Matthêu 6:7-15
7 "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải
nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. 8 Đừng
bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu
xin.9 "Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: "Lạy Cha chúng
con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,10 triều
đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.11 Xin
Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;12 xin tha tội cho chúng
con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con;13 xin
đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.14 "Thật
vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ
cho anh em.15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em
cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.
(Trích Phúc âm Matthêu theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ
Kinh Phụng Vụ từ http://kinhthanhvn.net/tin-mung-mat-theu-nhom-pd-cgkpv/)
Gợi ý cầu nguyện:
1.
Lời Chúa Giêsu hôm nay
chú tâm đến “Cầu nguyện,” một trong ba lời mời gọi của Mùa Chay: Cầu nguyện, Ăn chay và Bác ái. Ngài dạy tôi cách cầu nguyện, đừng nhiều
lời. Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn
tập cầu nguyện giống như Ngài dạy: nói
ít, nghe nhiều, chiêm ngắm nhiều và hiện diện tròn đầy bên Chúa.
2.
Trong đoạn tin mừng
trên Chúa Giêsu đưa ra một công thức cầu nguyện—Hãy cầu nguyện sao để thấy Chúa
hiện diện ở mọi nơi, không chỉ ở trên trời mà cả dưới đất, trong những cách
kiếm tìm cơm áo của tôi mỗi ngày, trong những hận thù giữa tôi với đồng loại và
trong cả những cám dỗ tôi đang đối diện nữa.
Ngài muốn tôi hãy nhìn Ngài như ba ruột của tôi và gọi Ngài bằng những
từ thân thương nhất: “Ba ơi!” Tôi có thể
gọi Chúa bằng lời thân thương này, và kéo tay Ngài đến mọi ngõ ngách trong cuộc
sống của tôi chăng?
3.
Chúa Giêsu kết thúc
công thức cầu nguyện bằng sự nhấn mạnh đến sự tha thứ cho những người tôi đang
bất hòa. Ngài muốn cho tôi thấy, Ngài
cũng yêu họ nữa nên muốn tôi tha thứ.
Tôi có thể tha thứ cho họ được không?
Nếu không được xin Chúa cho tôi được lòng ao ước muốn tha thứ.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment