Phi-líp-phê
4:6-9
6Thưa anh em, anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em
cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những
điều anh em thỉnh nguyện. 7 Và bình an của Thiên Chúa là
bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp
với Đức Ki-tô Giê-su. 8 Ngoài ra, thưa anh em, những gì là
chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và
đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em
hãy để ý. 9 Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã
nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình
an sẽ ở với anh em.
(Trích Thư Phi-líp-phê, bản dịch của Nhóm
Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Tôi có thể bị dị ứng ngay với câu đầu tiên của bài đọc hôm
nay, khi Thánh Phao-lô viết cho Cộng đoàn Phi-líp-phê rằng: “Anh em đừng lo lắng gì cả.” Sống trong cuộc đời này, ai mà chẳng lo
lắng. Người tốt và người xấu đều luôn có
đủ mọi thứ lo trong đầu. Lo lắng là dấu
chỉ của một con người trưởng thành, biết lo lắng cho bổn phận và trách nhiệm
của mình được hoàn thành tốt đẹp. Chỉ có
trẻ thơ, người vô trách nhiệm mới sống mà không lo, còn tất cả đều lo lắng đủ
mọi chuyện, từ khi mở mắt thức dậy đến khi nhắm mắt đi ngủ trong ngày, thậm chí
mơ cũng vẫn lo. Đúng vậy, Thánh Phao-lô
không khuyên người ta sống vô trách nhiệm, đừng lo lắng gì cả. Điều ngài thật sự khuyên tôi đó là, trong mọi
lo lắng của tôi nên có Chúa cùng lo chung.
Bởi vậy, ngài nói tiếp: “Trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời
cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em
thỉnh nguyện.” Nói
chung, ngài khuyên tôi, lo thì cứ lo nhưng cần biết tin tưởng ở Chúa nữa, biết
cố gắng hết mình cho những bổn phận và trách nhiệm, còn những gì vượt khả năng
và sức lực của mình, hãy tin tưởng đặt ở sự quan phòng của Chúa. Có bận tâm gì đang chiếm hết tất cả thời giờ
và sức lực của tôi lúc này? Tôi có thể
tâm sự, giãi bày với Chúa được không? Tôi
để ý Ngài sẽ nói gì với tôi về những bận tâm này? Tôi có tin ở sự quan phòng của Ngài cho những
gì ngoài tầm với của tôi? Tôi để ý, tâm
tôi cảm thấy thế nào sau khi tâm sự và giãi bày mọi sự với Ngài.
2.
Lời khuyên kế tiếp của Thánh Phao-lô cũng rất cần thiết cho
tôi hôm nay, đó là: “Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật,
cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại
danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý. Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã
nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình
an sẽ ở với anh em.” Giữa
những xáo trộn, bận rộn của cuộc sống, và giữa thời buổi tràn ngập thông tin
trên mạng lưới internet, đầy những thông tin giả và rác rưởi, tôi muốn chọn
những gì là thật, những gì đem tôi đến gần với Chúa, những gì giữ tôi liên kết
với mọi người, những gì dẫn tôi đến với vẻ đẹp thiên nhiên và tâm hồn con
người, tôi muốn giữ lại trong tim để hồn tôi an, tâm tôi mạnh, và lòng tôi hòa
với Chúa, với mọi người và mọi sự trong đời.
Tôi nói chuyện với Chúa và xin một ánh sáng giúp tôi biết nhìn thì thấy,
biết nghe thì hiểu, biết chạm thì cảm mến.
Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Kinh Hòa Bình,” lời của Thánh Phan-xi-cô Assisi, nhạc của Kim Long,
qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=qyV9WG8qzC0
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment