Xuất Hành
22:20-26
20 Người ngoại
kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều
ở đất Ai-cập.21 Mẹ goá con côi, các ngươi không được ức hiếp.22 Nếu
ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu.23 Cơn
giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém giết các ngươi: thế là vợ các ngươi sẽ
thành goá bụa, và con các ngươi sẽ thành côi cút.24 Nếu ngươi
cho một người trong dân Ta, một người nghèo ở với ngươi vay tiền, thì ngươi
không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi.25 Nếu
ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó
trước khi mặt trời lặn.26 Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo
che thân; nó sẽ lấy gì mà ngủ? Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân
từ.
(Trích Sách Xuất Hành bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ
Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.
Bài đọc hôm nay thật đẹp. Đẹp ở chỗ là dù Sách Xuất Hành đã được viết
ra khoảng 500 năm trước Chúa giáng sinh, nhưng trong đó đã chứa đựng những tư
tưởng rất nhân bản vượt thời gian. Bài đọc
hôm nay nhấn mạnh đến sự tiếp nhận khách ngoại kiều, không được ngược đãi áp bức
họ. Điều này, ngay cả hôm nay, nhân loại vẫn
chưa làm được. Đó đây khắp nơi trên thế
giới đang nổi lên những phong trào chống người di dân. Quả thật con người của thế kỷ 21 vẫn mọi rợ
và tàn ác, sống thiếu nhân bản hơn những người của thời Sách Xuất Hành. Tôi có tư tưởng bài ngoại không? Tôi đối xử như thế nào với những người di dân
và tị nạn trên thế giới và xung quanh tôi?
Tôi đọc lại những lời trên để xin Chúa trôi luyện tính nhân bản trong
con người tôi.
2.
Điều nhân bản thứ hai
trong bài đọc trên đó là vấn đề cho vay tiền, nhưng không được tính lãi. Có mấy dân tộc hôm nay, có mấy gia đình hôm
nay cho người ta vay tiền mà không lấy lãi?
Thậm chí còn ăn lời cắt cổ nữa. Cứ
nhìn vào những tổ chức mãi dâm, những công ty lao động như nô lệ, biết bao
nhiêu nạn nhân vì hoàn cảnh nghèo, gia đình lại gặp hoạn nạn phải vay tiền,
nhưng đã bị các chủ nợ ăn lời cắt cổ đến nỗi họ không đủ tiền trả đành phải bán
mình, bán con. Thân phận của những con
người đó bị xô đẩy từ nhà chứa này qua nhà chứa khác, từ nước này qua nước khác. Tôi có được một chút nhân bản nào như những
gì trong bài đọc hôm nay? Trong giờ cầu
nguyện này tôi muốn cầu nguyện cho chính tôi biết sống nhân bản hơn mỗi ngày. Tôi cũng cầu nguyện cho rất nhiều những nạn
nhân của tình trạng buôn người trên thế giới, cho họ sớm thoát cảnh nô lệ tủi
nhục.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment