Mát-thêu 25:1-13
1Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe
dụ ngôn này: “Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú
rể. 2 Trong mười cô đó, có năm cô dại và năm cô
khôn. 3 Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu
theo. 4 Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai
dầu theo. 5 Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi
ngủ cả. 6 Nửa đêm, có tiếng la lên: ‘Chú rể kia rồi, ra
đón đi!’ 7 Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và
sửa soạn đèn. 8 Các cô dại nói với các cô khôn rằng: ‘Xin
các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em sắp tắt rồi!’ 9 Các
cô khôn đáp: ‘Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà
mua lấy thì hơn.’ 10 Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể
tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. 11 Sau
cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: ‘Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng
tôi với!’ 12 Nhưng Người đáp: ‘Tôi bảo thật các cô, tôi
không biết các cô là ai cả!’ 13 Vậy anh em hãy canh thức,
vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”
(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh
Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Chương 24 và 25 của Phúc âm Mát-thêu đều có chung một chủ đề, đó là: Cánh chung, tức là đề cập đến những vấn đề cuối cùng của đời người như sự chết, sự sống lại, sự phán xét, thiên đàng và hỏa ngục. Mà nói đến cánh chung là nói đến hạn chót, không còn thời gian gia hạn nào nữa. Bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu kể dụ ngôn của mười cô trinh nữ đốt đèn chờ đón chàng rể. Tôi sẽ có thể cảm thấy khó hiểu và thắc mắc: Tại sao chàng rể lại đến vào ban đêm, mà không đến ban ngày? Nên nhớ, Chúa Giêsu kể dụ ngôn này ở đất Do-thái, một vùng đất nóng như sa mạc. Bởi thế, người Do-thái không thể tổ chức tiệc tùng vào ban ngày mà thường phải tổ chức vào ban đêm. Tựa như Las Vegas, thành phố ăn chơi nổi tiếng của Mỹ, nhiệt độ ban ngày mùa hè thường là 110 độ F (44 độ C), vì thế rất ít người đi bộ ngoài đường ban ngày, nhưng đêm đến, người ta chen lấn, đi bộ đến ngập đường. Trở lại với dụ ngôn các cô trinh nữ chờ chàng rể. Tôi có thể dừng ở động từ “chờ” để suy niệm và cầu nguyện trong lúc này. Tôi có kinh nghiệm chờ đợi bao giờ chưa? Chờ đợi bao giờ cũng làm cho người ta thấp thỏm, nhưng chờ đợi vào ban đêm sẽ nhọc nhằn hơn vì ai cũng mệt và buồn ngủ. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn này để mời gọi tôi phải chờ đợi, nhưng phải chờ đợi trong sự tỉnh thức. Điều này thật khó. Tôi có cảm thấy tôi vẫn thức chờ đợi Chúa mỗi ngày? Ngày hôm nay Chúa đã đến với tôi vào lúc nào, trong hình thức nào và hoàn cảnh nào? Tôi có nhận ra không? Tôi muốn nói với Chúa về thái độ của tôi chờ đợi Chúa như thế nào.
2. Tôi đọc lại bài đọc trên và để ý đến những khó khăn của năm cô khờ dại. Lưu ý, đây không phải là dụ ngôn dạy về đức bác ái, nhưng dạy tôi về sự sẵn sàng và tỉnh thức. Mỗi người ai cũng được chia rất bằng nhau về thời gian sống, 24 tiếng mỗi ngày, 7 ngày trong tuần, 365 ngày trong năm. Tôi đã sống 24 tiếng qua, 7 ngày qua và 365 ngày qua như thế nào? Tôi đã tận dụng và sống hết mình với thời gian Chúa cho tôi mỗi ngày, hay tôi sẽ bị trễ khi kim giây của giờ phút cuối cùng trong ngày dịch chuyển? Tôi nói với Chúa về lối sống và thời giờ mỗi ngày của tôi và để ý Chúa sẽ nói gì với tôi.
0 comments:
Post a Comment