Saturday, February 27, 2021

Chúa Nhật Tuần II Mùa Chay – Năm B –28-2-2021

CN II MC

Mác-cô 9:2-10

2Khi ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình.  Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao.  Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. 4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. 5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay!  Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” 6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. 7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông.  Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” 8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi. 9 Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. 10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Ba môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đã được Chúa Giêsu tỏ mình ra cho thấy thiên tính của Ngài, qua biến cố biến hình trên núi trong bài đọc hôm nay.  Cũng ba môn đệ này đã được Chúa Giêsu tỏ mình ra cho thấy nhân tính của Ngài, qua biến cố Chúa Giêsu cầu nguyện trong vườn cây dầu, trước khi chịu chết.  Như vậy qua hai biến cố trên, đủ cho tôi thấy trọn vẹn con người Chúa Giêsu bao gồm hai bản tính: Thiên Chúa và con người.  Tôi cảm thấy gần gũi với Chúa Giêsu nào hơn?  Tôi có thể nói chuyện với Chúa Giêsu ấy trong giây phút này.   

2.      Trình thuật Chúa Giêsu biến hình vẫn được hiểu là xảy ra trên Núi Tabor.  Tuy nhiên nếu đọc kỹ trình thuật này được ghi nhận trong ba Phúc âm Nhất lãm: Mc 9:2-8; Lc 9:28-36, và Mt 17:1-8, tôi sẽ chẳng thấy chỗ nào nói Chúa Giêsu đã biến hình trên Núi Tabor.  Như vậy, nói Chúa Giêsu biến hình trên Núi Tabor là một kiểu nói truyền thống, không có bằng chứng lịch sử.  Truyền thống ấy bắt nguồn có lẽ sớm nhất vào thế kỷ thứ 3 do Origen, và thế kỷ thứ 4 do Thánh Cyril và Thánh Jerome minh định.  Ngày nay, dù có nhiều giả thuyết khác nhau về nơi Chúa Giêsu biến hình, nhưng phần nhiều vẫn chấp nhận kiểu nói nơi Chúa Giêsu biến hình là Núi Tabor.  Tuy nhiên, việc Chúa Giêsu biến hình ở đâu không quan trọng, điều quan trọng hơn, đó là: tôi hiểu như thế nào về biến hình?  Đặc biệt, tôi đã được Chúa Giêsu biến hình khi nào chưa và ở đâu?  Nếu tôi hiểu câu chuyện này theo nghĩa đen, tôi sẽ chẳng bao giờ được thấy Chúa Giêsu biến hình.  Bởi nó đã quá cũ, 2000 năm rồi, và quá xa với cuộc sống của tôi hiện nay.  Nếu tôi hiểu câu chuyện này trong nghĩa biểu tượng, tôi có thể gặp Chúa Giêsu biến hình rất thường xuyên mỗi ngày trong biến cố này, sự kiện kia, hoặc trong người này, người khác.  Tôi đọc lại câu chuyện trên để quan sát, chiêm ngắm những giây phút nào Chúa đã từng và đang biến hình trước mặt tôi?  Ngài cũng mời gọi tôi biến hình trước mặt những người quanh tôi ra sao?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu đây?  Dựng lều chăng hay phải xuống núi?

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment