Sáng Thế 46:1-7; 28-30
1Ông Ít-ra-en lên đường, đem theo tất cả những gì ông
có. Ông đến Bơ-e Se-va và ông dâng những lễ tế lên Thiên Chúa của cha ông là
I-xa-ác. 2Thiên Chúa phán với ông Ít-ra-en trong thị kiến ban
đêm, Người phán: "Gia-cóp! Gia-cóp!" Ông thưa: "Dạ, con đây!" 3Người
phán: "Ta là En, Thiên Chúa của cha ngươi. Đừng sợ xuống Ai-cập, vì ở đó
Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn. 4Chính Ta sẽ xuống
Ai-cập với ngươi và chính Ta cũng sẽ đưa ngươi lên. Giu-se sẽ vuốt mắt cho
ngươi." 5Ông Gia-cóp rời Bơ-e Se-va. Các con trai ông
Ít-ra-en đã chở ông Gia-cóp, cha họ, và đàn bà con trẻ của họ trên những chiếc
xe Pha-ra-ô đã gửi đến để rước ông đi. 6Họ đem theo các đàn vật của
họ và các tài sản họ đã gây được ở đất Ca-na-an, và họ đến Ai-cập, ông Gia-cóp
và tất cả dòng dõi ông cùng với ông: 7các con trai, cháu nội
trai, con gái, cháu nội gái của ông. Ông đưa tất cả dòng dõi ông vào Ai-cập với
ông…
28 Ông Gia-cóp đã sai ông Giu-đa đi trước, đến
với ông Giu-se, để ông Giu-se tới Gô-sen gặp ông. Khi họ đến đất Gô-sen, 29 thì
ông Giu-se cho thắng xe riêng và lên Gô-sen đón ông Ít-ra-en, cha ông. Khi hai
cha con vừa thấy nhau, thì ông Giu-se bá cổ cha và gục đầu vào cổ cha mà khóc
hồi lâu. 30 Ông Ít-ra-en nói với ông Giu-se: "Phen
này, cha chết cũng được, sau khi đã thấy mặt con, và thấy con còn sống."
(Trích Sách Sáng Thế bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ
Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/CuuUoc_01SangThe.html#46)
Gợi ý cầu nguyện
1. Câu chuyện trong bài
đọc hôm nay tưởng đã xưa nhưng lại thật gần với tôi trong cuộc sống hôm nay. Gia đình Gia-cóp di dân tới Ai-cập để kiếm
sống. Chuyện di dân tràn ngập các báo
chí và truyền thông ngày nay, và tôi tưởng đây là vấn đề của thời đại này. Nhưng không, lịch sự di dân đã bắt đầu từ rất
xa xưa trong Kinh Thánh. Dù là ở thời
điểm nào, những người di dân đều có một điểm chung đó là, chẳng ai muốn rời quê
cha đất tổ, nếu không vì những đe dọa đến tính mạng, miếng cơm manh áo, tự do
và tín ngưỡng. Giờ cầu nguyện hôm nay tôi
muốn đi vào thật sâu tâm trạng của những người di dân ngày nay. Có thể tôi là di dân. Có thể tôi đã gặp những người di dân. Vì sao họ phải rời quê cha đất tổ, lặn rừng
sâu biển cả đến mất mạng, chịu đói, chịu bệnh?
Đến được vùng đất hứa, lại bị xua đuổi hoặc bị nhốt vào trong các trại
giam, bị bỏ đói, bị hãm hiếp, bị chối từ.
Tôi đồng cảm với họ được chăng?
Tôi cầu nguyện cho họ được không?
Tôi vươn ra với họ như thế nào?
Hãy thật lòng cầu nguyện, tôi sẽ thấy Chúa chỉ bảo tôi phải làm gì.
2. Câu chuyện trong bài đọc hôm nay cũng đụng chạm đến một vấn đề, mà tôi có thể gặp thấy trong cuộc sống quanh tôi hôm nay, đoàn tụ gia đình. Tôi có kinh nghiệm về đoàn tụ bao giờ chưa? Niềm vui được gặp lại người thân sau bao năm xa cách, lớn đến mức nào? Có những người thân mà tôi tưởng đã chết nhưng nay được gặp lại, niềm vui đó lớn biết chừng nào. Đây là câu chuyện của đức tin, Chúa muốn nói gì với tôi về kinh nghiệm đoàn tụ này? Có thể Chúa cũng đang kiếm tìm tôi bao lâu nay. Liệu tôi có để Chúa tìm gặp tôi, đoàn tụ với tôi chăng? Tôi hình dung, Chúa sẽ vui biết chừng nào khi tìm được tôi, như đã chết mà nay đã sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment