Sáng Thế 32:22-33
23Đêm đó, ông Gia-cóp dậy, đem theo hai bà
vợ, hai người nữ tỳ và mười một đứa con, và ông lội qua sông Giáp-bốc. 24 Ông
đem họ theo, đưa họ qua sông, rồi đưa tài sản của ông qua. 25 Ông
Gia-cóp ở lại một mình. Có một người vật
lộn với ông cho đến lúc rạng đông. 26 Thấy không thắng
được ông, người đó bèn đánh vào khớp xương hông của ông, và khớp xương hông của
ông Gia-cóp bị trật đang khi ông vật lộn với người đó. 27 Người
đó nói: “Buông ta ra, vì đã rạng đông rồi.” Nhưng ông đáp: “Tôi sẽ không buông ngài ra,
nếu ngài không chúc phúc cho tôi.” 28 Người đó hỏi ông:
“Tên ngươi là gì?” Ông đáp: “Tên tôi là
Gia-cóp.” 29 Người đó nói: “Người ta sẽ không gọi tên
ngươi là Gia-cóp nữa, nhưng là Ít-ra-en, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với
người ta, và ngươi đã thắng.” 30 Ông Gia-cóp hỏi: “Xin cho
tôi biết tên ngài.” Người đó nói: “Sao
ngươi lại hỏi tên ta?” Và người đó chúc
phúc cho ông tại đấy. 31 Ông Gia-cóp đặt tên cho nơi đó là
Pơ-nu-ên, “vì -ông nói- tôi đã thấy Thiên Chúa mặt đối mặt, mà tôi đã được tha
mạng.” 32 Khi mặt trời mọc, ông đi qua Pơ-nu-ên; ông đi
khập khiễng vì bị trật xương hông. 33 Bởi thế, con cái
Ít-ra-en, cho đến nay, không ăn cái gân đùi ở khớp xương hông, vì người đó đã
đánh vào khớp xương hông của ông Gia-cóp, vào gân đùi.
(Trích Sách Sáng Thế, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay là câu chuyện nổi tiếng về cuộc vật lộn suốt đêm giữa Gia-cóp và thiên thần. Câu chuyện của Gia-cóp có gợi lên trong tôi những “cuộc vật lộn” nội tâm nào chăng? Có điều gì đang khiến tôi phải bận tâm ngày đêm, tiêu hao rất nhiều năng lực, thời gian và mất ăn mất ngủ vì nó? Tôi đã đắn đo, giằn vặt và bứt rứt bao lâu rồi? Tôi có thể gọi tên cuộc vật lộn này là gì và với ai: Thần lành hay thần dữ? Khi nào tôi mới buông và xin Chúa chúc lành?
2. Tôi đọc lại câu chuyện trên và ở lại với những hình ảnh, ý tưởng hoặc chữ, câu nào đánh động tôi nhất, và suy niệm để cho những cảm nghiệm ấy đi vào thật sâu trong tâm hồn tôi. Tôi để ý Chúa đang nói gì với tôi qua những cảm nghiệm đó và tôi muốn nói gì với Ngài từ những cảm nghiệm đó.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment