Gioan 20:1-2, 11-18
1Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối,
bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2 Bà
liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và
chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”…11 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la
đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà
vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12thì thấy hai thiên
thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu,
một vị ở phía chân. 13 Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà
khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất
Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” 14 Nói
xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức
Giê-su. 15 Đức Giê-su nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói:
“Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở
đâu, tôi sẽ đem Người về.” 16 Đức Giê-su gọi bà:
“Ma-ri-a!” Bà quay lại và nói bằng tiếng
Híp-ri: “Ráp-bu-ni!” (nghĩa là ‘Lạy
Thầy’). 17 Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì
Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy
đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh
em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.” 18 Bà
Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những
điều Người đã nói với bà.
(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Nói đến Maria Mác-đa-la là nói đến tình yêu. Bà đã yêu Chúa Giêsu rất nhiều, như tôi đã có
thể thấy điều này được ghi nhận trong các Phúc âm, nhiều đến nỗi ngày hôm nay
những nhà tiểu thuyết và làm phim thường hay tục hóa tương quan giữa bà với
Chúa Giêsu thành cuộc tình lãng mạn, để bán cho nhiều sách và thu hút nhiều
khán giả đến xem phim của họ. Gần đây
nhất phải kể đến tác phẩm tiểu thuyết và cuốn phim cùng tên, “The Da Vinci Code” của tác giả Dan
Brown. Hôm nay Giáo hội mừng lễ kính bà
và bài đọc hôm nay là một trong những bài tiêu biểu thường được dùng mỗi khi
nhớ đến bà. Tôi có thể thấy ngay câu đầu
tiên của bài đọc diễn tả tình yêu bà dành cho Chúa Giêsu lớn biết bao. Bà đã thấp thỏm chờ đợi, chắc chắn là buồn
lắm và chắc chắn đã ăn không ngon, ngủ không yên cho nên ngay lúc tờ mờ sáng,
bà đã vội đi ra thăm mộ của Chúa Giêsu, người bà rất yêu mến. Tôi thử hình dung tâm trạng của bà trong
những ngày sau khi Chúa Giêsu bị giết
như thế nào: buồn, sợ, thất vọng, mất phương hướng, giờ đây chỉ còn ra
mộ chăm cho thân xác của Đấng bà rất yêu mến được chôn cất kỹ càng. Chắc chắn khi yêu ai tôi cũng sẽ có tâm trạng
như vậy và làm như vậy. Câu hỏi cần đặt
ra lúc này, đó là: Tôi có yêu Chúa Giêsu đến điên dại như vậy không? Có sẵn sàng dâng cúng tất cả những gì tôi có
cho Ngài? Có sẵn sàng và mong mỏi kiếm
tìm Ngài như bà Maria không? Tôi dành
giây phút này để ngẫm suy và nói chuyện với Chúa Giêsu.
2. Kế tiếp tôi để ý đến chuyện bà Maria khóc và mẩu đối thoại giữa bà với
thiên thần và giữa bà với Chúa Giêsu. Bà
ra mộ và không thấy xác Chúa Giêsu đâu, bà khóc vì nghĩ rằng xác của Ngài đã bị
đánh cắp. Ngày hôm nay những bận rộn của
cuộc sống, những đam mê của thế trần đang thực sự đánh cắp Chúa Giêsu khỏi tôi,
khiến tôi chẳng còn nhớ đến Ngài nữa, chẳng cần Ngài nữa, hoặc xếp Ngài vào
hàng thứ yếu trong tất cả những gì tôi bận tâm mỗi ngày. Tôi đã mất Chúa Giêsu, nhưng tôi đã có nhỏ
được giọt nước mắt nào, khóc vì nhớ Ngài?
Lần cuối cùng tôi đã khóc vì cảm thấy mất Chúa Giêsu là khi nào? Bà Maria gặp Chúa Giêsu nhưng tưởng là người
làm vườn, coi sóc nghĩa trang nên đã làm gì với xác của Ngài chăng. Bà muốn biết ông ta đã để xác Ngài ở đâu để,
đích thân bà đi lấy mang về! Có khi nào
tôi cảm thấy đã mất Chúa và tôi nỗ lực đi tìm cho bằng được Ngài về? Tôi dành giây phút này để nghĩ về tương quan
giữa tôi với Chúa Giêsu. Tôi còn Ngài
hay tôi đã mất Ngài rồi? Giây phút cầu
nguyện mỗi ngày có thể là những nỗ lực tôi tìm lại Chúa Gieus chăng?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment