Thursday, October 31, 2019

Thứ Sáu Tuần XXX Mùa Thường Niên – Năm C – 1-11-2019 – Lễ Các Thánh Nam Nữ


Thu Sau XXX TN

Mát-thêu 5:1-12a

1 Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.2 Người mở miệng dạy họ rằng:3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.4 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.12 Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Nhiều người Công giáo rất quen thuộc với Mười Điều Răn của Mô-sê, nhưng lại ít để ý đến Tám Mối Phúc Thật của Chúa Giêsu.  Trong khi đó, Tám Mối Phúc Thật là một trong những bài giảng quan trọng nhất của Chúa Giêsu.  Mahatma Gandhi (1869-1948), một nhà lãnh đạo của Ấn Độ và là một vị thánh của nhân loại, đã rất say mê với những lời dạy của Chúa Giêsu, đặc biệt ông đã lấy Tám Mối Phúc Thật làm nền cho Thuyết Bất Bạo Động của ông, giúp ông lãnh đạo dân Ấn thoát ách thuộc địa của người Anh.  Thuyết Bất Bạo Động ấy vẫn còn tỏa sáng trong nhiều cuộc tranh đấu trên toàn thế giới hiện nay.  Tôi muốn đọc lại Tám Mối Phúc trên của Chúa Giêsu nhiều lần, và suy ngẫm trong giờ cầu nguyện này.  Có điều gì tôi không hiểu, cảm thấy là một thách đố, tôi nói với Chúa Giêsu.  Tôi để ý tâm hồn tôi biến đổi thế nào, có bình an, tự do không, đặc biệt khi tôi đang phải đối diện với những thách đố và chống đối.

2.      Tám Mối Phúc này sẽ không có lý và vô nghĩa nếu tôi không có một sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa.  Tôi cũng sẽ không khi nào thực hiện được những gì Chúa Giêsu nói trong Tám Mối này nếu tôi chỉ đặt cuộc đời tôi vỏn vẹn ở cuộc đời này mà thôi.  Tôi muốn chọn một mối phúc và tập sống trong ngày hôm nay, giúp tôi hướng cả ngày sống của tôi trong Chúa Giêsu và với Chúa Giêsu.     

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, October 30, 2019

Thứ Năm Tuần XXX Mùa Thường Niên – Năm C – 31-10-2019


Thu Nam XXX TN

Rô-ma 8:31-39

31 Vậy còn phải nói gì thêm nữa? Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?32 Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?33 Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính?34 Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?35 Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?36 Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh.37 Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.38 Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào,39 trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.

(Trích Thư Rôma bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.       Những lời của Phao-lô trong bài đọc hôm nay đáng cho tôi suy ngẫm và chiêm ngắm về, thế nào là tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa luôn dành cho tôi.  Có ai trong cuộc đời này đã dám chết cho tôi đâu, vậy mà Thiên Chúa đã làm người và chết trên thập giá vì tôi và cho tôi.  Thử hỏi Thiên Chúa yêu tôi đến như vậy, Ngài có tiếc gì đối với tôi nữa không?  Ngài có xét nét và nhỏ mọn về những yếu đuối vặt vãnh trong ngày của tôi không?  Giờ cầu nguyện này, tôi muốn chiêm ngắm tình yêu này, để ý xem tình yêu ấy đang ngắm nhìn và tuôn chảy trong tôi như thế nào.

2.      Lời của Phao-lô ở phần hai của bài đọc cũng thật mạnh mẽ.  Ngài chỉ có thể nói được như vậy khi ngài cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho ngài.  Tôi đã đi đạo bao nhiêu năm, tôi đã từng nói yêu Chúa, nhưng tình yêu ấy như thế nào?  Tôi có kinh nghiệm về tình yêu ấy không, hay tôi chỉ nói như con vẹt là Chúa yêu tôi, chỉ vì bao nhiêu người khác cũng nói như thế?  Ngày nào tôi chưa kinh nghiệm được tình yêu của Chúa bằng con tim, nhưng mới chỉ bởi cái đầu, ngày ấy tôi không thể nói được như Phao-lô nói, trong bài đọc hôm nay.  Tôi muốn chìm sâu trong đối thoại với Thiên Chúa trong lúc này, để được mất hút vào trong Ngài và Ngài trong tôi.  Tôi có thể đọc lại những lời của Phao-lô trên và nghe bài nhạc, “Tôi Thâm Tín” của Hoàng Đức, qua đường dẫn sau, để dẫn tôi vào sâu hơn trong kinh nghiệm yêu thương với Thiên Chúa: https://www.youtube.com/watch?v=QsV42MBcG2k

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, October 29, 2019

Thứ Tư Tuần XXX Mùa Thường Niên – Năm C – 30-10-2019


Thu Tu XXX TN

Rô-ma 8:26-30

26Có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.27 Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.28 Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định.29 Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc.30 Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang.

(Trích Thư Rôma bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Đôi khi tôi cần lời nhắc nhở của Phao-lô về cầu nguyện, như trong bài đọc hôm nay.  Bởi có thể tôi không biết cầu nguyện.  Có thể tôi chưa có một thói quen cầu nguyện.  Có thể tôi đang gặp những khó khăn trong cầu nguyện.  Có thể tôi đã bỏ cầu nguyện.  Phao-lô, trong bài đọc hôm nay, khuyên tôi chạy đến với Chúa Thánh Thần.  Chính Ngài sẽ dạy tôi phải cầu nguyện như thế nào và ra sao.  Giây phút này tôi muốn nói chuyện riêng với Chúa Thánh Thần về đời sống cầu nguyện của tôi bao lâu nay.  Xin Ngài giúp tôi biết cầu nguyện.  Xin Ngài giúp tôi có một nếp sống cầu nguyện mỗi ngày.  Xin Ngài giúp tôi có một đời sống cầu nguyện sâu đậm với Thiên Chúa mỗi ngày, không hình thức, không mầu mè, không sáo ngữ nữa.

2.     Phao-lô cũng chỉ cho tôi biết, Thiên Chúa luôn làm những điều tốt lành cho tôi.  Như vậy, nếu có sự dữ, đau khổ nào xảy ra đối với tôi, chắc chắn không phải do Chúa tạo ra.  Bởi vậy, từ nay trở đi tôi muốn loại khỏi môi miệng của tôi những kiểu nói, mỗi khi tôi hoặc ai đó gặp những khó khăn và đau khổ, rằng: “Thánh giá Chúa gởi!” “Trời phạt!”…  Thiên Chúa không bao giờ muốn tôi đau khổ, nhưng muốn tôi được yêu, được sống, và được hạnh phúc.  Tôi muốn đọc lại những lời khuyên của Phao-lô trong bài đọc hôm nay để, nhắc nhở tôi đến với Chúa Thánh Thần luôn, và có một cái nhìn đúng hơn về Thiên Chúa đầy yêu thương, mà tôi tin thờ.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, October 28, 2019

Thứ Ba Tuần XXX Mùa Thường Niên – Năm C – 29-10-2019


Thu Ba XXX TN

Luca 13:18-21

18 Vậy Người [Chúa Giêsu] nói: "Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì?19 Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được."20 Người lại nói: "Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì?21 Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men."

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Elbert Eistein (1879-1955), nhà khoa học vĩ đại của nhân loại, có lần nói: Một vấn đề dù dễ hay khó nếu tôi không thể giải thích đơn giản đủ để cho một em bé sáu tuổi hiểu, chứng tỏ tôi cũng chưa hiểu vấn đề.  Câu nói này chứng minh những điều Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay.  Ngài đã không dùng cả pho sách thần học hoặc triết lý cao siêu, nhưng dùng những hình ảnh thật tầm thường và nhỏ bé trong đời thường để nói về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, khiến ai đọc cũng có thể hiểu.  Có lẽ tôi cần lối dạy giáo lý kiểu này cho con cái và những người xung quanh.  Tôi muốn nói chuyện với Chúa Giêsu, đâu là những cách tôi có thể truyền đạt đức tin, giáo lý cho những người xung quanh, một cách đơn giản, sinh động, dễ hiểu, dễ thương, dễ mến và vui nhộn, không gò bó, không áp chế, không lý thuyết, không giáo điều.   

2.      Những gì Chúa Giêsu dạy về Nước Thiên Chúa, dù bằng những hình ảnh thật tầm thường, nhưng đầy lạc quan.  Tầm thường như những hạt giống thật nhỏ bé và gia vị của thức ăn, nhưng cũng đầy lạc quan.  Dù những hạt giống tuy nhỏ và men vô hình, nhưng chúng đã trở nên to lớn đến ngoài sức tưởng tượng.  Chúa Giêsu quả là rất lạc quan.  Tôi có sự lạc quan này không, khi chia sẻ đời sống đức tin của tôi?  Tôi có niềm tin mãnh liệt vào những món quà hay tài năng của tôi không?  Dù nhỏ và tầm thường như thế nào, nhưng nếu với niềm tin và mở lòng cộng tác với Chúa, chắc chắn tôi sẽ làm được nhiều chuyện phi thường.  Tôi đem những tài năng và món quà tôi có, nói chuyện với Chúa trong lúc này, để ý Ngài muốn tôi dùng chúng vào việc gì và như thế nào.

Phạm Đức Hạnh, SJ

 


Sunday, October 27, 2019

Thứ Hai Tuần XXX Mùa Thường Niên – Năm C – 28-10-2019 – Lễ Thánh Simon và Giu-đa, Tông đồ


Thu Hai XXX TN

Luca 6:12-19

12 Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô,15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích,16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành.19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay Luca kể về một ngày sống của Chúa Giêsu, quá bận rộn!  Ấy vậy mà, Ngài vẫn để giờ ra cầu nguyện, gặp gỡ Chúa Cha.  Luca viết: “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện.”  Điều này nói gì với tôi?  Chúa Giêsu dù bận rộn, Ngài tìm một nơi thanh vắng để gặp Chúa Cha.  Đây là khoảnh khắc trong ngày mà Ngài không muốn ai, hay việc gì chi phối Ngài.  Có lẽ, tôi cũng phải xếp cho tôi một lịch cầu nguyện mỗi ngày, một thời gian đặc biệt để, không ai và không cái gì có thể cướp đi khoảng thời gian đó của tôi với Chúa.  Tôi muốn dành giây phút này để ở trọn vẹn với Chúa.  Ngay sau giờ cầu nguyện này, tôi muốn xếp một lịch cụ thể gặp Chúa vào một giờ nhất định, mỗi ngày.

2.      Trước khi Chúa Giêsu tuyển gọi Nhóm Mười Hai, Ngài đã cầu nguyện nhiều ngày.  Đây là một nét đặc biệt mà Luca muốn nhấn mạnh về đời sống của Chúa Giêsu.  Ngài luôn cầu nguyện trước và sau khi làm một việc gì.  Bài đọc hôm nay là một ví dụ.  Cầu nguyện nhiều vậy, mà Chúa Giêsu còn “chọn lầm” Giu-đa, người sau này đã phản bội và bán Ngài.  Tôi có thói quen cầu nguyện trước mỗi một công việc nào trong ngày không?  Tôi có thể bắt đầu từ hôm nay.  Tôi muốn dâng lên Chúa ngày sống hôm nay của tôi.  Tôi muốn cầu nguyện trước khi rửa chén, giặt quần áo, dẫn con đến trường, dạy con học bài, bắt đầu việc làm trong sở, trước khi nấu ăn…

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, October 26, 2019

Chúa Nhật Tuần XXX Mùa Thường Niên – Năm C – 27-10-2019


CN XXX TN

Luca 18:9-14

9 Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác:10 "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu dạy về thái độ tôi cần phải có trong cầu nguyện, đó là: khiêm nhường.  Trước mặt Chúa, chẳng một phàm nhân nào hoàn hảo, ai cũng có những lỗi lầm.  Tuy nhiên, nhiều khi tôi không dám nhìn nhận những bất toàn của tôi.  Một khi thiếu sự khiêm nhường, tôi có thể rơi vào hai tình trạng khiến tôi xa Chúa, đó là:  Thứ nhất, kiêu ngạo.  Tôi có thể vỗ ngực tự hào: Tôi công chính; tôi đạo đức hơn người.  Thứ hai, tôi biến tôi thành chúa, lên án, xét đoán và coi khinh người khác.  Tôi đang đến với Chúa bằng thái độ nào, trong lúc này?  Có điều gì tôi muốn nói chuyện với Ngài, để tôi được đẹp hơn trong con mắt của Chúa chăng?

2.      Thiên Chúa không chê trách một ai, Ngài hiểu rõ cuộc đời của mỗi người.  Dù tôi có là ai, bất toàn hay thánh thiện, Ngài đều đón nhận.  Thiên Chúa vui vẻ đón nhận lời cầu nguyện của người thu thuế, điều này có là một hy vọng đối với tôi, khi tôi tội lỗi mà vẫn có thể đến trước mặt Chúa, vẫn có thể mở miệng thân thưa với Ngài?  Tôi xin Chúa đón nhận con người của tôi và chúc lành cho tôi.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, October 25, 2019

Thứ Bảy Tuần XXIX Mùa Thường Niên – Năm C – 26-10-2019


Thu Bay XXIX TN

Luca 13:1-9

1 Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.2 Đức Giê-su đáp lại rằng: "Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao?3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao?5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy."

6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: "Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy,7 nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?8 Nhưng người làm vườn đáp: "Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi."

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Lời Chúa trong Tin Mừng Luca hôm nay nhắc nhở tôi hai điều cần phải cảnh tỉnh: Thứ nhất, hoán cải.  Phải chăng có những lúc, tôi đã nhìn những tai họa xảy ra với người này người kia, mà nhủ thầm: “Ông Trời có mắt!”  Hiểu theo nghĩa là họ làm những điều ác đức, họ tội lỗi nên Trời mới phạt họ; còn tôi không hề hấn gì, có nghĩa là tôi thánh thiện, tốt lành hơn họ?  Lời Chúa Giêsu hôm nay nói, tôi phải cẩn thận về kiểu suy nghĩ như vậy.  Chúa Giêsu cảnh cáo: Nếu tôi không hoán cải, không chừng tôi cũng sẽ bị tai ương như vậy.  Tôi nghĩ sao về lời cảnh báo của Chúa Giêsu?  Tôi nghĩ tôi có cần phải hoán cải không?  Tôi có thể bắt đầu ngay từ bây giờ, hay cho rằng tôi vẫn còn thời gian, chẳng cần gì vội?  Có điều gì tôi muốn nói với Chúa trong lúc này?  Một lời xin cho được sáng suốt để nhìn ra những gì tôi cần phải thay đổi chăng? 

2.      Thứ hai, đời sống đức tin của tôi ví như cây vả, phải đâm bông kết trái, nếu không sẽ bị chặt đi.  Tôi thấy đời sống đức tin của tôi như thế nào rồi?  Có sinh hoa kết trái, hay vẫn xanh tươi, nhưng chỉ có lá thôi?  Tệ hơn nữa, rất èo uột và cằn cỗi?  Tôi đã làm gì để đời sống đức tin của tôi đơm bông kết trái, hoặc cằn cỗi?  Dù chưa đơm bông kết trái, nhưng tôi vẫn còn đây!  Ai đã bênh đỡ, để tôi vẫn còn cơ hội sống trong lúc này, vẫn còn cơ hội sinh hoa trái, mà không bị chặt ngay?  Chúa Giêsu chăng?  Tôi nói gì với Chúa Giêsu trong giây phút này? 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, October 24, 2019

Thứ Sáu Tuần XXIX Mùa Thường Niên – Năm C – 25-10-2019


Thu Sau XXIX TN

Rô-ma 7:18-25a

18 Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không.19 Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.20 Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.21 Bởi đó tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay.22 Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa;23 nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi.24 Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?25 Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!

(Trích Thư Rô-ma bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Những lời trần tình của Phao-lô trong bài đọc hôm nay thật đẹp và nghe thật gần trong tim tôi.  Phao-lô, một vị thánh lớn, một tông đồ nhiệt thành của Chúa Kitô, cả cuộc đời ông đã hết mình vì Chúa Kitô, vậy mà vẫn khắc khoải trước những yếu đuối rất người của ngài.  Ngài đã dám nhìn thẳng và thổ lộ sự yếu đuối của ngài.  Giờ cầu nguyện này tôi muốn dùng lời của Phao-lô để soi lại đời sống của tôi và để những lời ấy thanh luyện và nâng đỡ tôi sửa mình.  Tôi dám nhìn nhận trước mặt Chúa rằng tôi cũng đang có những yếu đuối và bất toàn day dứt không nguôi?

2.    Tôi có thể đọc lại những lời của Phao-lô nhiều lần và để ý đâu là những khắc khoải, những thách đố, những yếu đuối mà tôi vẫn dằn vặt bao lâu nay.  Tôi xin Chúa giúp tôi trút bỏ; tôi xin Chúa giúp tôi được tự do.  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này về những bất toàn trong tôi?  Tôi muốn để ý Chúa ngắm nhìn tôi như thế nào về những điều tốt đẹp trong tôi?   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, October 23, 2019

Thứ Năm Tuần XXIX Mùa Thường Niên – Năm C – 24-10-2019 – Lễ Thánh Anthony Mary Claret


Thu Nam XXIX TNThánh Vịnh 1:1-6

1 Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân,
chẳng bước vào đường quân tội lỗi,
không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng,

2 nhưng vui thú với lề luật CHÚA,
nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.

3 Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước,
cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh,
cành lá chẳng khi nào tàn tạ.
Người như thế làm chi cũng sẽ thành.

4 Ác nhân đâu được vậy:
chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay.

5 Nên ngày xử án, bọn ác nhân làm sao đứng vững,
quân tội lỗi đâu được hợp đoàn với chính nhân!

6 Vì CHÚA hằng che chở nẻo đường người công chính,
còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong.

(Trích Thánh Vịnh bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/cuuuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Lời dạy của Vua Thánh Đa-vít nhẹ nhàng như một luồng gió mát, ngọt ngào như dòng nước trong lành.  Người nào vui với những gì Chúa dạy bảo sẽ như cây non trồng bên dòng nước, lớn nhanh, lớn mạnh và trổ sinh nhiều hoa trái.  Đời sống của tôi bao lâu nay như thế nào?  Có đang đơm bông kết trái và xanh tốt như cây trồng bên dòng nước không?  Hằng ngày tôi đã lấy sức sống, sức mạnh từ đâu khiến chúng cứ cằn cỗi hay đang đơm bông kết trái và xanh tươi?  Tôi muốn ngồi bên Chúa trong giờ này, để được tiếp sức cho ngày mới của tôi.

2.      Tôi nhẩm đi nhẩm lại những lời nào hoặc chữ nào trong lời dạy của Đa-vít trên và để những lời ấy thêm sức mạnh, niềm vui và sự sống cho tôi trong ngày hôm nay.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, October 22, 2019

Thứ Tư Tuần XXIX Mùa Thường Niên – Năm C – 23-10-2019


Thu Tu XXIX TN

Rô-ma 6:12-13

12 Vậy tội lỗi đừng có thống trị thân xác phải chết của anh em nữa, khiến anh em phải nghe theo những dục vọng của thân xác.13 Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa. Trái lại, anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa.

(Trích Thư Rô-ma bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.  Lời dạy của Thánh Phao-lô trong bài đọc hôm nay, gởi cộng đoàn Rô-ma, cũng cùng một ý tưởng khác mà ngài đã khuyên dạy cộng đoàn Cô-rin-tô: “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa” (1Cor. 6:19).  Trong giờ cầu nguyện hôm nay tôi muốn xem lại, tôi đã sử dụng thân xác tôi như thế nào, cho những mục đích tốt mà tôi đã được dựng nên, hay những điều xấu, làm xấu đi con người của tôi, đặc biệt làm nhục Đấng đã dựng nên tôi?  Tôi muốn nói sao với Chúa Thánh Thần, Đấng đang ngự trong lòng tôi lúc này?
2.   Phao-lô nói, một khi tôi đã gặp Chúa Giêsu Kitô, tôi trở nên một con người mới, như vừa trở về từ cõi chết.  Từ nay, tôi không thể sống theo con người cũ, con người của tội lỗi nữa.  Tôi nghĩ tôi sẽ làm gì để sống như một người mới trong Chúa Giêsu Kitô?  Tôi sẽ hành xử với mọi người ra sao, nói năng thế nào, làm việc như thế nào để gọi là có Chúa Giêsu Kitô trong tôi?  Sống như một con người mới trong Chúa Giêsu Kitô, không dễ chút nào.  Tôi muốn xin trợ lực nào từ Ngài, tôi muốn nói gì với Ngài trong lúc này, để giúp tôi sống mỗi ngày như một người mới của Ngài?   
Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, October 21, 2019

Thứ Ba Tuần XXIX Mùa Thường Niên – Năm C – 22-10-2019 - Lễ Thánh Gioan Phaolo II


Thu Ba XXIX TN

Luca 12:35-38

35 "Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn.36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.37 Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.38 Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Tỉnh thức là một chủ đề lớn trong mọi tôn giáo.  Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay cũng mời gọi tôi tỉnh thức.  Ngài kể dụ ngôn của những người đầy tớ chờ chủ đi ăn cưới về.  Vì thời tiết nóng khắc nghiệt, nên người Do-thái có tập tục rước dâu và ăn cưới ban đêm cho mát mẻ.  Vì thế, tiệc tàn cũng phải 3 hay 4 giờ sáng, không biết được.  Dù giờ nào đi nữa nếu chủ về mà thấy đầy tớ vẫn chờ đợi, đó sẽ là một phúc cho hắn.  Chúa Giêsu ví đời sống của tôi cũng cần phải thức tỉnh và tìm gặp Ngài, như đầy tớ chờ chủ vậy.  Tôi có nhận thấy tôi rất tỉnh và đang tỉnh không?  Tôi có lòng trông ngóng Chúa từng giây phút trong cuộc sống không?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này? 

2.      Dụ ngôn Chúa Giêsu kể thật lạ.  Chờ đợi chủ là một bổn phận của đầy tớ, vì thế không đời nào chủ lại phục vụ đầy tớ khi ông trở về mà thấy đầy tớ vẫn tỉnh chờ đợi ông.  Nhưng Thiên Chúa thì khác.  Ngài sẽ thắt lưng và phục vụ tôi, khi Ngài đến mà thấy tôi vẫn tỉnh thức.  Đây là cái phúc cho tôi.  Tôi muốn có được phúc này không?  Tôi sẽ sống tỉnh thức như thế nào kể từ hôm nay trở đi?  Một thói quen cầu nguyện mỗi ngày như thế này sẽ giúp tôi trở thành người luôn biết tỉnh thức và khát khao Chúa.

 Phạm Đức Hạnh, SJ


Sunday, October 20, 2019

Thứ Hai Tuần XXIX Mùa Thường Niên – Năm C – 21-10-2019


Thu Hai XXIX TN

Luca 12:13-21

13 Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi."14 Người đáp: "Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?"15 Và Người nói với họ: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu."16 Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: "Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi,17 mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!18 Rồi ông ta tự bảo: "Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó.19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!20 Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó."

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay nói đến một vấn đề thật gần gũi với tôi: của cải vật chất.  Của cải vật chất là một nhu cầu cần thiết ở đời này, thiếu nó không ai có thể sống được.  Bởi vậy từ khi sinh ra cho đến khi chết, ai ai cũng lăn lộn, vất vả, kiếm tìm nó.  Tuy nhiên, dù chúng quan trọng, nhưng chúng cũng vẫn chỉ là vật chất và tạm bợ.  Nếu tôi không tỉnh thức, tôi có thể biến nó thành cùng đích của cuộc đời, biết nó thành chúa tể, và để nó điều khiển lương tâm và lý trí tôi, khiến tôi sẵn sàng đánh mất lương tri, lương tâm, đánh mất gia đình và bạn bè vì nó.  Trong giây phút này tôi muốn suy ngẫm về điều Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu."  Tôi có quá tham lam của cải đến quên cả Chúa, đến đánh mất cả tình gia đình và bạn hữu, đến quên sống không?  Tôi có quá tham lam đến mức như tôn thờ của cải và không còn biết Chúa là ai và mọi người thân của tôi là ai?

