Lê-vi 25:1, 8-17
1Trên núi Xi-nai, Đức Chúa phán với ông
Mô-sê rằng: 8“Các ngươi phải tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy
lần bảy năm; thời gian của bảy tuần năm đó là bốn mươi chín năm. 9 Tháng
thứ bảy, ngày mồng mười trong tháng, các ngươi sẽ thổi tù và, giữa tiếng reo
hò; vào ngày Xá tội, các ngươi sẽ thổi tù và, trong toàn xứ các ngươi. 10 Các
ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân
xá cho mọi người sống tại đó. Đối với
các ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở
hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình. 11 Đối
với các ngươi, năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ toàn xá: các ngươi không được
gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt
tỉa. 12 Vì đó là thời kỳ toàn xá, một năm thánh đối với
các ngươi, các ngươi sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng. 13 Năm toàn
xá đó, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình. 14 Nếu
các ngươi bán cái gì cho người đồng bào hoặc mua cái gì từ tay người đồng bào,
thì đừng ai làm thiệt hại người anh em mình. 15 Ngươi sẽ
mua của người đồng bào theo số năm sau năm toàn xá, và nó sẽ bán cho ngươi theo
số năm thu hoạch. 16 Còn nhiều năm thì ngươi mua giá cao,
còn ít năm thì ngươi mua giá thấp, vì nó bán cho ngươi một số năm thu
hoạch. 17 Không ai trong các ngươi được làm thiệt hại
người đồng bào, nhưng các ngươi phải kính sợ Thiên Chúa của các ngươi, vì Ta là
Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi.”
(Trích Sách Lê-vi, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các
Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay thật đẹp và rất
nhân bản. Bài đọc hôm nay nói đến nguồn
gốc của năm mà Giáo hội gọi là Năm Thánh (Jubilee). Theo luật Do-thái và theo luật Kitô giáo, cứ
năm mươi năm thì có một Năm Thánh. Năm
Thánh được lập ra nhằm bảo vệ những nô lệ, những người cùng đinh trong xã hội,
nợ chồng nợ đống trong cuộc đời. Đến Năm
Thánh, như trong bài đọc hôm nay nói, mọi nô lệ được giải thoát được trở về với
gia đình, mọi ruộng nương phải nghỉ không được cày cấy để cho đất nghỉ và để
cho người nghèo được vào vườn mót lúa và trái cây để sống, mọi nợ nần được xóa
bỏ… Đã hơn hai ngàn năm qua, bao nhiêu
phần trăm dân số thế giới đã sống được như luật Lê-vi trên? Bao nhiêu người đã sống Năm Thánh trên đúng
nghĩa? Tôi ý thức những người nghèo
quanh tôi ra sao? Tôi đã làm những gì để
cởi trói và giải thoát những người khốn cùng quanh tôi như thế nào? Tôi muốn nói gì với Chúa trong giây phút
này? Tôi đọc lại bài đọc trên để hiểu rõ
hơn những ao ước và quan tâm của Chúa đối với những cô, nhi, quả, phụ, và để ý
Chúa mời gọi tôi cộng tác với Ngài ra sao?
2.
Bên cạnh Năm Thánh, Do-thái giáo
còn đóng góp cho thế giới một điều thiết thực khác nữa, đó là: ngày sa-bát. Kitô giáo, vốn phát xuất từ Do-thái giáo, khi
đã lớn mạnh, biến ngày sa-bát thành ngày Chúa Nhật. Trong ngày Chúa Nhật, mọi người được nghỉ
ngơi để chỉ chuyên phụng sự Thiên Chúa và nghỉ ngơi bên gia đình. Kitô giáo đã không chỉ coi ngày Chúa Nhật là
ngày nghỉ trong tuần, nhưng còn đưa ngày ấy thành luật, buộc mọi người phải
nghỉ ngơi. Tôi có thể cảm thấy kỳ lạ,
sao nghỉ mà cũng bắt buộc? Điều này phải
trở về với lịch sử của những thế kỷ đầu của Giáo hội. Ở thời nào cũng vậy, chủ nhân bao giờ cũng
chỉ nghĩ lợi cho họ trước hết, đó là: làm sao cho có lợi và nhiều tiền bao
nhiêu có thể, chứ không nghĩ đến quyền lợi của công nhân. Chính vì thế mà họ tìm mọi cách bóc lột công
nhân, bắt họ phải làm việc nhiều giờ trong ngày và bảy ngày trong tuần. Để tranh đấu cho quyền lợi của công nhân,
Giáo hội đã nâng ngày nghỉ Chúa Nhật thành luật, buộc mọi công nhân không được đi
làm trong ngày Chúa Nhật, nhưng phải dành ngày ấy cho Chúa và cho gia đình. Một khi Chúa Nhật là ngày lễ, buộc phải nghỉ,
các chủ nhân không thể bắt các công nhân đi làm trong ngày ấy được nữa. Bao nhiêu thế kỷ đã trôi qua, ngày nay khắp
nơi trên thế giới đã dùng ngày Chúa Nhật là ngày nghỉ đương nhiên trong lịch
sống của họ. Điều này đã thành thói quen
đến mức, ngày nay các chủ nhân nếu bắt các công nhân đi làm ngày Chúa Nhật,
buộc phải trả lương ngày ấy gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Điều này đã trở thành quyền của công nhân và
được luật pháp bảo vệ. Giáo hội không
chỉ đưa ra ngày Chúa Nhật, nhưng còn đưa ra nhiều ngày lễ lớn khác trong năm
nữa, buộc các Kitô hữu phải nghỉ, như: Lễ Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh, Lễ Đức Mẹ
là Mẹ Thiên Chúa (Mồng Một Dương Lịch)…, cũng trong một ý nghĩa ấy là bảo vệ
quyền lợi của các công nhân và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Tôi có thể thấy rõ những ngày lễ nghỉ buộc
này, nếu sống ở Châu âu. Tiếc thay,
nhiều công nhân ngày nay không ý thức được giá trị hình thành của ngày Chúa
Nhật quan trọng như thế nào trong đời sống đức tin và gia đình, đồng thời không
hiểu được giá trị tranh đấu lâu dài của Giáo hội cho quyền của mình, nên có
những người vì mê công việc, mê tiền bạc mà họ đành bỏ lễ, bỏ gia đình để phục
vụ cho các chủ nhân và phục vụ tiền bạc.
Tôi ý thức sống ngày Chúa Nhật và những ngày lễ nghỉ trong năm như thế
nào? Tập trung vào Chúa và xây đắp tình
gia đình, tình bằng hữu, hay chỉ sống riêng cho tôi, phụng sự vật chất, thay vì
phụng sự Chúa? Tôi biết ơn những tranh đấu của Giáo hội cho
quyền lợi của tôi, là một công nhân như thế nào? Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này? Tôi muốn cầu nguyện cho Giáo hội?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment