Thursday, October 26, 2017

Thứ Sáu XXIX Thường Niên – Năm Lẻ –27-10-2017

Thu Sau XXIX TN
Rô-ma 7:18-25
18 Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không.19 Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.20 Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.21 Bởi đó tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay.22 Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa;23 nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi.24 Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?25 Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Như vậy, nếu theo lý trí, thì tôi làm nô lệ luật của Thiên Chúa; nhưng theo xác thịt, thì tôi làm nô lệ luật của tội.
(Trích Thư Rôma bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Cầu nguyện là một thao luyện giúp tôi nhìn rõ con người của tôi hơn và nhìn rõ tương quan giữa tôi với Chúa hơn.  Phao-lô quả là một con người cầu nguyện, con người của Chúa, ông đã rất thành thật về chính mình.  Những lời ông nói hôm nay về những dằn vặt trong ông giữa sự thiện và sự ác.  Tôi có những dằn vặt giống Phao-lô không?  Nói đúng hơn, ngay trong lúc này tôi đang có những dằn vặt nào không?  Tôi có thể tâm sự với Phao-lô trong giờ cầu nguyện này, biết đâu ngài chẳng chỉ cho tôi một ánh sáng giúp tôi đối diện dằn vặt này tốt hơn.
2.    Phao-lô nhận thấy rằng nơi trái tim ông có một lòng tin yêu Chúa, ông muốn làm những gì được thúc đẩy bởi tình yêu này, nhưng đồng thời ông cũng cảm thấy một nội lực thúc đẩy ông làm những điều trái với tình yêu ấy.  Nhiều khi nội lực ấy rất mạnh mẽ, chiếm hữu con người của ông.  Tôi có nhận thấy điều này cũng xảy ra trong tôi không?  Cái hay của Phao-lô là nhìn thấy con người ta không thể tự do hoàn toàn, nhưng luôn bị một nội lực khác lôi kéo làm điều trái với ý muốn của Chúa, vì thế ông đã trở nên nương tựa vào Chúa nhiều hơn để được tự do.  Còn tôi, tôi làm gì khi bị nội lực chiếm hữu và điều khiển tôi?  Có ơn gì tôi muốn xin Chúa trong lúc này?  
Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment