Saturday, March 4, 2017

Ma Quỷ Cám Dỗ

Cám Dỗ
MA QUỶ CÁM DỖ
Chẳng phải chỉ có người Công giáo mới tin có ma quỷ, mà cả anh chị em Phật giáo cũng tin có ma quỷ. Anh chị em Phật giáo tin rằng, một số người sau khi chết có thể trở thành ma quỷ, tùy theo họ đã sống như thế nào. Theo giáo lý nhà Phật, trong sáu cõi luân hồi, cõi thứ năm được gọi là cõi quỷ đói (cõi trời, cõi thần, cõi người, cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ và cõi địa ngục). Dù là Công giáo hay Phật giáo, dù có thấy quỷ hay chưa, người Công giáo và Phật giáo Việt Nam đều có một cách nghĩ giông giống nhau về quỷ. Một người nào đó hay một vật nào đó mà rất xấu, đều được ví ngang hàng với quỷ. “Ôi, cái con đó, cái thằng đó, cái thứ đó xấu như quỷ!” 
Tuy nhiên từ những trang đầu tiên của Thánh Kinh Công giáo và từ kinh nghiệm sống, tôi có thể nói: “Đẹp như quỷ,” được không? Được lắm chứ! Nếu nói quỷ xấu, nó chỉ xấu ở trong mưu kế thâm hiểm, luôn giật kéo và chia sẽ con người với nhau, và với Thiên Chúa. Cái này quỷ xấu thậm tệ.
Câu truyện nổi tiếng về quỷ trong Sách Sáng Thế, quyển sách đầu tiên của Thánh Kinh, phải kể là câu truyện ông bà nguyên tổ bị con rắn cám dỗ (St 3:1-7). Thế nhưng đây là con rắn cám dỗ chứ đâu phải quỷ? Ở quyển cuối cùng của Thánh Kinh, Sách Khải Huyền đã giải thích, con rắn trong vườn địa đàng năm xưa chính là hiện thân của quỷ Xa-tan (Kh 12:9, 20:2). Thế mới có kiểu nói, "ma quỷ cám dỗ." Vậy con quỷ đó trông như thế nào và đã làm gì? Sách Sáng Thế viết con quỷ đó dưới dạng một con rắn, có nhiều điều đáng mến. Hình ảnh rắn làm cho người ta thường nghĩ đến cái gì nhẹ nhàng, âm thầm và kín đáo, không như sư tử hay cọp, hung hăng và ồn ào. Truyện kể con rắn rất tinh ranh, tức rất khôn ngoan. Nó đã nói chuyện một cách thân thiện với Evà. Nó trò chuyện với bà từ cái bà biết một cách rành rọt. Nó đi vào, trước hết cái bà thích, sau đến cái bà chưa có, để rồi dẫn bà đến cái thèm muốn, khiến bà phạm tội.  Mưu chước của quỷ xấu thâm hiểm. 
Dĩ nhiên đây không phải bài tường thuật, mà là một câu truyện. Đã là câu truyện thì hàm ý muốn nói đến ý nghĩa của câu truyện hơn là những yếu tố mang tính lịch sử, nhằm nhắn nhủ hoặc khuyên dạy một điều gì. Vì thế có con rắn thực sự biết nói tiếng người hay không, không thành vấn đề. Ông bà nguyên tổ có ăn trái cây giống trái táo đang bán ngoài chợ hay không, không quan trọng. Vấn đề là con rắn biểu trưng cho cái gì trong cuộc đời này? Vấn đề là ông bà đã bị cám dỗ ra sao, thèm muốn của ông bà là cái gì…?
Hai trong nhiều ý nghĩa rất hiển nhiên mà câu truyện muốn nói đến đó là: thứ nhất, con đường của cám dỗ thường rất tinh vi. Cám dỗ bao giờ cũng đến từ những gì rất thân quen trong cuộc sống, rất nhẹ nhàng, rất hấp dẫn, rất cần thiết, đôi khi đến từ những người rất thân thương bên mình, để không ai nhận ra cám dỗ đã nhen nhúm, không ai sợ cám dỗ mỗi khi nó xảy đến. Thứ hai, Evà bị cám dỗ trở nên khôn ngoan, muốn cầu toàn ngang hàng với Thiên Chúa. Cả hai ý nghĩa này cho thấy, câu truyện Sáng Thế xưa không chỉ nói đến chuyện xảy ra năm xưa mà là chuyện đang xảy ra, ngay hôm nay; cũng không phải câu chuyện của Adam và Evà mà là câu chuyện mỗi người ở mọi thời đại, ai ai cũng thường mắc phải. Bởi phải chăng biết bao nhiêu cơn cám dỗ trong cuộc sống đều đã đến từ những gì rất thân thiện, gần gũi, nhẹ nhàng, hấp dẫn và quyến rũ? Dẫu nhẹ nhàng nhưng rất khó cưỡng lại. C.S. Lewis có lần nói: “Chỉ những ai cố gắng chống cự lại cám dỗ mới thấy nó mạnh như thế nào.” Có phải không, người ta muốn tách ly khỏi những người xunh quanh và gạt Chúa ra khỏi cuộc đời của họ thường vào những lúc cái tôi của họ quá lớn, lòng tự tôn quá cao? Nhiều người đã loại trừ anh chị em của mình và gạt Chúa ra bên ngoài khi họ khoác trên mình những giầu sang, thành công, giỏi giang, và họ trở thành cứu cánh cho chính mình, bất cần đời cũng chẳng cần Chúa.
 Hằng năm, Giáo hội dành ra cả Mùa Chay như là thời gian lột xác, mời gọi mọi người sống trong cầu nguyện và chay tịnh. Cầu nguyện để tôi có thể nhìn lại cuộc sống, nhận ra những lối đi của cám dỗ đang dẫn tôi đi đâu: gần Chúa hay xa Chúa, gần đồng loại hay xa lìa đồng loại, để rồi xây dựng lại tương quan với Chúa và đồng loại một cách tốt đẹp hơn. Chay tịnh để lột bỏ dần những cái tôi, niềm kiêu hãnh, lối sống giả tạo để trở về con người thật của mình, dám đối diện và chấp nhận với những bất toàn của chính mình và của anh chi em xung quanh. Bởi mọi người, ai cũng bất toàn, đều được tạo ra từ đất. Dù có là đất đi nữa, nhưng tôi là hình ảnh của Chúa, mà từ khi dựng nên tôi, Ngài đã sững sờ thốt lên, “Con rất đẹp!” (St 1:31). 
Chỉ trong Chúa tôi mới thấy tôi đẹp, mới thấy tôi đủ và có khả năng chống trả lại cám dỗ của ma quỷ.              
Mùa Chay, 2017 – Phạm Đức Hạnh, SJ   

0 comments:

Post a Comment