Wednesday, February 10, 2021

Thứ Năm Tuần V Thường Niên – Năm B –11-2-2021

Thu Nam V TN 

Sáng Thế 2:18-25

18Đức Chúa là Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt.  Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó. 19 Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. 20 Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng. 21 Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi.  Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. 22 Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người.

23 Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!  Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.” 24 Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt. 25 Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau.

(Trích Sách Sáng Thế, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.       Bài đọc hôm nay nối tiếp bài đọc hôm qua.  Trong bài đọc hôm qua, Thiên Chúa tạo dựng người đàn ông, trong bài đọc hôm nay, Ngài tạo dựng người đàn bà.  Có nhiều điều thú vị trong bài đọc hôm nay.  Trước hết, Thiên Chúa không nói “đàn ông” ở một mình không tốt, như có nhiều bản dịch Việt ngữ đã dịch, nhưng nói “con người” ở một mình không tốt.  Đây là một chân lý.  Chân lý ấy là, từ xa xưa con người đã ý thức về xã hội tính của mình.  Chẳng ai là một hòn đảo cô đơn.  Chẳng ai có thể sống vui, hạnh phúc và cảm thấy đời có ý nghĩa khi cô lập chính mình.  Tôi có thể dừng ở chân lý này và suy niệm: tôi đã sống tình liên đới với mọi người ra sao?  Tôi có hướng mở lòng ra với mọi người không hay cô lập chính mình?  Mọi người có dễ đến với tôi không, hay mọi người đang xa tránh tôi vì những tính tình cọc cằn, thói ích kỷ, hoặc tật thích bép xép, nói xấu, gièm pha người khác?  Điều thú vị kế đến đó là, Thiên Chúa nhận thấy con người cần có trợ tá.  Bởi thế, Ngài đã dựng nên muông thú và cỏ cây để trợ giúp và làm vui con người, nhưng con người vẫn không vui.  Đây là một chân lý, con người phải ở với con người, mới đúng, mới hạnh phúc, mới có ý nghĩa.  Tôi có thể dừng ở chân lý này và suy niệm.  Thế giới kỹ nghệ hóa đang làm cho con người trở thành những chiếc bóng cô đơn trong cuộc đời, họ trở nên cô đơn, cô lập chính mình, điều này khiến họ trở nên bệnh hoạn và bất thường.  Ngày nay ở nhiều nơi đang có khuynh hướng yêu thích súc vật, điều này đúng và rất đáng hoan nghênh, giúp giảm đi những tình trạng giết hại và lạm dụng súc vật một cách bừa bãi.  Tuy nhiên có những người thái quá, họ chỉ yêu súc vật và sống với chúng chứ không yêu và muốn sống với người nữa.  Có những người chỉ muốn sống với những thú cưng của họ, ăn với chúng, ngủ với chúng, thậm chí kết hôn và làm tình với chúng.  Có những người nuôi đến 15-20 con chó lớn becgie (bẹc-dê) hoặc German shepherd trong nhà để rồi chẳng còn giờ đi đến với ai nữa và cũng không ai có thể đến được với họ nữa, kể cả cha mẹ, anh chị em ruột thịt của họ.  Một tình trạng bệnh hoạn khác nữa đó là thích sống ảo qua những sản phẩm của kỹ nghệ điện toán như: điện thoại, Facebook, Tweeter, Yalo, WhatsApp, Instragra, cùng trò chơi điện tử…  Người ta không còn nói chuyện, không thích nói chuyện hoặc không có giờ cho người đang ở trước mặt họ nữa, mà chỉ thích kết nối với những người ở xa.  Thật xa.  Tôi có đang là loại người này, hoặc đang tiến đến tình trạng này?  Chúa muốn tôi phải làm gì và sử đổi gì trong lúc này?  Điều thú vị kến đến nữa đó là, Thiên Chúa nhận thấy con người không vui và chưa có một trợ tá xứng đáng, cuối cùng Ngài đã tạo ra người đàn bà.  Chỉ khi người đàn bà này xuất hiện, con người mới thấy vui, thấy hạnh phúc và thấy ý nghĩa.  Đây là một chân lý.  Cuộc sống hạnh phúc thật sự khi có sự kết hợp quân bình và hỗ tương của cả nam lẫn nữ.  Điều này không chỉ Kinh Thánh Do-thái và Kito giáo nói mà thôi, nhưng cả nền văn minh Trung Hoa, vốn không liên can gì đến Do-thái giáo hay Kito giáo, vậy mà, từ xa xưa họ đã có quan niệm giống với câu chuyện sáng thế này.  Cụ thể trong tiếng Hoa, chữ (bình an) là sự kết hợp của hai chữ (mái nhà/gia đình) và (nữ).  Có nghĩa là người Hoa quan niệm rằng, người nữ đóng một vai trò quan trọng trong gia đình, họ là người giúp cho sự hòa hợp và bình an trong gia đình.  Tôi có thể dừng ở chân lý này và suy niệm: Dù là nam hay nữ, tôi đang giúp kiến tạo sự hòa hợp và bình an trong gia đình và xã hội ra sao, hay tôi đang là mầm mống của sự chia rẽ?  Tôi nói gì với Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên tôi với mục đích thiện ích cho gia đình và xã hội của tôi?

2.       Cách sách Sáng Thế mô tả việc Thiên Chúa tạo ra người đàn bà mới thú vị làm sao!  Ngài khiến cho con người ngủ mê, lấy một xương sườn của con người, đắp thịt lại, rồi tạo ra người đàn bà từ chiếc xương sườn ấy và dẫn đến trước mặt con người.  Lúc này, con người vui mừng quá đỗi, nhảy cẫng và la lên: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!”  Đây là một chân lý.  Bởi từ lời hô hoán của con người xưa kia cho đến ngày nay, bất cứ ai khi đến tuổi dậy thì đều rơi vào tình trạng buồn chán vu vơ.  Thức ăn đầy bàn, vậy mà vẫn buồn!  Áo quần dư thừa, vậy mà vẫn buồn!  Thiên nhiên hoa cỏ, nắng ấm, tuyết rơi, gió hiu hiu đẹp vậy, thế mà vẫn buồn!  “Tôi buồn nhưng chẳng vì sao tôi buồn!” (Chiều – Xuân Diệu).  Cho đến một ngày, bỗng dưng gặp một người xa lạ, không ruột thịt hay quen biết, vậy là tôi vui, tôi mừng, tôi mất hồn, tôi mất ăn mất ngủ vì người ấy.  Tôi có thể lấy chân lý này mà cầu nguyện trong lúc này.  Tôi có thể cầu nguyện cho những người tôi thương mến, những người đã đem lại niềm vui và ý nghĩa trong cuộc đời tôi, những người mà tôi đã thề ước như là một mảnh đời của tôi và đang chung vai chung đường trong cuộc đời này.  Tạ ơn Chúa về cuộc đời của họ, vì họ mà làm cho cuộc đời tôi cảm thấy vui và ý nghĩa.  Tạ ơn Chúa về cuộc đời của tôi, vì tôi mà cuộc đời của họ được ý nghĩa và hạnh phúc.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Nguyện Cầu Cho Nhau,” của Phanxicô do Mai Thảo-Gia Ân trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=WcWI3JZByjk   

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment