Gioan 15:1-8
1Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy là
cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2 Cành nào
gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh
hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3 Anh
em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4 Hãy
ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em.
Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền
với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.
5“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người
ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì
được. 6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài
như cành nho và sẽ khô héo. Người ta
nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7 Nếu anh em ở lại
trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em
sẽ được như ý. 8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh
em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”
(Trích Phúc âm
Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay có thể nói như là trung tâm điểm của Phúc âm Gioan, trong
đó Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ ở lại, nên một với Ngài: Các con hãy ở lại
trong Thầy như Thầy ở lại trong các con.
“Ở lại” chính là chủ đề quan trọng xuyên suốt Phúc âm Gioan. Sự ở lại mà Chúa Giêsu nói không phải như hai
người ở trong một căn phòng, nhưng là như cành liền cùng cây, nên một với Thiên
Chúa. Đây cũng chính là đỉnh cao của cầu
nguyện. Khởi đầu của đời sống cầu
nguyện cũng như khi mới bước vào yêu, người ta sẽ nói rất nhiều, làm rất nhiều
điều cho nhau; nhưng khi đã yêu nhau một thời gian, cầu nguyện trưởng thành
hơn, người ta bắt đầu nói ít và nghe nhiều hơn.
Phải đến khi yêu thật đậm sâu, đời sống cầu nguyện thật trưởng thành,
khi ấy mọi ngôn từ sẽ đều trở thành què quặt hoặc thừa thãi, bởi không thể diễn
tả hết được những gì con tim muốn nói.
Khi ấy người ta chỉ còn ở bên nhau, nhìn nhau, không ai nói, nhưng cả
hai cùng lắng nghe nhau. Vậy mà, trong
thinh lặng ấy lại nói lên tất cả, hiểu nhau tất cả. Đây chính là sự ở lại của cầu nguyện mà Chúa Giêsu
muốn nói đến trong Phúc âm Gioan. Tôi
muốn được ở lại trong Chúa Giêsu trong giờ cầu nguyện này đến mức nào? Tôi khao khát nên một với Ngài như thế
nào? Tôi muốn xin cho có lòng ao ước
này.
2. Trong cuộc đời này, cha mẹ nào cũng mong được nhìn thấy con cái sinh con
đàn cháu đống, sự nghiệp thành công và danh vọng lẫy lừng. Cha mẹ cảm thấy được vẻ vang và hãnh diện khi
nhìn thấy con đạt được những điều này.
Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay cũng diễn tả niềm vui và hạnh phúc của
Chúa Cha giống như thế: Điều làm cho Chúa Cha được vinh hiển đó là tôi sinh
nhiều hoa trái. Cuộc sống của tôi đang
sinh hoa quả như thế nào? Thiên Chúa
đang hãnh diện về tôi ra sao? Có điều gì
đang khiến cuộc đời tôi cằn cỗi, không sinh hoa quả chăng? Tôi dám để Chúa Cha cắt tỉa không, nhờ vậy mà
tôi có thể đơm bông kết trái? Tôi đọc
lại bài đọc trên, và để những hình ảnh như: “ở lại”, “gắn liền cây với cành”,
“sinh hoa trái”, “cắt tỉa”, “vinh hiển của Chúa Cha” tác động và biến đổi tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment