2 Cô-rin-tô 4:7-15
7Thưa anh em, chúng tôi mang sứ vụ tông đồ nơi mình như chứa đựng kho tàng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. 8 Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; 9bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. 10 Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. 11 Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi. 12 Như thế, sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại hoạt động nơi anh em.
(Trích Thư Cô-rin-tô II, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay là những lời thật đẹp, đầy khích lệ và rất thực tế đối với tất cả những ai theo Chúa Kitô. Phao-lô đã ví đời sống của những người theo Chúa Giêsu tựa như chiếc bình sành, đầy tì vết, rất mỏng giòn và dễ vỡ. Tuy nhiên trong cái mỏng giòn, dễ vỡ ấy lại cưu mang một sứ mạng rất cao cả, đó là làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa. Tôi có cảm thấy như Phao-lô không? Cảm thấy mình mỏng giòn, yếu đuối, thường xuyên sa đi ngã lại hoài, nhiều khi là những yếu đuối rất tầm thường, ấy vậy mà tôi vẫn không tránh được, không chừa được, không đứng lên được; trong khi đó, tôi lại là một thầy cô giáo, là huynh trưởng, là cha mẹ, là lãnh đạo cộng đoàn, là nữ tu, là nam tu, chỗ nào tôi cũng phải làm gương, nhiều khi cảm thấy thật ngượng, cảm thấy mình sống thật giả hình. Tôi có thể nói chuyện với Chúa Giêsu hoặc Thánh Phao-lô về những suy nghĩ này.
2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý đến những ý tưởng hoặc từ ngữ nào đánh động tôi nhất. Tôi dừng ở những tư tưởng hoặc ngôn từ ấy và xin Chúa giúp tôi hiểu sâu hơn điều Chúa đang muốn nói với tôi qua những ý tưởng và ngôn từ ấy. Dầu ý thức những mỏng giòn yếu đuối, Phao-lô vẫn cảm thấy đứng vững, không phải ở sức của ông, như ở sự trợ giúp của Thiên Chúa. Tôi có thấy ý tưởng này cũng đang nói với tôi? Có khi nào tôi đã huyenh hoang tự đắc trong những chống trả trước cám dỗ? Một tâm tình đúng đó là: dù tôi có lành thánh đến mấy đi nữa, tôi cũng không nên tự hào, bởi có phải công của tôi đâu, mà là Chúa. Mặt khác, càng lỗi lầm bao nhiêu, tôi càng phải nương tựa vào Thiên Chúa bấy nhiêu.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment