Luca 11:27-28
11 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi
qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê.12 Lúc Người vào
một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa13 và
kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!"14 Thấy
vậy, Đức Giê-su bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế." Đang khi
đi thì họ được sạch.15 Một người trong bọn, thấy mình được
khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.16 Anh
ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri.17 Đức
Giê-su mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín
người kia đâu?18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa,
mà chỉ có người ngoại bang này?".19 Rồi Người nói với anh
ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh."
(Trích Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các
Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)
Gợi ý
cầu nguyện
1. Phong cùi ngày hôm nay
đã chữa được, nhưng ngày xưa dù chưa có thuốc chữa, bệnh này vẫn không đến nỗi
gây chết người. Tuy nhiên, phong cùi là
một căn bệnh dễ lây lan và hủy hoại con bệnh đến dị dạng đáng sợ. Chính vì thế, bệnh nhân phong cùi bị mọi
người xa tránh, xua đuổi và cô lập, khiến họ, chết khi vẫn còn ăn, thở và
chuyển động. Chết về tinh thần, chết về
tình nhân ái. Bài đọc hôm nay nói đến
mười người phong cùi, dù bị xã hội cô lập, nhưng họ đã chạy đến với Chúa Giêsu
và Ngài đã đón nhận và chữa lành cho họ.
Giờ cầu nguyện hôm nay có lẽ tôi muốn tự hỏi: Đâu là căn bệnh cùi của
thời đại hôm nay? Ai đang mang căn bệnh
cùi thời đại hôm nay? Họ đang bị cô lập
thế nào? Chúa mời gọi tôi vươn tới với
họ ra sao? Tôi có thể giúp họ chữa lành
chăng? Tôi có phải đang bị chứng phong
hủi thời đại hôm nay không? Tôi chạy đến
ai để được chữa lành?
2. Câu chuyện chữa lành
hôm nay cũng gợi lên trong tôi câu hỏi về lòng biết ơn. Chúa Giêsu thất vọng vì chín người có lòng
tin đã không biết cám ơn Chúa. Chỉ một
người dân ngoại đã biết ơn Chúa. Biết ơn
và cám ơn là hai tiếng mà văn hóa nào cũng dạy cho người ta, từ những ngày bập
bẹ biết nói. Thế nhưng, dường như, càng
lớn tôi càng không nói giỏi hai chữ đầu đời này thì phải! Tôi đã sống biết ơn như tôi đã được dạy, đã
là mẫu gương của lòng biết ơn cho trẻ em chăng, khi tôi cám ơn các em bé, con cái,
thuộc hạ dù tôi đã là ông bà, cha mẹ hay linh mục, tu sĩ? Tôi có biết cám ơn các em bé, những thuộc hạ
của tôi, không chỉ việc lớn mà cả những việc nhỏ, họ đã làm cho tôi, và dù đó
là bổn phận của họ? Tôi đã sống biết ơn Thiên
Chúa như thế nào sau một đêm ngủ an lành, khi đón chào một ngày mới, khi kết
thúc một ngày đầy gian khó, khi tôi vẫn còn có công ăn việc làm, khi tôi vẫn
còn có sức khỏe, thời gian, tâm trí bình thường, bầu khí ấm cúng của gia đình…? Chỉ khi nào tôi sống biết ơn, tôi mới thực sự
sống. Chỉ khi nào tôi sống biết ơn, tôi
mới thực sự là người. Kể từ hôm nay tôi
muốn chọn là người biết ơn. Tôi muốn
phát âm hai chữ “cám ơn” cho giỏi đối với Thiên Chúa và mọi người, ở mọi nơi và
mọi lúc, từ việc lớn đến việc nhỏ, từ người nhỏ đến người lớn. Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài
hát, “Khúc Ca Tạ Ơn” của Lm. Thiên
Ân, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=TUsXN0xAXB4
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment