Mát-thêu 13:24-30
24Khi ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe dụ ngôn sau đây: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. 26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. 27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: ‘Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?’ 28 Ông đáp: ‘Kẻ thù đã làm đó!’ Đầy tớ nói: ‘Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?’ 29 Ông đáp: ‘Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi’.”
(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay bao gồm hai ý và tôi có thể tập trung vào từng ý một để suy niệm. Thứ nhất, Chúa Giêsu khẳng định Thiên Chúa là người gieo và Ngài gieo giống tốt, không bao giờ gieo giống xấu. Chính kẻ thù là kẻ gieo giống xấu, cỏ lùng. Điều này giúp tôi suy nghĩ gì về những chuyện xảy ra thường ngày quanh tôi? Gặp bất cứ sự gì, đặc biệt là những cái ác, những khó khăn, biết bao nhiêu người Công giáo cứ hay nói: “Chúa gởi!” “Chúa định!” “Thánh giá Chúa gởi!” Đây là một thần học lệch lạc, một cái nhìn sai lệch về Thiên Chúa. Lần gặp khó khăn gần nhất của tôi là khi nào? Tôi nghĩ gì về Thiên Chúa lúc ấy? Tôi có cho rằng Chúa gởi không? Bài đọc hôm nay Chúa Giêsu khẳng định rất rõ: Ngài là một Thiên Chúa tốt lành và Ngài chỉ gieo những điều thiện hảo. Tôi muốn nói gì với Chúa trong giây phút này?
2. Thứ đến, cơn cám dỗ muôn thủa của nhiều người đó là thích “nhổ cỏ.” Nguy hiểm hơn nữa, đó là: tôi nhìn ai cũng thấy họ là cỏ lùng, cần phải loại bỏ, trong khi đó không bao giờ thấy tôi là cỏ lùng, mà chỉ thấy mình là lúa! Rồi tôi tự hào, vênh vang tự đắc và không có lòng nhân từ đối với tha nhân. Nếu Chúa là Đấng công minh xét xử và thấy tôi thật sự là cỏ lùng, tôi nghĩ sao? Tôi có còn vênh vang tự đắc? Tôi sẽ kêu cầu sự công bằng hay lòng thương xót của Chúa? Dù tôi là ai đi nữa: cỏ lùng hay lúa tốt, Thiên Chúa vẫn rất nhân từ. Ngài luôn cho tôi cơ hội và thời gian để biến đổi. Tôi muốn nói gì với Chúa trong giây phút này?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment