Sáng Thế 18:1-8
1Ngày ấy,
Đức Chúa hiện ra với ông Áp-ra-ham tại cụm sồi Mam-rê, khi ông đang ngồi ở cửa
lều, vào lúc nóng nực nhất trong ngày. 2 Ông
ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông. Vừa thấy, ông liền từ cửa lều chạy ra đón
khách, sụp xuống đất lạy 3 và
nói: “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không
ghé thăm tôi tớ Ngài. 4 Để tôi cho lấy chút nước,
mời các ngài rửa chân rồi nằm nghỉ dưới gốc cây. 5 Tôi
xin đi lấy ít bánh, để các ngài dùng cho chắc dạ, trước khi tiếp tục đi, vì các
ngài đã ghé thăm tôi tớ các ngài đây!”
Khách trả lời: “Xin cứ làm như ông vừa nói!” 6 Ông
Áp-ra-ham vội vã vào lều tìm bà Xa-ra mà bảo: “Bà mau mau lấy ba thúng tinh bột
mà nhồi, rồi làm bánh.” 7 Ông
chạy lại đàn vật, bắt một con bê non béo tốt, giao cho người đầy tớ, và anh này
vội vã làm thịt. 8 Ông lấy sữa chua, sữa tươi
và thịt bê đã làm, mà đãi khách; rồi ông đứng hầu dưới gốc cây, đang khi khách
dùng bữa.
(Trích Sách
Sáng Thế, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Điểm nổi bật từ bài đọc hôm nay là lòng hiếu khách của Áp-ra-ham đối
với ba người khách lạ. Hiếu khách cũng là
một trong những lời dạy quan trọng trải dài suốt cả bộ Kinh Thánh, mời gọi tín
hữu hãy tỏ lòng hiếu khách với những người xa lạ. Câu chuyện hiếu khách của Áp-ra-ham đã là gợi
hứng cho một họa phẩm icon rất nổi tiếng
vào thế kỷ 15, của họa sĩ người Nga, Andrei Rublev. Icon
này được xem là nổi tiếng nhất trong tất cả các icon của Nga. Icon của Andrei đầy tính biểu tượng. Ba vị khách lạ trong icon được diễn tả qua dung mạo ba thiên thần, thường được hiểu là Ba
Ngôi Thiên Chúa. Hình ảnh thiên thần bên
trái trong hình là Chúa Cha, thiên thần ở giữa là Chúa Con và thiên thần bên phải
là Chúa Thánh Thần. Tư thế đầu hơi cúi của Chúa Con
và của Chúa Thánh Thần chỉ sự vâng phục Chúa Cha, tuy nhiên cả ba đều ngồi ở một
vị thế ngang nhau, nói lên sự bình đẳng với nhau. Hình ảnh Ba Ngôi Thiên Chúa được sắp xếp sao
cho các đường nét trên cơ thể họ tạo thành một hình tròn, diễn tả sự vĩnh hằng,
hài hòa, bình an, yêu thương, hiệp nhất gắn bó với nhau. Hình ảnh bàn tay của Chúa Cha (thiên thần bên
trái) như đang chúc lành và đẩy cái chén, trong đó có hình đầu con bê non, về
phía Chúa Con (thiên thần ở giữa), ám chỉ về sứ mạng cứu chuộc của Chúa Con. Đôi
cánh thiên thần bên trái và thiên thần ở giữa lồng vào nhau diễn tả sự gắn bó giữa Chúa Cha
và Chúa Con; trong khi đó, cánh của Chúa Thánh Thần không chạm vào cánh của Chúa
Con do bị chia cắt bởi ngọn giáo của Chúa Con, ám chỉ thời đại Chúa Con và Chúa
Thánh Thần giao thoa ở cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Con. Hậu cảnh, phía sau Chúa Cha là một ngôi nhà,
có thể là nhà của Áp-ra-ham, ám chỉ về công trình sáng tạo của Chúa Cha, cây sồi Mamre
bên cạnh Chúa Con, ở giữa icon, ý nói
đến cây của sự sống, và ngọn núi Moriah, phía sau Chúa Thánh Thần, biểu tượng của
sự thăng tiến trong đường tâm linh nhờ sự trợ giúp che chở của Chúa Thánh Thần.
Mầu xanh trên áo của vị ở giữa tượng trưng cho
thần tính và mầu nâu tượng trưng cho nhân tính.
Mầu xanh lam trong áo Chúa Thánh Thần tượng trưng cho thần tính. Mầu
xanh lá cây của cây ở giữa tượng trưng cho sự sống mới. Toàn bức họa rực lên mầu vàng chói để nói về
vương quyền của Thiên Chúa. Cuối cùng,
điểm rất khéo trong bức icon này là Ba
Ngôi Thiên Chúa ngồi ở thế vòng tròn mở, mời gọi con người cùng vào bàn với Ba Ngôi Thiên
Chúa. Tôi có thể vào bàn với Ba Ngôi Thiên
Chúa lúc này không? Tôi cảm thấy sẵn sàng, mau mắn hay ngại ngùng sợ hãi không muốn vào bàn với Thiên Chúa? Cái gì đang giữ chân tôi lại? Lần này, không phải Áp-ra-ham
mà là Ba Ngôi Thiên Chúa thiết đãi tôi. Tôi
sẽ nói gì với Ba Ngôi Thiên Chúa? Tôi để
ý Ngài sẽ bàn chuyện gì với tôi.
2. Áp-ra-ham hiếu khách với người xa lạ, không ngờ đó là Thiên Chúa, và Ngài đã tỏ lòng cám ơn ông bằng việc chúc lành cho ông bà sinh con, trong tuổi đã rất già. Bài đọc về lòng hiếu khách hôm nay đang nói gì với tôi? Tôi có phải là người rất hiếu khách không? Tôi có những khó khăn, ngờ vực hoặc sợ hãi nào mỗi khi đón tiếp người xa lạ không? Tôi chia sẻ những điều này với Chúa và xin Ngài giúp tôi vượt qua những trở ngại này. Tôi cũng có thể lấy lời khuyên của Thư Do-thái để biết can đảm, mở lòng và hiếu khách hơn: “Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết” (Dt 13:2).
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment