Mát-thêu 5:43-48
43Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng, “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”
(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Phải công nhận rằng, chẳng phải lúc nào cũng dễ dàng giữ được các mối quan hệ tốt với bạn bè, chứ đừng nói đến việc yêu thương kẻ thù. Tôi có thường xuyên thấy mình muốn cầu nguyện cho kẻ thù của mình, một cách tự nhiên không? Tôi đã bao giờ thấy mình có thể nhìn một người mà tôi coi là kẻ thù với ánh mắt yêu thương chưa? Tôi đã bao giờ đến gần với họ chưa? Một câu nói khá đúng với hầu hết mọi người, đó là: “Kẻ thù đáng sợ nhất đó là chính mình.” Tôi có thấy câu này đúng với tôi không? Đôi khi kẻ thù của tôi chính là bản thân mình, xuất hiện khi tôi khám phá về con người thật của tôi. Bởi vậy việc yêu thương “kẻ thù” đôi khi lại là tập cho biết yêu thương chính mình. Bài đọc kết thúc bằng một thách đố: hãy trở nên hoàn thiện như Chúa! Làm thế nào mà tôi có thể hoàn thiện được? Một cách dịch khác có thể là “trọn vẹn” - trở nên trọn vẹn như Chúa trong cách tôi tiếp cận với mọi người - không quá hoàn hảo trong các mối quan hệ của mình mà là trọn vẹn trong các mối tương quan giữa tôi với mọi người. Hiểu như vậy, tôi có thấy những lời của Chúa Giêsu đang nói cho riêng tôi? Những lời này có an ủi tôi không? Chúng có là một thách đố đối với tôi không?
2. Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa để xem thử thách về sự trọn vẹn đó đang nói gì với tôi. Trước khi kết thúc giờ cầu nguyện, tôi muốn xin Chúa điều gì để giúp tôi trở nên trọn vẹn hơn theo cách của Ngài?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment