Tuesday, October 6, 2020

Thứ Tư Tuần XXVII Thường Niên – Năm A – 7-10-2020 – Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Thu Tu 27 TN

Luca 1:26-38

26Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít.  Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. 28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. 30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.  Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” 34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” 35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” 38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.”  Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là ngày lễ kính Đức Mẹ Mân Côi.  Ban đầu, lễ này được gọi là Lễ Đức Mẹ Chiến Thắng nhằm để, mừng sự chiến thắng của liên minh Kitô trong một cuộc hải chiến khốc liệt chống lại sự xâm lăng của Đế chế Thổ Nhĩ Kỳ, Ottoman, tại Lepanto, năm 1571.  Hai năm sau, năm 1573, ĐGH Gregory XIII đã đổi Lễ Đức Mẹ Chiến Thắng thành Lễ Rất Thánh Mân Côi.  Tại sao phải đổi và Kinh Mân Côi có liên quan gì với Đức Mẹ?  Nên nhớ, lòng sùng kính Đức Mẹ với Kinh Mân Côi xuất hiện vào khoảng năm 1206, do Thánh Đa-minh, được cho là đã được Đức Mẹ hiện ra trao cho một tràng chuỗi hoa hồng.  Truyền thuyết kể rằng, một ngày nọ khi Thánh Đa-minh đang cầu nguyện và ngài đã được Đức Mẹ hiện ra.  Mẹ đã lấy những bông hoa hồng đang nở từ đôi môi nguyện cầu của thánh nhân, và kết thành một tràng chuỗi những bông hồng, như là phương thế giúp Giáo hội chống lại những bè rối.  Từ đó tràng chuỗi hoa hồng, tức Tràng Chuỗi Mân Côi được hình thành, là những lời kinh dâng kính Đức Mẹ.  Vì sự liên hệ mật thiết giữa Chuỗi Mân Côi và Đức Mẹ nên Đức Mẹ được gọi là Đức Mẹ Mân Côi.  Vì thế, năm 1960, ĐGH Gioan XXIII đã đổi tên Lễ Rất Thánh Mân Côi thành Lễ Đức Mẹ Mân Côi.  Đối với người Công giáo Việt Nam, tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi còn có nhiều kiểu gọi khác nữa như: Đức Mẹ Mai Côi (Khôi), Đức Mẹ Môi Côi (Khôi), Đức Mẹ Văn Côi (Khôi).  Theo Nguyễn Long Thao về các kiểu gọi Kinh Mân Côi, những kiểu gọi này của người Công giáo Việt Nam đều bắt nguồn từ tiếng Trung Hoa: (méiguijing), khi họ phiên âm chữ La-tinh: Rosarium, mà tiếng Anh gọi là: Rosary (Kinh Hoa Hồng).  Theo ông Thao, Mai Côi là cách gọi đúng nhất.  Tuy nhiên, không biết vì lý do nào mà cách gọi Mân Côi phổ biến hơn cả.  Vậy để khỏi lẫn lộn và tạo thêm khó khăn, tôi nên gọi bằng tên mà mọi người quen dùng nhất, đó là: Đức Mẹ Mân Côi, và Kinh Mân Côi.

2.      Tôi học được gì từ Đức Mẹ trong ngày lễ của Mẹ?  Bài đọc hôm nay nêu bật sự khiêm nhường và mở lòng của Mẹ trước lời mời gọi của Thiên Chúa.  Đây có thể là hai nhân đức tôi muốn học ở Mẹ hoặc xin Mẹ giúp tôi chăng?  Đây là hai nhân đức thật quan trọng giúp tôi luôn tìm gặp Chúa trong mọi nơi và làm theo thánh ý Chúa trong mọi lúc.  Tôi muốn đọc lại bài đọc trên để hiểu rõ hai nhân đức này của Mẹ.  Mẹ Maria không chỉ là Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ còn là mẹ của mọi tín hữu.  Mẹ đóng vai trò của một người mẹ đích thực, luôn yêu thương và nhạy bén trước mọi đau khổ của con cái Mẹ.  Bởi vậy trong suốt dòng lịch sử của Giáo hội, Mẹ đã luôn hiện ra, an ủi và che chở mỗi khi con cái của Mẹ bị bắt bớ và đau khổ.  Có một khổ đau nào tôi muốn nói với Mẹ trong lúc này không?  Đặc biệt trong đại dịch covid-19 này.  Tôi dành giây phút này để đến với Mẹ, tâm sự với Mẹ, và tin tưởng ở Mẹ.  Đồng thời, Thánh I-nha-xi-ô cũng dạy rằng, chẳng ai trong cuộc đời này có thể dạy tôi biết về Chúa Giêsu, con của Mẹ, bằng Mẹ.  Tôi có thể đến với Mẹ trong lúc này, xin Mẹ dạy tôi biết và yêu mến Chúa Giêsu.  Rồi tôi lại nói với Chúa Giêsu, giúp tôi hiểu biết và yêu mến Chúa Cha.  Tôi muốn kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Mẹ Ơi!” của Cecilia Phạm, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=Vuu6yNQXeRw

Phạm Đức Hạnh, SJ

 

0 comments:

Post a Comment