Sunday, October 18, 2020

Thứ Hai Tuần XXIX Thường Niên – Năm A – 19-10-2020 – Lễ Thánh John de Brebeuf, Isaac Jogues và Các Bạn Tử Đạo

Thu Hai 29 TN

Luca 12:16-21

16 [Đức Giesu] nói với đám đông dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, 17 mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’ 18 Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. 19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm.  Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’ 20 Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’ 21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Phải nói ngay rằng, của cải do tôi làm ra, bây giờ tôi hưởng thụ, đâu có gì là sai.  Đặc biệt, khi của cải tôi có được là do mồ hôi nước mắt của tôi và gia đình làm ra, không phải do ăn cướp ăn dựt của ai, bây giờ tôi và gia đình an hưởng, lại càng không sai nữa.  Giờ cầu nguyện hôm nay, trước hết, tôi muốn nhìn vào những gì tôi đang có và sở hữu.  Đâu là những sở hữu chính đáng từ công khó do tôi làm ra, để giờ đây tôi có của dư của để?  Tôi cám ơn Chúa về tất cả những thứ đó.  Đâu là những của cải bất chính tôi đang sở hữu?  Tôi xin lỗi Chúa và tôi muốn trả lại cho lẽ công bằng.  Tôi muốn nói chuyện với Chúa và xin Ngài giúp tôi biết sử dụng những gì tôi đang làm chủ một cách xứng đáng, ý nghĩa, công bằng và yêu thương. 

2.      Vậy cái sai của ông phú hộ trong câu chuyện này là gì?  Đó chính là, ông lấy của cải, chứ không phải Thiên Chúa, làm bảo đảm đời đời cho ông.  Đây là điểm mù của ông phú hộ, đã biến phương tiện thành mục đích.  Nên nhớ, chẳng ai làm chủ được bất cứ thứ gì trong cuộc đời này.  Cuối đời, ai cũng phải bỏ lại sau lưng: hơi thở, sức khỏe, tiền bạc, danh vọng, sự nghiệp, gia đình, bạn hữu, và ra đi trong trần trụi như ngày tôi bước vào cuộc đời này.  Giờ cầu nguyện này tôi muốn tự hỏi chính tôi: Ai hay cái gì đang là cùng đích, hoặc sẽ dẫn tôi đến cùng đích của đời sống vĩnh cửu?  Tôi sẽ làm gì, từ bây giờ, để có được sự sống vĩnh cửu ấy?  Tôn chỉ và mục tiêu cuộc đời tôi là gì?  Tôi có thể dùng Nguyên Lý Nền Tảng và Mục Tiêu Cuộc Đời của Thánh I-nha-xi-ô Loyola, để giúp tôi hiểu rõ hơn những gì Chúa dạy tôi trong bài đọc hôm nay: “Mục tiêu cuộc đời là sống mãi với Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta cuộc sống vì thương yêu chúng ta.  Khi chúng ta ngợi khen, tôn kính, và phục vụ Ngài, tâm linh chúng ta được cứu thoát.  Mọi sự trên mặt đất đều là những phương tiện Thiên Chúa ban ngõ hầu chúng ta hiểu biết Ngài và đáp trả tình thương Ngài ban.  Vậy, chúng ta phải sáng suốt Nhận Định và xử dụng mọi sự theo mức độ ích lợi để trở thành một người biết yêu thương HƠN.  Thiên Chúa sẽ bị loại xuống hàng thứ yếu và sự triển nở sẽ gặp cản trở khi một trong những món quà Chúa ban trở thành tâm điểm cuộc sống con người.  Như thế, trong đời sống hằng ngày, chúng ta phải biết giữ lòng Bình Tâm, thăng bằng đối với mọi sự trên mặt đất, không thiên bên nào, cho đến khi thấy rõ lối đưa mình đến mục đích hữu hiệu HƠN; chẳng hạn: sức khỏe hay bệnh tật, của cải hay nghèo khó, thành công hay thất bại, sống lâu hay chết yểu…  Biết đâu một trong những sự kiện trên có thể gợi lên trong chúng ta sự đáp trả tình thương của Chúa một cách sâu xa HƠN. Do đó, ước muốn duy nhất của chúng ta phải là: Tôi muốn và tôi lựa chọn con đường nào dẫn đến cuộc sống làm con Thiên Chúa cách sung mãn HƠN HẾT!”  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Mong Chẳng Còn Gì,” của Quang Uy, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=mA_K3NcPQXU

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment