Tuesday, October 13, 2020

Thứ Tư Tuần XXVIII Thường Niên – Năm A – 14-10-2020

Thu Tu 28 TN

Luca 11:42-46

42Khi ấy, Đức Giê-su nói: “Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu!  Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ. 43 Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu!  Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng. 44 Khốn cho các người! Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.”

45 Một người trong số các nhà thông luật lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa!” 46 Đức Giê-su nói: “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật!  Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay nối tiếp bài đọc hôm qua, và tôi có thể thấy Chúa Giêsu tiếp tục “cho mấy người Pha-ri-sêu một bài học”.  Tội nghiệp cho ông Pha-ri-sêu đã mời Chúa Giêsu đến!  Nhưng những điều Chúa Giêsu dạy cho mấy người Pha-ri-sêu, không chừng cũng có thể áp dụng cho tôi nữa.  Có phải tôi cũng rất tốt trong những vấn đề đi lễ, rước kiệu, dâng hoa, chầu Thánh Thể hàng giờ, bỏ tiền giỏ nhà thờ mỗi tuần, bán quán ăn giáo xứ mỗi tháng, nhưng tôi lại dửng dưng trước những áp bức bất công đang xảy ra trong gia đình và xã hội đối với những người nghèo, người di dân và tị nạn, người nữ, người đồng tính, người thiểu số, người già, và thai nhi?  Có thể ông Pha-ri-sêu năm xưa sẽ chẳng bao giờ mời Chúa Giêsu đến nhà của ông nữa; thế còn tôi, tôi có còn muốn cầu nguyện, muốn gặp Chúa nữa không, khi Ngài có thể sẽ chất vấn tôi về những vấn đề này trong giờ cầu nguyện hôm nay?  Chúa Giêsu sẽ nói với tôi  như thế nào về những vấn đề này?  Liệu Chúa cũng sẽ cho tôi một bài học và gọi tôi là: “Đồ giả hình”?  Tôi để ý Chúa Giêsu muốn tôi vươn đến những ai, xoa dịu đau khổ ở những nơi nào, trong môi trường sống quanh tôi.  Lạy Chúa, xin cho con biết tỉnh thức, nhạy bén, biết xoa dịu, và tranh đấu không mệt mỏi cho những ai quanh con đang bị áp bức bất công, bị xua đuổi và bị khử trừ trong cuộc đời này.     

2.      Trong những người cùng ăn chung, những người thông luật tưởng họ tốt hơn và sẽ không bị Chúa Giêsu mắng như Ngài đã mắng những người Pha-ri-sêu; ai ngờ, họ cũng bị Chúa Giêsu “mắng xối xả”!  Nếu tôi đọc tiếp sau bài đọc hôm nay, tôi sẽ thấy Chúa Giêsu còn mắng những người thông luật đến câu 52 nữa!  Cuối cùng, Chúa Giesu giận quá, chắc bỏ đói ra về, còn những người Pha-ri-sêu và thông luật thì ghét Chúa Giêsu ra mặt.  Những người thông luật là những người làm luật, họ đã đặt ra hàng trăm thứ luật và áp đặt trên người khác, bắt họ phải giữ, trong khi đó chính họ lại không giữ.  Có thể tôi không phải là những nhà lập pháp cho một chính quyền, nhưng tôi có thể làm ra đủ mọi thứ luật và điều kiện trong gia đình, trường học, hội đoàn, dòng tu, và trong tương quan với bạn bè.  Tôi đã đặt ra đủ mọi thứ luật và tiêu chuẩn, đòi hỏi những người khác phải tuân theo.  Có những luật và tiêu chuẩn tôi đặt ra, hoặc vay mượn từ các thế hệ trước, áp dụng lên người khác một cách máy móc, đầy khắt khe, thiếu nhân bản, và thiếu tình người.  Đôi khi những đòi hỏi nghiêm ngặt của tôi chỉ là những ức chế tâm lý về những bất toàn và thất bại của tôi trong quá khứ; tôi đã chẳng làm được, nay tôi áp đặt lên người khác, bắt người khác còng lưng gánh vác và chịu đựng.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi trả lời như thế nào với Chúa Giêsu về những đòi hỏi và áp đặt của tôi đối với những người dưới quyền tôi?  Tôi để ý xem Chúa Giêsu muốn tôi, hôm nay, cần phải gỡ bỏ những gánh nặng nào cho những người thân quanh tôi?  Tôi xin Chúa giúp tôi trở nên nhạy bén và can đảm làm những gì Chúa Giêsu mong đợi ở tôi.       

Phạm Đức Hạnh, SJ  

0 comments:

Post a Comment