Wednesday, July 31, 2019

Thứ Năm Tuần XVII Mùa Thường Niên – Năm C – 1-8-2019 – Lễ Thánh An-phong-xô Ligori


Thu Nam XVII TN

Mát-thêu 13:47-50

47"Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. 48Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. 49Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, 50rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_01Matthieu.html#13)

Gợi ý cầu nguyện

1.       Dụ ngôn Nước Trời hôm nay có thể là một tiếng thức tỉnh đối với tôi.  Bởi chiếc lưới, ngày tận thế, luôn là bất chợt thả xuống với mọi loài cá, tốt và xấu.  Dù tôi là ai, chắc chắn không thể thoát được lưới trời, như Việt Nam tôi vẫn thường nói: “Lưới trời lồng lộng!”  Tôi thuộc loại cá nào?  Tôi có sẵn sàng không, khi lưới trời có thể thả xuống cuộc đời tôi trong một vài phút nữa, trong đêm nay, trong tuần này, trong tháng này, trong năm này…? 

2.       Nếu lưới trời được thả xuống cuộc đời tôi bất cứ khi nào, tương lai gần hoặc tương lai xa, tôi có bình an không?  Tôi có tiếc nuối gì không?  Tôi có hoảng sợ không?  Một đời sống tự do sung mãn, yêu thương chan hòa, công bình chính trực, bình an thư thái, chắc chắn sẽ là những chuẩn bị an toàn nhất, dù cho lưới trời có thả xuống bất cứ khi nào.  Tạ ơn Chúa Giêsu vì đã cảnh báo cho tôi điều này, và tôi muốn chuẩn bị ngay từ giây phút này.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, July 30, 2019

Thứ Tư Tuần XVII Mùa Thường Niên – Năm C – 31-7-2019 – Lễ Thánh I-nha-xi-ô Loyola


Thu Tu XVII TN

Mát-thêu 13:44-46

44"Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. 45"Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. 46Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_01Matthieu.html#13)

Gợi ý cầu nguyện

1.       Bài đọc hôm nay thật ngắn, nhưng có đến cả hai dụ ngôn rất đẹp về Nước Trời.  Dù hai dụ ngôn, nhưng đều rất giống nhau, cả hai kho báu và ngọc đẹp đều là cái gì rất quý mà thương gia phải BÁN HẾT TẤT CẢ để mua cho được món hàng rất quý đó.  Chúa Giêsu muốn nói gì với tôi qua hai dụ ngôn này?  Phải chăng Chúa Giêsu đang nói với tôi, cuộc đời tôi quan trọng lớn lao, đẹp và quý trọng bằng cả Nước Trời khiến, Ngài đã phải bán tất cả để có được tôi?  Tôi hạnh phúc không, vui không, khi Chúa ĐÁNH ĐỔI TẤT CẢ, kể cả Con Một của Ngài để có được tôi?  Chắc chắn khi đã được tôi, Ngài sẽ nâng niu, chiêm ngắm tôi mỗi ngày và khoe với mọi người về tôi.  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này? 

2.       Phải chăng Chúa Giêsu đang nói Nước Trời là Thiên Chúa, là một cuộc đời yêu thương có Chúa, quý trọng như một kho tàng rất lớn, tôi phải dám ĐÁNH ĐỔI TẤT CẢ để được Nước Trời ấy?  Có bao giờ tôi lặn lội tìm kiếm Nước Trời, như thương gia tìm ngọc quý không?  Một khi đã tìm thấy Nước Trời, có bao giờ tôi dám đánh đổi tất cả để có được Nước Trời không?  Ngày nào tôi dám dành cả cuộc sống tìm kiếm Nước Trời ấy và dám đánh đổi tất cả những gì tôi có, chắc chắn tôi sẽ có Nước Trời ấy, tôi sẽ là người hạnh phúc, tự do, giầu có và đẹp nhất trần gian.  Tôi sẵn sàng lên đường chưa?    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, July 29, 2019

Thứ Ba Tuần XVII Mùa Thường Niên – Năm C – 30-7-2019


Thu Ba XVII TN

Xuất Hành 33:7-11

7Ông Mô-sê lấy một chiếc lều và đem dựng cho mình bên ngoài trại, cách một quãng xa. Ông gọi lều ấy là Lều Hội Ngộ. Ai thỉnh ý ĐỨC CHÚA thì ra Lều Hội Ngộ, ở ngoài trại. 8Mỗi khi ông Mô-sê ra Lều, toàn dân đứng lên, ai nấy đứng ở cửa lều mình và nhìn theo ông Mô-sê cho đến khi ông vào trong Lều. 9Mỗi khi ông Mô-sê vào trong Lều, thì cột mây đáp xuống, đứng ở cửa Lều, và ĐỨC CHÚA đàm đạo với ông Mô-sê. 10Khi thấy cột mây đứng ở cửa Lều, toàn dân đứng dậy; và ai nấy phủ phục ở cửa lều mình. 11ĐỨC CHÚA đàm đạo với ông Mô-sê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau. 

(Trích Sách Xuất Hành bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/CuuUoc_02XuatHanh.html#33)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay nói về Lều Hội Ngộ thật thú vị, ở đó dân có thể đến và thỉnh cầu với Chúa mọi điều qua Mô-sê.  Mô-sê đại diện cho dân, dâng những thỉnh nguyện của họ lên cho Chúa.  Ngày hôm nay, tôi không phải qua Mô-sê nữa vì đã có Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.  Tôi có thể nói chuyện trực tiếp với Ngài, bất cứ khi nào và bất cứ điều gì.  Ngài ở trong Nhà Chầu tại giáo xứ của tôi, đặc biệt Ngài luôn ở trong lòng tôi lúc này, và tôi có thể gặp Ngài bất cứ khi nào.  Tôi muốn gặp Ngài không?  Tôi muốn nói gì với Ngài?  Hãy mạnh dạn tin tưởng, hãy mở lòng trong khiêm cung, vì Ngài luôn đón chờ tôi.

2.      Bài đọc ghi nhận một chi tiết rất đẹp và rất quan trọng có thể giúp tôi cầu nguyện tốt hơn đó là, “Đức Chúa đàm đạo với ông Mô-sê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau”!  Tôi có cầu nguyện như vậy bao giờ chưa?  Lần cuối tôi thân tình với Chúa như vậy đã bao lâu rồi?  Tôi có thể gặp Chúa thân tình như vậy trong lúc này không?  Chắc chắn Ngài rất muốn gặp tôi và nói chuyện giáp mặt với tôi, trong lúc này, như Ngài là bạn rất thân của tôi.  Tôi có thể đọc lại bài đọc trên, hoặc nghe bài hát qua đường dẫn sau đây, để giúp tôi dám giáp mặt và trao đổi thân mật với Chúa trong lúc này: https://www.youtube.com/watch?v=YyV4poOIZcw

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, July 28, 2019

Thứ Hai Tuần XVII Mùa Thường Niên – Năm C – 29-7-2019 – Lễ Thánh Mác-ta


Thu Hai XVII TN

Gioan 11:17-27

17Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. 18Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số. 19Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. 20Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. 21Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. 22Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy." 23Đức Giê-su nói: "Em chị sẽ sống lại!" 24Cô Mác-ta thưa: "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết." 25Đức Giê-su liền phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. 26Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?" 27Cô Mác-ta đáp: "Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian."

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_04Gioan.html#11)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Tôi thấy gì lạ trong bài đọc hôm nay?  Trước hết, đó là phản ứng của Mác-ta, một người có niềm tin.  Bà đã không trách móc, giống như tôi mỗi khi gặp khó khăn và đau khổ, rằng: “Lạy Chúa, con có làm chuyện gì sai đâu mà sao con phải gánh chịu những đau khổ quá lớn như thế này?  Nếu Chúa có thật và nếu Ngài thương tôi, vậy tại sao Chúa lại để chuyện đau khổ này xảy ra với tôi…?”  Phải chăng đây là kiểu nói của những người vô thần, hoặc thiếu niềm tin?  Mác-ta không nói như vậy.  Bà đã nói bằng niềm tin mà bà tin: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.  Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy!”  Câu nói của Mác-ta có thức tỉnh niềm tin của tôi vào Chúa không?  Tôi sẽ nói gì khi đau khổ tương lai xảy đến với tôi?  Hãy nói như Mác-ta và nói với tất cả niềm tin mạnh mẽ.

2.      Thứ đến, đó là sự khẳng định của Chúa Giêsu rằng, Ngài là sự sống lại và là sự sống, bất cứ ai tin vào Ngài sẽ không phải chết.  Tôi tin Chúa Giêsu không?  Giữa những đau khổ và thử thách của cuộc đời mà tôi đang phải đối diện, tôi tin ở lời của Chúa Giêsu nói không?  Tôi muốn gì trước những đau khổ và thử thách này?  Trong giây phút này, tôi muốn nói chuyện với Chúa Giêsu; nếu cần, tôi cũng có thể chất vấn Ngài.

Phạm Đức Hạnh, SJ

 


Saturday, July 27, 2019

Chúa Nhật Tuần XVII Mùa Thường Niên – Năm C – 28-7-2019


CN XVII TN

Sáng Thế 18:20-32

20 ĐỨC CHÚA phán: "Tiếng kêu trách Xơ-đôm và Gô-mô-ra thật quá lớn! Tội lỗi của chúng quá nặng nề! 21Ta phải xuống xem thật sự chúng có làm như tiếng kêu trách đã thấu đến Ta không. Có hay không, Ta sẽ biết."

22Hai người kia bỏ nơi đó mà đi về phía Xơ-đôm, nhưng ĐỨC CHÚA còn đứng lại với ông Áp-ra-ham. 23Ông lại gần và thưa: "Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? 24Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? 25Ngài làm như vậy, chắc không được đâu! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?" 26ĐỨC CHÚA đáp: "Nếu Ta tìm được trong thành Xơ-đôm năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó."

27Ông Áp-ra-ham lại nói: "Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa: 28Giả như trong số năm mươi người lành lại thiếu mất năm, vì năm người đó, Ngài sẽ phá huỷ cả thành sao?" Chúa đáp: "Không! Ta sẽ không phá huỷ, nếu Ta tìm được bốn mươi lăm người." 29Ông lại thưa một lần nữa: "Giả như trong thành tìm được bốn mươi người thì sao?" Chúa đáp: "Vì bốn mươi người đó, Ta sẽ không làm."

30Ông nói: "Xin Chúa đừng giận, cho con nói tiếp: Giả như ở đó có ba mươi người thì sao?" Chúa đáp: "Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không làm." 31Ông nói: Con xin mạn phép thưa với Chúa: "Giả như tìm được hai mươi người thì sao?" Chúa đáp: "Vì hai mươi người đó, Ta sẽ không phá huỷ." 32 Ông nói: "Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao?" Chúa đáp: "Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đôm."

(Trích Sách Sáng Thế bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/CuuUoc_01SangThe.html#18)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một câu chuyện rất đẹp về lòng thương xót của Chúa.  Xơ-đôm và Gô-mô-ra tội quá lớn, nhưng qua Áp-ra-ham, tôi được biết lòng thương xót của Chúa thật lớn lao vì những người lành trong thành.  Phải chăng câu chuyện này cho tôi một hy vọng, khi tôi, gia đình tôi, cộng đoàn, đất nước tôi đầy lỗi lầm, nhưng tin rằng Chúa vẫn xót thương chỉ vì những người tốt quanh tôi?  Phải chăng câu chuyện này cũng mời gọi tôi trở thành hy vọng cho người khác, khi tôi trở nên tốt lành, những người khác cũng được hưởng nhờ?  Tôi muốn làm gì và trở nên người như thế nào sau giờ cầu nguyện này?  Như Áp-ra-ham ư?  Cần lắm!  Như những người tốt trong thành mà vì họ mà cả thành được cứu?  Ở đâu và thời buổi nào cũng cần những con người tốt ấy!

2.   Bài đọc hôm nay cũng là một câu chuyện rất hay về cầu nguyện.  Cầu nguyện là đối thoại với Chúa như Áp-ra-ham đã làm.  Cầu nguyện là thương lượng một cách kiên nhẫn, là khiêm nhường trước mặt Chúa.  Cầu nguyện là liên đới tới mọi khổ đau của con người, là đem cả thế giới vào trong lời nguyện của tôi.  Tôi có thể làm như vậy ngay trong lúc này: thưa chuyện với Chúa về tất cả những gì đang khiến tôi vui tươi, hạnh phúc, hoặc bận tâm, lo lắng, buồn sầu.  Tôi mở lòng với Chúa với tất cả sự khiêm nhường và kiên nhẫn.  Tôi muốn cầu nguyện cho ai trong lúc này?    



Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, July 26, 2019

Thứ Bảy Tuần XVI Mùa Thường Niên – Năm C – 27-7-2019


Thu Bay XVI TN

Mát-thêu 13:24-30

24Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: "Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. 26Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. 27Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?" Ông đáp: "Kẻ thù đã làm đó!" Đầy tớ nói: "Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?" 29Ông đáp: "Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi."

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_01Matthieu.html#13)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Dụ ngôn về Nước Trời của Chúa Giêsu hôm nay nói đến ba sự thật rất cần biết trong đời sống của tôi: 1) Người gieo giống là Thiên Chúa, bao giờ cũng gieo giống tốt; 2) Ma quỷ là loài chuyên gieo cỏ lùng, giống xấu; 3) Con người, trong đó có tôi, thích đặt tên cho người này người kia là cỏ lùng và chỉ muốn nhổ cỏ ấy ngay; điều này trái ngược với Thiên Chúa, Đấng không muốn nhầm lẫn và luôn kiên nhẫn đợi chờ.  Giờ cầu nguyện này có thể là lúc, tôi muốn xem lại cuộc đời tôi đang lẫn lộn giữa lúa và cỏ lùng như thế nào?  Không chừng cuộc đời tôi lại nhiều cỏ lùng hơn lúa mà tôi lại không thấy, nhưng lại chỉ thấy và muốn nhổ cỏ hàng xóm!

2.      Chúa Giêsu dùng hình ảnh lúa và cỏ lùng, hai loại cây rất giống nhau khi còn nhỏ, rất khó phân biệt.  Đôi khi trông rõ ràng là lúa nhưng nó lại là cỏ lùng; ngược lại, đôi khi trông rất giống cỏ lùng nhưng nó lại là lúa.  Tôi chỉ có thể phân biệt đâu là lúa và đâu là cỏ lùng khi cả hai đơm bông kết hạt.  Điều này đòi hỏi phải kiên nhẫn nhiều, yêu thương nhiều mới chờ đợi nổi.  Tôi có giống các đầy tớ trong dụ ngôn, luôn cho rằng mình biết rõ ai là cỏ lùng và ai là lúa, và đã từng loại trừ họ khỏi gia đình và cộng đoàn của tôi không?  Trong khi đó lại không biết, không chừng tôi đang là một thứ cỏ lùng nguy hiểm? Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này? 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, July 25, 2019

Thứ Sáu Tuần XVI Mùa Thường Niên – Năm C – 26-7-2019 – Lễ Thánh Giô-a-kim và Anna, Thân Phụ-Mẫu của Mẹ Ma-ri-a


Xuất Hành 20:1-17

Thu Sau XVI TN1Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây: 2"Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. 3Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. 4Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. 5Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. 6Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. 7Ngươi không được dùng danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì ĐỨC CHÚA không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng. 8Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. 9Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. 10Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. 11Vì trong sáu ngày, ĐỨC CHÚA đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, ĐỨC CHÚA đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh. 12Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. 13Ngươi không được giết người. 14Ngươi không được ngoại tình. 15Ngươi không được trộm cắp. 16Ngươi không được làm chứng gian hại người. 17Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta."

(Trích Sách Xuất Hành bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/CuuUoc_02XuatHanh.html#20)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay có một lối viết về Thiên Chúa rất người, như là một Đấng hay ghen, nghiêm khắc và thù dai, nhằm đưa hình ảnh Thiên Chúa lại gần với con người.  Tuy nhiên, tôi cũng phải hiểu rằng Dân Do-thái thờ độc thần, sau khi được thoát khỏi ách nô lệ bên Ai-Cập, họ đến vùng đất Ca-na-an, một vùng đất của đa thần giáo.  Vì là mới lạ, không thể tránh được những sợ hãi và khép kín, nên đã có những luật lệ khắt khe đối với dân chúng, sợ họ bị tiêm nhiễm bởi đa thần giáo.  Tựa như nhiều người Việt mới đến Mỹ, vì sợ và không hiểu nên cái gì thuộc văn hóa Việt mới là đúng, là hay, những gì thuộc văn hóa Mỹ đều là dở, là sai; bởi vậy, nhiều cha mẹ nghiêm cấm con cái đủ điều, sợ chúng hư hỏng vì bắt chước Mỹ!  Đối chiếu như vậy tôi có thể thấy, tôi cũng đang sống giữa thế giới đa thần giáo ngày nay đó chứ!  Các tà thần này không phải là thần minh, nhưng là thần tiền tài, thần dục tình, thần tứ sắc, thần rượu, thần cờ bạc, thần ma túy, thần sao bóng đá hay điện ảnh, thần công việc, thần danh vọng, thần thù hận, thần ghen tuông, thần nói xấu người sau lưng...  Trong giây phút này tôi muốn xem, tôi đang bị thần nào mê hoặc và đẩy tôi xa khỏi Thiên Chúa?  Tôi dám đập vỡ các tà thần đó, để tôn thờ một mình Thiên Chúa không?  Điều gì khiến tôi không dám dứt khoát với các tà thần để, theo Chúa 100%?  

2.     Những giới răn trên đều là những luân thường đạo lý mà chẳng phải chỉ người có niềm tin vào Thiên Chúa mới được khuyên sống như vậy, cả những người thuộc các tôn giáo khác, kể cả những người vô thần đều khuyên người ta tuân giữ hầu hết những giới răn trên.  Trong những giới răn trên, đâu là những điều tôi đã giữ rất tốt bao lâu nay?  Đâu là những điều tôi đang cảm thấy là một thách đố lớn?  Tôi nói gì với Chúa trong lúc này về đời sống giữ luật của tôi?  Điều gì đã khiến tôi giữ những luật trên tốt?  Có phải vì tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân, hay tôi đã làm vì bắt buộc?     

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, July 24, 2019

Thứ Năm Tuần XVI Mùa Thường Niên – Năm C – 25-7-2019 – Lễ Thánh Gia-cô-bê, Tông đồ


Thu Nam XVI TN

2 Cô-rin-tô 4:7-12

7Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. 8Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; 9bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. 10Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. 11Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi. 12Như thế, sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại hoạt động nơi anh em.

 (Trích Thư Cô-rin-tô II bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_08Corinto2.html#4)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay nói về một cái rất thật trong đời sống đức tin của tôi đó là, con người tôi dù yếu đuối, lỗi lầm nhưng lại cưu mang một niềm tin lớn lao vào Thiên Chúa, Đấng yêu tôi đến liều trao Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô cho tôi và chết cho tôi.  Bài đọc này cho tôi một hy vọng, một niềm cậy trông và tín thác hoàn toàn vào trợ lực của Thiên Chúa.  Dù tôi rất tội lỗi, dù tôi bao nhiêu lần sa đi ngã lại, tôi vẫn còn trở lại với Thiên Chúa, chắc hẳn không phải do sức mạnh nơi tôi mà là do ơn Chúa không đành để mất tôi.  Tôi có tâm tình nào muốn nói với Chúa trong lúc này về ơn sủng rất lớn Ngài luôn dành cho tôi? 

2.      Có những yếu đuối, cám dỗ, lỗi lầm nào đang dồn ép tôi, quật ngã tôi, muốn tiêu diệt tôi, làm cho tôi mất niềm tin vào Chúa, đôi khi?  Tôi có thể xin trợ lực của Chúa trong lúc này.  Tôi có thể nói hoặc cảm thấy như Phao-lô, trong bài đọc hôm nay rằng, sự sống của Chúa Giêsu luôn hoạt động trong tôi?  Tôi cần có thái độ nào, cần làm gì để sự sống của Chúa Giêsu luôn hoạt động mãnh liệt trong tôi?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, July 23, 2019

Thứ Tư Tuần XVI Mùa Thường Niên – Năm C – 24-7-2019


Thu Tu XVI TN

Mát-thêu 13:1-9

1Hôm ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. 2Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. 3Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.  Người nói: “4Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. 5Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; 6nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. 7Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. 8Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. 9Ai có tai thì nghe."

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_01Matthieu.html#13)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Tôi có thể thấy ngay hai điều rất đẹp ở người gieo giống này: Thứ nhất, người gieo này là một người hào phóng, gieo một cách xả láng, vung vãi hạt giống tứ tung, không tiếc; thứ hai, người gieo này rất lạc quan tin rằng, hạt đã gieo chắc chắn sẽ nảy mầm, dù rơi vào vùng đất nào đi nữa.  Ở những câu kế tiếp của dụ ngôn này, Chúa Giêsu giải thích: Người gieo giống ở đây chính là Thiên Chúa, hạt giống chính là lời của Ngài, và mảnh đất chính là tâm hồn của người nghe, trong đó có tôi.  Tôi cảm thấy thế nào khi, dù tôi là loại đất nào đi nữa, Chúa vẫn gieo lời của Ngài vào lòng tôi, và Ngài lạc quan mà hy vọng rằng một ngày kia lời Ngài sẽ sinh hoa kết trái trong lòng tôi?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này khi Ngài luôn tin tưởng tôi, dù tôi có là ai đi nữa?  Tôi muốn đáp trả như thế nào trước sự tin tưởng và lạc quan của Chúa đối với tôi?

2.       Tôi muốn hình dung cảnh Chúa Giêsu ra khỏi nhà, gặp đám đông chen chúc nhau, khiến Ngài phải lên thuyền mà nói chuyện với dân chúng.  Ngài làm một nghĩa cử rất đẹp đối với họ đó là, nói một điều rất quan trọng cho họ nghe, rằng: Thiên Chúa luôn tin tưởng mọi người, dù họ là ai đi nữa, Ngài vẫn gieo lời yêu thương của Ngài trong lòng họ.  Tôi muốn suy ngẫm hình ảnh rất đẹp này của Chúa Giêsu.  Kể từ hôm nay trở đi, bắt chước Chúa Giêsu, tôi sẽ chỉ gieo những lời yêu thương một cách lạc quan vào lòng mọi người mà tôi gặp gỡ mỗi ngày, dù họ là người như thế nào đi nữa, và tôi chiêm ngắm những lời ấy nảy mầm như thế nào trong lòng họ.  Tôi có thể kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, Người Gieo Giống của Lm. Nhạc sĩ Hoàng Đức, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=R3Kt6WEWJDA       


Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, July 22, 2019

Thứ Ba Tuần XVI Mùa Thường Niên – Năm C – 23-7-2019


Thu Ba XVI TN

Mát-thêu 12:46-50

46Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. 47Có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy." 48Người bảo kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" 49Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 50Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi."