2.      Dụ ngôn của Chúa Giêsu cũng đặt một câu hỏi lớn đối với tôi: Tôi là ai?  Tôi có phải ở cái tôi có không?  Không.  Bởi nếu tôi là cái tôi có, một ngày nào đó của cải của tôi mất hết, tôi không là tôi nữa sao?  Tôi có phải ở cái tôi làm không?  Không.  Bởi nếu tôi là ở cái tôi làm, một ngày nào đó khi tuổi già sức yếu, khi thương tật và chẳng làm được gì nữa, tôi không là tôi nữa sao?  Tôi có phải là địa vị tôi có không?  Không.  Nếu tôi là ở địa vị tôi có, một ngày nào đó tôi mất hết địa vị, không còn ai tôn trọng và nhớ đến tôi nữa, tôi không còn là tôi nữa sao?  Tôi có phải là ở thân xác của tôi, đẹp, cao ráo, lực lưỡng chăng?  Không.  Sức khỏe, sắc đẹp rồi cũng tàn theo thời gian, khi ấy tôi không còn là tôi nữa sao?  Chỉ có một điều có thể làm tôi vĩnh hằng, đó là: Tôi là con cưng của Chúa.  Thiên Chúa không bao giờ thay đổi, dù tôi có như thế nào: tội lỗi hay thánh thiện, giầu có hay nghèo khó, đẹp trai, bảnh gái, hay xấu xí, trẻ trung hay già yếu, tôi vẫn là con cưng của Ngài.  Tôi muốn đọc lại dụ ngôn trên và suy nghĩ về tương quan giữa tôi với Chúa hiện nay như thế nào?  Tôi quyết tâm từ nay xây đắp một tương quan mật thiết giữa tôi với Chúa, đây chính là cách tôi đang tìm cách làm giầu trước mặt Chúa.  

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, October 19, 2019

Chúa Nhật Tuần XXIX Mùa Thường Niên – Năm C – 20-10-2019 - Chúa Nhật Truyền Giáo


CN XXIX TN

2Timôthê 3:16-4:2

3:16 Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính.17 Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành.

4:1 Trước mặt Thiên Chúa và Đức Ki-tô Giê-su, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyên anh:2 hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.

(Trích Thư Timôthê II bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Từ ban đầu các Kitô hữu đã nhận chân giá trị của Kinh Thánh và đã khuyên nhủ nhau làm mọi sự qua hướng dẫn của Kinh Thánh, như tối thấy trong bài đọc hôm nay.  Bởi Kinh Thánh chính là nền tảng vững chắc giúp tôi tìm hiểu ý Chúa, cũng là con đường giúp tôi kết thân với Ngài.  Sau này vào Thế kỷ thứ Tư, Thánh Giê-rôm, người rất yêu quý Kinh Thánh, đã dành cả cuộc đời nghiên cứu, dịch thuật và chú giải Kinh Thánh.  Ngài nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô;” mà nếu tôi không biết Chúa Kitô, tôi không thể gọi tôi là Kitô hữu!  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn tự hỏi: Tôi đã sử dụng Kinh Thánh mỗi ngày như thế nào?  Tôi có thể có biết bao nhiêu sách, báo và phim ảnh trong nhà, nhưng tôi có Kinh Thánh không?  Tôi đọc biết bao nhiêu sách, nhưng trong tủ sách của tôi, Kinh Thánh có phải là quyển sách mới nhất và bám bụi nhiều nhất, bởi tôi chẳng bao giờ đụng đến?  Tôi đã tìm hiểu Chúa Kitô qua Kinh Thánh như thế nào?  Tôi muốn muốn nói gì với Chúa Kitô trong lúc này?

2.    Tác giả của Thư Timôthê khuyên tôi, cần phải tận dụng mọi cơ hội và phút giây để rao giảng lời Chúa.  Tôi đón nhận lời khuyên này như thế nào?  Tôi sẽ không thể rao giảng lời Chúa nếu tôi không đọc lời Chúa mỗi ngày.  Chỉ khi nào tôi đọc lời Chúa mỗi ngày, tôi mới có thể hiểu và yêu mến Ngài.  Tôi đọc lại những lời khuyên trên từ bài đọc hôm nay, để giúp tôi có một quyết tâm đọc Kinh Thánh mỗi ngày.  Sau giờ cầu nguyện này, tôi muốn lập một kế hoạch đọc Kinh Thánh mỗi ngày.  Có thể tôi chọn một sách nào đó trong quyển Kinh Thánh, và mỗi ngày đọc một đoạn ngắn để suy ngẫm.  Có thể tôi theo dõi Việt Dã Tâm Linh mỗi ngày, bằng một đoạn trích ngắn Kinh Thánh từ Việt Dã Tâm Linh, có thể giúp tôi yêu mến lời Chúa và hiểu biết Ngài mỗi ngày một hơn.  Tôi cũng có thể ghi danh những lớp học Kinh Thánh, hoặc tham gia những nhóm học hỏi và chia sẻ lời Chúa, hầu giúp tôi biết yêu mến Kinh Thánh và yêu mến Chúa hơn.

Phạm Đức Hạnh, SJ