Luca 1:26-38
26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần
Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,27 gặp
một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua
Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.28 Sứ thần vào nhà trinh nữ
và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà."29 Nghe
lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.30 Sứ
thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31 Và
này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người
sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ
ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ
trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô
tận."34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy
ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!"35 Sứ
thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ
rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.36 Kìa
bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một
người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu
tháng.37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm
được."38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ
tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ
biệt ra đi.
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh
Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1. Bài đọc hôm nay có lẽ đã trở
nên rất quen thuộc đối với tôi. Tuy nhiên,
sự quen thuộc này cũng có thể làm tôi khó cảm nghiệm sâu hơn ở một biến cố rất
quan trọng đó là, khoảnh khắc Thiên Chúa làm người. Trong giờ cầu nguyện này tôi có thể hình dung
làm sao một Thiên Chúa cao cả lại đến ở trong xác phàm, như vậy để thấy tình
yêu của Chúa dành cho tôi lớn biết bao.
Tôi cũng có thể hình dung sự bối rối của Mẹ Maria. Làm sao Mẹ đã đính hôn với một người và bây
giờ lại có thai không phải từ người Mẹ yêu?
Nhìn như vậy để tôi có thể đi vào được những tâm trạng, những khó khăn
và bối rối của Mẹ.
2. Cuối cùng Mẹ đã nói xin vâng
với Chúa. Trước những khó khăn đến mất
mạng, Mẹ đã xin vâng. Điều này nói gì
với tôi trong những khó khăn mà tôi vẫn thường gặp phải hôm nay? Tôi dám tin tưởng, phó thác, dám nói xin vâng
không? Tôi có thể nói chuyện với Mẹ
Maria, làm thế nào Mẹ có thể nói xin vâng với Chúa một cách dễ dàng như
vậy?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment