Luca 2:41-52
41 Hằng năm,
cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. 42 Khi
Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm
trong ngày lễ. 43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé
Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. 44 Ông
bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi
tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. 45 Không thấy con
đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm. 46 Sau ba ngày,
hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe
họ, vừa đặt câu hỏi. 47 Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí
thông minh và những lời đối đáp của cậu. 48 Khi thấy con, hai
ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với
cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con
và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!" 49 Người đáp:
"Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ
không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" 50 Nhưng
ông bà không hiểu lời Người vừa nói. 51 Sau đó, Người đi xuống
cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những
điều ấy trong lòng. 52 Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn
ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.
(Trích Phúc âm Luca, bản
dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Hôm qua Giáo hội kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, hôm nay Giáo hội kính
Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tôi của Mẹ. Thông
thường, cứ lễ kính đặc biệt về Chúa Giêsu hôm trước, hôm sau là lễ kính đặc biệt
về Đức Mẹ, cứ như thể Giáo hội muốn nói: kính Con thì không thể không thương Mẹ. Giáo hội Công giáo luôn TÔN THỜ Thiên Chúa, cụ
thể là Chúa Giêsu; đồng thời, Giáo hội cũng luôn cổ võ lòng YÊU MẾN Mẹ Maria. Đây là nét nổi bật của Giáo hội Công giáo mà
các giáo phái Tin Lành không có. Khiến
cho, nhiều anh chị em Tin Lành phản ứng mạnh, cho rằng: Công giáo tôn thờ Mẹ
Maria. Đây là một sự hiểu lầm. Công giáo KHÔNG TÔN THỜ Mẹ Maria, nhưng chỉ TÔN
KÍNH Mẹ, bởi Mẹ không phải là Thiên Chúa mà chỉ là thụ tạo của Thiên Chúa. Tuy nhiên cũng phải công nhận rằng, một số ít
người Công giáo sùng kính Mẹ hơi quá, khiến dễ gây lầm tưởng. Mà người ta tỏ lòng yêu mến Mẹ nhiều, luôn chạy
đến với Mẹ hơn đến với Chúa, tưởng cũng là những phản ứng rất người. Bởi, tình mẫu tử là một tình cảm rất lớn
trong đại đa số con người và kinh nghiệm cho thấy, chạy đến mẹ thường là dễ hơn
đến với cha. Cho nên, nhiều người muốn
qua Mẹ để nhờ Mẹ dẫn họ đến với Chúa Giêsu, con của Mẹ, cũng là lẽ tự nhiên và
qua con của Mẹ để xin Ngài dẫn đến Chúa Cha. Đây cũng là cách thức mà các thánh vẫn làm, cụ
thể là Thánh I-nha-xi-ô Loyola. Tuy
nhiên, dù có yêu Đức Mẹ quá nhiều, có lẽ cuối đời, Chúa Giêsu sẽ chẳng phạt tôi
xuống hỏa ngục vì đã yêu Mẹ của Ngài quá nhiều.
Vậy, hãy chạy đến với Mẹ luôn, ngay cả trong giờ cầu nguyện này và nhờ Mẹ
giúp tôi phải hiểu và yêu Chúa Giêsu, con của Mẹ như thế nào cho đúng và cho đủ.
2.
Bài đọc hôm nay chẳng nói gì về sự vô nhiễm nguyên tội của Mẹ, như
ý nghĩa của ngày lễ hôm nay, mà chỉ tập trung vào tình mẹ con của Mẹ đối với Chúa
Giêsu khi Ngài bước vào tuổi dậy thì. Lứa
tuổi thành được gọi là “thời kỳ nổi loạn” trong quá trình trưởng thành của một
đời người, khiến cho nhiều cha mẹ ngao ngán.
Tôi có thể thấy Mẹ buồn, lo, sợ vì Chúa Giêsu, trong bài đọc hôm
nay. Tuy nhiên, tôi muốn học cách phản ứng
của Mẹ trước lời nói của Chúa Giêsu. Với
câu nói của Chúa Giêsu, nếu tôi là Đức Mẹ lúc ấy, tôi sẽ phản ứng như thế nào? Tôi sẽ làm gì? Tôi sẽ nói gì? Tôi nhìn vào những cách tôi đối diện với những
vấn đề trong gia đình, với con cái, với những người thân xung quanh, tôi đã phản
ứng như thế nào trước những việc làm của họ rất trái ý tôi? Tôi đọc lại bài đọc trên và xin Mẹ giúp tôi
chữa lành những vết thương tôi đã gây ra trong gia đình, hoặc giúp tôi tìm ra
những giải pháp tốt nhất cho những vấn đề của gia đình lúc này. Tôi để ý Mẹ sẽ nói gì với tôi về những khó
khăn tôi đang gặp phải? Có thể Mẹ cũng
chẳng biết làm gì, tôi xin Mẹ dẫn tôi đến gặp Con của Mẹ để cùng giải quyết vấn
đề. Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay
bằng lời Kinh Nữ Vương Gia Đình: “Lạy Nữ Vương gia đình, Mẹ ở đây với
chúng con, vui buồn sướng khổ, Mẹ con cùng nhau chia sẻ. Xa Mẹ chúng con biết cậy
trong ai? Đời chúng con gian nan khổ sở lắm, gia đình chúng con lông đông tối
ngày, nhưng có Mẹ ở bên chúng con, chúng con thấy quên hết ưu phiền, vui sống
qua kiếp lưu đày, mong ngày sau sung sướng cùng Mẹ muôn đời trên thiên đàng.
Amen.”
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment