Saturday, September 30, 2023

Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên – Năm A – 1-10-2023

CN XXVI TN

Mát-thêu 21:28-32

28Khi ấy, Đức Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao?  Một người kia có hai con trai.  Ông ta đến nói với người thứ nhất: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.’ 29 Nó đáp: ‘Con không muốn!’  Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. 30 Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy.  Nó đáp: ‘Thưa ngài, con đây!’ nhưng rồi lại không đi. 31 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?”  Họ trả lời: “Người thứ nhất.”  Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. 32 Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin.  Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trong bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu kể cho các thượng tế và kỳ mục của dân một dụ ngôn rất đơn giản và dễ hiểu.  Sau đó Ngài hỏi các ông, và họ đã trả lời rất đúng.  Nếu Chúa Giêsu hiện ra và hỏi tôi cũng câu hỏi ấy, chắc chắn tôi cũng trả lời rất dễ dàng và sẽ rất đúng.  Tuy nhiên, bài đọc hôm nay không phải là một bài trắc nghiệm mà tôi cần phải học để trả lời cho đúng, một lần là xong, mà là một câu chuyện về tương quan giữa tôi với Thiên Chúa.  Vì thế, điều quan trọng của việc đọc bài đọc trên là, tôi đặt mình vào một trong những nhân vật của câu chuyện để thấy được, cảm được, hiểu được mối liên hệ trực tiếp giữa tôi với Chúa Giêsu.  Chẳng hạn trong giây phút này, tôi đặt tôi là một trong những thượng tế hoặc kỳ mục mà Chúa Giêsu đang nói chuyện trực tiếp với họ; tôi cũng có thể đặt tôi là người con thứ nhất, hoặc người con thứ hai của dụ ngôn mà Chúa Giêsu đang nói đến tương quan giữa họ với Thiên Chúa.  Tùy vào nhân vật nào mà tôi chọn, tôi có những suy nghĩ gì, nói những gì và phản ứng như thế nào với Chúa Giêsu.  Tôi bắt đầu đặt mình vào trong bối cảnh của bài đọc và đi vào đối thoại với Chúa Giêsu.

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa.  Để ý đến những rung cảm trong tôi trước sự hiện diện của Chúa Giêsu, trước những lời Ngài nói, trước thái độ của những người đang nghe Ngài giảng…  Tôi để những rung cảm này dẫn tôi vào sâu hơn với sự hiện diện của Chúa Giêsu ngay giây phút này và trong cả cuộc đời của tôi.       

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, September 29, 2023

Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên – Năm A – 30-9-2023 – Lễ Giê-rô-ni-mô, Linh mục Tiến Sĩ Hội Thánh

Thu Bay XXV TN 

Mát-thêu 13:47-52

47Khi ấy, Đức Giê-su kể cho dân chúng nghe dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. 48 Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. 49 Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy.  Các thiên sứ sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, 50rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Càng gần vào cuối năm Phụng Vụ, các bài đọc cũng hướng mọi người đến những sự cuối cùng của cuộc đời, như: Sự chết, sự phán xét, thiên đàng và hỏa ngục.  Bài đọc hôm nay hướng tôi đến những vấn đề này.  Cuộc đời của bất cứ loài thụ tạo nào rồi cũng đến ngày phải chết, thế giới cũng thế.  Vậy, ngày tận cùng của thế giới ấy đến như thế nào?  Có ai biết trước không?  Không.  Chúa Giêsu nói ngày tận thế ấy đến một cách bất ngờ; bất ngờ như chiếc lưới quăng xuống biển mà cá chẳng hay.  Khi ấy, tất cả tốt xấu, lành dữ sẽ đều phải ra trước mặt Thiên Chúa để bị phán xét.  Người lành sẽ được hưởng phúc trường sinh bên Thiên Chúa, và người dữ sẽ phải xa cách Ngài thiên thu.  Tôi cảm thấy như thế nào khi nghe những lời này của Chúa Giêsu?  Những lời này có cảnh tỉnh tôi, khiến tôi phải sửa đổi nếp sống, giúp tôi sẵn sàng cho ngày bất chợt ấy đến? 

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên nhiều lần, để những gì Chúa Giêsu nói được thấm sâu vào trong đời sống của tôi.  Bài đọc trên cho tôi thấy rõ hơn những gì Giáo hội vẫn dạy, rằng: Mỗi người chỉ có một đời để sống, không có luân hồi, tức không có cơ hội thứ hai.  Vậy tôi sẽ sống cơ hội duy nhất này như thế nào?  Tôi ngẫm suy và đặt ra một hướng đi mới cho tương lai của tôi: sống sao cho ra người, sống sao cho có tình có nghĩa, sống sao cho mạnh mẽ và đầy yêu thương, và đặc biệt, sống sao cho có Chúa luôn.  Ước gì khi một ngày kết thúc, tôi dám thân thưa với Chúa như Thánh Inhaxio Loyola: Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có, và những gì thuộc về con.  Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.  Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.  Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.  Ðược như thế, con hoàn toàn mãn nguyện.  Amen.”  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Mong Chẳng Còn Gì,” lời của Thi sĩ Tagore, nhạc của Lm Quang Uy, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=mA_K3NcPQXU

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, September 28, 2023

Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên – Năm A – 29-9-2023 – Lễ Các Tổng Lãnh Thiên Thần MI-CA-EN, GÁP-RI-EN, RA-PHA-EN

Thu Sau XXV TN

Gioan 1:47-51

47Khi ấy, Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” 48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?”  Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” 49 Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!” 50 Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin!  Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” 51 Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Điểm đáng chú ý đầu tiên và nổi bật nhất trong bài đọc hôm nay đó là, Chúa Giêsu nhìn thấu con người Na-tha-na-en đến mức, ông ta phải ngỡ ngàng.  Có thể tôi tin và biết Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên ngài biết hết mọi sự không cần phải ai nói cho Ngài, nhưng tôi có thật sự ý thức sự thấu hiểu của Ngài mỗi khi tôi bước vào giờ cầu nguyện?  Nếu tôi thật sự tin Chúa Giêsu thấu hiểu tôi, vậy trong giây phút này tôi nghĩ Ngài biết gì về tôi?  Ngài có thể nói gì về tôi?  Ngài có thể chỉ ra điều gì ở tôi?  Đó là những điều tốt hay điều xấu?  Đó là những điều tôi hãnh diện hay xấu hổ?  Đó là những điều tôi rất tự hào hay rất bối rối?  Tôi lắng nghe thật kỹ những gì Chúa Giêsu nói về tôi và tôi để ý phản ứng của tôi như thế nào khi Ngài kể ra những cái Ngài biết về tôi.  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu sau khi Ngài kể cho tôi về những điều Ngài biết về tôi?  Tôi có thể tiếp tục cuộc nói chuyện với Chúa Giêsu cho đến hết giờ cầu nguyện này.

2.  Hôm nay là lễ kính các Tổng Lãnh Thiên Thần.  Chúa Giêsu nói, trời mở ra và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Ngài.  Câu nói này của Chúa Giêsu nhằm để chứng thực rằng: Ngài từ Thiên Chúa mà đến và có thiên thần làm chứng.  Tôi tin ở Chúa Giêsu như thế nào và đến mức nào?  Có khi nào tôi nghi ngờ Chúa Giêsu không?  Tôi có thể hỏi các thiên thần và nhờ họ giúp củng cố niềm tin của tôi chăng?  Trong ngày lễ kính ba Tổng lãnh Thiên Thần, tôi có thể chọn một trong ba vị để nói chuyện trong lúc này: Mi-Ca-En, Gáp-Ri-En, hoặc Ra-Pha-En, nhờ vậy tôi được thêm vững tin vào Chúa Giêsu hơn.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, September 27, 2023

Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên – Năm A – 28-9-2023

Thu Nam XXV TN

Luca 9:7-9

7Khi ấy, tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm.  Thật vậy, có kẻ nói: “Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy.” 8 Kẻ khác nói: “Ông Ê-li-a xuất hiện đấy!”  Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.” 9 Còn vua Hê-rô-đê thì nói: “Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi!  Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”  Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Tiểu vương Hê-rô-đê phân vân chuyện gì?  Ông ta phân vân, không biết Chúa Giêsu thực sự là ai mà, giảng dạy và làm rất nhiều phép lạ, khiến rất nhiều người đi theo.  Rồi, người này nói Chúa Giêsu là Gioan Tẩy giả đã sống lại, người khác lại bảo Ngài là tiên tri Ê-li xuất hiện, người khác nữa lại cho Ngài là một trong những tiên tri thời xưa đã sống lại.  Trong khi đó Hê-rô-đê khẳng định, Chúa Giêsu không phải là Gioan Tẩy giả, bởi ông chắc chắn rằng, chính ông đã ra lệnh chém đầu Gioan.  Giờ cầu nguyện này tôi có thể đặt câu hỏi với chính tôi: Chúa Giêsu thực sự là ai?  Đặc biệt đối với tôi, Ngài là ai?

2.     Thế rồi, Hê-rô-đê đã tìm cách gặp Chúa Giêsu.  Tôi có muốn đích thân tìm gặp Chúa Giêsu không, để tất cả những gì tôi biết về Chúa Giêsu phải là những khám phá của riêng tôi, chứ tôi không nói theo hay dựa vào câu trả lời của bất cứ khác.  Cách thức tốt nhất để tìm gặp Chúa Giêsu, đó là: Cầu nguyện mỗi ngày.  Nhờ cầu nguyện, nói chuyện với Chúa Giêsu mỗi ngày mà tôi được biết rõ Ngài hơn.  Tôi bắt đầu nói chuyện với Ngài, và xin Ngài tỏ cho tôi biết Ngài rõ hơn.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Biết Chúa Biết Con,” sáng tác của Lm Ân Đức, do Phi Nguyễn trình bày, qua đường dẫn sau đây: https://www.youtube.com/watch?v=j1YRZQNACQA

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, September 26, 2023

Thứ Tư Tuần XXV Thường Niên – Năm A – 27-9-2023 – Lễ Thánh Vincent de Paul, Linh Mục

Thu Tu XXV TN

Ét-ra 9:5-9

5Tôi là Ét-ra.  Vào giờ dâng lễ phẩm ban chiều, tôi mới trỗi dậy sau khi thoát khỏi cơn sầu khổ; tôi xé rách áo dài trong, áo choàng ngoài, rồi quỳ gối, giơ tay lên Đức Chúa, Thiên Chúa của tôi 6và thưa với Người: “Lạy Thiên Chúa của con, con thật xấu hổ thẹn thùng khi ngẩng mặt lên Ngài, lạy Thiên Chúa của con, vì tội chúng con quá nhiều, đến nỗi ngập đầu ngập cổ, lỗi chúng con cứ chồng chất lên mãi tới trời. 7 Từ thời tổ tiên chúng con cho đến ngày nay, vì chúng con đã mắc lỗi nặng và phạm tội, nên các vua và các tư tế của chúng con đã bị nộp vào tay vua chúa các nước ngoại bang; chúng con đã bị nộp cho gươm giáo, phải đi đày, bị cướp bóc và bẽ mặt hổ ngươi như ngày hôm nay. 8 Và bây giờ, chỉ mới đây, Đức Chúa,
Thiên Chúa chúng con, ban cho chúng con ân huệ này là để lại cho chúng con một số người sống sót, và cho chúng con được một chỗ ở vững chắc trong nơi thánh của Ngài; như thế, Thiên Chúa chúng con đã toả ánh sáng làm cho đôi mắt chúng con được rạng ngời, và ban cho chúng con một chút sinh lực giữa cảnh đời nô lệ lầm than. 9 Tuy chúng con là những kẻ nô lệ, Thiên Chúa chúng con đã không bỏ rơi chúng con trong cảnh nô lệ đó.  Ngài đã làm cho các vua Ba-tư tỏ lòng thương yêu chúng con, khiến chúng con được hồi sinh mà dựng lại Nhà Thiên Chúa chúng con, tái thiết ngôi Nhà đã hoang tàn, và xây lại tường thành tại Giê-ru-sa-lem ở Giu-đa.”

(Trích Sách Ét-ra, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là lời nguyện thống hối và cảm tạ Thiên Chúa, trong buổi lễ khánh thành đền thờ Giê-ru-sa-lem, mà tôi đã được suy niệm ngày hôm qua.  Trong bài đọc hôm nay tôi có thể đọc thấy, Ét-ra bày tỏ sự nhận thức sâu sắc về tội lỗi của mình và toàn dân.  Nhưng điều này khiến ông đến gần Chúa hơn là chạy trốn chính mình.  Ét-ra không chỉ nhận thức tội lỗi của chính mình mà còn của toàn dân.  Tôi nhận thức được những lỗi lầm và thất bại nào nhất trong tôi, trong cộng đoàn, xứ đạo và đất nước của tôi, hoặc thậm chí trên toàn thế giới?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong giây phút này?

2.     Tôi đọc lại lời nguyện trên của Ét-ra, đặc biệt chú ý đến những dấu hiệu của niềm hy vọng và sự kiên trì của tình yêu Thiên Chúa.  Thiên Chúa, đôi khi tôi được nghe nói, “ghét tội lỗi nhưng yêu thương kẻ có tội”.  Là một tội nhân, tôi muốn nói những gì trong lòng tôi lúc này với Thiên Chúa của tình yêu kiên định này.  Ét-ra thành tâm cầu nguyện đến mức quỳ sụp xuống, xé áo mình, và than khóc cầu nguyện.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi cũng thành tâm xin cho được ơn biết bối rối trước những tội lỗi và yếu đuối của mình. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, September 25, 2023

Thứ Ba Tuần XXV Thường Niên – Năm A – 26-9-2023 – Lễ Thánh Cosmas và Damian, Tử Đạo

Thu Ba XXV TN

Ét-ra 6:7-8, 12b, 14-20

7Hồi ấy, vua Đa-ri-ô ra lệnh cho các quan chức vùng bên kia sông Êu-phơ-rát rằng: “Hãy để cho tổng trấn của người Do-thái và các kỳ mục Do-thái lo việc xây cất Nhà Thiên Chúa, họ phải tái thiết Nhà Thiên Chúa ở chỗ cũ. 8 Đây là lệnh ta ban cho các ngươi về cách đối xử với hàng kỳ mục Do-thái trong việc tái thiết Nhà Thiên Chúa: phải lấy tiền bạc của nhà vua trích từ thuế thu được ở Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát, mà cung cấp đầy đủ các chi phí cho những người đó, không được gián đoạn. 12b Chính ta, Đa-ri-ô, đã ban lệnh này.  Sắc chỉ phải được thi hành chu đáo!” 14 Hàng kỳ mục Do-thái tiếp tục xây cất và thành công trong việc đó, theo lời sấm của ngôn sứ Khác-gai và của ông Da-ca-ri-a con ông Ít-đô.  Họ hoàn thành công việc xây cất đúng theo lệnh của Thiên Chúa Ít-ra-en và lệnh của vua Ky-rô, vua Đa-ri-ô, và vua Ác-tắc-sát-ta vua Ba-tư. 15 Nhà đó được xây xong ngày mồng ba tháng A-đa, năm thứ sáu triều vua Đa-ri-ô. 16 Con cái Ít-ra-en, các tư tế, các thầy Lê-vi và những người lưu đày trở về, hân hoan cử hành lễ khánh thành Nhà Thiên Chúa. 17 Để khánh thành Nhà Thiên Chúa, họ đã dâng một trăm con bò, hai trăm con cừu đực, bốn trăm con chiên, và bắt mười hai con dê đực, theo số các chi tộc Ít-ra-en, làm lễ tạ tội cho toàn thể Ít-ra-en. 18 Họ thiết lập hàng tư tế theo các phẩm trật của họ, và các thầy Lê-vi theo các cấp bậc của họ, để phục vụ Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem, như đã chép trong sách Mô-sê. 19 Những người đi đày trở về cử hành lễ Vượt Qua ngày mười bốn tháng thứ nhất. 20 Các thầy Lê-vi, trăm người như một, đã thanh tẩy mình: tất cả đều thanh sạch, nên họ đã sát tế chiên Vượt Qua cho những người đi đày trở về, cho anh em của họ là các tư tế, và cho chính họ.

(Trích Sách Ét-ra, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.    Bài đọc hôm nay là một câu chuyện thật đẹp.  Các vua Ky-rô, vua Đa-ri-ô, vua Ác-tắc-sát-ta và vua Ba-tư không chỉ cho phép những người Do-thái trở về Giê-ru-sa-lem xây cất đền thờ của họ, nhưng còn lệnh cho cung cấp tiền bạc từ trong kho bạc của nhà vua để người Do-thái có thể xây cất đền thờ.  Lưu ý các vua này là dân ngoại, không cùng tôn giáo với người Do-thái, hơn thế nữa họ là chủ nô của những người Do-thái, ấy vậy mà họ lại làm những điều rất đẹp và cao thượng cho người Do-thái.  Tôi đọc lại câu chuyện trên để cảm nghiệm cái đẹp, lòng tốt của những ông vua trên.  Tôi để cho cái đẹp, cái tốt của họ lan tỏa trong tâm hồn tôi, khiến tôi cũng muốn làm những điều tốt lành cho những người quanh tôi, bất kể họ là ai.  Tôi xin Chúa thúc đẩy trong tôi lòng ao ước muốn làm những điều cao đẹp ở mọi nơi tôi hiện diện.  Tôi cũng dành giây phút này để cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trên thế giới, biết tôn trọng niềm tin của mọi sắc tộc, mọi người được tự do phụng sự và phổ biến niềm tin của họ.  Tôi cầu nguyện cho những nhà lãnh đạo ở các quốc gia, nhưng tôi cũng cầu nguyện cho tôi biết tôn trọng, chia sẻ và chung sống với niềm tin của các tôn giáo bạn cách hài hòa.

2.    Những nghĩa cử của các vị vua dân ngoại đã làm cho lòng của các tín hữu Do-thái tràn ngập niềm vui.  Tôi lại dùng trí tưởng tượng của tôi để hình dung và cảm nghiệm niềm vui như vỡ òa khi họ được hồi hương, được xây đền thờ để kính Chúa, được tự do thực hành tín ngưỡng của họ.  Tôi để ý người người tấp nập đem đủ các lễ vật và niềm vui đến đền thờ của họ để chúc khen và tạ ơn Thiên Chúa.  Tôi để ý lần cuối cùng tôi đã đến nhà Chúa với tất cả niềm vui và lòng quảng đại là khi nào?  Điều gì đã thúc đẩy tôi làm những điều ấy?  Kinh nghiệm ấy còn đọng lại trong tôi như thế nào?  Tôi nhìn lại và chia sẻ với Chúa những cảm nghiệm ấy.     

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, September 24, 2023

Thứ Hai Tuần XXV Thường Niên – Năm A – 25-9-2023

Thu Hai XXV TN

Luca 8:16-18

16Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông dân chúng rằng: “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. 17 Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. 18 Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe.  Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.”  Lời của Chúa Giêsu nói có hợp lý không?  Rất hợp lý.  Có thể áp dụng cho đời sống của tôi không?  Rất có thể.  Bởi chẳng cha mẹ nào sinh con, hoặc kỹ sư nào sáng chế ra cái gì mà muốn nó trở thành vô dụng, nhưng đều muốn nó trở nên hữu ích cho mọi người.  Thiên Chúa cũng thế, Ngài đã dựng nên tôi như một ngọn đèn, ngọn đuốc để chiếu sáng cuộc đời này.  Giữa cuộc đời tăm tối đầy gian xảo và lừa lọc, tôi phải là đuốc sáng của liêm chính.  Đó là ơn gọi Kitô hữu của tôi.  Giữa một thế giới đầy tranh chấp, hận thù, chia rẽ, tôi phải là đuốc sáng của yêu thương, tha thứ và hiệp nhất.  Đó là ơn gọi Kitô hữu của tôi.  Giữa một thế giới đầy đau khổ và nước mắt, tôi phải là đuốc sáng của đỡ nâng và an ủi.  Đó là ơn gọi Kitô hữu của tôi.  Giữa thời đại kỹ thuật số với những mạng xã hội, như: Youtube, Facebook, Twitter… đầy rác rưởi và chửi bới, tôi phải là đuốc sáng chỉ nói và loan truyền những niềm vui và giải hòa.  Đó là ơn gọi Kitô hữu của tôi.  Tôi muốn nói gì với Chúa trong giây phút này, để sau giờ cầu nguyện này, tôi sẽ sống chức năng đuốc sáng Kitô hữu của tôi một cách cụ thể, thiết thực nhất.

2.     Chúa Giêsu còn nói: Chẳng có gì bí ẩn [nào] mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng.”  Tôi cảm thấy lời này đang tác động tôi như thế nào?  Thiên Chúa là ánh sáng đích thực, Ngài thấu tỏ mọi đường đi nước bước của tôi.  Tôi muốn thú nhận tất cả những yếu đuối của tôi cùng Chúa trong giây phút này và xin Ngài biến đổi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Nếu Chúa Là…”, sáng tác của Lm Kim Long, do Mai Thiên Vân trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=5AnT8-Ow3BQ

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, September 23, 2023

Chúa Nhật Tuần XXV Thường Niên – Năm A – 24-9-2023

CN XXV TN

I-sai-a 55:6-9

6Hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên. 7 Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Đức Chúa - và Người sẽ xót thương -, về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ. 8 Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta - sấm ngôn của Đức Chúa.

(Trích Sách I-sai-a, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay thật ngắn nhưng thật ý nghĩa và rất cần thiết cho đời sống đức tin của tôi.  Tôi có thể dừng ở ngay câu thứ nhất để suy niệm và cầu nguyện: “Hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên.”  Tôi có thể lấy câu này làm ơn xin cho cả giờ cầu nguyện này.  Tôi xin cho có lòng khao khát, muốn tìm kiếm Chúa luôn trong mọi hoàn cảnh, trước khi mọi sự quá trễ đối với tôi, và trước khi tôi nhận ra cả cuộc đời, cả năm qua, cả tháng qua, cả tuần qua, cả ngày qua, cả giờ qua tôi đã đánh mất bao nhiêu cơ hội gặp gỡ Ngài. 

2.     Cách thức thể hiện lòng ao ước muốn gặp Chúa đó là sửa đổi đời sống, thay đổi con người cũ của tôi với những bám víu lệch lạc như: óc suy tính gian dối, tâm khép kín và chân tay miệng lưỡi làm những việc gian ác, bằng một tâm hồn giống Chúa yêu thương, tha thứ.  Tôi lại xin cho một ơn xin nữa để sống cả ngày hôm nay, cả tuần lễ mới này thật can đảm, dám sửa đổi những nếp sống cũ của tôi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Con Luôn Khát Khao”, sáng tác của Sr. Hoàng Phương, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=GfZnMgsEZAI

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, September 22, 2023

Thứ Bảy Tuần XXIV Thường Niên – Năm A – 23-9-2023 – Lễ Thánh Pius of Pietrelcina, Linh Mục

 Thu Bay XXIV TN

1 Ti-mô-thê 6:13-16

13Anh thân mến, trước mặt Thiên Chúa là Đấng ban sức sống cho mọi loài, và trước mặt Đức Ki-tô Giê-su là Đấng đã làm chứng trước toà tổng trấn Phong-xi-ô Phi-la-tô bằng một lời tuyên xưng cao đẹp, tôi truyền cho anh: 14hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, xuất hiện. 15 Đấng sẽ cho Đức Ki-tô tỏ hiện vào đúng thời đúng buổi, là Chúa Tể vạn phúc vô song, là Vua các vua, Chúa các chúa. 16 Chỉ mình Người là Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy.  Kính dâng Người danh dự và uy quyền đến muôn đời. A-men.

(Trích Thư Ti-mô-thê I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay tiếp nối những huấn từ của Phao-lô gởi cho Ti-mô-thê mà tôi đã có dịp đọc và suy niệm mấy ngày qua.  Những lời ấy cũng có thể áp dụng cho chính tôi ngày hôm nay, Phao-lô viết: Hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, xuất hiện.”  Tôi nhẩm đi nghĩ lại lệnh truyền này như đang nói cho chính tôi.  Có một góc cạnh nào đó trong đời sống của tôi cần phải sống cho tinh tuyền hơn?  Nếu Chúa Kitô xuất hiện ngay trong giờ cầu nguyện này, liệu Ngài sẽ trách tôi hay khen thưởng tôi về những điều gì?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này? 

2.     Cùng với lệnh truyền, Phao-lô cũng nhắc lại niềm tin xác tín vào Chúa Giêsu.  Những lời này như một bản tuyên xưng đức tin mà tôi có thể dùng để tuyên xưng và xây đắp mối tương quan giữa tôi với Chúa Giêsu mỗi ngày.  Tôi lập lại những lời tuyên tín này để chúng được khắc sâu trong tâm hồn và từng sinh hoạt hằng ngày của tôi: “[Đức Ki-tô] là Chúa Tể vạn phúc vô song, là Vua các vua, Chúa các chúa.  Chỉ mình Người là Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy.  Kính dâng Người danh dự và uy quyền đến muôn đời.  A-men.”

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, September 21, 2023

Thứ Sáu Tuần XXIV Thường Niên – Năm A – 22-9-2023

Thu Sau XXIV TN

Luca 8:1-3

1Khi ấy, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.  Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai 2và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh.  Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, 3bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa.  Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay tuy rất ngắn, nhưng vẫn có những điểm rất bổ ích cho giờ suy niệm và cầu nguyện của tôi.  Trước hết, tôi tập trung vào câu đầu tiên của bài đọc; ở đó, Thánh Luca kể Chúa Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc để rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.  Nhiều người đã đi theo Chúa Giêsu, họ bao gồm cả đàn ông lẫn đàn bà.  Giờ cầu nguyện này tôi có thể hình dung – Tôi cũng muốn chen chân đi cùng mọi người để nghe Chúa Giêsu giảng và để chứng kiến những gì Ngài làm.  Tôi để ý xem Chúa Giêsu và mọi người đi như thế nào, thái độ của họ ra sao, họ trao đổi với nhau những chuyện gì?  Tôi ở đâu trong đám đông ấy, gần hay xa Chúa Giêsu?  Điều gì khiến tôi không thể gần với Chúa Giêsu hơn?  Tôi có thể tham gia vào đề tài nào mà mọi người đang trao đổi với nhau?  Tôi chia sẻ, góp ý và để ý Chúa Giêsu lắng nghe tôi như thế nào?  Tôi cảm thấy thế nào khi biết Chúa Giêsu rất quan tâm đến những gì tôi chia sẻ.

2.     Điểm thứ hai tôi có thể tập trung trong giờ cầu nguyện này đó là, trong số những người đi theo Chúa Giêsu không chỉ có Nhóm Mười Hai, nhưng có cả các bà nữa.  Họ không chỉ đi theo Chúa Giêsu, nhưng còn lấy của cải mình để giúp Ngài và các môn đệ.  Tôi là một trong những người đang đi theo Chúa Giêsu trong thời đại hôm nay, tôi có thể đóng góp gì cho Ngài và Giáo hội của Ngài?  Tiền bạc, thời giờ, sức lực cho Giáo hội, giáo xứ và cộng đoàn mà tôi đang sống?  Tôi chia sẻ với Chúa Giêsu về những gì tôi đóng góp và để ý Ngài nói gì với tôi về những đóng góp ấy?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng lời nguyện của Thánh Inhaxio Loyola như sau: Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có, và những gì thuộc về con.  Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.  Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.  Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.  Ðược như thế, con hoàn toàn mãn nguyện.  Amen.”    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, September 20, 2023

Thứ Năm Tuần XXIV Thường Niên – Năm A – 21-9-2023 – Lễ Thánh Mát-thêu, Tông Đồ, Thánh Sử

Thu Nam XXIV TN
Mát-thêu 9:9-13

9Khi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi ở đó.  Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!”  Ông đứng dậy đi theo Người. 10 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và người tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. 11 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” 12 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. 13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.    Bài đọc hôm nay là một câu chuyện rất thú vị về việc Chúa Giêsu gọi Mát-thêu.  Chúa Giêsu gọi Mát-thêu khi ông ta đang ngồi tại bàn thu thuế, công việc chính của ông.  Khung cảnh Chúa Giêsu gọi ông không phải là nhà thờ, cũng không phải khi ông đang chăm chú cầu nguyện, nhưng trong lúc ông đang làm việc, với công việc thường nhật của ông.  Ông nhận ra và đáp trả một cách mau mắn.  Mát-thêu diễn tả sự mau mắn của ông bằng một câu rất ngắn: Ông đứng dậy đi theo Người.”  Điều này diễn tả sự dứt khoát nơi Mát-thêu.  Có khi nào Chúa Giêsu cũng đang gọi tôi?  Ngài gọi tôi khi tôi đang ở đâu và làm gì?  Tôi nhận ra không?  Tôi đáp trả như thế nào với tiếng gọi của Ngài?  Nếu tôi đã chẳng nhận ra những lần Chúa Giêsu đã gọi tôi trong đời sống thường nhật, thì ít ra ngay trong giây phút này, tôi có thể nói với Ngài xem, Ngài có cần, có muốn tuyển tôi cho những chương trình gì của Ngài?  Tôi muốn lắng nghe và đáp trả.

2.    Mát-thêu không chỉ đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu một cách mau mắn, dứt khoát, ông còn đáp lại cách quảng đại.  Ông mời Chúa Giêsu và bạn hữu về nhà ông ăn tiệc.  Tôi có thể hình dung bữa tiệc ấy trong giây phút này.  Mát-thêu ngồi ở đâu trong bàn tiệc ấy?  Gần hay xa Chúa?  Ông và Chúa trao đổi những gì trong bữa tiệc?  Hãy hình dung tôi cũng đang ở trong bữa tiệc ấy.  Tôi có thể là một trong các nhân vật tại bữa tiệc.  Tôi nói gì với Chúa Giêsu?  Tôi có thái độ nào với Chúa Giêsu?  Giống thái độ của Mát-thêu, hay của những người Pha-ri-sêu, hay của các môn đệ?  Tôi để ý Chúa Giêsu nói chuyện trực tiếp với tôi, Ngài đọc được thái độ và cảm tình của tôi đối với Ngài.  Sau khi nói chuyện với Chúa Giêsu, tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng Kinh Lạy Cha.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, September 19, 2023

Thứ Tư Tuần XXIV Thường Niên – Năm A – 20-9-2023 – Lễ Thánh Andrew Kim Tae-gŏn, Paul Chŏng Ha-sang, và Các Bạn Tử Đạo

Thu Tu XXIV TN

1 Ti-mô-thê 3:14-16

14Anh thân mến, tôi viết cho anh thư này, dù vẫn hy vọng sớm đến với anh. 15 Nhưng nếu tôi chậm trễ, thì thư này sẽ cho anh biết phải ăn ở thế nào trong nhà của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh của Thiên Chúa hằng sống, cột trụ và điểm tựa của chân lý. 16 Phải công nhận rằng: mầu nhiệm của đạo thánh thật là cao cả, đó là: Đức Ki-tô xuất hiện trong thân phận người phàm, được Chúa Thánh Thần chứng thực là công chính; Người được các thiên thần chiêm ngưỡng, và được loan truyền giữa muôn dân; Người được cả hoàn cầu tin kính,
được siêu thăng cõi trời vinh hiển.

 (Trích Thư Ti-mô-thê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trong bài đọc hôm nay, Phao-lô mô tả về bản chất của Chúa Giêsu, nhằm gợi lên sự tôn kính trong nhà Thiên Chúa.  Tôi muốn dành thời gian này để cầu nguyện, suy ngẫm từng chữ, từng dòng, để trí tưởng tượng dẫn tôi đến một số sự kiện trong cuộc đời của Chúa Giêsu: “Được đưa lên trong vinh quang Đức Ki-tô xuất hiện trong thân phận người phàm, được Chúa Thánh Thần chứng thực là công chính; Người được các thiên thần chiêm ngưỡng, và được loan truyền giữa muôn dân; Người được cả hoàn cầu tin kính, được siêu thăng cõi trời vinh hiển.” 

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên và thử tưởng tượng tôi nhận được bức thư này và đọc những hướng dẫn này cho cả nhà thờ nghe.  Tôi ở lại trong những lời tôi vừa đọc.  Tôi cũng ở bên và chiêm ngắm Thiên Chúa, Đấng đã mặc khải bằng xương bằng thịt và đã đến sống giữa cuộc đời này.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, September 18, 2023

Thứ Ba Tuần XXIV Thường Niên – Năm A – 19-9-2023

Thu Ba XXIV TN

Luca 7:11-17

11Khi ấy, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. 12 Đức Giê-su đến gần cửa thành, đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá.  Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. 13 Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” 14 Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài.  Các người khiêng dừng lại.  Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” 15 Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói.  Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. 16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. 17 Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay thật dễ để tôi có thể cầu nguyện bằng cách hình dung, theo phương pháp cầu nguyện của Thánh Inhaxio.  Nếu trong giờ cầu nguyện này, bất cứ khi nào tôi gặp khó khăn, hãy dừng lại để ý đến chính mình và Chúa.  Tôi có thể tập trung vào lòng trắc ẩn và nhân hậu của Chúa Giêsu trong bối cảnh của đám tang.  Bằng trí tưởng tượng, tôi đặt mình vào đám đông tại đám tang này.  Một chàng trai trẻ, con trai duy nhất của một người mẹ.  Lắng nghe những giọng nói xung quanh tôi.  Cảm giác ở đó như thế nào?  Người mẹ này đã từng bị mất mát… Bà là một góa phụ.  Hãy hình dung bà bên cỗ quan tài của con trai bà, xung quanh là đám đông những người đưa tang.  Bà ấy đang mặc gì… đang làm gì?  Khi đứng bên cạnh bà góa đáng thương này, tôi cảm thấy thế nào?  Tôi muốn nói gì với bà ấy?  Bây giờ hãy để ý Chúa Giêsu tiến đến gần bên bà, lòng đầy trắc ẩn dành cho bà…  Hãy chú ý đến nét mặt của Ngài…  Cách Ngài đưa tay ra với bà…  Hãy lắng nghe giọng nói của Ngài: “Đừng khóc nữa!”  Những lời này có ý nghĩa gì đối với tôi ngay trong giây phút này?

2.     Tôi đọc lại câu chuyện trên một lần nữa.  Hãy ở thật gần bên bà góa và quan sát Chúa Giêsu.  Khi Chúa Giêsu nói, “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!”, người chết ngồi dậy, bắt đầu nói, và mọi người vừa sợ hãi vừa ca ngợi Thiên Chúa.  Cuộc gặp gỡ này có ảnh hưởng gì đến tôi hôm nay?  Tôi muốn dành những giây phút cuối cùng của giờ cầu nguyện này để nói chuyện với Chúa Giêsu về trải nghiệm hôm nay của tôi trong cuộc gặp gỡ này.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, September 17, 2023

Lớp Học Kinh Thánh Online

Kính chào quý ông bà và anh chị em,

Hiểu biết Kinh Thánh là điều rất quan trọng đối với mọi người Công giáo, như Thánh Giê-rô-ni-mô có lần nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”.  Có lẽ vì nhiều lý do khiến, nhiều người Công giáo Việt Nam hiểu biết rất hạn hẹp về Kinh Thánh.  Dù ý thức sự hiểu biết hạn hẹp này, nhiều người muốn học hỏi thêm về Kinh Thánh nhưng lại không có cơ hội, hoặc chẳng biết học ở đâu.  Hôm nay, cơ hội học Kinh Thánh đã tới! 

Tôi mới được biết Thầy Khổng Thành Ngọc, rất giỏi về Kinh Thánh, sẽ mở một khóa học Kinh Thánh bằng tiếng Việt, miễn phí, qua ZOOM, vào mỗi tối thứ Ba hằng tuần bên Mỹ, từ 6:00pm-8:00pm PT (tức: 7:00pm-9:00pm MT, 8:00pm-10:00pm CT, 9:00pm-11:00pm ET, và 8:00 – 10:00 sáng thứ Tư bên VN).  Như vậy, khóa học Kinh Thánh bây giờ đã đến tận nhà của mọi người.  Rất hiếm khi có được một khóa học như thế này.  Tôi khuyến khích mọi người hãy nắm bắt cơ hội, tham gia khóa học này.  Như khóa học về Cựu Ước, tôi tin khóa học lần này về Tân Ước sẽ có rất nhiều giáo dân và nam nữ tu sĩ tham dự.  Cả tôi cũng sẽ cố gắng xếp giờ để học với quý vị, bởi kiến thức Kinh Thánh thì mênh mông, học hoài không đủ.     

Để tham dự khóa học, mỗi người cần có computer, Ipad, hoặc Smartphone để tham gia lớp học qua ZOOM và nhận bài đọc hằng tuần.  Mỗi người cần có sách Kinh Thánh, nếu không, có thể dùng Kinh Thánh trên mạng qua đường dẫn: http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm

Xin bấm vào đường dẫn sau để tham dự khóa học Kinh Thánh, bắt đầu tối thứ ba, 19 tháng 9, 2023:

https://seattleu.zoom.us/j/94848436526?pwd=Mk5td05qSVhhd1JMSlhRT0U4MFVqZz09

Meeting ID: 948 4843 6526

Passcode: vuotqua

Hẹn gặp quý vị trong lớp!

Lm Phạm Đức Hạnh, SJ

Thứ Hai Tuần XXIV Thường Niên – Năm A – 18-9-2023

 Thu Hai XXIV TN

Luca 7:1-10

1Khi ấy, sau khi giảng dạy dân chúng, Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um. 2 Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết.  Ông ta yêu quý người ấy lắm. 3 Khi nghe đồn về Đức Giê-su, ông cho mấy kỳ mục của người Do-thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông. 4 Họ đến gặp Đức Giê-su và khẩn khoản nài xin Người rằng: “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. 5 Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta.” 6 Đức Giê-su liền đi với họ.  Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. 7 Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài.  Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. 8 Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi.  Tôi bảo người này: ‘Đi!’ là nó đi; bảo người kia: ‘Đến!’ là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’ là nó làm.” 9 Nghe vậy, Đức Giê-su thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.” 10 Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.    Nhân vật nổi bật nhất trong bài đọc hôm nay, đó là: Viên đại đội trưởng.  Mặc dù ông là dân ngoại, nhưng ông có hai điểm rất đẹp, đến nỗi Chúa Giêsu phải thán phục.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi có thể tập trung vào hai điểm rất đẹp của viên đại đội trưởng để suy niệm và cầu nguyện.  Thứ nhất, viên đại đội trưởng này, dù là dân ngoại, nhưng ông nổi tiếng là người tốt.  Ông đã rất thương yêu đầy tớ của mình, tìm thầy chạy thuốc cho đầy tớ khi hắn bị bệnh.  Ông là người La-mã, giới đô hộ, vậy mà đã đứng ra xây cất hội đường cho người Do-thái, dân bị trị, để họ có nơi thờ phượng.  Lòng tốt của ông đẹp và lớn đến nỗi, những người Do-thái đã xin Chúa Giêsu làm phép lạ chữa cho đầy tớ của ông ta.  Đời sống của ông có thể thật gần với những gì mà ĐGH Phanxico nói: “Không nhất thiết phải tin vào Chúa mới là người tốt.  Theo một cách nào đó, quan niệm truyền thống về Chúa đã lỗi thời.  Người ta có thể có tâm linh nhưng không có tôn giáo.  Không nhất thiết phải đến nhà thờ và dâng cúng tiền bạc - đối với nhiều người, thiên nhiên có thể là nhà thờ.  Trong lịch sử, một số người rất tốt nhưng đã không có niềm tin vào Chúa; trong khi đó, một số người lại lấy danh Ngài mà làm những điều rất tồi tệ – It is not necessary to believe in God to be a good person.  In a way, the traditional notion of God is outdated.  One can be spiritual but not religious.  It is not necessary to go to church and give money – for many, nature can be a church.  Some of the best people in history did not believe in God, while some of the worst deeds were done in His name.  Tôi có thể dành giây phút này nhìn vào đời sống của viên đại đội trưởng và câu nói của ĐGH Phanxico để xét mình, tự hỏi: Bao lâu nay tôi nói tôi là Kitô hữu, nhưng tôi đã sống tốt như thế nào?  Đời sống Kitô hữu của tôi đã lan tỏa những hương hoa nào?  Những người Do-thái đã xin Chúa Giêsu giúp viên đại đội trưởng.  Liệu sẽ có những người xa lạ sẽ cầu nguyện cho tôi, vì họ đã chứng kiến, hoặc đã đón nhận những việc làm tốt của tôi?

2.    Tôi đọc lại bài đọc trên và để ý đến điểm tốt thứ hai của viên đại đội trưởng: “Niềm tin.”  Lưu ý, viên đại đội trưởng không phải là người Do-thái, tức không thuộc về tôn giáo Do-thái, ấy vậy mà ông lại có niềm tin rất mạnh vào Chúa Giêsu.  Niềm tin ấy đẹp đến mức, Chúa Giêsu phải thán phục.  Niềm tin ấy mạnh đến mức, mỗi khi người Công giáo dâng lễ, đều lập lại câu nói của ông, như thể mượn lời của ông mà nói thay cho niềm tin của mình, trước khi lên rước lễ: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”  Tôi là một Kitô hữu, niềm tin của tôi mạnh đến mức nào?  Niềm tin ấy đã giúp cho cuộc sống của tôi và những người xung quanh ra sao?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu trong giây phút này. 

Phạm Đức Hạnh, SJ