Saturday, October 31, 2020

Chúa Nhật Tuần XXXI Thường Niên – Năm A – 1-11-2020 – Lễ Các Thánh Nam Nữ

CN 31 TN

Mát-thêu 5:1-12a

1Khi ấy, thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi.  Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2 Người lên tiếng dạy họ rằng:

3“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.
4Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
5Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
6Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
7Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
8Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
9Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
10Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.
11Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa.

12aAnh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là Lễ Kính tất cả các Thánh Nam Nữ.  Tôi thừa hiểu họ là thánh, nhưng trước đó họ cũng là một con người, chân cũng đạp đất, cũng vất vả vật lộn trong cuộc sống, đặc biệt cũng có những lỗi lầm và yếu đuối.  Thậm chí, có vị còn tội lỗi hơn cả tôi nữa, vậy mà hôm nay họ là thánh.  Giáo hội tôn họ là thánh để là những mẫu gương cho tôi, không phải gương tuyệt hảo của các ngài, nhưng là gương tội lỗi của các ngài.  Dù là những tội nhân, nhưng đã biết quay trở về với Chúa, biết hy vọng nơi Chúa.  Tôi hy vọng ở Chúa đến mức nào?  Có bao giờ tôi thất vọng, nghĩ rằng Chúa chẳng thương tôi, và tôi đã tuyệt vọng chăng?  Cái gì làm cho tôi thất vọng vậy?  Tôi có thể nói chuyện với Chúa.  Tôi có thể nói chuyện với các thánh, ngay trong giây phút này.  Để ngày nào tôi còn sống, tôi còn hy vọng, dù tôi có tội lỗi như thế nào đi nữa.

2.      Hôm nay là Lễ Kính tất cả các Thánh Nam Nữ.  Tôi thừa hiểu họ là thánh, nhưng trước khi là thánh họ cũng là con người.  Cuộc đời các ngài đã phải trải qua rất nhiều đau khổ, gian nan và thử thách.  Có lẽ họ đã sống trọn những đau khổ, thiệt thòi mà Chúa Giêsu đã dạy trong các phúc của bài đọc hôm nay.  Tám Mối Phúc này là nền tảng, kim chỉ nam để nên thánh, để vào Nước Trời.  Tôi ao ước vào Nước Trời như thế nào?  Tôi ao ước nên thánh mãnh liệt ra sao?  Tôi chọn một mối phúc để tập sống dần dần mỗi ngày được không?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu và xin Ngài giúp tôi thực hiện ước mơ này. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, October 30, 2020

Thứ Bảy Tuần XXX Thường Niên – Năm A – 31-10-2020

Thu Bay 30 TN 

Luca 14:1,7-11

1Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. 7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: 8 “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’  Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. 10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’  Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. 11 Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay nối tiếp câu chuyện Chúa Giêsu đi dự tiệc tại nhà thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu, trong bài đọc hôm qua.  Bài đọc hôm qua là câu chuyện Chúa Giêsu chữa một người phù thũng, trước khi bước vào nhà ông Pha-ri-sêu.  Bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu đã vào nhà để chuẩn bị ăn.  Trong khi chờ đợi, Ngài quan sát những người đến dự tiệc, trong đó có nhiều kẻ đến với thái độ kẻ cả, bề trên, và Ngài chỉ trích họ.  Trong giờ cầu nguyện hôm qua, tôi đã hình dung cảnh Chúa Giêsu chữa người phù thủng ở trước cửa nhà ông Pha-ri-sêu.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn cùng Chúa Giêsu quan sát các khách đến dự tiệc ở nhà ông Pha-ri-sêu.  Tôi thấy những ai, họ đến với thái độ nào?  Tôi nghe thấy những gì, đề tài nào họ đang nói, người nào đang buôn chuyện, người nào đang tâm sự, người nào đang lên mặt dạy đời, người nào đang vênh mặt kẻ sĩ, người nào đang tất bật phục vụ, người nào đang niềm nở, người nào đang cáu giận?  Tôi có suy nghĩ, phản ứng như thế nào với từng hạng người?  Tôi chia sẻ với Chúa Giêsu những cảm nghĩ và phản ứng đó, đồng thời để ý xem Ngài nghĩ gì và nói gì với tôi.

2.      Tôi để ý thái độ và phản ứng của những người dự tiệc như thế nào, sau khi bị Chúa Giêsu khiển trách?  Có khi nào tôi cũng có thái độ kênh kiệu, kẻ cả, làm cha thiên hạ mỗi khi đi ăn tiệc không?  Dụ ngôn của Chúa Giêsu có áp dụng cho tôi không?  Dụ ngôn này mời gọi tôi phải thay đổi như thế nào, từ nay trở đi, mỗi khi đi dự tiệc hay họp mặt đông người?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu về thái độ dự tiệc xưa nay của tôi, và để ý Ngài muốn tôi thay đổi như thế nào.  Tôi học thuộc lòng câu nói của Chúa Giesu để nhắc nhở tôi luôn: "Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."

Phạm Đức Hạnh, SJ

 

Thursday, October 29, 2020

Thu Sau 30 TN 

Luca 14:1-6

1Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. 2 Và kìa trước mặt Đức Giê-su, có một người mắc bệnh phù thũng. 3 Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pha-ri-sêu: “Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát hay không?” 4 Nhưng họ làm thinh.  Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về. 5 Rồi Người nói với họ: “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát?” 6 Và họ không thể đáp lại những lời đó.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể hình dung cảnh nhà ông Pha-ri-sêu.  Ông là Pha-ri-sêu trưởng; chắc chắn, ông cũng mời những Pha-ri-sêu cấp dưới của ông.  Ông đã mời Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà ông; chắc chắn, ông phải có thiện cảm với Chúa Giêsu, không có óc xét nét về lề luật như các đồng nghiệp của ông.  Rồi, có một người bị phù thũng, chắc là ông ta đang ở ngoài cửa nhà ông Pha-ri-sêu, và Chúa Giêsu cùng những khách mời khác chưa vô nhà.  Chúa Giêsu đã chữa bệnh cho người phù thũng, và Ngài bị những người thông luật và Pha-ri-sêu xét đoán vì Ngài đã chữa bệnh vào ngày Sa-bát, đây là luật cấm.  Tôi hình dung chính tôi đang có mặt ở đó: Tôi nhìn thấy, ngửi, nghe, nếm, đụng chạm, cảm, nghĩ, và phản ứng gì về tất cả mọi sự trước mặt tôi?  Tôi nói với Chúa Giêsu về những cảm nhận này.

2.      Chúa Giêsu đã chữa bệnh vào ngày Sa-bát, Ngài đã phạm luật.  Luật Sa-bát được cứu con bò rơi xuống giếng, nhưng lại cấm người ta chữa bệnh trong ngày đó.  Con người chẳng giá trị hơn con bò sao?  Tôi có thấy luật này có trái khuấy, và Chúa Giêsu phá luật này có sai không?  Tất cả mọi người đều phải giữ luật, đó là bổn phận và trách nhiệm, nhưng chỉ những luật đúng mà thôi.  Mọi người cũng phải có bổn phận và trách nhiệm bất tuân những luật sai, bất tuân những lãnh đạo sai, bất tuân những thể chế sai và tham nhũng.  Đây là lương tâm.  Tôi đã làm gì trong những tình huống như vậy?  Tôi đang cộng tác với sự ác, bằng cách làm ngơ, hoặc mù quáng vâng theo những chính sách và chính phủ đã lỗi thời, đầy tham nhũng, hại dân hại nước như thế nào?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu, và xin được ơn can đảm dám luôn đứng về sự thật, chân lý, công bằng, tình thương và con người, dám nói không với những tham nhũng, bất công, và vô luân trong xã hội hiện nay.   

Phạm Đức Hạnh, SJ  

Wednesday, October 28, 2020

Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên – Năm A – 29-10-2020

Thu Nam 30 TN 

Ê-phê-xô 6:10-18a

10Thưa anh em, anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. 11 Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. 12 Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. 13 Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối. 14 Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, 15 chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; 16 hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. 17 Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa. 18 Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. 

(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay thật đúng lúc cho tôi, giữa bầu khí của cuộc bầu cử toàn quốc tại Mỹ sắp diễn ra, không đầy một tuần nữa, để bình bầu cho nước Mỹ một vị nguyên thủ mới.  Bầu cử ở Mỹ, một đất nước dân chủ, mọi lá phiếu của người dân đều có giá trị.  Bởi thế mỗi khi có bầu cử, cả đất nước sôi nổi, người người nhà nhà bị cuốn hút vào những cuộc tranh biện, nhiều khi rất quyết liệt đến mức có thể mất tình gia đình và mất tình bạn bè, để chọn cho đất nước một ứng cử viên xứng đáng.  Bài đọc hôm nay có thể giúp tôi sáng suốt hơn, khi chưa biết phải bầu cho ai.  Phao-lô nhắc nhở tôi, phải dựa vào Chúa Kitô mới có thể giúp tôi có được sự sáng suốt và mạnh mẽ, để bảo vệ những giá trị đích thực của cuộc sống như: sự tự do và niềm tin.  Tôi không thể dựa vào những lời hô hào, hoặc những chiếc bánh vẽ của các ứng cử viên.  Họ không phải là Chúa; họ không để giải quyết mọi vấn đề của xã hội, lại càng không thể đáp ứng được những khát vọng về niềm tin của tôi.  Tôi cũng không thể dựa vào các chức sắc trong nhà thờ, khi họ nói rằng: Bầu cho người này thì xuống hỏa ngục, bầu cho người kia thì lên thiên đàng.  Các chức sắc trong nhà thờ không phải là Chúa; họ không có quyền cho tôi lên thiên đàng, cũng chẳng thể đày tôi xuống hỏa ngục.  Chính tôi phải quyết định sự tự do và đời sống đức tin của tôi, không để bất cứ ai điều khiển sự tự do và đức tin của tôi.  Tôi chỉ có thể làm được việc này khi tôi chỉ biết cậy dựa vào một mình Chúa.  Tiếng nói nào đang bóp méo sự thật, đang làm mờ tâm trí và khả năng phán đoán, cùng nhận thức của tôi?  Tôi muốn đọc lại lời khuyên của Phao-lô, và nói chuyện với Chúa Kitô về những băn khoăn trong kỳ bầu cử này. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ.  Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao.”

2.      Bài đọc hôm nay cũng thật đúng cho tôi trong những nỗ lực thay đổi bản thân và chừa bỏ tội lỗi.  Phao-lô nói, khi tôi chống trả sự ác và chừa bỏ tội lỗi, tôi không chiến đấu với một kẻ thủ bình thường hay tầm thường, mà là với thế lực thần linh, siêu mạnh.  Bởi thế, tôi cần phải mang “toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa,” “thắt đai chân lý,” “mặc giáp công chính,” “đi giày hăng say,” “cầm khiên mộc đức tin,” “đội mũ cứu độ,” “cầm gươm của Thần Khí,” “loan tin bình an,” cầu nguyện và nghe theo Thần Khí hướng dẫn.  Chỉ như vậy tôi mới có thể chiến thắng được chính tôi, chiến thắng được ma quỷ, chiến thắng được mọi sự ác trong đời.  Trong lúc này, trước khi bắt đầu khởi sự một ngày mới hay một tuần mới, tôi muốn đọc lại những lời khuyên của Phao-lô và mang vào mình những khí giới mà Phao-lô đề nghị. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, October 27, 2020

Thứ Tư Tuần XXX Thường Niên – Năm A – 28-10-2020 – Lễ Thánh Si-mon và Giu-đa Tông Đồ

Thu Tu 30 TN 

Ê-phê-xô 2:19-22

19Thưa anh em, anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, 20 bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Ki-tô Giê-su. 21 Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. 22 Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.

(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hai câu đầu của bài đọc hôm nay có thể đem tôi trở lại với suy nghĩ: Tôi đang là ai trong cộng đồng dân Chúa?  Có thể tôi vẫn tự hào mình là một Kitô hữu, đã được gia nhập giáo hội từ khi mới sinh, đã lớn lên trong một gia đình toàn tòng Công giáo, như vậy tôi là một thành viên trong dân của Chúa, và căn tính của tôi là một Kitô hữu, mang Chúa Kitô trong mình.  Thế nhưng, tôi đã sống là một thành viên của giáo hội như thế nào, hay tôi vẫn là người xa lạ với giáo hội, bàng quang, dửng dưng và thậm chí có thái độ nghịch với giáo hội?  Tôi đã làm gì để rạng danh Chúa Kitô và Giáo hội Công giáo?  Đời sống đức tin của tôi có vững chắc, xây trên nền tảng các Tông Đồ và đá góc Chúa Kitô, hay trên những con người khác và những thứ khác, chi phối cả đời sống của tôi?  Tôi có thể lấy giây phút này mà nhìn lại mình và nói chuyện với Chúa Kitô.     

2.      Hai câu còn lại của bài đọc, Thánh Phao-lô nói đến sự liên kết hài hòa trong cộng đồng dân Chúa, được ví như một ngôi đền thánh.  Đời sống của tôi đang thể hiện những hành động và thái độ nào, giúp tôi gắn chặt với mọi thành phần dân Chúa ra sao?  Đâu là những thái độ và hành động đang đẩy tôi xa, tách ly khỏi cộng đồng dân Chúa?  Tôi muốn thay đổi tôi như thế nào để ngôi đền thánh được đứng vững và thật sự thánh?  Trong lúc này, tôi muốn đọc lại lời khuyên của Thánh Phao-lô trên và bàn chuyện này với Chúa Kitô.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, October 26, 2020

Thứ Ba Tuần XXX Thường Niên – Năm A – 27-10-2020

Thu Ba 30 TN 

Luca 13:18-21

18Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây?  Tôi phải ví Nước ấy với cái gì? 19 Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình.  Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.” 20 Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? 21 Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay bao gồm hai dụ ngôn thật ngắn nói về sự lớn mạnh và ảnh hưởng của Nước Thiên Chúa.  Mỗi dụ ngôn chỉ có một câu, thật đúng với hình ảnh một hạt cải và một nắm men trong bột.  Tuy chúng thật nhỏ bé và ẩn khuất, vậy mà chúng có thể tạo ảnh hưởng lớn.  Trước hết, phải hiểu Chúa Giêsu muốn nói Nước Thiên Chúa, trong bài đọc hôm nay, là gì?  Cụm từ “Nước Thiên Chúa” bắt nguồn từ tiếng Hy-lạp là “Basileia.  Basileia không có nghĩa là một nơi chốn, một nơi ở nào đó mà tôi sẽ đến sau khi chết, nhưng là một mạng lưới của những tương quan giữa tôi với Chúa và với mọi người chung quanh.  Kế đến, trong não trạng của người Do-thái thời bấy giờ, họ mong đợi: khi Nước Thiên Chúa đến sẽ là rất hùng mạnh, và sẽ giải phóng họ khỏi ách đô hộ của người La-mã.  Nhưng họ đã hiểu sai!  Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay cho họ thấy, Nước Thiên Chúa thật sự rất khác với cách họ suy nghĩ và mong đợi.  Nước Thiên Chúa ấy bắt đầu thật nhỏ bé, nhỏ như hạt cải, một thứ hạt rất nhỏ so với các loại hạt.  Nước Thiên Chúa đến cũng không phô trương và hùng mạnh, nhưng âm thầm mà mạnh mẽ như một nắm men trong bột.  Tôi có thể thấy hình ảnh Nước Thiên Chúa đang xuất hiện và hoạt động như thế nào trong đời sống hiện nay?  Có thể Nước Thiên Chúa bắt đầu từ một nụ cười của tôi trong ngày, một cử chỉ ân cần của tôi với những người chung quanh, một suy nghĩ tích cực, một cái nhìn lạc quan về cuộc đời.  Tôi đã bao giờ làm những điều này chưa?  Tôi để ý sự lây lan và ảnh hưởng của những việc làm rất nhỏ bé và đơn sơ của tôi, đang giúp dựng xây thành một cộng đoàn yêu thương và tích cực ra sao.     

2.      Nước Thiên Chúa không thể bắt đầu từ tôi, nếu tôi không có một tương quan mật thiết với Thiên Chúa.  Bởi như vậy, tôi thật sự sẽ chỉ xây dựng nước của riêng tôi; tệ hơn nữa, chỉ là nước của ma quỷ mà thôi.  Bởi vậy bắt đầu từ ngày hôm nay, tôi muốn dành những giây phút nhất định trong ngày, ngồi bên Chúa, xây đắp một tương quan thân mật với Thiên Chúa, trước khi tôi có thể đi xây dựng Nước Thiên Chúa.  Trong giây phút này, tôi muốn được ngồi bên Chúa, lắng nghe Ngài sẽ gởi tôi đi xây dựng Nước Thiên Chúa từ chỗ nào, với những ai, bằng những thái độ âm thầm và khiêm nhường ra sao. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, October 25, 2020

Thứ Hai Tuần XXX Thường Niên – Năm A – 26-10-2020

 

Thu Hai 30 TN

Ê-phê-xô 5:1-8

5/1Vậy, anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, 2 và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt. 3 Chuyện gian dâm, mọi thứ ô uế hay tham lam, thì dù nói đến, anh em cũng phải tránh, như thế mới xứng đáng là những người trong dân thánh. 4 Đừng nói lời thô tục, nhảm nhí, cợt nhả: đó là những điều không nên; trái lại, phải tạ ơn Thiên Chúa thì hơn. 5 Anh em phải biết rõ điều này: không một kẻ gian dâm, ô uế hay tham lam nào-mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng-được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa. 6 Đừng để ai lấy lời hão huyền mà lừa dối anh em, chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống những kẻ không vâng phục. 7 Vậy anh em đừng thông đồng với họ. 8 Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng.  Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng.

(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay Giáo hội tiếp tục mời gọi tôi lắng nghe và cầu nguyện với thư của Thánh Phao-lô gởi Cộng đoàn Ê-phê-xô, một mẫu gương tông đồ.  Dù Phao-lô đang bị ngồi tù, nhưng vẫn giữ liên lạc với cộng đoàn của ngài, không ngừng quan tâm và dùng mọi lời lẽ để khuyên răn cộng đoàn hãy sống trong tình yêu thương, bắt chước Chúa Kitô.  Bởi chỉ một điều này là quan trọng giúp mọi người trở thành những chứng nhân của Chúa Kitô, và chỉ một điều này giúp mọi người đoàn kết gắn bó với nhau.  Tôi muốn lấy giây phút này để nhìn lại đời sống của tôi đang gắn bó với Chúa Kitô và cộng đoàn, gia đình tôi như thế nào.  Tôi muốn lấy giây phút này để liên đới với mọi người bằng việc, trước hết, cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn và gia đình tôi được hiệp nhất với nhau trong Chúa Kitô, và trong yêu thương; sau nữa là những hành động cụ thể với những người xung quanh trong cộng đoàn và gia đình, phát xuất từ tâm hồn biết lắng nghe, biết yêu thương, và muốn thuận hòa trong tim tôi. 

2.      Kế đến, Phao-lô khuyên nhủ mọi người và cũng là khuyên nhủ tôi, hãy tránh xa những thói gian dâm, những thói tham lam, những lời ăn tiếng nói lỗ mãng, quá khích gây kích động và gây chia rẽ, cùng những lời hứa hão.  Bởi tất cả những thứ này không bao giờ đem đến cho tôi và cộng đoàn sự bình an, hòa hợp và yêu thương thực sự.  Chúng không ủng hộ sự sống, mà là sự chết!  Chúng không đứng về phía ánh sáng, mà là bóng tối!  Chúng không thuộc về Chúa, mà là thuộc về ma quỷ!  Tôi đọc lại những lời khuyên trên của Phao-lô và xin Chúa cho tôi được sáng suốt chọn lựa những tiếng nói, những lối sống nào đang thực sự dẫn tôi đến sự bình an, hòa hợp, tôn trọng, và yêu thương.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, October 24, 2020

Chúa Nhật Tuần XXX Thường Niên – Năm A – 25-10-2020

 

CN 30 TN

Mát-thêu 22:34-40

34Khi ấy, nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. 35 Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: 36 “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” 37 Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38 Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất. 39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 40 Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Do-thái giáo từ cổ thời đã được duy trì bằng một hệ thống luật pháp rất cồng kềnh và chặt chẽ, bao gồm 613 những luật cấm và những luật buộc.  Bài đọc hôm nay nói, một người thông luật đến hỏi thử Chúa Giêsu, điều răn nào trọng nhất.  Đã thông luật, chắc chắn ông ta phải biết điều răn nào quan trọng nhất, không cần phải hỏi.  Chúa Giêsu trả lời: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.”  Với câu trả lời này, Chúa Giêsu đã đem người thông luật trở về điểm trọng tâm của Sách Đệ Nhị Luật, một trong năm quyển sách “gối đầu giường”, thuộc Bộ Ngũ Kinh của người Do-thái.  Đây cũng là câu mà người Do-thái nào cũng thuộc nằm lòng, được truyền từ thế này qua thế hệ khác, được lập đi lập lại mỗi ngày, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, được gắn nơi tay áo, và đóng trên khung cửa cũng như cổng thành: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en!  Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.  Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em).  Những lời này tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh (em) phải ghi tạc vào lòng.  Anh (em) phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu, phải viết lên khung cửa nhà anh (em), và lên cửa thành anh (em)” (Đnl 6:4-6).  Như vậy, với câu trả lời của Chúa Giêsu thì không cần thông luật mới biết điều răn nào quan trọng nhất, mà mọi người đều biết.  Có khi nào tôi yêu Chúa đến hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực chưa?  Tôi cảm thấy thế nào khi yêu Chúa đến như vậy?  Tôi thể hiện tình yêu mãnh liệt về Chúa bằng cách nào?  Trong giây phút này, tôi muốn ngồi bên Chúa và nói chuyện với Ngài, trước khi bắt đầu cho một ngày mới hoặc sau khi kết thúc một ngày sống.

2.   Điều răn quan trọng thứ hai, đó là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.”  Vậy ai là người thân cận của tôi?  Chúa Giêsu không có ý nói “người thân cận” là những người thân trong nhà, người hàng xóm, người đồng hương, người đồng đạo, bởi yêu những người này là chuyện đương nhiên.  Tôi có thể hiểu rõ hơn ý Chúa Giêsu nói yêu người thân cận trong một trình thuật tương tự ở Phúc âm Luca 10:29-37.  Trong Phúc âm Luca cũng nói đến người thông luật này đã hỏi Chúa Giêsu điều răn nào quan trọng nhất, nhưng sau đó anh ta còn hỏi thêm: Ai là người thân cận của anh ta.  Chúa Giêsu trả lời anh ta bằng Dụ ngôn Người Sa-ma-ri Nhân Hậu.  Như vậy, người thân cận của tôi chính là những người đang cần được giúp đỡ.  Đối với tôi ngày nay, những người thân cận có thể là: những thai nhi đang bị phá, những người trẻ bị bán làm mãi dâm, những người di dân và tị nạn, những người nghèo vô gia cư, những người già bị bỏ rơi, những người đang bị kỳ thị chỉ vì khác mầu da, niềm tin, phái tính, văn hóa, thương tật, những công nhân bị áp bức, những nạn nhân của thiên tai, lũ lụt và chiến tranh, những tù nhân lương tâm, những người vô tội bì tù oan…  Chúa Giêsu nói tôi phải yêu những người thân cận này như chính tôi.  Tôi đã yêu thương họ như thế nào?  Tôi diễn tả tình yêu này bằng những hành động cụ thể ra sao?  Tôi muốn xin Chúa giúp tôi nhận ra và thể hiện tình yêu với những người thân cận nào trong ngày hôm nay? 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, October 23, 2020

Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên – Năm A – 24-10-2020 – Lễ Thánh Anthony Mary Claret

Thu Bay 29 TN 

Luca 13:1-9

1Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. 2 Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? 3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? 5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

6Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình.  Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7 nên bảo người làm vườn: ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy.  Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?’ 8 Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa.  Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. 9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi’.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Có thể, tôi đã từng tưởng những người gặp tai ương, tai nạn là do họ bị Trời phạt, vì họ tội lỗi; rồi, tự nhủ: “Ông Trời có mắt!” để nói rằng: tôi tốt đẹp, thánh thiện hơn họ, nên mới không bị tai nạn nào.  Hoặc, có thể không thầm nghĩ như vậy, nhưng tôi lại thầm cầu nguyện: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì con vẫn bình yên, trong khi hàng xóm hoặc người này người kia bị tai nạn này, hiểm họa kia!”  Cầu nguyện như vậy chẳng khác nào tôi cho rằng, Chúa ưu đãi tôi hơn những người khác; trong khi đó, tôi không nhận ra nỗi lòng của Thiên Chúa đang quặn đau vì những người hàng xóm của tôi đang sống dở chết dở vì tai ương.  Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay khẳng định: Không phải thế đâu; nhưng nếu các người không chịu sám hối, thì các người cũng sẽ chết hết y như vậy.”  Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại câu nói này hai lần.  Câu nói của Chúa Giêsu nói gì về thái độ của tôi trước những người xung quanh đang gặp khó khăn?  Tôi nói với Chúa như thế nào về cuộc sống hiện tại của tôi?  Tôi quan tâm như thế nào và bàn với Chúa những gì về những khó khăn mà những người xung quanh tôi đang phải đối diện?

2.      Rồi, Chúa Giêsu kể dụ ngôn cây vả không sinh trái.  Hình ảnh cây trái sum sê là một hình ảnh quen thuộc trong Cựu Ước, để chỉ về một đời sống gắn bó với Thiên Chúa (Tv 1:3, hoặc Giê-rê-mi-a 17:7-8).  Nhưng trong dụ ngôn này, dù cây vả không sinh trái, Thiên Chúa vẫn để cơ hội cho cây một ngày nào đó sẽ sinh trái.  Điều này nói lên lòng nhân từ của Thiên Chúa luôn dành cho tôi.  Thiên Chúa luôn là Thiên Chúa của một cơ hội nữa.  Tôi có nhận thấy điều này không?  Đời sống của tôi đang gắn bó với Thiên Chúa như thế nào?  Mật thiết, cá vị, hay chỉ là hời hợt bên ngoài, theo Chúa vì lề luật, theo Chúa để xin ơn, theo Chúa xa xa, theo Chúa để mong hưởng thiên đàng, theo Chúa để khỏi xuống hỏa ngục?  Tôi nói chuyện với Chúa trong giây phút này về tương quan giữa tôi với Ngài.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Tôi Xin Chọn Ngài”, của Ngọc Kôn, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=HJeoGbjLMtU

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, October 22, 2020

Thứ Sáu Tuần XXIX Thường Niên – Năm A – 23-10-2020 – Lễ Thánh John Capistrano

Thu Sau 29 TN 

Ê-phê-xô 4:1-6

1Thưa anh em, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. 2 Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. 3 Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. 4 Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. 5 Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. 6 Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người, và trong mọi người.

(Trích Thư Ê-phê-xô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Thật là cảm kích về mẫu gương tông đồ của Thánh Phao-lô.  Từ trong ngục tù, ngài vẫn quan tâm và lo lắng cho cộng đoàn tín hữu phải sống như thế nào cho đúng với ơn gọi mà Chúa đã trao gởi cho cộng đoàn.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn nhìn đến vai trò lãnh đạo của tôi đối với cộng đoàn, với gia đình, với những người tôi được tín gởi để chăm sóc.  Tôi đã quan tâm và lo lắng cho họ như thế nào?  Dù bận rộn, dù khó khăn, tôi có được tinh thần quan tâm đầy trách nhiệm đến mọi người, như Phao-lô không?  Là một tín hữu, tôi đang sống ơn gọi làm con Chúa như thế nào?  Tôi dành những giây phút này và xin Chúa giúp tôi biết nhìn ra những điều tôi đang làm tốt, cùng những gì tôi chưa làm tốt để thay đổi.  Tôi muốn bắt chước đời sống tông đồ của Phao-lô.

2.      Những lời khuyên của Phao-lô cho cộng đoàn của ngài năm xưa cũng rất cần thiết cho cộng đoàn và gia đình của tôi hôm nay.  Ngài xin mọi người hãy sống trong yêu thương, khiêm nhường, nhẫn nại, đoàn kết và hiệp nhất trong Chúa Giêsu Kitô.  Tôi có thể nhìn lại lối sống, thái độ và cách hành xử của tôi bao lâu nay đang mang mọi người lại với nhau như thế nào, đang yêu thương, gắn bó, và hiệp nhất xung quanh Chúa Kitô ra sao.  Tôi muốn cầu nguyện cho cộng đoàn, đoàn thể, gia đình của tôi luôn được hiệp nhất trong yêu thương và trong Chúa Kitô.  1.      Tôi muốn kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Bài Ca Hiệp Nhất”, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=i76QLQDZiN0

Phạm Đức Hạnh, SJ