Sunday, June 6, 2021

Thứ Hai Tuần X Thường Niên – Năm B –7-6-2021

 

Thu Hai X TN

Mát-thêu 5:1-12

1Khi ấy, thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi.  Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2 Người lên tiếng dạy họ rằng:

3“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
4Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
5Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
6Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
7Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
8Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
9Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
10Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
11Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.
12Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng đã bị người ta bách hại như thế.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay được trích từ một trong các bài giảng quan trọng trên núi của Chúa Giêsu, Bát Phúc, hay Tám Mối Phúc Thật.  Đây chính là nền tảng của niềm tin Kitô giáo.  Ấy thế, nhiều người Công giáo suy nghĩ hay làm cái gì, đặc biệt khi xét mình lãnh Bí tích Hòa giải, thường chỉ nghĩ đến Mười Điều Răn, nền tảng của Do-thái Giáo, cứ như thể họ thuộc đạo Mô-sê chứ không thuộc đạo Kitô!  Buồn!  Lạ!  Tám Mối Phúc Thật nằm trong phần gọi là, Hiến Chương Nước Trời, điều này có nghĩa là mọi Kitô hữu làm gì, nghĩ gì, hành xử như thế nào và liên đới trong cuộc đời này đều phải dựa vào Hiến Chương Nước Trời mà Chúa Giêsu đã truyền dạy, Bát Phúc.  Tại sao nhiều Kito hữu lại lưu tâm đến Mười Điều Răn mà không lưu tâm đến Bát Phúc?  Có lẽ vì Bát Phúc đòi hỏi người ta đi đến một mức độ cao hơn và trưởng thành hơn trong đức tin.  Bởi, cuộc đời luôn dạy tôi phải làm giầu, tích góp vun quén cho bản thân nhiều bao nhiêu có thể, bằng mọi cách, kể cả gian lận và lừa gạt, phải là người hùng thống lĩnh thiên hạ với tất cả kiêu hãnh theo kiểu, mạnh được yếu thua, bất khoan dung, đời là ăn miếng trả miếng, mắt đền mắt răng đền răng, tránh bao nhiêu lụy phiền có thể, cách thế duy nhất để có bình an là dùng áp lực và vũ khí…; trong khi đó, Chúa Giêsu lại dạy tôi phải khiêm nhường, nghèo khó, trong sạch, xây dựng hòa bình, kiến tạo đức yêu thương và sẵn sàng chịu sự xỉ vả, hy sinh, từ bỏ chính mình…  Tôi có cảm thấy những lời dạy của Chúa Giêsu là một thách đố?  Tôi có đang gặp khó khăn với một trong những mối phúc trên?  Tôi có thấy những điều Chúa Giêsu dạy trong bài đọc hôm nay là những mối phúc hay họa?  Tôi có thể nói chuyện với Chúa Giêsu về những khó khăn, thách đố mà tôi đang gặp phải và cả những bất đồng ý kiến của tôi với Ngài nữa.  Tôi để ý Ngài sẽ trả lời tôi như thế nào.

2.      Những lời dạy Bát Phúc này đã là nguồn hứng cho Mahama Gandhi, một nhà lãnh đạo đại tài giúp giải phóng Ấn Độ khỏi thực dân Anh.  Gandhi là một vị thánh của Ấn giáo, thế nhưng ông lại rất say mê Chúa Giêsu và những lời dạy của Ngài.  Ông đã lấy Bát Phúc làm nền cho phong trào bất bạo động của ông.  Tôi có thể bắt chước Gandhi, đọc lại Bát Phúc trên nhiều lần và chọn một mối để tập sống trong ngày hôm nay?  Ngày khác tôi lại chọn mối khác để tập sống như Chúa Giêsu đã dạy. 

Phạm Đức Hạnh, SJ       

0 comments:

Post a Comment