Thursday, March 28, 2024

Thứ Sáu Tuần Thánh – Năm B – 29-3-2024

Thu Sau TT

Híp-ri 4:14-16; 5:7-9

4/14Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa.  Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. 15 Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. 16 Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.

5/7Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết.  Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. 8 Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; 9và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.

(Trích Thư Híp-ri, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay Thứ Sáu Tuần Thánh, tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.  Không có gì rung cảm và được nâng đỡ hơn khi tôi đang cảm thấy chán nản mà lại có ai đó nói: “Tôi biết bạn đang cảm thấy gì”.  Chúa Giêsu thực sự biết cảm giác của tôi như thế nào bởi chính Ngài đã từng trải qua những lúc xuống tinh thần đến tột độ.  Tác giả sách Híp-ri hôm nay mô tả Chúa Giêsu đã từng trải qua những lúc yếu đuối nhất và dễ bị tổn thương nhất.  Tôi phản ứng thế nào trước hình ảnh của Chúa Giêsu trong Thứ Sáu Tuần Thánh này?  Biết Chúa Giêsu đã đi vào thật sâu trong những khốn cùng của con người như thế nào, tôi được mời gọi hãy mạnh dạn đến với lòng thương xót và ân sủng của Ngài.  Đây là những gì tôi được ban tặng qua sự đau khổ của Chúa Giêsu.  Lòng thương xót và ân sủng nào tôi đang tìm kiếm ngay bây giờ?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa để được nhắc nhở về nỗi thống khổ và cô đơn nơi bản chất con người của Chúa Giêsu.  Tôi cũng nhớ rằng, qua đau khổ của Ngài, Ngài trở thành nguồn ơn cứu độ tràn đầy ân sủng cho mọi người.  Đau khổ không phải là đích điểm mà chỉ là phương cách diễn tả tình yêu vô điều kiện và vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho tôi.  Chính vì thế mà Thứ Sáu Tuần Thánh, dù tưởng niệm về cái chết của Chúa Giêsu, nhưng lại được gọi là Good Friday (tiếng Anh), có nghĩa là: Ngày Hồng Ân.  Phản ứng nào nảy sinh trong tôi khi tôi suy ngẫm về điều này?  Bài đọc trên nói về Chúa Giêsu vâng phục Chúa Cha.  Đây không phải là thất bại hay đầu hàng, mà là chiến thắng, đạt được, nhờ sự kết hợp thâm sâu với Chúa Cha và sự tự hiến.  Khi suy ngẫm về việc tự hiến như vậy có thể có ý nghĩa gì đối với tôi, tôi muốn nói gì với hoặc về Chúa Giêsu chịu đóng đinh?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng Kinh Dâng Hiến của Thánh I-nha-xi-ô: “Lạy Chúa, xin nhận lấy tất cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và cả ý chí con, tất cả những gì con có, và đang làm chủ.  Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, nay con xin dâng lại cho Chúa.  Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.  Chỉ xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa.  Đối với con, thế là đủ. Amen.”

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment