhưng có khi nào tôi đã cảm thấy tổn thương khi một con vật bị giết chết, trong khi đó lại dửng dưng trước những con người bị giết chết? Tôi đã mạnh mẽ bảo vệ, lên án những ai giết hại thú vật như chó, mèo, trứng đại bàng, trong khi đó tôi không hề lên tiếng và bảo vệ biết bao nhiêu thai nhi bị giết từ trong trứng nước, biết bao nhiêu trẻ em bị bán làm nô lệ tình dục, biết bao nhiêu chị em bị bạo hành trong các gia đình, biết bao nhiêu người da mầu, di dân và tị nạn bị chối bỏ và ngược đãi hằng ngày? Phải chăng tôi đã coi mạng người không bằng con vật? Dân làng đã xua đuổi Chúa Giêsu, không muốn Ngài ở lại với họ. Có khi nào tôi đã như dân làng này, cũng xua đuổi Chúa khỏi cuộc đời của tôi, bởi vì tôi quá bận, công việc tôi quan trọng hơn việc cầu nguyện bên Chúa? Bởi Chúa đến sẽ là một phiền lớn trong đời tôi vì, tôi phải thay đổi những thói xấu trong tôi, phải tha thứ, phải yêu kẻ thù, phải yêu người không cùng mầu da, không cùng niềm tin, không cùng văn hóa, không cùng quan điểm với tôi. Có lẽ vì thế mà nhiều khi, tôi đã đồng ý với nhiều người rằng: Chúa không hiện hữu; hoặc, tai sao Chúa không chết quách đi cho tôi được nhờ, để tôi khỏi bị quấy rầy! Tôi muốn gặp Chúa mỗi ngày không, hay tôi cũng giống dân làng muốn xua đuổi Chúa khỏi mọi ngày sống của tôi, điều này tôi hoàn toàn có tự do. Nếu tôi muốn xua đuổi Chúa, chắc chắn Ngài sẽ ra đi và không muốn làm phiền tôi đâu.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment