Wednesday, August 31, 2022

Thứ Năm Tuần XXII Thường Niên – Năm C –1-9-2022

Thu Nam XXII TN

1 Cô-rin-tô 3:18-23

18Thưa anh em, đừng ai tự lừa dối mình.  Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật. 19 Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng. 20 Lại có lời rằng: Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả, thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài. 21 Vậy đừng ai dựa vào phàm nhân mà tự hào.  Vì tất cả đều thuộc về anh em; 22 dù là Phao-lô, hay A-pô-lô, hay Kê-pha, dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, 23 mà anh em thuộc về Đức Ki-tô, và Đức Ki-tô lại thuộc về Thiên Chúa.

(Trích Thư Cô-rin-tô I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Những lời nhắc nhở của Phao-lô trong bài đọc hôm nay có thể giúp tôi trở về với những gì thật nhất của cuộc đời, đó là: Thiên Chúa, nguồn mạch mọi khôn ngoan.  Đây là một nhắc nhở quan trọng.  Bởi, trong cuộc sống tôi dễ hoang tưởng về chính mình, cho mình là khôn ngoan nhất, coi Trời bằng vung và bất chấp thiên hạ.  Tôi có thể học được một vài văn bằng, đọc được vài chục quyển sách, đi du lịch được vài nơi, ấy thế mà đã “sửa tướng”, coi thiên hạ như cỏ, chỉ mình tôi là hiểu biết nhất, chỉ có tôi là khôn ngoan nhất, phủ nhận và bất cần Thiên Chúa, đồng thời cũng chẳng cần ai!  Thánh Phao-lô khuyên tôi chớ có dại; bởi sự khôn ngoan của người đời chỉ như cơn gió thoảng ngoài.  Nguyễn Du, nhà thơ lớn của Việt Nam, cũng cảnh báo: “Có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần.”  Dù tôi khôn đến mức nào đi nữa, cần biết tạ ơn Chúa; bởi, sự khôn ngoan của tôi chỉ phản chiếu một chút hơi sương sự khôn ngoan của Thiên Chúa.  Như hai anh em nhà văn A.W. và J. C. họ Hare có lần nói: “Trí tuệ của người khôn ngoan giống như thủy tinh; nó thừa nhận ánh sáng của trời và phản chiếu – The intellect of the wise is like glass; it admits the light of heaven and reflects it.”  Tôi dành giây phút này để chiêm ngắm Thiên Chúa, nguồn mạch mọi sự khôn ngoan mà tôi đang thủ đắc, và để sự khôn ngoan của Ngài tiếp tục bao phủ lấy tôi.

2.     Nếu tôi chẳng hoang tưởng về chính mình, tôi cũng dễ ảo tưởng về người khác, như kiểu “thấy sang bắt quàng làm họ”; rồi, tôi tạo phe chia nhóm làm mất tình hiệp nhất trong cộng đoàn.  Điều đã xảy ra với Cộng đoàn Cô-rin-tô năm xưa, ở đó có những con người huênh hoang kéo Phao-lô về phe mình, lại có những người khác kéo A-pô-lô, hoặc Kê-pha về phe của họ, cũng có thể đang xảy ra trong cộng đoàn của tôi hôm nay.  Ở đâu cũng vậy, giáo xứ nào cũng thế, dễ có nhóm này thân cha chính xứ, nhóm kia thân cha phó xứ, thế là họ chia rẽ nhau, khích bác nhau, nói xấu nhau.  Phao-lô khuyên không được làm thế.  Không một ai phải về phe nào, tất cả chỉ phải bám vào Chúa Kitô và thuộc trọn về Ngài.  Tôi có thấy tình trạng phe nhóm đang xảy ra trong xứ đạo, đoàn thể, xã hội quanh tôi?  Trong bao nhiêu lý do chia rẽ, luôn có một lý do lớn nhất, nền tảng nhất, đó là: mọi người đã không dựa vào Chúa Kitô, nhưng ảo tưởng dựa vào người khác, hoặc hoang tưởng dựa vào chính mình.  Tôi để ý, suy xét, cầu nguyện cho giáo xứ, hội đoàn, và cộng đồng xã hội của tôi hôm nay.  Xin cho mọi người luôn biết hiệp nhất nên một trong Chúa Kitô.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Bài Ca Hiệp Nhất,” do Lm Thành Tâm sáng tác, được trình bày bởi Ca đoàn Kansas City, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=uNZTv9E6Fdg

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, August 30, 2022

Thứ Tư Tuần XXII Thường Niên – Năm C –31-8-2022

Thu Tu XXII TN

Luca 4:38-44

38Khi ấy, Đức Giê-su rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Si-môn.  Bấy giờ, bà mẹ vợ ông Si-môn đang bị sốt nặng.  Họ xin Người chữa bà. 39 Đức Giê-su cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài. 40 Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, đều đưa tới Người.  Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. 41 Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!”  Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Ki-tô.

42Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng.  Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi. 43 Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” 44 Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giu-đê.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay toát lên một vẻ rất đẹp đó là, hướng đến tha nhân.  Trong bài đọc hôm qua, sau khi chữa cho một người ở trong đền thờ bị quỷ ô uế nhập, Chúa Giêsu đi thẳng về nhà của Phê-rô, trong bài đọc hôm nay, nơi mẹ vợ của Phê-rô đang bị sốt nặng.  Chúa Giêsu đã chữa cho bà khỏi bị sốt.  Ngay lập tức, bà trỗi dậy và phục vụ mọi người.  Mẹ vợ Phê-rô trỗi dậy phục vụ mọi người ngay khi khỏi bệnh, không phải vì bà là đàn bà, có nhiệm vụ phải phục dịch mọi người, nhưng Luca ghi nhận chi tiết này để cho tôi thấy: sức khỏe và sự chữa lành không hẳn là chuyện của cá nhân.  Chúa cho tôi sức khỏe, Ngài chữa lành cho tôi là để tôi phục vụ tha nhân.  Tôi muốn nhìn vào con người của tôi lúc này và để ý, bao lâu nay tôi đã dùng sức khỏe và thời giờ vào những công ích của gia đình, cộng đoàn và xã hội tôi như thế nào?  Tôi chăm sóc sức khỏe không phải để cho mọi người ngắm nhìn tôi và khen tặng tôi khỏe đẹp.  Nếu vậy, tôi chẳng khác gì pho tượng trong tủ kiếng hoặc trên bàn thờ.  Tôi khỏe, tôi đẹp là để làm sáng danh Thiên Chúa, Đấng tạo thành tôi và cho tôi mọi sự; đồng thời, để mưu ích cho cộng đoàn, hướng đến tha nhân chứ không bắt mọi người phải hướng về tôi.  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này?

2.     Sau khi Chúa Giêsu chữa lành một người bị thần ô uế ám trong đền thờ, bài đọc hôm qua, Chúa Giêsu đi thẳng về nhà của Phê-rô, nơi mẹ vợ của ông đang bị sốt nặng và Ngài ở đó với gia đình Phê-rô, vì đã đến ngày sa-bát.  Sau ngày sa-bát, dân chúng nườm nượp kéo đến, mang theo những người thân của họ bị đủ mọi chứng bệnh để xin Ngài chữa lành.  Dân chúng ngưỡng mộ và thán phục về những gì Chúa Giêsu dạy và làm.  Họ muốn giữ Ngài ở lại với họ, nhưng Ngài không chịu, mà muốn đi đến những nơi khác nữa để ở đó những người khác cũng được hưởng những gì Chúa dạy và làm cho họ.  Lại một hình ảnh nữa hướng đến tha nhân trong bài đọc, Chúa Giêsu.  Tôi cảm thấy gì và được mời gọi cần phải hướng đến những ai, nâng đỡ họ như thế nào?  Tôi có thể hỏi Chúa Giêsu trong lúc này và mở lòng để cho Ngài hướng dẫn tôi phải sống như thế nào trong ngày hôm nay, dù tôi có bận rộn như thế nào.     

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, August 29, 2022

Thứ Ba Tuần XXII Thường Niên – Năm C –30-8-2022

Luca 4:31-37

31Khi ấy, Đức Giê-su xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng. 32 Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền. 33 Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: 34 “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?  Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” 35 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”  Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. 36 Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào?  Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!” 37 Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay có những chi tiết có thể giúp tôi lớn lên rất nhiều trong cách nghĩ, cách hành xử của tôi, một Kitô hữu.  Trước hết, tôi để ý dân chúng sửng sốt về những gì Chúa Giêsu giảng.  Đã hai ngàn năm qua đi, tôi không thể biết Chúa Giêsu đã giảng gì trong ngày hôm ấy, khiến dân chúng sửng sốt.  Tuy nhiên, tôi có thể đoán được.  Chắc chắn, dân chúng đã cảm thấy những gì Chúa Giêsu giảng nghe rất lạ tai, rất mới, rất gần gũi, đầy yêu thương và thanh thoát, khác hẳn những gì họ từng nghe từ những kinh sư và luật sĩ của họ.  Làm sao tôi có thể quả quyết điều này?  Nếu đọc toàn bộ các phúc âm, tôi sẽ thấy những điều rất hiển nhiên về Chúa Giêsu, chẳng hạn: 1) Bất cứ Chúa Giêsu giảng ở đâu, dân chúng cũng nườm nượp đi theo, đến mức có chỗ nói Ngài và các môn đệ không có giờ để ăn; 2) Văn hóa Do-thái thời bấy giờ là văn hóa phụ hệ, trong đó nữ giới không có một quyền gì trong gia đình và xã hội; ấy vậy mà họ lại có chỗ đứng trong các bài giảng của Chúa Giêsu, Ngài luôn đứng về phía họ và bênh vực cho họ; 3) Do-thái giáo tự hào là dân riêng của Chúa nên họ coi thường các dân ngoại; ấy vậy mà, những người ngoại giáo luôn có chỗ đứng trong các lời dạy của Chúa Giêsu, thậm chí Chúa Giêsu hay dùng những người ngoại giáo để dạy những người Do-thái về niềm tin về cách sống; 4) Do-thái là một tôn giáo cổ trong đó họ xem nặng truyền thống, lễ nghi và lề luật trọng đến mức, chúng trở thành gánh nặng trong dân chúng; ấy vậy mà, Chúa Giêsu chỉ chú tâm dạy hai điều: mến Chúa và yêu người, mà vì yêu con người, Ngài sẵn sàng phạm luật để cứu người; 5) Cách thức giảng dạy của Chúa Giêsu thật gần gũi và thực tế khiến ai cũng có thể hiểu và dễ dàng liên hệ; Ngài dùng những dụ ngôn và hình ảnh thật gần với đời sống của mọi người như muối, bột, lúa mì, hoa huệ, chim trời, vườn nho, tiệc cưới để nói về Nước Trời.

2.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể tập trung vào một trong năm điểm nổi bật trên của Chúa Giêsu và tự hỏi chính mình: Tại sao Chúa Giêsu có thể có những cái nhìn phá cách ngược với văn hóa và truyền thống như vậy?  Đã hai ngàn năm rồi, tôi có cái nhìn giống Chúa Giêsu được chút nào không?  Là một Kitô hữu, là một Giêsu hữu, tức mang căn tính của Chúa Kitô Giêsu trong mình, tôi nghĩ sao và hành xử thế nào trước những vấn đề như: bình đẳng nam nữ, vấn đề ngoại kiều, vấn đề người ngoài Công giáo, vấn đề di dân và tị nạn, vấn đề trẻ em, vấn đề người già, vấn đề án tử hình, vấn đề phụng tự…?  Tôi có cái nhìn nhân văn, văn minh, đầy bao dung về những vấn đề này như Chúa Giêsu không?  Tôi có thể cám ơn Chúa Giêsu về những gì tôi đã học được ở Ngài.  Tôi có thể nói chuyện với Ngài về những gì tôi vẫn chưa thể cởi mở.  Tôi để Chúa Giêsu nói và dạy tôi trong giờ cầu nguyện này.  Ngày hôm nay, tôi muốn chọn nghĩ và hành xử giống Chúa Giêsu ở những vấn đề nào?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, August 28, 2022

Thứ Hai Tuần XXII Thường Niên – Năm C –29-8-2022 – Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả Bị Trảm Quyết

 Thu Hai XXII TN

Mác-cô 6:17-29

17Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục.  Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, 18mà ông Gio-an lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” 19 Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. 20 Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông.  Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.

21Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. 22 Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích.  Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” 23 Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” 24 Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?”  Mẹ cô nói: “Đầu Gio-an Tẩy Giả.” 25 Lập tức, cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.” 26 Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. 27 Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới.  Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, 28bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. 29 Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay thật hay, có thể giúp tôi trưởng thành hơn trong việc phân định thiêng liêng.  Trước hết, Vua Hê-rô-đê thích nghe Gioan nói, dù những gì Gioan nói làm cho ông cảm thấy phân vân, bối rối, nhưng bởi Gioan nói đúng.  Đây là một trong những sự giằng co nội tâm mà Thánh Inhaxio nói đến trong nguyên tắc phân định thiêng liêng, nguyên tắc số 1: Đối với những người sa ngã hết tội trọng này sang tội trọng khác, kẻ thù thường quen bày cho họ những vui thú bề ngoài, xui họ tưởng đến những khoái lạc và vui thú giác quan để dễ cầm giữ và thúc đẩy họ tiến sâu vào thói hư và tội lỗi.  Với những người như thế, thần lành dùng phương pháp ngược lại, bằng cách thôi thúc cho lương tâm cắn rứt họ bằng luật tự nhiên của lẽ phải” (LT #314).  Có khi nào hoặc ngay trong lúc này tôi đang ở trong những giằng co giữa hai tiếng nói của thần lành và thần dữ, như nguyên tắc 1 này của Thánh Inhaxio đề cập?  Tiếng nói nào đang hấp dẫn và mạnh mẽ nhất trong tôi?  Tiếng nói ấy đang dẫn tôi đến gần Chúa và gần anh chị em hay đang đẩy tôi xa Chúa và anh chị em?  Tôi sẽ chọn lựa bên nào?  Tôi có đủ sức mạnh và can đảm để chọn những gì dẫn tôi đến gần Chúa và anh chị em không?  Tôi nói chuyện với Chúa và ngỏ lời xin Ngài giúp đỡ. 

2.     Dù trong lòng phân vân và biết Gioan nói đúng, nhưng Vua Hê-rô-đê vẫn không chọn làm điều đúng; để rồi, ngày thuận tiện cho thần dữ đã đến hiện nguyên hình, ông không còn cưỡng lại được nữa.  Trong nguyên tắc phân biệt thần loại, số 1, Thánh Inhaxio viết như sau: Đặc điểm của Chúa và các thiên thần khi soi giục là ban sự sảng khoái và vui vẻ thiêng liêng liêng thật, xóa bỏ mọi buồn sầu và xao xuyến do kẻ thù đưa vào.  Còn đặc điểm của kẻ thù là chống lại sự sảng khoái và niềm an ủi thiêng liêng ấy bằng cách đưa ra những lý do giả tạo, cầu kỳ và ngụy biện không cùng” (LT #329).  Bài đọc hôm nay, thần dữ đã đi vào tâm hồn và con người của Vua Hê-rô-đê bằng những hình ảnh và tiếng nói đẹp, hấp dẫn từ người vợ bất hợp pháp của ông.  Thần dữ điều khiển mọi suy nghĩ và quyết định của Vua Hê-rô-đê, dù biết là sai nhưng vì những lý do giả tạo, mang tính ngụy biện, như: sợ mất mặt với quần thần, khiến ông không cưỡng lại được một quyết định ác độc.  Thần dữ còn đi vào trong cái tâm độc ác của người mẹ, dạy con gái xin điều ác đức.  Tôi có kinh nghiệm này bao giờ chưa, hoặc tôi có đang bị thần dữ giả dạng thần lành, rỉ tai bằng những lời ngon ngọt và hình ảnh hấp dẫn, khiến cho mỗi ngày tôi mỗi tiến xa hơn vào con đường sự dữ, khiến cho mỗi ngày tôi như càng bị trói buộc hơn, mất hết tự do để làm những điều thiện, điều ngay?  Tôi cảm thấy thế nào?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?  Tôi xin Chúa điều gì trong lúc này?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng lời nguyện xin được biết lắng nghe: “Lạy Chúa của sự im lặng và là Chúa của mọi thanh âm, xin giúp con biết lắng nghe.  Xin giúp con biết sâu lắng giữa những thanh âm của hồn con, biết chờ đợi lời mời nhẹ nhàng của Chúa, mời gọi con bước sâu hơn trong Chúa.  Xin cho con đôi tai tỉnh thức, biết phân cách giữa thanh âm của Chúa khỏi những ồn ào khác quanh con.  Chúa đã luôn nói chuyện với con, qua con, suốt cả đời sống của con, lâu đến nỗi con không còn nhận ra Chúa giữa những ồn ào quanh con nữa.   Hôm nay, xin Chúa giúp con nghe rõ Chúa hơn một lần nữa – God of silence and God of all sound, help me to listen.  Help me to do the deep listening to the sounds of my soul, waiting to hear your soft voice calling me deeper into you.  Give me attentive ears that begin to separate the noise from the sounds that are you; you who have been speaking to me and through me my whole life, for so long that you can seem like background noise.  Today help me hear you anew.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, August 27, 2022

Chúa Nhật Tuần XXII Thường Niên – Năm C –28-8-2022

CN XXII TN

Huấn Ca 3:17-18, 20, 28-29

17Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn,
thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng.
18Càng làm lớn, con càng phải tự hạ,
như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.
20Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao:
Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường.
28Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa,
vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó.

(Trích Sách Huấn Ca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Lời Chúa trong bài đọc hôm nay nghe thật đơn giản, nhưng thực hiện được cũng thật khó.  Bởi tính kiêu căng tự phụ như một bản năng luôn nằm sẵn ngay ở tầng trên cùng của mọi nếp nghĩ trong đầu tôi và luôn chực chờ ở cửa miệng tôi.  Lắm lúc, dù chỉ mới thành công tí tẹo, dù chỉ mới học được vài văn bằng, tôi đã vỗ ngực cho mình là biết tất cả và có thể làm cha thiên hạ.  Dù sự khôn ngoan và kiến thức của tôi có cao siêu đến đâu, trong cuộc đời vẫn còn có những người khôn ngoan và uyên bác hơn tôi bội phần, và so với Thiên Chúa, tôi vẫn chưa được là cóc ngồi đáy giếng nữa!  Như Chúa đã nói với Isaia: Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55:9).

2.     Bài đọc hôm nay dù được viết trước thư Cô-rin-tô của Thánh Phao-lô, bài đọc thứ Sáu vừa qua, nhưng cũng mang cùng một ý nghĩa, đó là: Khiêm nhường là con đường ngắn nhất dẫn tôi đến gần Thiên Chúa và đi vào lòng người.  Lời Chúa trong bài đọc hôm nay không xa những tư tưởng của các thánh hiền, các bậc vĩ nhân, hoặc truyền thống của các dân tộc vẫn dạy con người suốt bao nhiêu thế hệ qua.  Tôi đọc lại bài đọc trên thật chậm.  Dừng lại ở những câu, những ý tưởng, những chữ đánh động tôi nhất để suy ngẫm, để nói chuyện với Thiên Chúa về những cảm nghiệm đang diễn ra trong tôi.  Cảm nghiệm vui và rất tự do vì có những lần tôi đã can đảm khiêm nhường, nhờ vậy giúp tôi cảm thấy thật gần Chúa và gần mọi người.  Cảm nghiệm buồn vì có những lần tôi đã vênh vang tự đắc khiến cho tôi trở nên xa cách Thiên Chúa và khó gần với anh chị em.  Cảm nghiệm khó khăn vì có những lần tôi bị giằng co từ bao nhiêu những tiếng nói của thần lành và thần dữ mà tôi chẳng biết làm sao, hoặc không đủ can đảm để làm theo tiếng nói của thần lành.  Tôi cần xin Chúa điều gì để từ nay trở đi, khiêm nhường là một nét đẹp luôn nổi trội trong tâm hồn tôi?  Tôi có thể kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng lời Kinh Quảng Đại của Thánh Inhaxio Loyola: Lạy Chúa Giêsu!  Xin Chúa dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa, như Chúa đáng được phụng sự, biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu không ngại thương tích, biết làm việc không tìm nghỉ ngơi, biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào hơn, là được biết con đang thi hành ý Chúa.  Con xin dâng Chúa con người của con.  Những gì con có xin dâng lại cho Chúa.  Này là tự do, ý chí của con; này là trí nhớ trí hiểu của con, mọi sự đều thuộc về Chúa.  Xin dùng con theo thánh ý Ngài.  Xin ban tình yêu và ân sủng của Chúa. Amen.”  Hoặc, tôi cũng có thể kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Chúng Con Cần Đến Chúa,” sáng tác của Phanxico, với sự trình bày của Vy-Oanh, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=fGRCyJKByZs

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, August 26, 2022

Thứ Bảy Tuần XXI Thường Niên – Năm C –27-8-2022 – Lễ Kính Thánh Monica

 Thu Bay XXI TN

Huấn Ca 26:1-4,13-16

1Phúc thay ai cưới được vợ hiền,
tuổi thọ sẽ tăng lên gấp đôi.
2Vợ đảm đang khiến chồng được sung sướng,
được an vui suốt cả cuộc đời.
3Vợ hiền là số tốt phận may
dành cho những người kính sợ Đức Chúa:
4Giàu hay nghèo, lòng vẫn cứ an vui,
lúc nào nét mặt cũng tươi cười.
13Vợ có duyên thì chồng hạnh phúc,
vợ khôn khéo thì chồng được nở mặt nở mày.
14Phụ nữ ít nói là quà Đức Chúa ban,
không chi sánh bằng người có giáo dục.
15Phụ nữ nết na là ân phúc tuyệt vời;
không chi quý giá bằng người tiết hạnh.
16Người vợ hiền trong cửa nhà ngăn nắp
đẹp như vầng hồng trên chốn cao xanh của Đức Chúa.

(Trích Sách Huấn Ca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là lễ kính Thánh Monica, một vị thánh nổi tiếng trong Giáo hội, sinh vào năm 332, tại Thagaste, thuộc Bắc Phi, nay là Algeria.  Monica sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công giáo.  Tuy nhiên, đời sống hôn nhân gia đình của bà lại bị khổ đau chồng chất vì chồng vì con.  Bà bị gia đình gả cưới cho một người ngoại giáo, một con người rất nóng nảy, hung dữ, rượu chè và lang chạ bạc tình.  Bà luôn phải nhún nhường để tránh những trận đánh đập của chồng, mỗi khi ông say xỉn.  Cả đời sống hôn nhân của Monica bị nhận chìm trong thung lũng của nước mắt và khổ đau.  Nhưng nhờ đời sống đạo đức, chìm đắm mỗi ngày trong kinh nguyện, Monica đã có thể đi qua mỗi ngày và tìm được sức mạnh để tiếp tục yêu thương, kiên nhẫn, chịu đựng và cảm hóa được mẹ chồng và chồng trở thành Công giáo, thay đổi tính tình.  Kinh nghiệm bản thân ấy đã giúp Monica tạo nhiều ảnh hưởng trên nhiều người vợ khác cùng lâm cảnh giống mình.  Monica nói: “Nếu bạn có thể làm chủ được cái lưỡi của mình, không những bạn sẽ ít bị đánh đập hơn mà có thể, một ngày nào đó, bạn còn có thể khiến chồng mình tốt hơn.”  Hết chồng lại đến con, Augustine, mà sau này trở thành thánh.  Augustine là một người con thông minh, học hành rất giỏi, nhưng lại mang những tật xấu ngông cuồng và trác táng của cha.  Monica là một người mẹ rất đạo hạnh và thương con, đã luôn theo sát con trong mọi bước đi của con.  Augustine thành danh, phủ nhận niềm tin vào Thiên Chúa của mẹ.  Ông muốn sống xa mẹ bao nhiêu có thể để được thoải mái ăn chơi trác táng, không bị mẹ quấy rầy.  Tuy nhiên, ông đi đến đâu, người mẹ đau khổ ấy cũng tìm đến được để khuyên răn con.  Ông đã bỏ xứ đi thật xa, đến tận Milan, nước Ý, nghĩ rằng mẹ chẳng bao giờ đến được.  Thế nhưng, Monica vẫn dò dẫm và cuối cùng đã đến được với con.  Bà tiếp tục yêu thương và khuyên răn con trở về cùng Chúa.  Nguyện ước và tình mẫu tử của bà đã chiếm được trái tim của con.  Augustine đã trở lại cùng Chúa và trở thành một tu sĩ, một giám mục, một nhà thần học lỗi lạc, ảnh hưởng cả nền thần học Công giáo trong suốt mười mấy thế kỷ qua.  Sau khi đến được Milan, gặp lại Augustine và mẹ con sống bên nhau được sáu tháng thì Monica qua đời vào ngày 27 tháng 8, năm 387.  Trước khi qua đời, Monica đã nói với con của mình những lời như sau: “Có một điều mẹ thật sự cầu mong, là được nhìn thấy con là một người Công giáo trước khi mẹ nhắm mắt lìa đời.  Thiên Chúa đã nhận lời mẹ và cho mẹ được điều mẹ nguyện xin, nhìn thấy con từ bỏ những thú vui trần thế để chọn Chúa.  Thực sự mẹ chẳng còn mong ước gì hơn.”  Monica được chọn là bổn mạng của các bà mẹ Công giáo. 

2.     Bài đọc hôm nay thật đẹp.  Cuộc đời của Monica đã phản ánh thật đúng với ý nghĩa của bài đọc hôm nay.  Tôi muốn đọc lại những lời rất đẹp từ bài đọc hôm nay và dành giây phút này cầu nguyện cho mẹ của tôi, cho vợ của tôi là mẹ của các con tôi.  Tôi cũng muốn cầu nguyện cho tất cả các bà mẹ, bà vợ vì chồng vì con mà họ phải đau khổ trăm đường.  Tôi xin Chúa chữa lành mọi vết thương trong tâm hồn của họ, cất đi những gánh nặng chất chồng trên đôi vai của họ và ban thưởng cho họ được bình an, hạnh phúc và yêu thương.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Nguyện Cầu Cho Mẹ,” do Phan Đinh Tùng trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=yCkbNemGNPc

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, August 25, 2022

Thứ Sáu Tuần XXI Thường Niên – Năm C –26-8-2022

Thu Sau XXI TN

1 Cô-rin-tô 1:17-25

17Thưa anh em, Đức Ki-tô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Ki-tô khỏi trở nên vô hiệu. 18 Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa. 19 Vì có lời chép rằng: Ta sẽ huỷ diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái. 20 Người khôn ngoan đâu?  Người học thức đâu?  Người lý sự của thời này đâu?  Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao? 21 Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người.  Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. 22 Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, 23 thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. 24 Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. 25 Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.

(Trích Thư Cô-rin-tô I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Thánh Phao-lô, trong bài đọc hôm nay, nói về thái độ khó chấp nhận thời bấy giờ, khi ngài rao giảng Tin Mừng Thập Giá.  Thời ấy người ta cho rằng, Tin Mừng Thập Giá là một sự điên rồ và là một nỗi ô nhục; họ không muốn đón nhận những gì ngài rao giảng.  Ngày hôm nay có lẽ càng khó hơn bởi, khi mà sự cạnh tranh mạnh được yếu thua, càng mạnh càng tốt càng hoan nghênh, đang được đề cao đến mức như đang trở thành một nếp sống hiện đại, thì hy sinh, khiêm nhường, trở nên nhỏ bé là một điều rất dại.  Chính ở điều này mà tôi có thể cảm thấy, sống niềm tin Kitô giữa cuộc sống, thật sự, không dễ chút nào, ở mọi thời đại.  Tôi có kinh nghiệm này bao giờ chưa, khi người đời mỉa mai vì nhà thờ của tôi, vì nhà của tôi, vì trên xe của tôi và vì trên cổ tôi đâu đâu cũng thấy hình thập giá, trên đó một con người chết trần như nhộng?  Người ta rất khó hiểu tại sao tôi lại thờ một hình ảnh rất mất thẩm mỹ như vậy.  Tôi phản ứng như thế nào khi có ai mỉa mai niềm tin của tôi: giận dữ, buồn, xấu hổ, tự hào, vui, ôn tồn giải thích, nổi nóng biện hộ, hoặc phản ứng ngang như cua?  Tôi đặt tất cả những thái độ này trong bàn tay của Chúa Giêsu, Đấng chết vì yêu tôi, mà ngày hôm nay đang khiến tôi cảm thấy xấu hổ hoặc tự hào, biết ơn, và nói chuyện với Ngài xem Ngài nghĩ sao về thái độ của tôi.     

2.     Giữa những thử thách và chống đối, Phao-lô vẫn tự hào và hãnh diện rao giảng về Chúa Kitô chịu đóng đinh.  Tôi đọc lại bài đọc trên và tìm trong đó những câu, những lời, những ý có thể làm phương châm và nền tảng cho đời sống đức tin của tôi, loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Giêsu Tình Thập Giá,” sáng tác của Sr. Quỳnh Thoại, do Minh Nguyệt trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=9X7UVblcCxY

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, August 24, 2022

Thứ Năm Tuần XXI Thường Niên – Năm C –25-8-2022 – Lễ Kính Vua Thánh Louis

Thu Nam XXI TN

Mát-thêu 24:42-44

42Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến. 43 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông phải canh thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. 44 Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay đã vào phần cuối của chương 24, như vậy chỉ còn một chương nữa trong Phúc âm Mát-thêu, chương 25, trước khi những chương kế tiếp trình thuật về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.  Như vậy, những lời trong bài đọc hôm nay như là những lời trăn trối quan trọng của Chúa Giêsu dành cho những người Ngài thương mến.  Ngài nhắn nhủ các môn đệ phải sẵn sàng chờ ngày Chúa đến.  Ngày giờ ấy xảy đến với tôi như giờ kẻ trộm đến đào ngạch khoét vách nhà tôi.  Hình ảnh kẻ trộm nghe sao tiêu cực và làm tôi sợ hãi ngày giờ Chúa đến quá!  Có thể, Chúa Giêsu đã chứng kiến nhiều gia đình bị trộm cắp chăng, nên Ngài mới dùng hình ảnh nay?  Tôi không nên vội kết luận là xã hội thời Chúa Giêsu trộm cắp và xấu xa hơn xã hội tôi hôm nay.  Không chắc!  Bởi, ngày nay, đâu đâu người ta cũng cảnh báo: Coi chừng móc túi!  Coi chừng xe bị đập kiếng!  Nhà nào cũng gắn báo động chống trộm và camera chống trộm!  Như vậy để thấy, chẳng hình ảnh nào diễn tả rõ, mạnh mẽ và gần gũi với tôi để nói ngày Chúa đến cho bằng hình ảnh kẻ trộm.  Trộm đến nhà ai, chúng đến rất kín đáo và rất bất ngờ, đến mức không ai ngờ.  Dù hình ảnh kẻ trộm rất tiêu cực, nhưng tôi có thức tỉnh và coi những gì Chúa nói là nghiêm túc, phải sẵn sàng, hay tôi vẫn coi thường, ỷ y.  Chúa Giêsu nói với các môn đệ và cũng là nói với tôi: Sẵn sàng nhé!  Tôi coi những lời trăn trối này của Chúa Giêsu quan trọng như thế nào?  Tôi sẵn sàng chưa?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này không?

2.     Nhưng thế nào là Chúa đến?  Chúa đến có nghĩa là thời hạn cho tôi đã hết.  Tôi đã có cả một đời sống để chuẩn bị.  Tôi đã có cả một Giáo hội để được dạy bảo.  Tôi đã có cả một kho tàng khôn ngoan của nhân loại nằm trong Kinh Thánh để được giúp sống tốt.  Tôi được chia đồng đều như mọi người trên mặt đất này, mỗi ngày ai cũng hưởng đúng 24 tiếng; ai cũng có một con tim, một khối óc.  Tôi đã sử dụng chúng như thế nào?  Ngày Chúa đến là thời hạn cuối cùng cho tôi.  Tôi đã sống một đời sống như thế nào để khi Chúa đến, tôi được Chúa đón vào Nước Chúa, tiếp tục sống hạnh phúc hơn, hay tôi sẽ tiếc nuối, vì chẳng còn cơ hội làm lại cuộc đời?  Khi Chúa đến Ngài thấy tôi hạnh phúc, khỏe mạnh, bình an, Ngài tiếp tục dẫn tôi đến nhiều niềm vui và hạnh phúc khác nữa, hay Ngài mất cơ hội giúp tôi, bởi tôi đã thân tàn ma dại vì rượu chè, gian dối, cờ bạc, cướp bóc, và phải nay tù mai khám?  Ngày Chúa đến còn là thời hạn cuối cùng cho gia đình tôi.  Tôi đã vun đắp gia đình trong yêu thương và hạnh phúc như thế nào, để tiếp tục được đón nhận hết niềm vui này đến niềm vui khác, hay tôi sẽ phải chứng kiến cha mẹ tôi qua đời, hoặc người phối ngẫu của tôi gạt nước mắt chia tay với tôi, hoặc con cái tôi vào tù ra khám, gia nhập băng đảng vì chẳng tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong gia đình tôi nữa?  Có thể Chúa sẽ đến đêm nay, ngày mai, tuần này, trong tháng này, trong năm này, hoặc đã đến rồi, mà tôi vẫn không hay biết.  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu và để ý xem Ngài đang muốn nói gì với tôi trong bài đọc hôm nay?   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, August 23, 2022

Thứ Tư Tuần XXI Thường Niên – Năm C –24-8-2022 – Lễ Kính Thánh Ba-tô-lo-mê-ô, Tông Đồ

Thu Tu XXI TN

Gioan 1:45-51

45Khi ấy, ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” 46 Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?”  Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến mà xem!” 47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” 48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?”  Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” 49 Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!” 50 Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin!  Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” 51 Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Câu chuyện Na-tha-na-en gặp Chúa Giêsu có một cái gì đó rất giống câu chuyện của tôi gặp Chúa.  Có lẽ, hầu hết những người có niềm tin vào Thiên Chúa đều không tự mình mà biết hoặc tự mình mà khám phá ra Thiên Chúa, nhưng luôn luôn qua một người nào đó hay một biến cố nào đó, đã dẫn họ đến với Ngài.  Có những con người thật tầm thường, ấy vậy mà Chúa lại dùng họ để mạc khải
Ngài cho tôi, làm đổi thay cả cuộc đời của tôi.  Có những biến cố tưởng chừng như một tai họa quá lớn đến mức, tôi tưởng sẽ không qua khỏi; ấy vậy, tôi lại được biến đổi, gặp được Thiên Chúa và yêu mến Ngài một cách mãnh liệt.  Trong giây phút này tôi ngồi nhìn lại con đường đức tin của tôi: Ai đã giúp tôi bước vào con đường tìm kiếm Chúa để tôi có thể gặp gỡ Ngài như hôm nay?  Tôi cầu nguyện cho người ấy.  Biến cố nào đã đưa đẩy tôi đến gần Chúa như tôi đang có Ngài hôm nay?  Tôi cảm tạ Chúa về những biến cố đó.

2.   Sau khi gặp Chúa Giêsu, Na-tha-na-en đã phải thốt lên với Chúa Giêsu: “Ngài là Con Thiên Chúa.”  Chúa Giêsu nói với Na-tha-na-en, rằng ông sẽ còn thấy nhiều điều lớn lao hơn nữa.  Kinh nghiệm gặp Chúa là một kinh nghiệm của niềm vui, và niềm vui này làm phát sinh những niềm vui khác; cứ thế, nó tiếp tục nhân đôi trong từng ngày sống.  Tôi nhớ lại xem, có những giây phút nào tôi đã chìm đắm và ngất ngây bên Chúa?  Có phải tôi đã cảm thấy thanh thản như bay bổng trên không, như bị mất hút vào trong vĩnh cửu, không còn ý thức đến không gian và thời gian nữa?  Từ kinh nghiệm gặp Chúa một cách thân tình ấy, có phải tôi cảm thấy đã được biến đổi một cách mạnh mẽ, giúp tôi sống chan hòa yêu thương và tự do, khác với đời sống cũ xưa: ích kỷ, nhỏ mọn, tham lam, độc đoán và đầy thành kiến?  Tôi nhớ lại những kinh nghiệm này và tạ ơn Chúa.  Nếu tôi chưa bao giờ cảm nghiệm những giây phút say đắm bên Chúa như vậy, tôi muốn mở lòng và muốn xin được kinh nghiệm Chúa thật sự.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, August 22, 2022

Thứ Ba Tuần XXI Thường Niên – Năm C –23-8-2022 – Lễ Kính Thánh Rose Lima

Thu Ba XXI TN

2 Thê-xa-lô-ni-ca 2:1-3a, 14-17

1Thưa anh em, về ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm và tập hợp chúng ta về với Người, tôi xin anh em điều này: 2 nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được thần khí mặc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. 3a Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào.

14Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng chúng tôi loan báo mà kêu gọi anh em, để anh em được hưởng vinh quang của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô. 15 Vậy, thưa anh em, anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hay bằng thư từ. 16 Xin chính Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô, và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp, 17 xin các Ngài an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh, để làm và nói tất cả những gì tốt lành.

(Trích Thư Thê-xa-lô-ni-ca II, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay được viết cách đây khoảng hai ngàn năm, ấy vậy mà nghe thật hợp thời, như thể Thánh Phao-lô viết cho tôi, cho cộng đoàn và cho xã hội của tôi hôm nay.  Bởi, dù khoa học ngày hôm nay đã phát triển rất nhiều, giúp nâng cao tầm hiểu biết của con người về cuộc sống, ấy thế mà nhiều người vẫn ngụp lặn trong những mê tín dị đoan, bị điều khiển bởi những thông tin lá cải, những bản tin vịt thiếu nghiên cứu mang tính khoa bảng.  Mỉa mai thay, nhiều người lại dùng những phương tiện khoa học hiện đại để cổ xúy những cái mê muội của họ, khiến cho nhiều người hoang mang sợ hãi.  Chẳng hạn không thiếu những thông tin trên các trang mạng xã hội hiện nay, người ta truyền cho nhau những mẩu tin, đại loại như: “Sắp tận thế rồi!”; hoặc: “Bạn phải gởi bản tin này (về Chúa hoặc về Đức Mẹ) đến 10 người hoặc bao nhiêu người có thể thì bạn sẽ được ơn này ơn kia, nếu bạn không gởi cho ai, tai họa sẽ giáng xuống trên bạn và người thân của bạn.”  Quái gở thay, những nhảm nhí, đầy những sai lạc về thần học và tín lý, chứa chất đầy những đe dọa và bi quan này lại hấp dẫn nhiều người nghe theo, hơn cả những lời dạy chính thức của Chúa Giêsu và của Giáo hội!  Đúng là: “Lắm thầy thối ma!”  Cách đây hai ngàn năm, Chúa Giêsu (Mt 24:36) và Thánh Phao-lô, trong bài đọc hôm nay, đã cảnh báo về những tin nhảm nhí này.  Bernard Shaw (1856-1950), một nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà luận chiến và nhà hoạt động chính trị người Ái-nhĩ-lan cảnh báo: “Cẩn thận với kiến ​​thức sai lệch; nó nguy hiểm hơn sự thiếu hiểu biết – Beware of false knowledge; it is more dangerous than ignorance.”

2.     Louis Pasteur (1822-1895), một nhà hóa học và vi sinh học người Pháp, nổi tiếng với những khám phá về nguyên tắc chủng ngừa, lên men vi sinh vật và thanh trùng, nói về tầm quan trọng của việc hiểu biết mang tính khoa bảng như sau: “Khoa học kém cỏi đẩy bạn xa Chúa, nhưng khoa học tinh thông đem bạn đến gần Ngài – A little science distances you from God, but a lot of science brings you nearer to Him.  Tôi đọc lại bài đọc trên của Thánh Phao-lô, để ý thật kỹ những lời khuyên của ngài về niềm tin: Phải tin ai và phải tin như thế nào.  Niềm tin của tôi có đang bị hoang mang chao đảo, chỉ vì tôi tin quá nhiều thầy?  Chúa Kitô có phải Bậc Thầy duy nhất mà tôi tin không?  Tôi trở về với Chúa Kitô và nói chuyện với Ngài.  Tôi có đang bị hoang mang bởi đủ mọi thức sách vở?  Tôi trở về với Kinh Thánh, nền tảng đức tin để tôi được bình an. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, August 21, 2022

Thứ Hai Tuần XXI Thường Niên – Năm C –22-8-2022 – Lễ Kính Đức Maria Nữ Vương

Thu Hai XXI TN

Mát-thêu 23:15-22

15[Khi ấy, Đức Giê-su nói với các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rằng]: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả!  Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người. 16 Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng!  Các người bảo: ‘Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc.’ 17 Đồ ngu si mù quáng!  Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn? 18 Các người còn nói: ‘Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc.’ 19 Đồ mù quáng!  Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn? 20 Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề. 21 Và ai chỉ Đền Thờ mà thề, là chỉ Đền Thờ và Đấng ngự ở đó mà thề. 22 Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề.”

(Trích Phúc Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là những lời dạy nghiêm khắc của Chúa Giêsu, nhắm đến những bậc lãnh đạo của Do-thái giáo.  Tuy nhiên, tôi cảm thấy những lời này cũng áp dụng cho tôi là linh mục, là tu sĩ nam nữ, là cha mẹ, là thầy cô giáo, là trưởng đoàn, là đàn anh đàn chị, là những người Kito hữu.  Bởi, ai cũng có những lần, ít nhiều và lúc này hay lúc khác là kẻ đạo đức giả, cũng có những cái ngu dốt, cũng có thái độ hách dịch dạy đời làm cha thiên hạ, làm gương mù gương xấu cho con cái, cho những người trẻ, cho những người dưới quyền của mình.  Tôi đọc lại, nhiều lần, những lời trên của Chúa Giêsu và để những lời này thanh luyện tôi.  Tôi xin Chúa giúp tôi ý thức sống thật với con người của mình, can đảm lấy đức khiêm nhường làm kim chỉ nam cho đường hướng và bí quyết lãnh đạo của tôi ở mọi nơi và với mọi người dưới quyền tôi.

2.  Phần cuối của bài đọc hôm nay Chúa Giêsu đề cập đến vấn đề thề thốt trong đời sống.  Điều Chúa Giêsu nói ở đây là nói đến những kiểu thề thốt thường nhật trong đời sống, chứ không có ý nói đến những lời thề mà tôi long trọng tuyên thề trong ngày thành hôn, hoặc ngày khấn dòng của tôi.  Nhưng, dù là kiểu thề thốt thường ngày hoặc lời thề trong ngày lễ thành hôn hoặc khấn dòng, điều quan trọng mà Chúa Giêsu đòi hỏi ở tôi vẫn là, sống thành thật, có nói có, không nói không và như thế tôi sẽ không cần phải lấy ai, hoặc lấy bất cứ cái gì để thề.  Tôi xin Chúa ơn xin này trong giờ cầu nguyện hôm nay.  

Phạm Đức Hạnh, SJ