Tuesday, October 20, 2020

Thứ Tư Tuần XXIX Thường Niên – Năm A – 21-10-2020

Thu Tu 29 TN

Luca 12:39-48

39Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. 40 Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”

41Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” 42 Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? 43 Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. 44 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. 45 Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Còn lâu chủ ta mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, 46 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín. 47 Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. 48 Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít.  Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay cũng lại mang một hình ảnh rất tích cực, lạc quan và đầy hy vọng về cách thức chờ đợi ngày cánh chung.  Những lời dạy của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay, có thể nói, mạnh như một tiếng chuông thức tỉnh mọi người.  Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu.   Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”  Đối với mọi Kitô hữu, cuộc đời này, ai cũng chỉ sống một lần, và những gì tôi làm trong cuộc sống trần thế này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống vĩnh cửu mai sau của tôi.  Như vậy, cuộc đời này thật quý hiếm mà không có gì có thể sánh nổi, hay đánh đổi được.  Vậy, tôi phải sống như thế nào để cơ hội sống duy nhất một lần trong đời này, mỗi ngày tôi có thể tận hưởng trọn niềm vui, hạnh phúc, yêu thương, và bình an, chứ không phải là cuối ngày, cuối đời, nhìn trước nhìn sau, đâu đâu cũng chỉ thấy bất an, sợ hãi, hận thù, đau khổ và nước mắt?  Cái gì đang đem đến cho tôi niềm vui, yêu thương, bình an và hạnh phúc đích thực hiện nay?  Cái gì đang gây ra những bất an, đau khổ và nước mắt cho cuộc sống của tôi hiện nay?  Đó chính là những kẻ cướp đang cướp đi cuộc đời của tôi.  Tôi cần bảo vệ cuộc đời tôi như thế nào?  Hiểu được sự quý hiếm cuộc sống của tôi như vậy, tôi sẽ canh giữ cuộc đời của tôi còn hơn người ta canh giữ kho báu khỏi kẻ trộm nữa.  Hiểu như vậy, tôi sẽ luôn sẵng sàng và mong chờ Chúa đến bất cứ khi nào.  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này? 

2.      Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi của Phê-rô một cách trực tiếp, nhưng những gì Ngài nói là có ý cho mọi người, trong đó có tôi.  Câu trả lời của Chúa Giêsu có một ý tưởng rất quan trọng: “Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta.  Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.”  Chắc chắn việc trông coi “tất cả tài sản” không có nghĩa là, Chúa sẽ giao cho tôi trông coi đoàn thể này, giáo xứ kia hay đất nước nọ, mà là: ai trung thành và biết quản lý những điều nhỏ, Ngài sẽ cắt đặt để trông coi những việc lớn hơn.  Tức là, nếu tôi biết quản lý, chăm sóc và bảo vệ kỹ cuộc đời tạm bợ này của tôi, sống thật hạnh phúc, bình an và yêu thương, tôi cũng sẽ làm chủ đời sống vĩnh cửu của tôi trong bình an, hạnh phúc và yêu thương.  Nói một cách khác, làm thế nào để tôi có thể vào thiên đàng ngay trong cuộc đời này, không phải chờ cho đến sau khi chết?  Tôi cũng sẽ làm gì để, không chỉ được tận hưởng tràn đầy hạnh phúc ở đời này, mà còn được tận hưởng hạnh phúc vĩnh viễn đời sau nữa?  Tôi muốn tiếp tục nói với Chúa về sự sống hiện tại và vĩnh cửu của tôi.   

Phạm Đức Hạnh, SJ 

0 comments:

Post a Comment