Saturday, December 2, 2023

Chúa Nhật Tuần I Mùa Vọng – Năm B – 3-12-2023

CN I MV

Mác-cô 13:33-37

33Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. 34 Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. 35 Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. 36 Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. 37 Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!”

 (Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1. Hôm nay, Giáo hội bước vào Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng.  Cây nến đầu tiên trên Vòng Hoa Mùa Vọng tượng trưng cho HY VỌNG - Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng không chỉ khiến mọi người mong đợi sự ra đời của Chúa Kitô mà còn là cử hành sự khởi đầu của một Năm Phụng Vụ mới, Năm B.  Nó có màu tím, màu cơ bản của Mùa Vọng và là màu tượng trưng cho hoàng gia.  Đôi khi ngọn nến của Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng được gọi là “Ngọn Nến Tiên Tri”.  Với cách gọi này, nó nhắc nhở mọi người nhớ lại lời tiên tri của I-sai-a về sự giáng sinh của Đấng Kitô và tất cả những lời hứa mà Thiên Chúa đã hứa ban cho con người trong Cựu Ước sẽ được ứng nghiệm khi Chúa Giêsu giáng sinh.

2.  Như vậy, tôi đã bước vào một mùa rất đặc biệt trong năm, mùa của chờ đợi, ngóng trông và hy vọng.  Tôi dừng lại trong giây lát để quan sát mùa mới này, từ: mầu sắc, trang trí, nội dung các bài đọc trong Thánh Lễ.  Chúng có ý nghĩa gì đối với tôi?  Chúng gợi nhớ những kinh nghiệm hay kỷ niệm nào trong cuộc đời của tôi?  Và giờ đây, tôi muốn hình dung khung cảnh của dụ ngôn trong bài đọc hôm nay… sẽ như thế nào, khi tôi trở thành một thành viên trong gia đình này, chờ đợi người ông chủ trở về?  Tôi sẽ chờ đợi như thế nào?  Ở nơi làm việc?  Chỗ nghỉ ngơi?  Chỗ ngủ?  Còn ông chủ thì sao?  Tôi có tin ông ấy sẽ quay lại không?  Tôi có tin tưởng ông ấy chút nào không? 

3. Sự cần thiết phải “tỉnh thức” và “canh chừng” được lặp lại rất nhiều lần trong đoạn văn ngắn này.  Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và chú ý phản ứng của tôi với lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu.  Chúng có ý nghĩa như thế nào đối với tôi?  Khi chuẩn bị bắt đầu hành trình Mùa Vọng, tôi có thể nghĩ đến những cách nào đó, nho nhỏ và gần gũi trong cuộc sống mà có thể giúp tôi “tỉnh thức”, chờ đợi Chúa.  Tôi chia sẻ với Chúa Giêsu về điều này, xin Ngài giúp đỡ và hướng dẫn.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment