Tuesday, January 31, 2023

Thứ Tư Tuần IV Thường Niên – Năm A –1-2-2023

Thu Tu IV TN

Mác-cô 6:1-6

1Khi ấy, Đức Giê-su trở về quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường.  Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên.  Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế?  Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao?  Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? 3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a và là anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao?  Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?”  Và họ vấp ngã vì Người. 4 Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” 5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. 6 Người lấy làm lạ vì họ không tin.  Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay, có thể nói, rất gần với kinh nghiệm sống thường ngày của tôi.  Gần ở hai điểm: Thứ nhất, đó là thành kiến.  Những người cùng làng với Chúa Giêsu, họ biết rõ thân thế của Ngài, biết Ngài lớn lên từ đâu và như thế nào.  Họ biết rõ gia đình của Ngài gồm những ai và thân thế gia đình ra sao, giầu hay nghèo, làm nghề gì...  Tiếc thay, những cái biết đầy thành kiến này đã như bức tường rất kiên cố, khiến họ không biết gì khác nữa ở Chúa Giêsu.  Đồng thời cái thành kiến ấy kiên cố đến cứng lòng, khiến cho Chúa Giêsu không thể làm gì được ở quê hương Ngài.  Tôi có kinh nghiệm này bao giờ chưa, khi có cái nhìn đầy thành kiến về một ai đó đã từng lớn lên chung với tôi trong xóm, hay giáo xứ, hoặc về một người nào đó không cùng mầu da, không cùng ngôn ngữ, không cùng văn hóa, không cùng nghề nghiệp, không cùng đảng phái, không cùng niềm tin tôn giáo…?  Tôi có thấy Thiên Chúa đã bất lực trước đầu óc đầy thành kiến của tôi?  Tôi có thấy óc thành kiến của tôi đã làm cho tôi trở thành một con người thiếu yêu thương, xa cách Thiên Chúa và con người ra sao?  Tôi kể cho Chúa nghe về những óc thành kiến, kỳ thị trong tôi, xin Ngài giúp tôi biến đổi, mở tung não trạng thành kiến ấy để tôi có thể xích lại gần với Thiên Chúa và tha nhân hơn. 

2.  Thứ hai, đó là sự thất bại của Chúa Giêsu.  Bài đọc hôm nay nói, dân chúng cứng lòng tin đến mức Chúa Giêsu không thể làm được phép lạ nào ở quê hương của Ngài, đành phải bỏ đi nơi khác để rao giảng.  Sự thất bại ngay khởi đầu công cuộc rao giảng này, có lẽ, đã để lại một kinh nghiệm rất đau buồn trong trái tim Chúa Giêsu, khiến Ngài không bao giờ trở về nơi ấy để rao giảng nữa.  Chúa Giêsu là Thiên Chúa và Ngài đã thất bại với chính quê hương của Ngài.  Ngài còn gặp một thất bại lớn hơn nữa ở cuối hành trình rao giảng, đó là bị chính dân tộc của Ngài đóng đinh giết chết Ngài.  Tôi có những thất bại nào trong cuộc sống?  Thất bại trong gia đình ư: Tôi cố gắng sống tốt, cũng siêng năng đi lễ và cầu nguyện mỗi ngày; ấy vậy mà, giờ đây chẳng đứa con nào giữ đạo nữa?  Tôi lam lũ làm ăn vất vả chỉ để cho con cái có một cuộc sống tốt và học hành thành đạt; ấy thế mà, đứa thì bỏ nhà, đứa thì bỏ học, đứa nghiện ma túy, đứa ăn trộm ăn cắp, phá làng phá xóm, đứa gia nhập băng đảng?  Thất bại trong đời sống chung: Tôi phục vụ hết mình cho cộng đoàn giáo xứ mỗi tuần, mỗi dịp lễ; ấy thế mà, chẳng ai biết ơn tôi, thậm chí có người còn nghĩ xấu về những việc phục vụ của tôi?  Sự thất bại của Chúa Giêsu có lớn đủ để an ủi cho những thất bại của tôi hôm nay?  Tôi đem những thất bại này tâm sự với Chúa Giêsu, Ngài đã từng bị thất bại, Ngài hiểu tôi.  Cuối cùng, có lẽ Chúa Giêsu còn bị một thất bại lớn nhất, đó là thất bại về tôi.  Ngài là Thiên Chúa, xuống thế làm người, mặc lấy thân phận con người, kinh qua mọi đau khổ tột cùng của con người, để yêu thương và cứu độ tôi; ấy thế mà, tôi vẫn không tin, tôi vẫn chối từ, tôi vẫn khép kín lòng tôi với Ngài.  Thiên Chúa dám đối diện với tôi trong mọi thất bại của tôi; thế còn tôi, tôi dám đối diện với sự thất bại lớn nhất của Ngài về tôi không?  Tôi trả lời với Chúa Giêsu trong giây phút này.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, January 30, 2023

Thứ Ba Tuần IV Thường Niên – Năm A –31-1-2023 – Lễ Thánh John Bosco

Thu Ba IV TN

Mác-cô 5:21-43

21Khi ấy, Đức Giê-su xuống thuyền, sang bờ bên kia.  Một đám rất đông tụ lại quanh Người.  Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. 22 Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới.  Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, 23và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi.  Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống.” 24 Người liền ra đi với ông.  Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.

25Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, 26bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều, đến tán gia bại sản, mà bệnh vẫn không thuyên giảm, lại còn thêm nặng là khác. 27 Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo choàng của Người. 28 Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa.” 29 Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. 30 Ngay lúc đó, Đức Giê-su nhận thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” 31 Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: ‘Ai đã sờ vào tôi?’” 32 Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. 33 Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình.  Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. 34 Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con.  Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

35Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” 36 Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” 37 Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. 38 Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường.  Đức Giê-su thấy cảnh ồn ào và người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. 39 Người bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại ồn ào và khóc lóc như vậy?  Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” 40 Họ chế nhạo Người.  Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, rồi đưa cha mẹ đứa trẻ và những kẻ theo Người, cùng đi vào nơi nó đang nằm. 41 Người cầm lấy tay nó và nói: “Ta-li-tha kum”, có nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” 42 Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi.  Và lập tức, người ta sửng sốt kinh ngạc. 43 Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một câu chuyện rất đặc biệt trong Phúc âm Mác-cô.  Câu chuyện này cho tôi thấy cách cấu trúc câu chuyện khá độc đáo của tác giả, cấu trúc kép, hay còn gọi là cấu trúc kiểu bánh mì kẹp thịt.  Cụ thể như bài đọc hôm nay: Mở đầu câu chuyện là ông Gia-ia, trưởng hội đường, chạy đến và sụp lạy trước mặt Chúa Giêsu, xin Ngài chữa cho con gái mười hai tuổi của ông đang đau nặng, gần chết.  Chúa Giêsu đã nhận lời đến chữa, nhưng đang trên đường đến nhà ông ta, Mác-cô ngưng không kể về ông ta nữa, mà chen vào một câu chuyện mới, chuyện của người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm.  Sau khi tốn bao nhiêu tiền thuốc, đến tán gia bại sản cho đủ các thầy lang, ấy vậy mà tiền mất mà tật vẫn mang, thậm chí còn nặng hơn.  Bà đã tìm mọi cách để đến gần Chúa Giêsu và mong được chạm vào gấu áo của Ngài, vì bà tin, nếu chỉ được làm thế thôi bà sẽ được khỏi bệnh.  Bà đã làm được điều bà muốn và bà đã được khỏi bệnh.  Sau đó, Mác-cô trở lại kể tiếp câu chuyện của viên trưởng hội đường.  Lúc này con của ông đã chết, nhưng Chúa Giêsu vẫn đến, vào tận nơi con gái của ông đang nằm và chữa cho con gái của ông sống lại.  Tôi có thể đọc lại câu chuyện trên và để ý những điểm nổi bật trong cách viết truyện của Mác-cô.  Chẳng hạn, Mác-cô cố gắng làm rõ những đối xứng và tương đồng trong câu chuyện, như: Ông Gia-ia, có tên, có địa vị là trưởng hội đường.  Ông đến trước mặt Chúa Giêsu và sụp lạy, xin Ngài cứu chữa cho con gái của ông.  Đối lại, người đàn bà được chữa lành không có tên, cũng chẳng có địa vị gì.  Bà chen chui, luồn lách giữa đám đông, cố gắng đến từ phía sau lưng Chúa Giêsu, không dám lên tiếng, nhưng chỉ mong được đụng vào gấu áo của Ngài.  Bà làm tất cả những điều này chỉ để được khỏi bệnh cho chính bà.  Còn điểm tương đồng đó là, người đàn bà đáng thương này đã bị bệnh mười hai năm và cô con gái của ông Gia-ia cũng mười hai tuổi.  Bà này bị bệnh băng huyết lâu như vậy, có lẽ bà ấy đã không còn được chồng thương nữa, vì chẳng thể quan hệ việc vợ chồng được, và vì thế có thể, bà ấy đã bị chồng ly dị.  Như vậy, kể như đời bà chẳng còn gì!  Cô con gái ông Gia-ia mười hai tuổi, đến tuổi lập gia đình thời bấy giờ.  Tiếc thay, đang bắt đầu vào tuổi đầy sức sống, vậy mà lại bị chết!  Như vậy đây là hai câu chuyện tuyệt vọng của hai người nữ.  Chúa Giêsu đã chữa lành cho cả hai: bà bị băng huyết kia bây giờ có thể lập gia đình lại, và cô gái vẫn có một tương lai.  Điểm rất đặc biệt nối giữa hai câu chuyện này đó là, đức tin.  Nhờ đức tin mà bà này được khỏi bệnh.  Nhờ đức tin mà con gái ông Gia-ia được sống lại.   

2.   Đây là một câu chuyện rất hay của Mác-cô.  Tôi muốn đọc lại nhiều lần và dùng phương pháp cầu nguyện hình dung của Thánh Inhaxio để đi vào trong bối cảnh rất đẹp của Tin Mừng Mác-cô.  Tôi đặt mình vào trong bối cảnh để thấy dân chúng rất đông, chen lấn nhau, mong sao đến được gần với Chúa Giêsu.  Lưu ý, câu chuyện này được ghi nhận không chỉ trong Phúc âm Mác-cô mà thôi, nhưng còn trong cả Phúc âm Mát-thêu 9:18-26 và Phúc âm Luca 8:40-56; trong đó Luca viết, “Đám đông dân chúng chen lấn làm Người nghẹt thở (Lc 8:42).  Như vậy đông lắm!  Hỗn độn lắm!  Ồn ào lắm!  Tôi thấy không?  Tôi nghe không?  Tôi cảm không?  Nhờ cảm được đám đông chen lấn, hỗn độn, ồn ào mà tôi cảm được sự chen chân của bà bị băng huyết này mới vất vả làm sao.  Nếu không vì tuyệt vọng với căn bệnh của bà, nếu không vì tin tưởng tuyệt đối ở Chúa Giêsu, chắc chắn bà đã không chen chân đến được với Chúa Giêsu.  Chen chân đến không phải để được nói chuyện trực tiếp với Chúa Giêsu, nhưng chỉ để âm thầm, lén lút, chạm vào gấu áo của Ngài.  Chính niềm tin này đã cứu bà: Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con.  Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”  Việc Chúa Giêsu dừng lại để tìm cho ra người nào đã đụng vào gấu áo của Ngài, một việc làm nghe thật vớ vẩn bởi người ta đang chen lấn xô ngài tứ phía; ấy thế nhưng việc làm vô lý này lại là cách thức Ngài muốn ông trưởng hội đường, Giai-ia, được nhìn thấy đức tin của bà bị băng huyết mà mạnh tin lên.  Ngài đã dùng đức tin của người đàn bà vô danh tiểu tốt để củng cố đức tin cho một ông có địa vị là trưởng hội đường!  Tôi tin như thế nào mỗi khi bước vào giờ cầu nguyện?  Có khi nào tôi bước vào giờ cầu nguyện mà tin Chúa đến mức tuyệt đối như người đàn bà trong bài đọc hôm nay?  Có khi nào tôi tha thiết, sáng tạo, tìm đủ mọi cách để gặp được Chúa Giêsu, như người đàn bà trong bài đọc hôm nay?  Tôi cảm thấy như thế nào mỗi khi cầu nguyện thành tâm, tha thiết, hết mình và tuyệt đối tin tưởng ở Thiên Chúa?  Có phải những lúc ấy, tôi đã cảm thấy như được Chúa ban ơn ngay, trước khi tôi kết thúc giờ cầu nguyện?  Có khi nào Chúa đã dùng những chuyện tầm thường, những con người tầm thường để dạy tôi về đức tin?  Tôi cảm thấy như thế nào những lúc ấy?  Tôi đọc lại bài đọc trên một lần nữa, để được nghe một lần nữa, những lời trấn an của Chúa Giêsu cũng dành cho tôi lúc này: Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con!” hay, “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi!

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, January 29, 2023

Thứ Hai Tuần IV Thường Niên – Năm A –30-1-2023

Thu Hai IV TN

Mác-cô 5:1-20

1Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ sang bờ bên kia Biển Hồ, đến vùng đất của dân Ghê-ra-sa. 2 Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người. 3 Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. 4 Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm. Và không ai có thể kiềm chế anh được. 5 Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá rạch mình. 6 Thấy Đức Giê-su tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người 7 và kêu lớn tiếng rằng: “Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông?  Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!” 8 Thật vậy, Đức Giê-su đã bảo nó: “Thần ô uế kia, xuất khỏi người này!” 9 Người hỏi nó: “Tên ngươi là gì?”  Nó thưa: “Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm.” 10 Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy. 11 Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi. 12 Đám thần ô uế nài xin Người rằng: “Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia.” 13 Người cho phép.  Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo.  Cả bầy heo -chừng hai ngàn con- từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó. 14 Các người chăn heo bỏ chạy, báo tin trong thành và thôn xóm.  Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra. 15 Họ đến cùng Đức Giê-su và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo - chính người này đã bị Đạo Binh quỷ nhập vào.  Họ phát sợ. 16 Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe việc đã xảy ra thế nào cho người bị quỷ ám và chuyện bầy heo. 17 Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người đi khỏi vùng đất của họ. 18 Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước kia đã bị quỷ ám nài xin được ở với Người. 19 Nhưng Người không cho phép, Người bảo: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương xót anh như thế nào.” 20 Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh.  Ai nấy đều kinh ngạc.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một câu chuyện đầy sôi động theo cách kể của Thánh Mác-cô.  Chúa Giêsu và các môn đệ đến vùng đất Ghê-ra-sa, một vùng đất của dân ngoại.  Vừa đến đó, Chúa Giêsu đã gặp một người bị nhiều quỷ ám, khiến anh ta trở nên hung tợn đến nỗi không xiềng xích nào có thể kìm hãm anh ta được.  Điều này cho thấy, sức mạnh của sự dữ lớn không lường được, hoành hành con người mà không ai đã làm gì được, ngoại trừ Thiên Chúa.  Dẫu ngày hôm nay ở chỗ này hay chỗ kia, vẫn có những tin nói người này bị quỷ nhập người kia bị ma nhập, nhưng sức mạnh của thần dữ thì xuất hiện ở khắp nơi.  Chẳng phải chờ khi thấy một ai bị xùi bọt mép, ăn gỗ đá, đi trên trần nhà, hay nói tiếng lạ, tôi mới nói người đó bị ma ám quỷ nhập.  Nhưng dù có ai đó bị quỷ nhập hoành hành họ đến thế cũng chưa là điều đáng sợ, bởi chẳng có mấy người bị như thế.  Điều đáng sợ hơn đó là, sức mạnh của thần dữ hoành hành rất rộng, rất tinh vi, ở mọi thời và mọi nơi, ở trong tôi và trong mọi người quanh tôi mà tôi coi thường, thậm chí cộng tác đắc lực với chúng nữa, đó là: ma men, ma túy, ma cờ bạc, ma internet, ma tình dục, ma ăn cắp vặt, ma ăn gian nói dối, ma nói hành nói xấu, ma thành kiến, ma cố chấp, ma nghĩ tiêu cực về người khác, ma ngồi lê đôi mách…  Tôi đang bị ma ám quỷ nhập ở những tật xấu nào trong những tật xấu này?  Tôi đã chiến đấu chống lại nó ra sao?  Tôi đã cậy nhờ đến ai để được chữa trị?  Tôi có đến với Chúa Giêsu để được chữa lành?  Tôi có thật sự muốn được chữa lành?

2.     Khi người bị quỷ ám được chữa lành, anh ta xin đi theo Chúa Giêsu, nhưng Ngài nói: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương xót anh như thế nào.”  Có thể tôi vẫn nghĩ, theo Chúa là phải bỏ hết mọi sự rồi đi tu làm linh mục, tu sĩ, nhưng câu nói của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay cho tôi thấy, có nhiều cách để theo Chúa.  Cách phổ biến nhất và hữu dụng nhất không phải là đi tu nhưng là chia sẻ niềm vui với mọi người quanh tôi mỗi ngày về những gì mà Thiên Chúa vẫn làm cho tôi hằng ngày.  Chúa đã làm cho tôi những gì trong ngày hôm nay, trong tuần này, trong thời gian này?  Tôi nhận ra không?  Tôi tạ ơn Chúa và chia sẻ với mọi người quanh tôi về niềm vui này.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, January 28, 2023

Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên – Năm A –29-1-2023

CN IV TN 

Mát-thêu 5:1-12a

1Khi ấy, thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi.  Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2 Người lên tiếng dạy họ rằng: 3“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. 4 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. 5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. 6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. 7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. 8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. 9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. 10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. 11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. 12a Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một phần của những bài giảng trên núi của Chúa Giêsu, hay còn gọi là những bài giảng về Hiến Chương Nước Trời.  Bài đọc hôm nay nói về những mối phúc mà tôi quen gọi là Tám Mối Phúc Thật, tức những mối thật sự quan trọng, dành cho bất cứ ai muốn đi theo Chúa Giêsu.  Tôi có thể thấy, những lời dạy của Chúa Giêsu rất rõ ràng và mạnh mẽ, đòi hỏi tất cả những ai theo Ngài phải chấp nhận, phải lấy Tám Mối Phúc Thật làm phương châm sống, mới xứng được hưởng niềm hạnh phúc đích thực, mới xứng trở thành công dân Nước Trời.

2.     Để thực hành được những mối phúc trên, thực sự không dễ chút nào.  Bởi chúng đi ngược hoàn toàn với những giá trị trần thế.  Bởi, cuộc đời này, từ khi lọt lòng mẹ, đã chẳng dạy tôi rằng: cuộc đời này là mạnh được yếu thua; chính vì thế, sống là phải mạnh mẽ, phải lấn át mọi người khác mà đi lên, càng mạnh càng tốt, càng giầu càng hay, càng giỏi càng phô trương càng xứng danh anh hùng, tuyệt đối không được nhút nhát nhún nhường bất cứ ai.  Tôi có thấy những lời dạy trên của Chúa Giêsu là một thách đố lớn đối với tôi?  Tôi đọc lại bài đọc trên và để ý: mối phúc nào cho tôi sự bình an, niềm hạnh phúc?  Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần phúc ấy và quyết tâm muốn thực hành mối phúc ấy mỗi ngày.  Mối phúc nào tôi cảm thấy khó thực hành nhất; tôi nói chuyện với Chúa Giêsu; tôi tìm hiểu và xin ơn can đảm dám thực hiện.  Nên nhớ, chẳng phải vì tôi là một Kitô hữu nên mới phải sống và bước lê trong cuộc đời với Tám Mối Phúc Thật này; Mahatma Gandhi (1869-1948), một tín đồ Ấn Giáo, vậy mà ông đã say mê những lời dạy của Chúa Giêsu, đặc biệt Tám Mối Phúc Thật, đến mức, ông đã lấy nó làm triết lý sống và đặt nền cho thuyết bất bạo động của ông, để nhờ thuyết ấy, ông đã lãnh đạo toàn dân Ấn thoát ách đô hộ của người Anh.  Tôi lấy giây phút này để suy niệm về căn tính của tôi là một Kitô hữu đối với những lời dạy của Chúa Giêsu. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, January 27, 2023

Thứ Bảy Tuần III Thường Niên – Năm A –28-1-2023 – Lễ Thánh Thomas Aquinas – Tiến Sĩ Hội Thánh

 

