Saturday, October 17, 2020

Chúa Nhật Tuần XXIX Thường Niên – Năm A – 18-10-2020

CN 29 TN

Mát-thêu 22:15-21

15Khi ấy, những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy. 16 Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa.  Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. 17 Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?” 18 Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ đạo đức giả! 19 Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!” Họ liền đưa cho Người một quan tiền. 20 Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” 21 Họ đáp: “Của Xê-da.”  Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay cho tôi thấy những người Pha-ri-sêu mang trong đầu của họ những ác ý, bàn chuyện với nhau cho một kế hoạch ác tâm, ác đức, gài bẫy hại người công chính, đó là Chúa Giêsu.  Sự cám dỗ bao giờ cũng bắt đầu bằng những gì tôi rất thích, rất yêu qua những con đường và cánh cửa như: con mắt, lỗ tai, cái miệng, và đặc biệt lòng đạo đức.  Một khi sự ác đã “lọt cửa” tâm hồn tôi, chúng sẽ dần dần dẫn tôi ra cửa của chúng.  Tôi có thể thấy những người Pha-ri-sêu đã gài bẫy Chúa Giêsu bằng lối mòn của ma quỉ: Họ bắt đầu bằng những lời khen Chúa Giêsu, sau đó, một cách khéo léo, đưa câu hỏi ra để gài bẫy Ngài.  Kiểu cám dỗ này có thể gợi cho tôi nhớ lại diễn tiến cơn cám dỗ của con rắn với Tổ phụ A-đam và E-và.  Sự khác biệt là: Tổ phụ A-đam và E-và đã thua, còn Chúa Giêsu thì thắng.  Tôi có kinh nghiệm về cám dỗ như thế nào?  Có giống kiểu cám dỗ của người Pha-ri-sêu, hay của con rắn không?  Chúa Giêsu đã vượt thắng được cơn cám dỗ, còn tôi thế nào?  Tôi học được gì từ những cám dỗ ấy?  Tôi có thể đọc lại chiến thuật của những người Pha-ri-sêu đã bày ra để gày bẫy Chúa Giêsu, để hiểu về cách thức sự dữ đã dẫn dắt họ và có thể cũng hay dẫn dắt tôi hại chính mình và người khác.  Tôi đang phải chiến đấu với những cám dỗ nào?  Tôi có đang bị sự dữ điều khiển để cám dỗ người khác?  Tôi thấy cách thức sự dữ, trong bài đọc hôm nay, đang ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của tôi như thế nào, đặc biệt mỗi khi tôi phải bầu cử, bình chọn những lãnh đạo trong xã hội, giáo hội, giáo xứ, đoàn thể của tôi?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu để xin tiếp sức và khôn ngoan trước mọi cám dỗ.  

2.      Chúa Giêsu đã thoát cạm bẫy của những người Pha-ri-sêu bằng câu đã trở thành nổi tiếng: “Của Xê-da hãy trả cho Xê-da, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.”  Người Do-thái mang hai “quốc tịch”: 1) Dân riêng của Chúa; 2) Dân bị đô hộ bởi La-mã.  Họ phải có trách nhiệm cho cả hai, mặc dù họ rất ghét người La-mã.  Chúa Giêsu, không phải là chính trị gia, Ngài đã không xúi họ chống La-mã.  Ngài là một Mê-si-a, nên đã nhắc nhở những người Pha-ri-sêu không chỉ có trách nhiệm với xã hội, nhưng còn phải có trách nhiệm với Thiên Chúa nữa.  Tôi có suy nghĩ gì về câu nói này?  Câu nói này thức tỉnh lối sống của tôi ra sao?  Tôi cũng là một công dân mang ít nhất hai quốc tịch: 1) Nước Trời, và 2) Nước Tôi (Đất nước tôi đang sống).  Tôi chu toàn vai trò và trách nhiệm công dân đa quốc gia của tôi như thế nào?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu về trách nhiệm và vai trò công dân đa quốc gia của tôi, làm thế nào tôi rất tốt với đời thì tôi cũng rất đẹp đạo nữa! 

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment