Wednesday, June 16, 2021

Thứ Năm Tuần XI Thường Niên – Năm B –17-6-2021

 Thu Nam XI TN

Mát-thêu 6:7-15

7Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. 8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. 9 “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: ‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, 10triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. 11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; 12xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; 13xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.’ 14 “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. 15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục dạy các môn đệ phải cầu nguyện như thế nào.  Trước hết, Ngài nói: khi cầu nguyện đừng lải nhải nhiều lời.  Có lẽ không ai thích người nào đó cứ lải nhải bên mình đến, ê tai nhức óc.  Tôi có phải là loại người thường lải nhải đến lẩm cẩm trong cầu nguyện?  Tôi muốn theo lời Chúa Giêsu dạy về cầu nguyện và từ nay sẽ không lải nhải với Chúa nữa.  Bởi cầu nguyện là yêu, mà yêu không cần nhiều lời.  Kế tiếp, Chúa Giêsu nói: Thiên Chúa đã biết rõ tôi cần gì, trước khi tôi cầu xin.  Câu nói này có làm tôi thôi cầu nguyện?  Bởi Chúa đã biết hết, việc gì tôi phải cầu nguyện nữa?  Dĩ nhiên Chúa biết trước mọi điều tôi xin, vì thế cầu nguyện không phải là nhắc nhở Chúa cho bằng nhắc nhở tôi, làm cho tôi ý thức rõ hơn những thiếu thốn trong tôi và biết nương tựa vào Ngài hơn.  Quan trọng hơn, cầu nguyện là đi vào tương quan thân mật với Thiên Chúa.  Nếu tôi thường xuyên đến với Chúa trong những chia sẻ với Ngài về những khó khăn, vui buồn trong tôi, tương quan giữa tôi với Chúa cũng từ đó mà lớn lên.  Cầu nguyện không chỉ là xin ơn, nhưng còn giúp tôi nhận ra cách thức Chúa hiện diện và liên hệ với tôi mỗi ngày.  Cuối cùng, cầu nguyện không chỉ là cầu xin, nhưng còn là tôn thờ, mến yêu và cảm tạ Thiên Chúa.  Khi tôi yêu ai, tôi muốn người ấy được nghe biết từ miệng lưỡi tôi tấm lòng yêu mến của tôi.  Khi tôi biết ơn ai, tôi không chỉ giữ sự biết ơn trong lòng, nhưng diễn tả qua lời nói và hành động.  Tôi muốn cám ơn Chúa điều gì, diễn tả tình cảm giữa tôi với Ngài như thế nào và cậy nhờ Ngài điều chi lúc này?  Tôi mạnh dạn đến với Chúa trong giây phút này.

2.      Chúa Giêsu còn dạy các môn đệ phải cầu xin những gì trong cầu nguyện, qua Kinh Lạy Cha.  Trước hết, những điều tôi cần xin là quy hướng về Chúa, sau mới xin những nhu cầu của tôi.  Kinh Lạy Cha là một lời kinh rất quen thuộc với mọi Kitô hữu; tôi đọc kinh này có lẽ hằng ngày và trong mọi Thánh Lễ.  Tôi đã ý thức tôn thờ Thiên Chúa như thế nào?  Tôi đã nguyện cho danh thánh Chúa được nhận biết trong cuộc đời này ra sao?  Tôi đã xin cho ý Chúa thể hiện dưới đất cũng như trên trời hay, ý tôi thể hiện dưới đất cũng như trên trời?  Chúa Giêsu kết thúc lời dạy này bằng cách nhấn mạnh đến sự tha thứ.  Tôi đã sống đức tha thứ như thế nào mỗi ngày, khi Chúa không ngừng tha thứ cho tôi?  Tôi muốn nói với Chúa điều gì trong lúc này?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng Kinh Lạy Cha, và để cho những lời kinh này dẫn dắt cả ngày sống của tôi.       

Phạm Đức Hạnh, SJ   

0 comments:

Post a Comment