Gioan 20:24-29
24Có một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” 29 Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”
(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Có điều gì đó quan trọng đang diễn ra sâu thẳm trong tâm hồn của Tô-ma. Trong thâm tâm ông có một sự hoài nghi về tất cả những cuộc nói chuyện về sự phục sinh của Chúa Giêsu. Chẳng lẽ lại có chuyện Thầy sống lại sao, khó tin quá! Có điều gì đó bên trong ông chống lại một niềm tin quá dễ dãi. Những gì các bạn của ông nói nghe chuyện cổ tích! Cách đây không lâu, Tô-ma đã trải qua nỗi đau buồn về việc Chúa Giêsu bị bắt và bị chết. Nếu Chúa Giêsu thực sự sống lại, Người vẫn phải mang những vết thương trên Thập Giá. Tôi không thể đặt những chứng cứ như thế sang một bên và quên nó đi, phải không? Tôi có cảm nhận được những cảm xúc đó trong chính mình không? Có “nơi tối tăm” nào mà tôi vẫn cần gặp Chúa Giêsu, Đấng đã sống lại từ cõi chết không? Hãy nhìn vào thế giới tôi đang sống… những nơi nghèo đói, đau khổ và mất mát. Chúa Giêsu thực sự có thể sống lại ở đó không? Hãy dành chút thời gian để nhìn lại những chỗ rạn nứt trong cuộc sống của chính tôi. Những vết thương nào tôi cần Chúa biết và chữa lành?
2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, hãy cố gắng hình dung khuôn mặt của Tô-ma khi ông đặt tay vào vết thương của Chúa Giêsu. Đây không phải là một kết thúc có hậu, dễ chịu - mà là cuộc sống thực sự từ cái chết thực sự. Một hy vọng thực tế đến mức tôi có thể đặt cuộc sống của mình vào đó. Hãy xem liệu tôi có thể tìm thấy tia hy vọng nào đó đang thắp lên trong mình không. Hãy giữ lấy nó. Hãy để nó lớn lên. Hãy nói với Chúa về điều đó và nó có thể dẫn tôi đến đâu. Tôi có thể nói như Tô-ma: “Lạy Chúa của tôi! Lạy Thiên Chúa của tôi” không?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment