Friday, March 17, 2017

Thứ Bảy Tuần II Mùa Chay – 18-03-2017

Thu Bay Tuan II MC
Luca 15:1-3, 14-32
1Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:
11"Một người kia có hai con trai. 12Người con thứ nói với cha rằng: 'Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.' Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. 14"Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: 'Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! 18Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: 'Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.' 20Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. "Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. 21Bấy giờ người con nói rằng : 'Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa ...' 22Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: 'Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! 24Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.' Và họ bắt đầu ăn mừng. 25"Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27Người ấy trả lời: 'Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.' 28Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29Cậu trả lời cha: 'Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng! 31"Nhưng người cha nói với anh ta: 'Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.'"

(Trích Phúc âm Luca theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Trong khoảng 30 dụ ngôn được nói đến trong Tân Ước, có năm dụ ngôn được xem là nổi tiếng nhất trong hội họa thời Trung Cổ: Dụ ngôn Mười Cô Trinh Nữ, Lazaro và Nhà phú hộ, Những người làm vười nho, Người Samaritano nhân hậu và Người con Hoang đàn.  Riêng dụ ngôn Người Con Hoang Đàng được đưa vào không chỉ trong hội họa, mà còn nhạc, kịch, không chỉ ở thời Trung Cổ mà còn cả thời nay nữa.  Dụ ngôn rất nổi tiếng này đã được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau: Dụ ngôn Người Con Hoang Đàng, Dụ Ngôn người Con Phung Phí, Dụ Ngôn Người Cha Nhân Hậu, Dụ Ngôn Người Cha Hoang Đàng, Dụ Ngôn Người Cha Mất Hai Người Con.  Tôi thích gọi dụ ngôn trên bằng tên gì?  Tùy theo tên gọi mà tôi muốn, tôi có thể tập trung vào nhân vật của tên gọi đó và nói chuyện với Chúa trong lúc này.

2.     Chúa Giêsu kể dụ ngôn trên cùng với hai dụ ngôn khác nữa: Dụ ngôn con chiên lạc và dụ ngôn người đàn bà mất đồng bạc, cho những người Pharisêu và Kinh sư, những người tự cho mình là công chính.  Có lẽ tôi cũng có Pharisêu và Kinh sư tính trong tôi, dụ ngôn này thúc bách tôi phải làm gì?  Thiên Chúa như người đàn bà điên tìm tiền, như người chăn chiên hoảng loạn đi tìm chiên lạc, và như người cha già tan nát cõi lòng mong mỏi con về, tôi thấy sao khi Ngài đang điên dại tìm tôi?  Tôi nói gì với Ngài trong giờ này?   
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment