Wednesday, June 30, 2021

Thứ Năm Tuần XIII Thường Niên – Năm B –1-7-2021

Thu Nam XIII TN

Mát-thêu 9:1-8

1Khi ấy, Đức Giê-su xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình. 2 Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường.  Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, tội con được tha rồi!” 3 Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: “Ông này nói phạm thượng.” 4 Nhưng Đức Giê-su biết ý nghĩ của họ, liền nói: “Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy? 5 Trong hai điều: một là bảo: “Tội con được tha rồi”, hai là bảo: “Đứng dậy mà đi”, điều nào dễ hơn? 6 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội - bấy giờ Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Đứng dậy, vác giường mà đi về nhà!” 7 Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà. 8 Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Trong những ngày này, các bài đọc phúc âm thường là những câu chuyện về những phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm.  Chẳng hạn, câu chuyện trong bài đọc hôm nay là một phép lạ Chúa Giêsu chữa một người bại liệt.  Tôi có thể thấy người bị bại liệt (bài đọc hôm nay) và hai người bị quỷ ám (bài đọc hôm qua) có cùng một điểm chung, đó là: họ không thể tự làm những điều mà họ muốn.  Để làm được một điều gì, họ phải nương nhờ rất nhiều ở sự giúp đỡ của những người xung quanh.  Người bại liệt hôm nay không thể tự mình đến với Chúa Giêsu được, nhưng phải nhờ lòng tốt của những người xung quanh.  Tôi có thể lấy chi tiết này mà suy niệm trong giờ cầu nguyện này.  Ai là những người đã dẫn tôi gặp Chúa cho đến ngày hôm nay?  Người đó có thể là cha mẹ của tôi, đã đem tôi vào tương quan với Thiên Chúa hiện nay.  Người đó có thể là những người thân, bạn bè đã thúc đẩy tôi đến gặp Chúa khi tôi tội lỗi, thất vọng, chán nản, mất niềm tin vào Thiên Chúa, cảm thấy Chúa không còn thương tôi hoặc có thể tha thứ cho tôi.  Họ đang ở đâu, còn sống hay đã qua đời?  Tôi muốn cầu nguyện và tạ ơn Chúa về cuộc đời của họ.  Ai là những người đang muốn gặp Chúa?  Tôi có thể là người bạn tốt giúp họ gặp Chúa Giêsu không?  

2.      Bại liệt là một chứng bệnh thuộc về thể lý.  Tuy nhiên, trong văn hóa hữu thần Do-thái giáo xưa xem, cuộc sống rất đa dạng bao gồm nhiều khía cạnh: thể lý, tâm lý, sinh lý, xã hội và tâm linh; đặc biệt, chúng liên kết chặt chẽ với nhau.  Cuộc sống của tôi không thể lành mạnh về tâm hồn, nếu thể lý, hay tâm lý, hoặc xã hội của tôi bệnh hoạn.  Chính vì cái hiểu này, Chúa Giêsu đã nói người bại liệt, “Này con, cứ yên tâm, tội con được tha rồi!”  Khi Chúa Giêsu tha tội cho người bại liệt, anh ta đã có thể tự đứng lên và vác chõng ra về.  Giây phút này có thể là cơ hội tốt để tôi nhìn lại mọi góc cạnh của cuộc sống và để ý, tôi đã sống lành mạnh và quân bình như thế nào?  Đâu là những góc cạnh mà Chúa đang mời gọi tôi phải quan tâm lưu ý và thay đổi?  Tôi xin Chúa cho tôi được ánh sáng và giúp tôi biết phân định.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, June 29, 2021

Thứ Tư Tuần XIII Thường Niên – Năm B –30-6-2021

Thu Tu XIII TN

Mát-thêu 8:28-34

28Khi ấy, Đức Giê-su sang bờ bên kia, đến vùng đất của dân Ga-đa-ra, thì có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón Người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy. 29 Chúng la lên rằng: “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông?  Chưa tới lúc mà ông đã đến đây hành hạ chúng tôi sao?” 30 Khi ấy, ở đàng xa, có một bầy heo rất đông đang ăn. 31 Bọn quỷ nài xin Người rằng: “Nếu ông đuổi chúng tôi, thì xin sai chúng tôi nhập vào bầy heo kia.” 32 Người bảo: “Đi đi!”  Chúng liền ra khỏi hai người đó và nhập vào bầy heo.  Thế là tất cả bầy heo từ trên sườn núi lao xuống biển và chết đuối hết. 33 Các người chăn heo bỏ chạy vào thành, kể lại mọi sự, và những gì đã xảy ra cho những người bị quỷ ám. 34 Bấy giờ, cả thành ra đón Đức Giê-su, và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Trong Kinh Thánh, có ít là bảy câu chuyện Chúa Giêsu đã chữa người ta khỏi bị quỷ ám; câu chuyện hôm nay có thể nói là ấn tượng nhất.  Tuy nhiên, dù là câu chuyện quỷ ám nào, xảy ra ở đâu và thời đại nào cũng đều có một điểm chung đó là, nạn nhân đã mất khả năng làm được những điều họ muốn.  Họ đã bị thần dữ điều khiển để chỉ làm những điều ngoài ý muốn, những điều ác, xấu xa, chia rẽ, đau khổ và hận thù.  Nhìn như vậy, tôi sẽ thấy chuyện quỷ ám không có gì là xa lạ với cuộc sống hiện nay của tôi, nó xảy ra trong tôi, trong những người thân của tôi, trong xã hội quanh tôi, mỗi ngày.  Tôi có thể lấy những giây phút này mà xem lại mình.  Có những hành động nào trong tôi mà tôi đã mất khả năng kiểm soát?  Chẳng hạn như những thứ nghiện ngập: Rượu, ma túy, cờ bạc, tình dục, Internet, háo danh, tự cao tự đại, tham công tiếc việc, bạo hành, nói hành nói xấu, hận thù, tham lam, độc ác…  Tôi đã kiểm soát được những điều gì trong danh sách này, và đã kiểm soát được bao nhiêu?  Tôi có cảm thấy bất lực trước những đam mê và nghiện ngập này?  Tôi muốn xin Chúa Giêsu trừ những tà này trong tôi.  Tôi muốn được giải thoát và tự do.  Tôi muốn được sống và được làm người.

2.      Một điểm có thể làm tôi rất khó hiểu, thậm chí khó chịu và bực tức ở phần cuối của câu chuyện trừ quỷ này, đến mức muốn phản đối việc làm của Chúa Giêsu, đó là: Chúa Giêsu đã cho phép quỷ nhập vào đàn heo lớn, khiến chúng lao xuống biển chết hết.  Tôi có thể cảm thấy bực tức vì Chúa đã gây thiệt hại cho dân làng!  Thế cho nên chẳng lạ gì, dân làng đã yêu cầu Chúa Giêsu rời khỏi họ.  Có thể đây là điểm tôi cần suy niệm và cầu nguyện lâu hơn.  Kinh Thánh không bao giờ được viết cho một nhóm người nào đó, ở một văn hóa và thời đại nào đó, mà là viết cho mọi người ở mọi văn hóa và thời đại.  Chính vì thế, tôi có thể thấy bản văn Kinh Thánh nào cũng có tính thời sự, như thể Kinh Thánh đã được viết riêng cho tôi.  Trở lại sự tiếc nuối về đàn heo.  Có phải sự tiếc nuối này đã làm cho tôi chỉ nghĩ đến đàn heo mà không nghĩ đến hai người đã được chữa lành khỏi bị quỷ ám?  Có khi nào tôi đã đặt sự sống con vật trên sự sống con người không?  Hủy hoại bất kỳ sự sống nào cũng là không được phép.  Nhưng có khi nào tôi đã cảm thấy tổn thương khi một con vật bị giết chết, trong khi đó lại dửng dưng trước những con người bị giết chết?  Tôi đã mạnh mẽ bảo vệ, lên án những ai giết hại thú vật như chó, mèo, trứng đại bàng, trong khi đó tôi không hề lên tiếng và bảo vệ biết bao nhiêu thai nhi bị giết từ trong trứng nước, biết bao nhiêu trẻ em bị bán làm nô lệ tình dục, biết bao nhiêu chị em bị bạo hành trong các gia đình, biết bao nhiêu người da mầu, di dân và tị nạn bị chối bỏ và ngược đãi hằng ngày?  Phải chăng tôi đã coi mạng người không bằng con vật?  Dân làng đã xua đuổi Chúa Giêsu, không muốn Ngài ở lại với họ.  Có khi nào tôi đã như dân làng này, cũng xua đuổi Chúa khỏi cuộc đời của tôi, bởi vì tôi quá bận, công việc tôi quan trọng hơn việc cầu nguyện bên Chúa?  Bởi Chúa đến sẽ là một phiền lớn trong đời tôi vì, tôi phải thay đổi những thói xấu trong tôi, phải tha thứ, phải yêu kẻ thù, phải yêu người không cùng mầu da, không cùng niềm tin, không cùng văn hóa, không cùng quan điểm với tôi.  Có lẽ vì thế mà nhiều khi, tôi đã đồng ý với nhiều người rằng: Chúa không hiện hữu; hoặc, tai sao Chúa không chết quách đi cho tôi được nhờ, để tôi khỏi bị quấy rầy!  Tôi muốn gặp Chúa mỗi ngày không, hay tôi cũng giống dân làng muốn xua đuổi Chúa khỏi mọi ngày sống của tôi, điều này tôi hoàn toàn có tự do.  Nếu tôi muốn xua đuổi Chúa, chắc chắn Ngài sẽ ra đi và không muốn làm phiền tôi đâu.       

Phạm Đức Hạnh, SJ     

Monday, June 28, 2021

Thứ Ba Tuần XIII Thường Niên – Năm B –29-6-2021 – Lễ Hai Thánh Phê-rô và Phao-lô, Tông Đồ

Thu Ba XIII TN

Mát-thêu 16:13-19

13Khi ấy, Đức Giê-su đến miền Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” 14 Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, người khác lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” 15 Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” 16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” 17 Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay bao gồm hai câu hỏi quan trọng, rất đáng để tôi suy niệm trong giờ cầu nguyện này.  Thứ nhất, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Con Người là ai?”  Nếu Chúa Giêsu hỏi tôi câu hỏi này, trong giây phút này, tôi sẽ trả lời Ngài như thế nào?  Đây là câu hỏi rất dễ trả lời, bởi tôi đã nghe thế nào tôi nói lại như vậy.  Tôi đã nghe Giáo hội nói gì về Chúa Giêsu?  Tôi ôn lại giáo lý mà tôi đã học.  Câu trả lời này rất nhất quán.  Cha mẹ, thầy cô đã nói gì với tôi về Chúa Giêsu?  Câu trả lời này đến từ kinh nghiệm trong gia đình và học đường, có thể rất đa dạng, phong phú, nhưng có thể có những lệch lạc.  Tôi đã nghe cuộc đời này nói gì về Chúa Giêsu?  Câu trả lời này đa dạng nhất và có thể có rất nhiều đối chọi từ những người tôn thờ Chúa Giêsu như là Thiên Chúa, đến những người tôn trọng Ngài như một vĩ nhân, lại có những người chỉ thích Ngài như một siêu sao, và cuối cùng, không loại trừ những người không tin, thậm chí ghét bỏ, chống đối Ngài.  Tôi có thể kể cho Chúa Giêsu nghe tất cả những gì tôi đã nghe mọi người nói về Ngài.  Tôi để ý Chúa Giêsu có những phản ứng gì.  Tôi chọn ra câu trả lời nào mà Chúa Giêsu ưng ý nhất, và muốn giữ lại, còn câu trả lời nào sai tôi loại ra khỏi tâm trí tôi. 

2.      Thứ hai, Chúa Giêsu dường như không quan tâm lắm đến những gì người ta nói về Ngài.  Nên Ngài hỏi tiếp các môn đệ: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?”  Nếu Chúa Giêsu hỏi tôi câu hỏi này, trong lúc này, tôi sẽ trả lời Ngài ra sao?  Tôi không thể trả lời câu hỏi này từ giáo lý, cũng không thể từ Giáo hội, cha mẹ, thầy cô hoặc thế giới nói về Chúa Giêsu.  Tôi chỉ có thể trả lời câu hỏi này từ những kinh nghiệm riêng tư, cá vị và mật thiết giữa tôi với Chúa Giêsu.  Là Kitô hữu bao nhiêu năm, tôi biết gì về Chúa Giêsu?  Tôi dành giây phút này và thành thật trả lời Ngài.  Tôi để ý Chúa Giêsu vui và hài lòng về câu trả lời của tôi không?  Tôi hài lòng về câu trả lời của tôi không, hay tôi cảm thấy chưa biết đủ về Chúa Giêsu, thậm chí chẳng biết gì về Ngài?  Tôi sẽ làm gì để từ hôm nay có thể xây đắp một tương quan mang tính cá vị, thân mật và thân thương với Chúa Giêsu?  Tôi có thể nói chuyện, tâm tình với Chúa Giêsu mỗi ngày, bắt đầu từ hôm nay.       

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, June 27, 2021

Thứ Hai Tuần XIII Thường Niên – Năm B –28-6-2021 – Lễ Thánh Irenaeus Giám Mục, Tử Đạo

Thu Hai XIII TN

Sáng Thế 18:16-33

16Từ cụm sồi Mam-rê, ba người khách đứng dậy và nhìn xuống phía Xơ-đôm.  Ông Áp-ra-ham cùng đi để tiễn khách. 17 Đức Chúa phán: “Ta có nên giấu Áp-ra-ham điều Ta sắp làm chăng? 18 Áp-ra-ham sẽ trở thành một dân tộc lớn mạnh, và nhờ nó mọi dân tộc sẽ được chúc phúc. 19 Thật vậy, Ta đã chọn nó, để nó truyền cho con cái nó và gia tộc nó sau này phải giữ đường lối của Đức Chúa mà thực hiện điều công minh chính trực; như thế Đức Chúa sẽ làm cho Áp-ra-ham điều Người đã phán về nó.” 20 Đức Chúa phán: “Tiếng kêu trách Xơ-đôm và Gô-mô-ra thật quá lớn!  Tội lỗi của chúng quá nặng nề! 21 Ta phải xuống xem thật sự chúng có làm như tiếng kêu trách đã thấu đến Ta không. Có hay không, Ta sẽ biết.”

22Hai người kia bỏ nơi đó mà đi về phía Xơ-đôm, nhưng Đức Chúa còn đứng lại với ông Áp-ra-ham. 23 Ông lại gần và thưa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? 24 Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao?  Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? 25 Ngài làm như vậy, chắc không được đâu!  Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu!  Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?” 26 Đức Chúa đáp: “Nếu Ta tìm được trong thành Xơ-đôm năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó.”

27Ông Áp-ra-ham lại nói: “Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa: 28 Giả như trong số năm mươi người lành lại thiếu mất năm, vì năm người đó, Ngài sẽ phá huỷ cả thành sao?”  Chúa đáp: “Không!  Ta sẽ không phá huỷ, nếu Ta tìm được bốn mươi lăm người.” 29 Ông lại thưa một lần nữa: “Giả như trong thành tìm được bốn mươi người thì sao?”  Chúa đáp: “Vì bốn mươi người đó, Ta sẽ không làm.”

30Ông nói: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói tiếp: Giả như ở đó có ba mươi người thì sao?”  Chúa đáp: “Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không làm.” 31 Ông nói: “Con xin mạn phép thưa với Chúa: Giả như tìm được hai mươi người thì sao?”  Chúa đáp: “Vì hai mươi người đó, Ta sẽ không phá huỷ.” 32 Ông nói: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao?”  Chúa đáp: “Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đôm.”

33Sau khi phán với ông Áp-ra-ham, Đức Chúa đi, còn ông Áp-ra-ham thì trở về nhà.

(Trích Sách Sáng Thế, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một câu chuyện rất đẹp về cuộc thương lượng giữa Áp-ra-ham với Thiên Chúa.  Câu chuyện này có thể giúp tôi hiểu nhiều về thế nào là cầu nguyện.  Trước hết, cầu nguyện là nói chuyện với Thiên Chúa, như hai người rất thân với nhau, thành thật, sẵn sàng chia sẻ, bộc bạch mọi tâm tư suy nghĩ cho nhau.  Nói chung, cầu nguyện là tiếng nói từ tận cõi lòng, không cần theo công thức đã được viết sẵn, không nói ba hoa giả tạo bên ngoài, không nhiều lời, lải nhải một cách lẩm cẩm.  Cầu nguyện đôi khi còn là đôi co, thương lượng và tranh cãi với Thiên Chúa.  Tôi muốn nói gì với Chúa trong giờ cầu nguyện này?  Tôi có thường hay tâm sự, chia sẻ, đôi co, thương lượng với Thiên Chúa, hay giờ cầu nguyện của tôi chỉ là làm như cái máy, làm lấy lệ, làm cho xong, đầy giả tạo?  Có một chút gì chìm đắm sâu lắng trong lòng tôi và tạo nên một sự biến đổi tích cực trong đời sống của tôi, sau mỗi giờ cầu nguyện hoặc sau một thời gian cầu nguyện?

2.      Câu chuyện hôm nay cũng rất đẹp ở lời cầu nguyện đầy tính thương lượng của Áp-ra-ham với Chúa về dân thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra.  Trước hết, Áp-ra-ham cầu xin cho sự an lành xuống trên dân Xơ-đôm và Gô-mô-ra.  Có khi nào tôi bước vào giờ cầu nguyện, tôi chỉ nghĩ đến nhu cầu và an sinh của người khác và cầu nguyện cho họ, hay chỉ nghĩ đến tôi?  Tôi muốn cầu nguyện cho ai trong lúc này?  Hãy mạnh dạn nói chuyện và gởi gắm họ cho Chúa.  Thứ đến, cuộc thương lượng của Áp-ra-ham với Thiên Chúa cho tôi thấy, Ngài thật nhân hậu và đầy yêu thương con người, trước những sai lầm và yếu đuối của họ.  Điều này có làm cho tôi vững tin vào Chúa hơn không, dù tôi tội lỗi như thế nào?  Chỉ vì một nhóm người ngào đó tốt lành, thậm chí chỉ có 10 người, vậy mà Chúa đã tha cho cả dân thành hư đốn.  Cuộc sống từ thời Áp-ra-ham đến nay vẫn đầy dẫy những tội ác khắp nơi, nhưng vẫn còn đứng vững cho đến ngày nay, phải chăng đó là nhờ có những con người rất tốt trong cuộc đời này?  Tôi có gặp những người tốt lành nào quanh tôi chưa?  Tôi có thể cám ơn họ vì đời sống tốt lành của họ chăng?  Tôi có thể là một trong 10 người tốt lành để cứu cả đại gia đình tôi, cả xứ đạo tôi, cả đất nước của tôi không?  Tôi suy nghĩ về ơn gọi của tôi bằng việc cộng tác với Thiên Chúa để cứu nhân độ thế, ngay hôm nay.    

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Saturday, June 26, 2021

Chúa Nhật Tuần XIII Thường Niên – Năm B –27-6-2021

CN XIII TN

Mác-cô 5:21-43

21Khi ấy, Đức Giê-su xuống thuyền, sang bờ bên kia.  Một đám rất đông tụ lại quanh Người.  Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. 22 Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới.  Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, 23 và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi.  Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống.” 24 Người liền ra đi với ông.  Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.

25Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, 26 bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều, đến tán gia bại sản, mà bệnh vẫn không thuyên giảm, lại còn thêm nặng là khác. 27 Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo choàng của Người. 28 Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa.” 29 Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. 30 Ngay lúc đó, Đức Giê-su nhận thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” 31 Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: ‘Ai đã sờ vào tôi?’” 32 Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. 33 Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình.  Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. 34 Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con.  Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

35 Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” 36 Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” 37 Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. 38 Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy cảnh ồn ào và người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. 39 Người bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại ồn ào và khóc lóc như vậy?  Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” 40 Họ chế nhạo Người.  Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, rồi đưa cha mẹ đứa trẻ và những kẻ theo Người, cùng đi vào nơi nó đang nằm. 41 Người cầm lấy tay nó và nói: “Ta-li-tha kum”, có nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” 42 Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi.  Và lập tức, người ta sửng sốt kinh ngạc. 43 Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.

 (Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một câu chuyện rất đặc biệt từ Phúc âm Mác-cô.  Trước hết, đây là đoạn văn thể hiện rất rõ về cách viết đặc biệt của Mác-cô.  Ngài cấu trúc câu chuyện theo kiểu “bánh mì kẹp thịt”, tức là câu chuyện đầu tiên được tách ra làm hai phần như thể hai lớp bánh mì và nhét một câu chuyện khác như phần thịt vào giữa.  Như tôi có thể thấy Mác-cô đã tách làm hai câu chuyện của viên trưởng hội đường Gia-ia đến cầu cứu Chúa Giêsu chữa cho con gái của ông và chen câu chuyện người đàn bà vô danh bị băng huyết vào giữa.  Trong cách kể chuyện như vậy, Mác-cô đã so sánh và đối chiếu rất cẩn thận.  Chẳng hạn Mác-cô đã tách gần đều về số câu của câu chuyện ông trưởng hội đường.  Toàn bộ câu chuyện của ông trưởng hội đường có số câu cũng tương đương với số câu trong câu chuyện người đàn bà vô danh.  Số tuổi của bé gái cũng bằng số năm của người đàn bà vô danh bị băng huyết.  Sự đối lập giữa viên trưởng hội đường và người đàn bà vô danh này cũng khá lý thú: Trưởng hội đường là nam, người bị băng huyết là nữ; ông có danh còn bà này vô danh; ông được biết với địa vị của ông là trưởng hội đường, bà này được biết với cái bệnh khốn nạn mà bà phải chịu một cách khổ sở, đến tán gia bại sản; ông đi tới trước mặt Chúa Giêsu, bà này lén lút đi sau mong được đụng đến gấu áo của Ngài; ông đi có đám đông dạt ra, tránh lối, còn bà này lén lút, khổ sở chen chân mới tới được Chúa Giêsu.  Tuy nhiên, toàn bộ câu chuyện kết thúc mới đáng chú ý làm sao: Ông Gia-ia là trưởng đền thờ, có danh phận, đáng lẽ ra ông phải là người có niềm tin mạnh mẽ; ấy vậy mà, Chúa Giêsu lại phải mượn đức tin của người đàn bà vô danh để củng cố đức tin cho ông: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi!”  Đây chính là điều tôi thường thấy trong Kinh Thánh.  Chúa hay dùng những người dân ngoại, vô danh tiểu tốt, thất học, thấp kém không có địa vị trong xã hội để dạy cho những hàng lãnh đạo, những hạng tự kiêu tự đại, những người vênh vang tự đắc là con nhà có đạo phải xấu hổ.  Có khi nào Chúa cũng đã dùng tôi để làm cho đức tin của ai đó mạnh mẽ hơn chăng?  Tôi cảm thấy thế nào khi tôi được Chúa dùng?  Có khi nào Chúa cũng đã dùng con cái tôi, những người thua kém tôi về mặt học thức, về tiền bạc, về địa vị trong xã hội, là người ngoại giáo để dạy tôi bài học về đức tin không?  Tôi cảm thấy thế nào trước những bài học của Chúa?  Đức tin của tôi hiện giờ như thế nào?  Chúa có thể dùng nó để giúp cho những người xung quanh không?  Tôi muốn được mở lòng và xin được Chúa sai đi và dùng tôi cho ước mơ của Ngài hôm nay. 

2.      Tôi đang có những khó khăn nào và đức tin đang giúp gì cho tôi?  Tôi có cảm thấy khó khăn để chia sẻ niềm tin của tôi cho người khác không?  Tôi có cảm thấy cách thực hành đức tin của tôi đang tạo những ảnh hưởng tốt hay xấu trên con cái?  Đức tin của tôi đang tạo những biến đổi như thế nào trong cuộc sống thường ngày và trong mọi tương quan giữa tôi với những người xunh quanh và cộng đồng xã hội của tôi?  Tôi lấy giây phút này để nhìn lại và xin Chúa tiếp tục thánh hóa tôi.     

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, June 25, 2021

Thứ Bảy Tuần XII Thường Niên – Năm B –26-6-2021

Sáng Thế 18:1-8

1Ngày ấy, Đức Chúa hiện ra với ông Áp-ra-ham tại cụm sồi Mam-rê, khi ông đang ngồi ở cửa lều, vào lúc nóng nực nhất trong ngày. 2 Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông.  Vừa thấy, ông liền từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy 3 và nói: “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài. 4 Để tôi cho lấy chút nước, mời các ngài rửa chân rồi nằm nghỉ dưới gốc cây. 5 Tôi xin đi lấy ít bánh, để các ngài dùng cho chắc dạ, trước khi tiếp tục đi, vì các ngài đã ghé thăm tôi tớ các ngài đây!”  Khách trả lời: “Xin cứ làm như ông vừa nói!” 6 Ông Áp-ra-ham vội vã vào lều tìm bà Xa-ra mà bảo: “Bà mau mau lấy ba thúng tinh bột mà nhồi, rồi làm bánh.” 7 Ông chạy lại đàn vật, bắt một con bê non béo tốt, giao cho người đầy tớ, và anh này vội vã làm thịt. 8 Ông lấy sữa chua, sữa tươi và thịt bê đã làm, mà đãi khách; rồi ông đứng hầu dưới gốc cây, đang khi khách dùng bữa.

 (Trích Sách Sáng Thế, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Điểm nổi bật từ bài đọc hôm nay là lòng hiếu khách của Áp-ra-ham đối với ba người khách lạ.  Hiếu khách cũng là một trong những lời dạy quan trọng trải dài suốt cả bộ Kinh Thánh, mời gọi tín hữu hãy tỏ lòng hiếu khách với những người xa lạ.  Câu chuyện hiếu khách của Áp-ra-ham đã là gợi hứng cho một họa phẩm icon rất nổi tiếng vào thế kỷ 15, của họa sĩ người Nga, Andrei Rublev.  Icon này được xem là nổi tiếng nhất trong tất cả các icon của Nga.  Icon của Andrei đầy tính biểu tượng.  Ba vị khách lạ trong icon được diễn tả qua dung mạo ba thiên thần, thường được hiểu là Ba Ngôi Thiên Chúa.  Hình ảnh thiên thần bên trái trong hình là Chúa Cha, thiên thần ở giữa là Chúa Con và thiên thần bên phải là Chúa Thánh Thần.  Tư thế đầu hơi cúi của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần chỉ sự vâng phục Chúa Cha, tuy nhiên cả ba đều ngồi ở một vị thế ngang nhau, nói lên sự bình đẳng với nhau.  Hình ảnh Ba Ngôi Thiên Chúa được sắp xếp sao cho các đường nét trên cơ thể họ tạo thành một hình tròn, diễn tả sự vĩnh hằng, hài hòa, bình an, yêu thương, hiệp nhất gắn bó với nhau.  Hình ảnh bàn tay của Chúa Cha (thiên thần bên trái) như đang chúc lành và đẩy cái chén, trong đó có hình đầu con bê non, về phía Chúa Con (thiên thần ở giữa), ám chỉ về sứ mạng cứu chuộc của Chúa Con.  Đôi cánh thiên thần bên trái và thiên thần ở giữa lồng vào nhau diễn tả sự gắn bó giữa Chúa Cha và Chúa Con; trong khi đó, cánh của Chúa Thánh Thần không chạm vào cánh của Chúa Con do bị chia cắt bởi ngọn giáo của Chúa Con, ám chỉ thời đại Chúa Con và Chúa Thánh Thần giao thoa ở cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Con.  Hậu cảnh, phía sau Chúa Cha là một ngôi nhà, có thể là nhà của Áp-ra-ham, ám chỉ về công trình sáng tạo của Chúa Cha, cây sồi Mamre bên cạnh Chúa Con, ở giữa icon, ý nói đến cây của sự sống, và ngọn núi Moriah, phía sau Chúa Thánh Thần, biểu tượng của sự thăng tiến trong đường tâm linh nhờ sự trợ giúp che chở của Chúa Thánh Thần.  Mầu xanh trên áo của vị ở giữa tượng trưng cho thần tính và mầu nâu tượng trưng cho nhân tính.  Mầu xanh lam trong áo Chúa Thánh Thần tượng trưng cho thần tính.  Mầu xanh lá cây của cây ở giữa tượng trưng cho sự sống mới.  Toàn bức họa rực lên mầu vàng chói để nói về vương quyền của Thiên Chúa.  Cuối cùng, điểm rất khéo trong bức icon này là Ba Ngôi Thiên Chúa ngồi ở thế vòng tròn mở, mời gọi con người cùng vào bàn với Ba Ngôi Thiên Chúa.  Tôi có thể vào bàn với Ba Ngôi Thiên Chúa lúc này không?  Tôi cảm thấy sẵn sàng, mau mắn hay ngại ngùng sợ hãi không muốn vào bàn với Thiên Chúa?  Cái gì đang giữ chân tôi lại?  Lần này, không phải Áp-ra-ham mà là Ba Ngôi Thiên Chúa thiết đãi tôi.  Tôi sẽ nói gì với Ba Ngôi Thiên Chúa?  Tôi để ý Ngài sẽ bàn chuyện gì với tôi. 

2.       Áp-ra-ham hiếu khách với người xa lạ, không ngờ đó là Thiên Chúa, và Ngài đã tỏ lòng cám ơn ông bằng việc chúc lành cho ông bà sinh con, trong tuổi đã rất già.  Bài đọc về lòng hiếu khách hôm nay đang nói gì với tôi?  Tôi có phải là người rất hiếu khách không?  Tôi có những khó khăn, ngờ vực hoặc sợ hãi nào mỗi khi đón tiếp người xa lạ không?  Tôi chia sẻ những điều này với Chúa và xin Ngài giúp tôi vượt qua những trở ngại này.  Tôi cũng có thể lấy lời khuyên của Thư Do-thái để biết can đảm, mở lòng và hiếu khách hơn: “Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết” (Dt 13:2).      

Phạm Đức Hạnh, SJ   

Thursday, June 24, 2021

Thứ Sáu Tuần XII Thường Niên – Năm B –25-6-2021

Thu Sau XII TN

Sáng Thế 17:1, 15-22

1Khi ông Áp-ram được chín mươi chín tuổi, Đức Chúa hiện ra với ông và phán: “Ta là Thiên Chúa Toàn Năng.  Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo…”

15Thiên Chúa phán với ông Áp-ra-ham: “Xa-rai, vợ ngươi, ngươi không được gọi tên là Xa-rai nữa, nhưng tên nó sẽ là Xa-ra. 16 Ta sẽ chúc phúc cho nó, Ta còn cho nó sinh cho ngươi một con trai. Ta sẽ chúc phúc cho nó, nó sẽ trở thành mẹ của chư dân; vua chúa các dân tộc sẽ phát xuất từ nó.” 17 Ông Áp-ra-ham cúi rạp xuống; ông cười và nghĩ bụng: “Đàn ông trăm tuổi mà có con được sao? Còn bà Xa-ra đã chín mươi tuổi mà sinh đẻ được sao?” 18 Ông Áp-ra-ham thưa với Thiên Chúa: “Ước chi Ít-ma-ên được sống trước nhan Ngài!” 19 Nhưng Thiên Chúa phán: “Không đâu!  Chính Xa-ra, vợ ngươi, sắp sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ đặt tên cho nó là I-xa-ác.  Ta sẽ lập giao ước của Ta với nó; đây sẽ là giao ước vĩnh cửu cho dòng dõi nó sau này. 20 Còn về Ít-ma-ên, Ta nghe lời ngươi xin: Này Ta chúc phúc cho nó, Ta sẽ cho nó sinh sôi nảy nở ra nhiều, thật nhiều.  Nó sẽ sinh ra mười hai đầu mục, Ta sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn. 21 Nhưng giao ước của Ta thì Ta lập với I-xa-ác, đứa con mà Xa-ra sẽ sinh cho ngươi vào độ này sang năm.” 22 Sau khi phán với ông Áp-ra-ham, Thiên Chúa từ giã ông mà đi lên.

(Trích Sách Sáng Thế, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trước hết, số tuổi của Áp-ram trong bài đọc hôm nay không thể là tuổi thật.  Bởi thứ nhất, tuổi thọ thời đó rất thấp, thọ lắm chỉ khoảng 60.  Thứ hai, đây là kiểu nói thường dùng trong Kinh Thánh để nói, một người nào đó sống lâu là do Chúa chúc phúc.  Đồng thời, số tuổi lớn như vậy là có ý nói, mối dây liên kết giữa những lời hứa của Chúa với con người là trung thực và liên tục vì được truyền qua một người duy nhất chứ không phải qua trung gian của bất cứ ai.  Áp-ram được 99 tuổi, Thiên Chúa đã hiện ra, lập lại giao ước với ông, lập lại những lời hứa với ông và kêu mời ông sống trung thành với giao ước năm xưa.  Giờ cầu nguyện hôm nay có thể là giây phút tôi cũng muốn ôn lại những lời thề ước tôi đã có với Chúa, với người khác, và xin cho được trung thành trong những thề ước ấy.  Có thể tôi cũng cám ơn Chúa về một chặng đường đã qua, Chúa đã cùng đi và nâng đỡ tôi sống trung thành với những thề ước ấy.  Cũng có thể là giây phút tôi muốn xin lỗi về những vấp ngã, thiếu trung thành trong những lời thề ước, và xin được chữa lành, làm lại cam kết năm xưa; đồng thời, xin những ơn đặc biệt giúp tôi đi trọn con đường còn lại của lời thề ước. 

2.     Bài đọc hôm nay cho biết, Áp-ram đã 99 tuổi và Chúa gặp ông, nói cho ông biết lời Ngài hứa năm xưa, rằng ông sẽ con nối dõi tông đường.  Áp-ram nghe vậy nên lẩm bẩm: “Đàn ông trăm tuổi mà có con được sao?  Còn bà Xa-ra đã chín mươi tuổi mà sinh đẻ được sao?”  Sự lẩm bẩm của Áp-ram nói lên ít là hai điều: thứ nhất, Thiên Chúa cũng biết hài đấy chứ!  Vì làm sao người ta có thể sinh con vào tuổi ấy được?  Thứ nhì, lời lẩm bẩm này có thể cũng hàm chứa chút trách móc: Tưởng Chúa quên rồi chứ!  Dầu sao, cuối cùng Áp-ram và Xa-ra đã có con nối dõi tông đường, một ước mơ mà ông bà đã cầu xin cả đời.  Điều này cho tôi thấy, con đường đức tin luôn luôn là con đường đầy thách đố, lắm lúc như tuyệt vọng.  Nhưng câu chuyện của Áp-ram và Xa-ra mời gọi tôi: dù thế nào không được tuyệt vọng.  Dù nhiều lúc tôi có cảm thấy bế tắc, không còn lối đi, câu chuyện trong bài đọc hôm nay mời gọi tôi hãy cứ tin luôn.  Có điều gì tôi mong ước, cầu xin bao lâu nay mà chưa được chăng?  Tôi cảm thấy chán nản không?  Tôi nói chuyện với Chúa và để ý xem Ngài sẽ nói gì với tôi.  Tôi cũng có thể đọc lại câu chuyện trên và nói chuyện với Áp-ram và Xa-ra để tìm sự nâng đỡ.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Tình Chúa Trung Kiên” của Gm Nguyễn Năng – Lm Nguyễn Hưng, với sự trình bày của Tấn Đạt, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=9iDN7UshTsg

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, June 23, 2021

Thứ Năm Tuần XII Thường Niên – Năm B –24-6-2021 – Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

Thu Nam XII TN

Luca 1:57-66, 80

57Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58 Nghe biết Chúa đã rộng lòng thương xót bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. 59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không được!  Phải đặt tên cháu là Gio-an.” 61 Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” 62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.”  Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ.  Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. 66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?”  Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em… 80 Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh.  Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là lễ mừng sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, một vị thánh lớn trong Giáo hội.  Giờ cầu nguyện hôm nay, bằng trí tưởng tượng, tôi muốn đi vào biến cố rất đặc biệt này của gia đình Da-ca-ri-a, Ê-li-sa-bét và Gioan.  Bởi Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét là một cặp vợ chồng hiếm muộn, già rồi mới sinh được một người con, Gioan.  Bình thường, tiệc sinh nhật hàng năm của một ai đã là một ngày vui, được kể là một trong những biến cố đặc biệt trong năm.  Đối với những gia đình hiếm muộn, mong mỏi mãi mới được một mụn con, tiệc sinh nhật chắc chắn là một sự kiện không thể bỏ qua và không thể mừng cho qua loa.  Chắc chắn, tiệc mừng ấy không phải chỉ vì theo phong trào hoặc phong tục, người ta mừng thì tôi cũng mừng, nhưng tôi sẽ mừng ngày này với tất cả niềm vui và lòng biết ơn: trước nhất, với Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng tôi người con; sau nữa, biết ơn vì sự nâng đỡ và an ủi của mọi người xung quanh.  Ngay bài đọc hôm nay cũng cho tôi thấy, cặp đôi hiếm muộn này đã biết ơn Thiên Chúa biết chừng nào khi dám đặt tên cho con của họ một cách phá lệ.  Theo phong tục thời bấy giờ, người ta thường lấy tên người cha đặt cho con.  Trong khi đó, ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét lại đặt tên cho con là Gioan.  Gioan trong tiếng Do-thái có nghĩa là, ân sủng Chúa ban; Gioan có thể mang một tên tương đương trong tiếng Việt, đó là: Hồng Ân.  Có lẽ cha mẹ nào cũng cân nhắc thật kỹ khi đặt tên cho con của mình.  Cái tên ấy chứa đựng cả bầu trời ước mơ của cha mẹ về con.  Cái tên ấy cưu mang một tấm lòng của mẹ cha đối với Thiên Chúa, trước món quà sự sống mà họ đang bồng bế trên tay.  Từ câu chuyện đặt tên của gia đình Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét, tôi muốn nhìn vào cha mẹ tôi đã đặt cho tôi cái tên mà tôi đang có hôm nay.  Tôi cầu nguyện và tạ ơn Chúa cho cha mẹ tôi.  Tôi biết ơn và trân quý cái tên của tôi như thế nào?  Tôi cám ơn Chúa về món quà sự sống mà Ngài đã sinh ra tôi trong cuộc đời này.  Tôi có thể hỏi Chúa xem Ngài thích tên của tôi như thế nào.  Tôi đã đặt tên cho ai bao giờ chưa?  Tôi đã đặt tên của chúng là gì, với ý nghĩ gì và với tâm tình nào?  Tôi cầu nguyện cho từng người con ấy.   

2.      Bài đọc hôm nay có nhiều sự lạ.  Sự lạ về sự hiếm muộn của Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét có con trong tuổi già.  Sự lạ về cách đặt tên cho Gioan.  Tất cả những sự lạ này đều quy chiếu về Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa của những sự ngạc nhiên.  Tôi có thể nhìn vào đời sống của tôi, có những gì Chúa đã làm cho tôi mà tôi không ngờ?  Có những gì Chúa đã làm cho tôi ngoài sức tôi đợi mong?  Tôi muốn cám ơn Chúa.  Có những gì tôi cầu khẩn và chờ đợi hoài mà thấy Chúa như chẳng cho?  Tôi nói chuyện với Ngài về nỗi thất vọng và mệt mỏi này.

Phạm Đức Hạnh, SJ