Mác-cô 4:35-41

35Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” 36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. 37 Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. 38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ.  Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” 39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi!  Câm đi!”  Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. 40 Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế?  Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” 41 Các ông sợ hãi kinh hoàng và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.    Bài đọc hôm nay là một trình thuật khá quen thuộc về việc Chúa Giêsu dẹp yên sóng gió, được ghi nhận không chỉ trong Phúc âm Mác-cô mà trong cả hai Phúc âm Mát-thêu 8:23-27 và Phúc âm Luca 8:22-25.  Lưu ý, những hình ảnh bão táp, đêm tối, chiếc thuyền, và nỗ lực chèo chống của những người trên thuyền thường là những hình ảnh đầy tính biểu tượng trong Kinh Thánh, để nói đến đời sống đức tin đang bị thử thách và bách hại.  Như vậy, câu chuyện trong bài đọc hôm nay không hẳn là nói về một trận cuồng phong trên biển cả, đúng hơn đang nói về những cuộc bách hại đức tin mà các cộng đoàn Kitô tiên khởi đang phải trải qua.  Cuộc bách hại đức tin ấy xảy đến như một chuyến du thuyền trong đêm gặp giông bão.  Giông bão lớn đến mức làm cho thuyền gần chìm.  Ai nấy đều hoảng sợ đến mất đức tin.  Họ kêu cầu Chúa không vì lòng tin cho bằng, kêu trách sao Chúa thờ ơ: “Chúng tôi chết đến nơi mà Ông lại cứ nằm đó ngủ sao?  Ông vô tâm đến vậy sao?”!  Tôi, gia đình tôi, cộng đoàn tôi hoặc giáo hội tôi đang phải trải qua những cuộc khủng hoảng nào?  Đức tin của tôi ở đâu?  Tôi có cầu nguyện không?  Tôi cầu nguyện với tất cả niềm tin phó thác hay tôi cầu vậy mà chẳng tin gì?  Tôi cầu nguyện đấy, nhưng chỉ là giận dỗi, oán trách, mắng nhiếc Thiên Chúa?  Dù là với tâm tình gì, tôi muốn nói chuyện với Chúa trong giây phút này và để ý Chúa sẽ nói gì với tôi.

2.    Một nét đặc biệt trong Phúc âm Mác-cô đó là, ngài luôn để ý và làm nổi bật sự cứng lòng tin, kém lòng tin, sự ngu muội của các môn đệ, như tôi thấy trong bài đọc hôm nay.  Mặc dù các môn đệ đã đi theo Chúa Giêsu bao lâu nay, nghe Ngài giảng và chứng kiến biết bao nhiêu phép lạ Ngài làm, đến nỗi ma quỷ rất nhanh nhạy nhận biết và sợ Ngài; ấy thế mà, các môn đệ lại rất tối dạ và kém tin.  Ngay cả đến lúc này, khi Chúa Giêsu dẹp yên sóng gió, họ mới hỏi nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”  Chứng tỏ, các môn đệ chẳng biết, chẳng có lòng tin gì ở Chúa Giêsu!  Buồn!  Lạ!  Ấy thế, không chừng hình ảnh của các môn đệ trong bài đọc hôm nay lại là hình ảnh của chính tôi hôm nay.  Bởi nghĩ lại mà xem, mặc dù là Kitô hữu từ khi lọt lòng mẹ, hoặc đã gia nhập giáo hội bao nhiêu năm, tôi đã tin ở Thiên Chúa như thế nào khi tôi gặp hoạn nạn, gian nan thử thách?  Khi ấy tôi đã nghĩ đến Chúa trước nhất, đặt trọn niềm tin ở Ngài, hay chỉ tin vào sức của tôi và sự cứu giúp của trần thế?  Khi ấy tôi đã đi với Chúa, hay chỉ đi một mình?  Khi ấy tôi đã cầu nguyện như thế nào: xin được làm theo ý Chúa hay chỉ được làm theo ý tôi?  Khi ấy tôi đã phó thác trọn vẹn trong tay Chúa hay vái tứ phương, tìm đủ mọi thầy bà nào đó?  Trong giây phút này, tôi muốn phủ phục, tôi tin tưởng, tôi phó thác ở nơi Thiên Chúa.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Cho Con Vững Tin,” sáng tác của Lm Nguyễn Duy, qua Angelo Band trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=RCjOX6b3Dbg

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, January 26, 2023

Thứ Sáu Tuần III Thường Niên – Năm A –27-1-2023

Thu Sau III TN

Mác-cô 4:26-34

26Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng dụ ngôn này: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. 27 Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. 28 Đất tự động sinh hoa kết quả: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. 29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa.” 30 Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây?  Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? 31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. 32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.” 33 Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. 34 Người không bao giờ nói với họ mà không dùng dụ ngôn.  Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.    Hôm nay, tôi được mời gọi suy niệm về hai dụ ngôn cuối cùng trong Phúc âm Mác-cô.  Cả hai dụ ngôn về Nước Trời đều có liên quan đến công việc đồng áng, chứng tỏ những người nghe Chúa Giêsu giảng đều là những nhà nông.  Tôi muốn tập trung trước hết vào dụ ngôn thứ nhất, trong đó Chúa Giêsu nói Nước Trời ví như nhà nông đi gieo hạt giống.  Gieo hạt rồi, nhà nông ngủ hay thức hạt giống vẫn nảy mầm, thành cây và đơm bông kết trái.  Như vậy, công việc của tôi là gieo hạt giống Nước Trời, còn việc cho hạt giống ấy nảy mầm là việc làm của Thiên Chúa.  Hạt giống Nước Trời ấy chính là những cử chỉ yêu thương, sự tôn trọng lẫn nhau, lòng chân thành, lối sống chân thật, tình tương thân tương ái…  Chúa Giêsu mời gọi tôi hãy cứ gieo tất cả những hạt giống này, còn việc nảy mầm hay không, để Chúa lo.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể kiểm điểm xem, bao lâu nay tôi đã gieo được bao nhiêu “công ruộng” Nước Trời?  Tôi đã gieo hạt giống Nước Trời hay gieo những thứ nghịch với Nước Trời?  Tôi có thất vọng vì biết bao nhiêu hạt giống Nước Trời tôi đã gieo, ấy vậy mà chẳng thấy hạt nào mọc lên?  Có thực sự con cái tôi, bạn học tôi, bạn đồng nghiệp tôi, hàng xóm của tôi đã đón nhận được những hạt giống Nước Trời, hay họ nhận toàn những hạt giống khác, khiến đến bây giờ con cái tôi không muốn đi lễ, chưa người hàng xóm hay đồng nghiệp nào biết Chúa?  Tôi vui mừng vì thấy Nước Trời đã đâm chồi và trổ sinh ở những nơi nào và như thế nào?  Tôi nói chuyện với Chúa về niềm vui, thất vọng cũng như khó khăn trong việc gieo trồng Nước Trời.   

2.    Dụ ngôn thứ hai về Nước Trời cũng về gieo hạt, trong đó, Chúa Giêsu ví hạt giống Nước Trời khi bắt đầu gieo, nhỏ bé nhất trong các hạt, tầm thường, đơn sơ, nhưng khi nó mọc lên lại trở thành cây lớn, đến nỗi chim trời có thể đến làm tổ nơi cành nó.  Tôi có kinh nghiệm gieo giống Nước Trời như vậy bao giờ chưa?  Chẳng hạn, một nghĩa cử rất tầm thường, đơn sơ, tưởng chừng chẳng là gì mà tôi làm cho một ai đó, lại để lại ấn tượng rất sâu trong tâm hồn họ, biến đổi họ, giúp họ đi qua những khó khăn trong cuộc sống, làm biến đổi đời sống của họ, giúp họ gặp Chúa?  Tôi nhìn lại những năm tháng qua, đâu là những khoảnh khắc, những kinh nghiệm tôi đã mang khuôn mặt của Thiên Chúa khi tiếp xúc với người nào đó, giúp họ tìm thấy bình an, giúp họ biến đổi đời sống, giúp họ mạnh mẽ, và giúp họ cũng gặp được Chúa?  Tôi cám ơn Chúa đã cho tôi được cơ hội gieo hạt và xin Ngài tiếp tục dùng tôi cho những ước mơ của Ngài.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, January 25, 2023

Thứ Năm Tuần III Thường Niên – Năm A –26-1-2023 – Lễ Thánh Timothy và Titus, Giám Mục

Thu Nam III TN

Mác-cô 4:21-25

21Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường?  Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao? 22 Vì chẳng có gì che giấu mà không được tỏ lộ, chẳng có gì bí ẩn mà không được đưa ra ánh sáng. 23 Ai có tai để nghe thì hãy nghe!” 24 Người nói với các ông: “Hãy để ý tới điều anh em nghe.  Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa. 25 Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi.”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay rất ngắn bao gồm hai ý tưởng có vẻ rời rạc; tuy nhiên, tôi cũng vẫn có thể tìm thấy điểm nối giữa hai ý này.  Thứ nhất, tôi muốn suy niệm về hình ảnh Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường?  Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao?”  Có khi nào tôi thấy, sự có mặt của tôi trong cuộc đời có thể giống như một ngọn đèn mà Chúa thắp lên và đặt tôi vào trong gia đình, trong công xưởng, trong cộng đoàn và trong thế giới này, để mọi người được tận hưởng ánh sáng từ tôi?  Nhưng nếu vì bất cứ lý do gì mà cuộc đời tôi như ngọn đèn ở dưới gầm giường, sớm hay muộn người ta cũng biết đến.  Như vậy Chúa Giêsu khẳng định, tôi chẳng thể nào chạy trốn được chức năng chiếu sáng của tôi.  Ở đâu cũng thế, Chúa Giêsu muốn tôi là ngọn đèn cứ cháy sáng mãi.  Kinh nghiệm gần đây nhất về việc những người quanh tôi cảm nghiệm được ánh sáng từ tôi đã giúp họ rất nhiều, là khi nào?  Tôi cảm thấy như thế nào khi tôi trở thành ánh sáng soi cho người khác?  Chúa cảm thấy thế nào khi tôi sống đúng vai trò đèn sáng trong cuộc đời này?  Tôi dành giây phút này ôn lại kinh nghiệm tỏa sáng ấy và cảm tạ Chúa.

2.      Ý thứ hai từ bài đọc, tuy nghe có vẻ rời rạc, chẳng đi chung với ý tưởng thứ nhất, nhưng tôi vẫn có thể tìm thấy được sự liên hệ giữa hai ý tưởng này.  Sự liên hệ ấy là, bất kể tôi sống và diễn tả ơn gọi làm đèn sáng trong cuộc đời này như thế nào, Thiên Chúa cũng sẽ không quên tôi; trái lại, Ngài sẽ bù đắp cân xứng, thậm chí hơn nữa, so với những gì tôi đáp trả cho tiếng mời gọi của Ngài.  Tôi tin ở những lời này của Chúa Giêsu không?  Nếu có, tôi quyết tâm làm đèn sáng ở những nơi nào trong ngày hôm nay và trong tuần lễ này?  Tôi xin Chúa giúp tôi thực hiện quyết tâm này. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, January 24, 2023

Thứ Tư Tuần III Thường Niên – Năm A –25-1-2023 – Lễ Thánh Phao-lô Tông Đồ Trở Lại

Thu Tu III TN 

Công Vụ Tông Đồ 22:3-16

3Hôm đó, ông Phao-lô nói với dân chúng: “Tôi là người Do-thái, sinh ở Tác-xô miền Ki-li-ki-a, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này; dưới chân ông Ga-ma-li-ên, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt.  Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay. 4 Tôi đã bắt bớ Đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà, 5như cả vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi.  Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Đa-mát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giê-ru-sa-lem trừng trị.“Đang khi tôi đi đường và đến gần Đa-mát, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. 7 Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: ‘Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?’ 8 Tôi đáp: ‘Thưa Ngài, Ngài là ai?’  Người nói với tôi: ‘Ta là Giê-su Na-da-rét mà ngươi đang bắt bớ.’ 9 Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng Đấng đang nói với tôi. 10 Tôi nói: ‘Lạy Chúa, con phải làm gì?’  Chúa bảo tôi: ‘Hãy đứng dậy, đi vào Đa-mát, ở đó người ta sẽ nói cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm.’ 11 Vì ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy nữa, nên tôi đã được các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Đa-mát. 12 “Ở đó, có ông Kha-na-ni-a, một người sùng đạo, sống theo Lề Luật và được mọi người Do-thái ở Đa-mát chứng nhận là tốt. 13 Ông đến, đứng bên tôi và nói: ‘Anh Sa-un, anh thấy lại đi!’  Ngay lúc đó, tôi thấy lại được và nhìn ông. 14 Ông nói: ‘Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh để anh được biết ý muốn của Người, được thấy Đấng Công Chính và nghe tiếng từ miệng Đấng ấy phán ra. 15 Quả vậy, anh sẽ làm chứng nhân cho Đấng ấy trước mặt mọi người về các điều anh đã thấy và đã nghe. 16 Vậy bây giờ anh còn chần chừ gì nữa?  Anh hãy đứng lên, chịu phép rửa và thanh tẩy mình cho sạch tội lỗi, miệng kêu cầu danh Người.”

(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là lễ kính Thánh Phao-lô trở lại, một vị thánh lớn trong giáo hội.  Chính nhờ ngài mà tôi có đức tin hôm nay.  Nên nhớ, Thánh Phao-lô là một người Pha-ri-sêu học thức, rất sùng đạo, rất nghiêm túc giữ luật và rất yêu mến đạo của ông đến mức, ông sẵn sàng đi bắt bớ tất cả những ai là nguy hiểm đối với đạo của ông.  Ông là một mẫu người đức tin đáng mến mà không chắc gì tôi đã giữ đạo được một phần như ông; ấy thế mà, ông vẫn cần một cuộc trở lại.  Ông đã giữ đạo một cách nghiêm túc, đến máy móc, đến cứng ngắc.  Ông giữ đạo bằng cái đầu, mà không bằng trái tim.  Thế nên ông cần một cuộc cải đạo, từ đạo cũ sang đạo mới, từ một lòng mộ mến lề luật qua mộ mến Chúa, từ kính Chúa xa xa đến gặp Chúa đã làm người trong Đức Giêsu Kitô.  Hình ảnh Thánh Phao-lô cải đạo, trở về thường được diễn tả bằng hình ảnh ngài bị ngã ngựa.  Chẳng có cuộc ngã nào mà không đau.  Con ngựa dù chỉ là một phương tiện để đi lại thời bấy giờ, nhưng nó cũng là một hình ảnh của kiêu hãnh, tự hào; giống như xe chỉ là phương tiện đi lại ngày nay, nhưng nhiều người cũng dùng xe để khoe của, dùng xe để nói lên cái tự hào và kiêu hãnh trong lòng.  Thánh Phao-lô té ngựa, tức khỏi những cái kiêu hãnh về lòng đạo đức, thói quen giữ luật và thực hành tôn giáo của ông, lối sống đó làm cho ông trở thành công chính, hơn người, chứ không phải Chúa làm cho ông nên công chính.  Té khỏi lòng kiêu hãnh mà ông đã ấp ủ và tự hào bao nhiêu năm, chắc là đau không kém gì té ngựa.  Tôi có cần một cuộc cải đạo không?  Tôi cần cải đạo ở góc độ nào trong đức tin?  Lối sống đạo của tôi bao nhiêu năm nay có giúp tôi gặp gỡ và ở thật gần trong tương quan mật thiết với Chúa Giêsu Kitô, hay Ngài vẫn chỉ là bạn qua đường, tệ hơn nữa chỉ là người dưng?  Tôi trả lời Chúa Giêsu trong lúc này.  

2.     Hôm nay nhân đọc lại câu chuyện cải đạo của Thánh Phao-lô, tôi cũng xin Chúa cho tôi được ơn cải đạo, trở nên yêu mến Chúa Giêsu Kitô một cách thắm thiết hơn.  Tôi muốn xin cho được nghe rõ lời mời gọi của Chúa Giêsu, có một cuộc trở lại thật sự với Ngài.  Tôi lấy giây phút này nhìn lại đời sống đạo của tôi bao lâu nay và hỏi Chúa Giêsu xem, tôi làm như thế có đúng không, có đủ không, có đẹp lòng Chúa không, có sinh ơn ích cho những người xung quanh không, có là gương sáng cho con cái và xã hội không?  Tôi cũng xin ơn can đảm dám làm một cuộc đổi đời, nhân ngày lễ của Thánh Phao-lô và nhân ngày đầu năm mới này.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Tôi Thâm Tín”, sáng tác của Lm Hoàng Đức, do Lm Nguyễn Sang trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=uckLV-zJXus

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, January 23, 2023

Thứ Ba Tuần III Thường Niên – Năm A –24-1-2023 – Mồng 3 Tết Nguyên Đán – Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm

Thu Ba III TN 

Sáng Thế 2:4b-9,15

4bNgày Đức Chúa là Thiên Chúa làm ra đất và trời, 5chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Đức Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để cày cấy đất đai. 6 Nhưng có một dòng nước từ đất trào lên và tưới khắp mặt đất. 7 Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. 8 Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra.Đức Chúa là Thiên Chúa khiến mọc lên từ đất đai đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác… 15 Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai.

(Trích Sách Sáng Thế, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là Mồng 3 Tết, Giáo Hội Việt Nam mời gọi tôi cầu nguyện, xin Thiên Chúa thánh hóa công ăn việc làm của tôi trong năm mới.  Bài đọc hôm nay cũng trình bày hình ảnh Thiên Chúa làm việc, Ngài dựng nên trời đất và con người, và giao cho con người canh tác.  Như vậy, mọi sự tôi có trong đời đều là của Thiên Chúa ban, Ngài dựng nên cả đất trời.  Ý tưởng này rất phù hợp với suy nghĩ của người Việt Nam, như được thể hiện qua bản Đồng Dao mà nhiều người Việt vẫn nghêu ngao hát trong những ngày đầu năm.  Có thể nói, đây bản Đồng Dao Sáng Thế của người Việt Nam, đúng hơn của người miền Bắc Việt Nam:

Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp
Lấy nếp nấu xôi
Lấy vôi ăn trầu
Lấy bậu về ôm
Lấy nơm đơm cá
Lấy rá vo gạo
Lấy dao thái thịt
Lấy liếp làm nhà
Lấy hoa về cúng
Lấy thúng đựng tiền
Lấy tiên làm vợ
Lấy chợ bán đồ
Lấy ngô nuôi lợn

Lấy bợm làm bè

Lấy ghe đánh cá
Lấy vá múc canh
Lấy hành xào thịt
Lấy vịt tiết canh
Lấy manh áo mới
Lấy trời chở che
Lấy mè rang muối
Lấy chuỗi trân châu
Lấy trâu đi cày
Lấy bầy trẻ con
Lấy hòn đá cuội
Lấy bụi chuối cau
Lấy màu nhuộm áo
Lấy đạo để theo
Lấy cheo đóng làng
Lấy hàng rau muống

Đúng vậy, con người chẳng làm được gì nếu không có Thiên Chúa, ngay cả việc có rơm, có củi, ngay cả chuyện ăn, ngủ, nói, cười cũng phải nhờ đến Ông Trời, tức là Thiên Chúa.  Nhờ Thiên Chúa cho mưa nên có nước, nhờ có nước nên có ruộng, nhờ có ruộng nên có rơm, nhờ có rơm nên có lửa, nhờ có lửa nên có cơm, nhờ có cơm nên có sự sống.  Tôi muốn đọc lại bài đọc trên và bản đồng dao Việt Nam để chiêm ngắm toàn thể vũ trụ mà Thiên Chúa đã dựng nên cho tôi và vì tôi.  Tôi muốn dâng lời cảm tạ Ngài trong giây phút này. 

2.     Cả bài đọc Sáng Thế và bài Đồng Dao Sáng Thế đều nói lên Thiên Chúa làm việc không ngừng nghỉ.  Hôm nay tôi xin Thiên Chúa thánh hóa công ăn việc làm của tôi trong năm mới, tôi cũng muốn bắt chước Ngài làm việc liên lỉ.  Thiên Chúa làm ra những điều thiện hảo, tôi cũng bắt chước Ngài làm những điều tốt lành trong cả năm.  Thiên Chúa đặt con người vào vũ trụ này để cai quản và canh tác, tôi muốn sống ý thức hơn vai trò cộng sự viên của Thiên Chúa để làm cho cuộc đời này, trái đất này, đất nước này, giáo hội này, cộng đoàn này, gia đình này càng ngày càng đẹp hơn, sinh ơn ích cho nhiều người hơn.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng việc tán dương Thiên Chúa qua bài hát, “Dòng Dõi Chính Nhân,” sáng tác của Lm Bùi Ninh, do ca sĩ Hồng Nhung trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=2iflybEpCmw

Phạm Đức Hạnh, SJ