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_01Matthieu.html#12)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Có thể tôi đã thầm mơ, giá mà tôi được sống cùng thời với Chúa Giêsu, giá mà tôi được là người nhà của Ngài…, thì tôi đã…!  Chúa Giêsu, qua bài đọc hôm nay, như đang làm cho những mơ ước đó của tôi thành hiện thực.  Cái phúc lớn không hẳn chỉ là sinh thành hay sống cùng thời với Chúa Giêsu, nhưng là làm theo thánh ý Chúa Cha.  Khi tôi làm theo thánh ý Chúa Cha, tôi cũng trở nên thành viên trong gia đình của Chúa Giêsu.  Tôi muốn điều này không?  Tôi có thể trầm mình trong giây phút này, tìm hiểu thánh ý Chúa Cha đang muốn tôi làm gì trong những vấn đề thường nhật của tôi, gia đình tôi và môi trường quanh tôi? 

2.    Tôi chọn ngay một hành động thật đẹp ý Chúa, giữa những bổn phận hằng ngày của tôi, để thực hiện sau giờ cầu nguyện này, và để ý Chúa Giêsu vui, hạnh phúc về tôi như thế nào.  Ngài có thể hãnh diện, khoe tôi với Chúa Cha, với cả triều thần thiên quốc về tôi, một người thân mới của Ngài, vì điều rất đẹp mà tôi đã chọn làm trong ngày hôm nay cho chính mình, cho tha nhân, hoặc cho cuộc đời này. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, July 21, 2019

Thứ Hai Tuần XVI Mùa Thường Niên – Năm C – 22-7-2019 – Lễ Thánh Maria Mác-đa-la

Thu Hai XVI TN

Gioan 20:11-18

11Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. 13Thiên thần hỏi bà: "Này bà, sao bà khóc?" Bà thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!" 14Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. 15Đức Giê-su nói với bà: "Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?" Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về." 16Đức Giê-su gọi bà: "Ma-ri-a!" Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: "Ráp-bu-ni!" (nghĩa là "Lạy Thầy"). 17Đức Giê-su bảo: "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.’" 18Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: "Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_04Gioan.html#20)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Tôi có thể nhận thấy từ bài đọc này, tình thương của Ma-ri-a Mác-đa-la dành cho Chúa Giêsu là rất lớn.  Ở một vài câu trước bài đọc này nói, Ma-ri-a Mác-đa-la đã đi ra mộ một mình từ lúc trời còn mờ tối để tẩm liệm lại xác của Chúa Giêsu.  Khi bà không thấy xác của Chúa Giêsu, bà khóc.  Có thể có biết bao nhiêu câu hỏi trong đầu bà lúc bấy giờ về xác của người mà bà rất thương mến.  Có thể đây là một điểm khiến tôi cũng phải suy nghĩ trong giờ cầu nguyện này.  Có bao giờ, dù độc hành và hoàn cảnh nào đi nữa, tôi vẫn đi tìm gặp Chúa Giêsu không?  Có bao giờ tôi khóc thương và khổ sở vì không tìm thấy Chúa trong một ngày sống của tôi?

2.      Chúa Giêsu đã phục sinh, hiện ra với Ma-ri-a Mác-đa-la và gọi tên của bà.  Nhờ tiếng gọi mà bà nhận ra Ngài.  Đây là một dấu chỉ nữa của tương quan yêu thương gắn bó mật thiết giữa bà và Chúa Giêsu.  Bởi khi yêu người ta thường gọi nhau bằng một cách riêng, mà người ngoài không thể nhận ra.  Nếu Chúa Giêsu gọi tôi, Ngài sẽ gọi tên gì, và tôi sẽ nhận ra Ngài không?  Nếu tôi gọi Chúa Giêsu, tôi sẽ gọi Ngài bằng tên gì?  Tôi có thể để ý tiếng Chúa Giêsu gọi tôi và tôi gọi Ngài như thế nào, trong giờ cầu nguyện này, rồi đi vào cuộc trò truyện với Ngài.     

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, July 20, 2019

Chúa Nhật Tuần XVI Mùa Thường Niên – Năm C – 21-7-2019


CN XVI TN

Luca 10:38-42

38Giê-su vào làng kia, có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. 39Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. 40Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!" 41Chúa đáp: "Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! 42Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi."

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_03Luca.html#10)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Cầu nguyện và Phục vụ, cả hai đều cần thiết.  Bài đọc hôm nay dường như cho tôi thấy đây là nỗi băn khoăn của Cộng đoàn Luca giữa: Cầu nguyện và Phục vụ, chọn bên nào đây?  Có phải chăng đây cũng là nỗi băn khoăn của tôi, nhiều khi bận rộn trăm công ngàn việc nên tôi chẳng có giờ cầu nguyện?  Coi chừng, sau một thời gian tôi sẽ trở thành “Ông Trời Con” và tưởng rằng tôi có vạn năng, làm mọi sự!  Cũng coi chừng, nếu không cầu nguyện mà chỉ làm việc thôi, máy móc cũng làm tốt hơn tôi.  Hoặc, có khi chỉ chuyên chăm cầu nguyện mà chẳng bắt tay làm một việc cụ thể nào cho xứng với lời mời gọi trong cầu nguyện?  Coi chừng tôi đang dùng cầu nguyện để ru ngủ tôi trước những vấn nạn của cuộc đời!

2.      Chúa Giêsu nói với Mác-ta rằng Maria đã chọn phần tốt nhất và không bị ai lấy mất.  Nhiều khi tôi nghĩ “làm” (doing) quan trọng hơn “hiện diện” (being), trong khi đó Chúa Giêsu lại nói “hiện diện” quan trọng hơn “làm”.  Vậy, giữa ý tôi và ý Chúa, tôi nghe ai?  Dĩ nhiên phải nghe ý Chúa, đồng thời tôi cần phải biết cân bằng hai giá trị này trong cuộc sống nữa.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, July 19, 2019

Thứ Bảy Tuần XV Mùa Thường Niên – Năm C – 20-7-2019


Thu Bay XV TN

Mát-thêu 12:14-21

14Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su. 15Biết vậy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. 16Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai. 17Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói: 18"Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. 19Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. 20Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, 21và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_01Matthieu.html#12)

Gợi ý cầu nguyện

1.       Một điểm rất đẹp trong bài đọc hôm nay đó là, dù Chúa Giêsu đang bị nhóm Pha-ri-sêu ganh ghét và tìm cách giết, nhưng không vì thế mà Ngài buông bỏ những điều tốt lành mà Ngài vẫn làm trước đây như: giảng dạy và chữa lành.  Tôi có thái độ phục vụ như Chúa Giêsu không, hay là khi người ta khen tôi, tôi hăng hái phục vụ hết mình; khi người ta chê bai tôi, tôi buông xuôi tất cả và chỉ trích đủ điều?  Trong thinh lặng của giờ cầu nguyện này, tôi muốn tâm sự với Chúa Giêsu và học ở Ngài tinh thần phục vụ.

2.       Đời sống của Chúa Giêsu là làm theo những gì Chúa Cha mong đợi.  Những mong đợi ấy đã được viết trong Kinh Thánh do các ngôn sứ đã loan báo trước.  Tôi có thể đọc thấy lời tiên tri I-sai-a, từ câu 18-21, cũng là cho tôi?  Tôi muốn xin cho được Thần Khi Chúa ngự trên tôi trong giờ cầu nguyện này, thúc đẩy tôi luôn biết loan báo công lý, trở nên mối giao hòa giữa mọi người, nâng đỡ những tâm hồn đau thương dập nát, và đem niềm vui, hy vọng đến cho mọi người. 

Phạm Đức Hạnh, SJ