Saturday, October 24, 2020

Chúa Nhật Tuần XXX Thường Niên – Năm A – 25-10-2020

 

CN 30 TN

Mát-thêu 22:34-40

34Khi ấy, nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. 35 Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: 36 “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” 37 Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38 Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất. 39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 40 Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Do-thái giáo từ cổ thời đã được duy trì bằng một hệ thống luật pháp rất cồng kềnh và chặt chẽ, bao gồm 613 những luật cấm và những luật buộc.  Bài đọc hôm nay nói, một người thông luật đến hỏi thử Chúa Giêsu, điều răn nào trọng nhất.  Đã thông luật, chắc chắn ông ta phải biết điều răn nào quan trọng nhất, không cần phải hỏi.  Chúa Giêsu trả lời: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.”  Với câu trả lời này, Chúa Giêsu đã đem người thông luật trở về điểm trọng tâm của Sách Đệ Nhị Luật, một trong năm quyển sách “gối đầu giường”, thuộc Bộ Ngũ Kinh của người Do-thái.  Đây cũng là câu mà người Do-thái nào cũng thuộc nằm lòng, được truyền từ thế này qua thế hệ khác, được lập đi lập lại mỗi ngày, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, được gắn nơi tay áo, và đóng trên khung cửa cũng như cổng thành: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en!  Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.  Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em).  Những lời này tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh (em) phải ghi tạc vào lòng.  Anh (em) phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu, phải viết lên khung cửa nhà anh (em), và lên cửa thành anh (em)” (Đnl 6:4-6).  Như vậy, với câu trả lời của Chúa Giêsu thì không cần thông luật mới biết điều răn nào quan trọng nhất, mà mọi người đều biết.  Có khi nào tôi yêu Chúa đến hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực chưa?  Tôi cảm thấy thế nào khi yêu Chúa đến như vậy?  Tôi thể hiện tình yêu mãnh liệt về Chúa bằng cách nào?  Trong giây phút này, tôi muốn ngồi bên Chúa và nói chuyện với Ngài, trước khi bắt đầu cho một ngày mới hoặc sau khi kết thúc một ngày sống.

2.   Điều răn quan trọng thứ hai, đó là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.”  Vậy ai là người thân cận của tôi?  Chúa Giêsu không có ý nói “người thân cận” là những người thân trong nhà, người hàng xóm, người đồng hương, người đồng đạo, bởi yêu những người này là chuyện đương nhiên.  Tôi có thể hiểu rõ hơn ý Chúa Giêsu nói yêu người thân cận trong một trình thuật tương tự ở Phúc âm Luca 10:29-37.  Trong Phúc âm Luca cũng nói đến người thông luật này đã hỏi Chúa Giêsu điều răn nào quan trọng nhất, nhưng sau đó anh ta còn hỏi thêm: Ai là người thân cận của anh ta.  Chúa Giêsu trả lời anh ta bằng Dụ ngôn Người Sa-ma-ri Nhân Hậu.  Như vậy, người thân cận của tôi chính là những người đang cần được giúp đỡ.  Đối với tôi ngày nay, những người thân cận có thể là: những thai nhi đang bị phá, những người trẻ bị bán làm mãi dâm, những người di dân và tị nạn, những người nghèo vô gia cư, những người già bị bỏ rơi, những người đang bị kỳ thị chỉ vì khác mầu da, niềm tin, phái tính, văn hóa, thương tật, những công nhân bị áp bức, những nạn nhân của thiên tai, lũ lụt và chiến tranh, những tù nhân lương tâm, những người vô tội bì tù oan…  Chúa Giêsu nói tôi phải yêu những người thân cận này như chính tôi.  Tôi đã yêu thương họ như thế nào?  Tôi diễn tả tình yêu này bằng những hành động cụ thể ra sao?  Tôi muốn xin Chúa giúp tôi nhận ra và thể hiện tình yêu với những người thân cận nào trong ngày hôm nay? 

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment