Wednesday, December 27, 2023

Thứ Năm Bát Nhật Giáng Sinh – Năm B – 28-12-2023 – Lễ Thánh Các Thánh Anh Hài

Thu Nam BNGS

Mát-thêu 2:13-18

13Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” 14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. 15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập. 16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. 17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã nói, 18ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.    Hôm nay là lễ kính các Thánh Anh Hài.  Ý nghĩa của ngày lễ hôm nay làm cho tôi phải đối diện với một bối cảnh khó khăn khác, một cảnh bạo lực và chết chóc.  Vì Chúa Giêsu sinh ra khiến Vua Hê-rô-đê cảm thấy ghen tức nên đã ra lệnh giết Ngài, bằng cách giết tất cả các trẻ sơ sinh từ hai tuổi trở xuống, theo kiểu, “thà giết lầm còn hơn bỏ xót”.  Chính vì thế mà Con Thiên Chúa nhập thể đã phải sống kiếp đời tị nạn ngay từ khi mới sinh.  Hình ảnh tị nạn là một hình ảnh rất quen thuộc với thời đại của tôi hôm nay, và rất gần với dân tộc Việt Nam.  Bởi một chi tiết khá thú vị được tìm thấy trong những bức khảm cổ về cảnh gia đình Thánh Gia vượt biên lúc bấy giờ.  Đó là, gia đình Thánh Gia đã vượt biên qua Ai-cập bằng tàu.  Hóa ra, Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse cũng là những thuyền nhân như hàng triệu thuyền nhân Việt Nam của tôi.  Khi tôi đọc thấy thảm kịch các trẻ sơ sinh bị Hê-rô-đê giết, tôi cảm thấy gì và phản ứng thế nào?  Ra-khen khóc thương những đứa con của bà đã bị giết là một hình ảnh có thể giúp tôi liên tưởng đến biết bao nhiêu người mẹ trong suốt dòng lịch sử và kể cả trong thời đại của tôi ngày nay cũng khóc thương do con của họ bị giết bằng nhiều hình thức.  Thiên Chúa đi vào tận cùng nỗi đau buồn tồi tệ nhất của con người.  Một lần nữa, đây là một cảnh đau đớn.  Tôi có thể chịu đựng được việc ở lại với cảnh tang thương của bài đọc và tiếp xúc với những gì mà bài đọc nói với tôi không?  Nếu không, tôi muốn đi đâu và làm gì với bài đọc này?

2.    Tôi đọc lại bài đọc một hoặc nhiều lần nữa và để ý những lời của Bà Ra-khen dường như tràn ngập sự tuyệt vọng, nhưng những câu tiếp theo cho thấy lời tiên tri tràn ngập niềm hy vọng kiên quyết.  Có ánh sáng chiếu rọi ngay cả trong bóng tối khủng khiếp này.  Tôi có thể tìm thấy một tia sáng khi để những lời nói của tiên tri nói với tôi không?  Đây là một cảnh khó để đối diện, để suy niệm.  Dù điều đó có tác động đến tôi thế nào đi nữa, hãy dành thời gian để nói chuyện với Chúa, chia sẻ bất cứ điều gì trong tâm trí và trái tim tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment