21Khi ấy, Đức Giê-su lui về miền Tia và
Xi-đôn, 22thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở vùng ấy đi
ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” 23 Nhưng
Người không đáp lại một lời. Các môn đệ
lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng
ta mà kêu mãi!” 24 Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với
những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.” 25 Nhưng bà
ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” 26 Người
đáp: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” 27 Bà
ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn
trên bàn chủ rơi xuống.” 28 Bấy giờ Đức Giê-su đáp: “Này
bà, lòng tin của bà mạnh thật! Bà muốn
thế nào, sẽ được như vậy.” Từ giờ đó,
con gái bà được khỏi bệnh.
(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay thật khó nghe. Tôi có thể cảm thấy rất khó chịu và khó chấp nhận về thái độ và cách trả lời của Chúa Giêsu đối với người đàn bà thật đáng thương xứ Ca-na-an. Nhưng nếu tôi đọc toàn bộ các Phúc âm, tôi sẽ thấy Chúa Giêsu có thái độ và cách hành xử rất khác, rất nhân từ và đầy yêu thương. Như vậy những gì tôi thấy trong bài đọc hôm nay về thái độ và cách đối xử của Chúa Giêsu có thể chỉ là kiểu nói của Mát-thêu nhằm, đề cao vấn đề kiên trì trong cầu nguyện. Người đàn bà trong bài đọc hôm nay thật đáng thương. Bà vất và có thể tức điên lên được khi đến với Chúa Giêsu. Có khi nào tôi cũng rất chán nản, cảm thấy bị thách đố khiến không muốn cầu nguyện và buông xuôi? Tôi có thể đặt mình vào hoàn cảnh của người mẹ khốn khổ trên, hoặc nói chuyện với bà ta, nhờ vậy tôi có thêm lòng tin và động lực để cầu nguyện.
2. Tôi đọc lại bài đọc trên và để ý đến những ý tưởng, cảm xúc xảy đến trong tôi từ những lời của Chúa Giêsu hoặc của người mẹ Ca-na-an. Tôi để những cảm xúc và ý tưởng dẫn tôi đến đối thoại với Chúa Giêsu trong cả giờ cầu nguyện còn lại.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment