Luca 11, 14-20
14 Bấy giờ Đức Giê-su trừ một tên
quỷ, và nó là quỷ câm. Khi quỷ xuất rồi, thì người câm nói được. Đám đông lấy
làm ngạc nhiên.15 Nhưng
trong số đó có mấy người lại bảo: "Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun
mà trừ quỷ."16 Kẻ
khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời.17 Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên
nói: "Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia.18 Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại
chính mình, thì nước nó tồn tại sao được? ... bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế
Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.19 Nếu
tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi
vậy, chính họ sẽ xét xử các ông.20 Còn
nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã
đến giữa các ông.
(Trích
Phúc âm Luca theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.
Hai hình ảnh nổi bật trong đoạn trên đó là ma quỷ và Chúa Giêsu. Ma quỷ hành hạ người ta, khiến người ta trở
nên câm; trong khi đó, Chúa Giêsu chữa lành, mở miệng giúp người ta có thể nói năng bình thường. Tôi có thể bỏ qua một bên sự bận tâm như: Có
thật Chúa Giêsu trừ quỷ trong đoạn văn trên không? Vấn đề tôi cần quan tâm trong giờ cầu nguyện
này là: Đâu là thế lực của sự ác đang bịt miệng tôi khiến tôi có miệng mà như câm, không thể nói lên
sự thật, không thể nói những tiếng yêu thương, không thể ca tụng Thiên Chúa?
Thế lực sự ác có thể là một ai đó, một tổ chức nào đó, có thể là tiền bạc,
sự bận rộn, hoặc tâm hồn bệnh hoạn. Tôi xin Chúa
giúp tôi nhìn ra những sự ác này và xin Ngài giải câm cho tôi.
2. Công việc của Chúa Giêsu trong suốt quá trình rao giảng của Ngài
là mở miệng kẻ câm, chữa lành người què, phục hồi kẻ điếc,
và làm cho người chết sống lại. Tôi có
thể học ở Chúa Giêsu thái độ sống này và tôi cũng có thể làm những gì mà Chúa Giêsu
đã từng làm, cho mọi người mà tôi tiếp xúc gặp gỡ mỗi ngày, đó là mỗi khi tôi làm bất cứ điều gì tôi đều làm với tất cả yêu thương, vì yêu thương và cho yêu thương.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment