Tuesday, February 2, 2021

Thứ Tư Tuần IV Thường Niên – Năm B –3-2-2021 – Lễ Thánh Blase, Giám mục Tử đạo

 Thu Tu IV NT

Do-thái 12:4-7, 11-15

4 Thưa anh [chị] em, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh [chị] em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu. 5 Anh [chị] em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh [chị] em như với những người con: Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. 6 Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. 7 Anh [chị] em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy.  Người đối xử với anh [chị] em như với những người con.  Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?... 11 Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền.  Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính. 12 Bởi vậy, hãy làm cho những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, nên mạnh mẽ. 13 Hãy sửa đường cho thẳng mà đi, để người què khỏi trật bước và hơn nữa, còn được chữa lành. 14 Anh [chị] em phải cố ăn ở hoà thuận với mọi người, phải gắng trở nên thánh thiện; vì không có sự thánh thiện, thì không ai sẽ được thấy Chúa. 15 Anh [chị] em phải coi chừng, kẻo có ai lừng khừng mà mất ân sủng của Thiên Chúa, kẻo có ai trở nên rễ đắng nảy mầm, gây xáo trộn và do đó làm hư hỏng nhiều người.

(Trích Thư Do-thái, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là những lời khuyên rất đẹp và cần thiết trong đời sống làm con cái Chúa.  Tuy nhiên, cần phải lưu ý câu 6, trong bản dịch tiếng Việt: Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt.”  Cách dịch này có lẽ đến từ việc dạy con theo lối cũ, theo kiểu: “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”; chứ thực sự, không còn thích hợp với văn hóa đương đại nữa, và cũng chẳng còn đúng nữa khi ngành tâm lý đã phát triển, cho thấy, việc đánh con cái bằng roi hoặc đấm đá có tác hại tâm lý rất lớn đến suốt cả cuộc đời của các em.  Bởi vậy đừng đọc và cầu nguyện cách dịch này theo nghĩa đen để biện minh cho việc đánh đập con cái.  Có lẽ cách dịch đỡ gây hiểu lầm và tai hại hơn nên là: “Vì Chúa thương ai thì mới giáo dục kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới sửa dạy.”  Bây giờ tôi đọc lại bài đọc trên và lắng nghe, xem trong thời gian này, Chúa đang muốn dạy tôi điều gì và sửa tôi điều chi, để làm cho tôi càng ngày càng tốt hơn về đức tin và trưởng thành hơn về mặt nhân bản, đặc biệt để tôi được thấy Thiên Chúa.

2.      Bài đọc hôm nay kết thúc bằng câu: “Anh [chị] em phải coi chừng, kẻo có ai lừng khừng mà mất ân sủng của Thiên Chúa, kẻo có ai trở nên rễ đắng nảy mầm, gây xáo trộn và do đó làm hư hỏng nhiều người.”  Giờ cầu nguyện này, tôi muốn xem lại đời sống của tôi bao lâu nay, có lừng khừng, có hâm hâm, chẳng nóng mà cũng chẳng lạnh, có tin Chúa và theo Chúa đó vậy mà cứ phải xem bói chỗ này, cúng vái thần kia nữa cho chắc ăn, nhất là trong dịp Tết sắp đến, hoặc mỗi khi khai trương cơ sở thương mại, hay dựng vợ gả chồng cho con cái cứ phải nhờ thầy xem ngày lành tháng tốt.  Rất mê tín!  Tôi không tin thời giờ là của Chúa và mọi ngày là của Chúa sao?  Nếu tin, đâu còn ngày giờ nào là xấu nữa; và, dù điều gì xấu xảy ra đi chăng nữa, thầy bà nào mà biết được?  Đức tin của tôi vào Chúa để ở đâu, mỗi khi tôi khai trương và dựng vợ gả chồng cho con cái?  Giờ cầu nguyện này tôi cũng muốn xem lại, bao lâu nay tôi có đang là rễ đắng, thuốc độc, khiến cho cả gia đình tôi ngao ngán, xào xáo, gây gỗ và bất hòa như thế nào?  Tôi muốn nói gì và xin Chúa điều gì trong lúc này?       

Phạm Đức Hạnh, SJ 

0 comments:

Post a Comment