Monday, July 31, 2023

Thứ Ba Tuần XVII Thường Niên – Năm A – 1-8-2023 – Lễ Thánh An-phon-xô Liguori, Giám mục và Tiến sĩ Hội Thánh

Thu Ba XVII TN

Mát-thêu 5:13-16

13Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Chính anh em là muối cho đời.  Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại?  Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. 14 Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.  Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. 15 Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. 16 Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trong bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ, trong đó có tôi là người đang theo Ngài: “Chính các con là muối cho đời.”  Tôi thừa hiểu chức năng của muối là để ướp đồ ăn cho tươi, để rửa thức ăn cho khỏi tanh hôi, và để ướp, nêm nếm thức ăn cho đậm đà.  Những chức năng này không thể thiếu trong đời sống thường ngày của mọi người.  Chúa Giêsu bảo tôi phải là muối, không có nghĩa là tôi đang là người biến thành hạt muối, nhưng phải sống những chức năng thiết yếu như muối, làm cho cuộc đời này không bị ươn thối, không bị tanh hôi, và thêm đậm đà, nhờ sự hiện diện, lời nói, cũng như việc làm của tôi.  Trong giờ cầu nguyện hôm nay, tôi có thể nhìn lại lần cuối cùng tôi đã sống chức năng như muối là khi nào?  Những lời tôi nói, và những việc tôi làm đã làm cho cuộc đời này hoặc cuộc sống của một ai đó được thăng hoa, được tươi mới như thế nào?  Có khi nào tôi đã lãng quên sống chức năng muối ở những nơi tôi hiện diện?  Nên nhớ, Chúa Giêsu nói: tôi phải là muối cho đời, tức trở nên thiết yếu, không thể thiếu trong cuộc sống này.  Tôi dành giây phút này để định hướng và xin Chúa giúp tôi sống chức năng muối suốt ngày hôm nay.

2.  Một hình ảnh thiết yếu tương tự mà Chúa Giêsu cũng mời gọi tôi, đó là: trở thành ánh sáng cho trần gian.  Ánh sáng cần thiết biết bao; ở đâu có ánh sáng ở đó mọi việc được trôi chảy và mọi sự minh bạch.  Tôi đã là ánh sáng ở những nơi đâu và với những ai?  Tôi đã thấy cuộc đời những nơi đó và người đó biến đổi ra sao?  Tôi ý thức vai trò ánh sáng trong tôi như thế nào, hay đã lãng quên và trở thành bóng tối bao trùm cuôc đời tôi và bao trùm cuộc đời của người khác?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này?  Tôi ngồi bên Chúa Giêsu trong giây phút này để chính Ngài là ánh sáng đích thực tỏa sáng trên cuộc đời tôi, và qua tôi ánh sáng của Ngài cũng phản chiếu trong cả ngày sống của tôi hôm nay.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, July 30, 2023

Thứ Hai Tuần XVII Thường Niên – Năm A – 31-7-2023 – Lễ Thánh Inhaxio Loyola

Thu Hai XVII TN 

Luca 14:25-33

25Khi ấy, có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su.  Người quay lại bảo họ: 26“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. 27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. 28 Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? 29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi, lại không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: 30‘Anh ta đã khởi công xây, nhưng chẳng có sức làm cho xong việc.’ 31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? 32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. 33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Những lời của Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay có thể  là một thách đố lớn về thái độ sống đức tin của tôi.  Có lẽ nếu được hỏi, tôi có tin Chúa Giêsu và theo Ngài không, tôi sẽ trả lời: “Đương nhiên rồi!  Bởi tôi đã được rửa tội từ bé và tôi vẫn đi lễ mỗi tuần!”  Nhưng, liệu câu trả lời này của tôi có xứng với những lời Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay?   Chúa Giêsu đòi hỏi việc theo Ngài không thể là một chuyện ngẫu nhiên, một chuyện đương nhiên, như: Vì tôi đã được rửa tội từ bé, vì tôi sinh ra trong gia đình Công giáo, vì tôi lập gia đình với người Công giáo nên tôi ĐÀNH phải mang danh Kitô hữu.  Trái lại, Chúa Giêsu đòi hỏi, bất cứ ai muốn theo Ngài: phải thật sự tự do, phải chủ động trong việc theo Ngài chứ không vì ai hay vì bất cứ hoàn cảnh nào.  Việc theo Chúa Giêsu phải như chuyện làm ăn lớn, chuyện binh nghiệp, phải nghiêm túc ngồi xuống, phải so đo tính toán kỹ lưỡng và phải dốc hết sức lực thì viêc theo Ngài mới trọn vẹn.  Theo Chúa Giêsu có cái giá của nó, và cái giá ấy mắc vô cùng, mắc hơn cả những gì tôi dốc tâm làm cho cha mẹ, cho người thân và cho chính tôi.  Tôi muốn dành giây phút này để xem lại thái độ theo Chúa Giêsu bao lâu nay của tôi có nghiêm túc, có hết sức mình?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu về thái độ sống niềm tin của tôi.

2.     Tôi đọc lại những lời trên của Chúa Giêsu và để cho những lời của Ngài lắng thật sâu trong tận cõi lòng, thức tỉnh thái độ sống đức tin một cách nghiêm túc, mạnh mẽ, đầy quyết tâm và thành tín.

Phạm Đức Hạnh, SJ          

Saturday, July 29, 2023

Chúa Nhật Tuần XVII Thường Niên – Năm A – 30-7-2023

CN XVII TN 

Mát-thêu 13:44-52

44Khi ấy, Đức Giê-su kể cho dân chúng dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng.  Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. 45 Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. 46 Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy. 47 Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. 4

8 Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. 49 Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên sứ sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, 50rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng. 51 Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?  Họ đáp: “Thưa hiểu.” 52 Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc của Chúa Nhật hôm nay Chúa Giêsu tiếp tục dùng dụ ngôn để giảng dạy dân chúng về Nước Trời.  Bài đọc hôm nay bao gồm ba dụ ngôn.  Trước hết tôi có thể tập trung vào hai dụ ngôn đầu: Nước Trời giống như một kho báu trong ruộng và như viên ngọc quý.  Chúa Giêsu nói Nước Trời ấy, quý đến mức người ta sẵn sàng bán tất cả những gì họ có để mua viên ngọc hoặc kho báu đó.  Tôi có kinh nghiệm buôn bán bao giờ chưa, hoặc có kinh nghiệm về yêu mến một ai đó hoặc yêu chuộng một thứ gì đó đến mức mất ăn mất ngủ, đến mức điên dại, đến mức sẵn sàng bán đi tất cả miễn sao có được người tôi yêu, có được viên ngọc hoặc kho báu ấy?  Nếu có, tôi có có thể hiểu được những điều Chúa Giêsu nói ở bài đọc hôm nay.  Nước Trời không thể dễ dàng có được, nếu tôi không tha thiết và nỗ lực kiếm tìm hết mình; không thể có được, nhưng phải lặn lội, vất vả trong một thời gian, chứ không thể ngẫu nhiên có hoặc có ngay tức thì.  Tôi nói với Chúa Giêsu về những nộ lực của tôi trong việc kiếm tìm Nước Trời bao lâu nay và để ý Ngài sẽ nói gì về những nỗ lực ấy.

2.     Kế đến, tôi tập trung vào dụ ngôn thứ ba, Nước Trời giống như chiếc lưới thả xuống biển và bắt được đủ mọi thứ cá.  Tôi nghĩ gì về hình ảnh này?  Phải chăng Nước Trời ấy thật lớn, thật bao dung mà ai cũng có cơ hội để được vào?  Tôi ao ước muốn được vào Nước Trời như thế nào và sẽ làm gì để chuẩn bị ra sao để được ở trong Nước Trời ấy?  Tôi lại nói chuyện tiếp với Chúa Giêsu về những ao ước muốn được vào Nước Trời.  Có điều gì đang ngăn cản tôi có được Nước Trời ấy?  Tôi cần Chúa Giêsu giúp không?  Hãy nói chuyện với Ngài.     

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, July 28, 2023

Thứ Bảy Tuần XVI Thường Niên – Năm A – 29-7-2023 – Lễ Thánh Mác-ta, Maria và La-da-rô

Thu Bay XVI TN

Gioan 11:19-27

19Khi ấy, nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô là La-da-rô mới qua đời. 20 Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người.  Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. 21 Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. 22 Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.” 23 Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại!” 24 Cô Mác-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” 25 Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.  Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. 26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.  Chị có tin thế không?” 27 Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có.  Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là ngày lễ kính ba chị em Thánh Mác-ta, Maria và La-da-rô, có lẽ đây là ngày lễ đặc biệt nhất trong Giáo hội khi mà trong một gia đình cả ba chị em đều làm thánh, cả ba đều được nhắc đến cách đặc biệt trong Kinh Thánh và trong ngày lễ của họ còn có cả một bài Kinh Thánh riêng viết về một trong những biến cố lớn trong cuộc đời của họ.  Ngày lễ và bài đọc nghe sao gần gũi với đời sống thường ngày của tôi!  Điều này có thể cho tôi và gia đình tôi nhiều hy vọng; bởi tôi và gia đình tôi đều có thể trở thành thánh được.  Tôi có thể xem tôi giống một trong ba vị thánh này ở điểm nào?  Đâu là điểm tôi có thể học ở các ngài và khuyến khích tôi sống thánh hơn mỗi ngày?  Tôi thổ lộ cùng Chúa ước muốn thánh của tôi. 

2.  Bài đọc hôm nay đề cập đến một biến cố thật lớn xảy ra trong gia đình nhà Mác-ta, đó là: cái chết của La-da-rô.  Nhưng may mắn thay và hạnh phúc thay, họ có Chúa Giêsu là bạn.  Trong biến cố đau thương ấy, họ đã được Chúa Giêsu viếng thăm và nhờ vậy, tôi biết được niềm tin của họ mạnh đến mức nào.  Niềm tin của họ mạnh đến mức, ngày nay các Kitô hữu thường dùng câu chuyện của họ trong những đám tang của gia đình, nhằm giúp họ đang phải trải qua những đau buồn hãy biết tín thác ở Chúa.  Có những khó khăn nào đang xảy ra với tôi, đến tuyệt vọng?  Tôi muốn chia sẻ với Chúa Giêsu?  Tôi dám tin ở Ngài đến mức nào?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, July 27, 2023

Thứ Sáu Tuần XVI Thường Niên – Năm A – 28-7-2023

Thu Sau XVI TN

Xuất Hành 20:1-17

1Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây:

2“Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.

3Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.

4Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ.

5Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương.  Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. 6 Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. 7 Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.

8Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. 9 Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. 10 Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi.  Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. 11 Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy.  Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh.

12Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.

13Ngươi không được giết người.

14Ngươi không được ngoại tình.

15Ngươi không được trộm cắp.

16Ngươi không được làm chứng gian hại người.

17Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.”

(Trích Sách Xuất Hành, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay đề cập đến việc Thiên Chúa trao Mười Điều Răn cho dân Do-thái, khuôn vàng thước ngọc của nhân loại và là nền tảng của Do-thái giáo.  Tôi có cảm thấy khó chịu… biết ơn… hạ mình…, khi nghe những điều răn này?  Hãy dành một chút thời gian để chia sẻ phản ứng của tôi, bất kể đó là gì, với Chúa… Khi tôi đã chia sẻ phản ứng đó với Chúa, hãy dành một chút thời gian để chú ý đến Chúa, xem Ngài sẽ nói thế nào với tôi?

2.     Tôi đọc lại những điều răn trên, tôi đặc biệt tôn trọng điều răn nào nhất?  Ta là Thiên Chúa của các ngươi… Các ngươi không được tạc thần tượng…  Các ngươi không được lạm dụng danh Thiên Chúa của các ngươi…  Hãy giữ ngày sa-bát và giữ ngày đó thánh…  Hãy hiếu thảo với cha mẹ của mình…  Các ngươi không được giết người...  Ngươi không được ngoại tình...  Ngươi không được trộm cắp...  Ngươi không được làm chứng dối chống lại người hàng xóm của mình...  Ngươi không được ham muốn nhà của người ta; ngươi không thèm muốn vợ của kẻ lân cận mình, hoặc tôi trai tớ gái, hoặc bò, lừa, hoặc bất cứ thứ gì thuộc về kẻ lân cận ngươi….  Khi tôi mở lòng với Thiên Chúa, hãy nói với Ngài về những khó khăn trong việc tuân giữ các điều răn trên của Ngài…  Hãy cầu xin cùng Thiên Chúa bất cứ điều gì tôi cần để củng cố và nâng đỡ tôi trong ngày sắp tới…

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, July 26, 2023

Thứ Năm Tuần XVI Thường Niên – Năm A – 27-7-2023

Thu Nam XVI TN

Mát-thêu 13:10-17

10Khi ấy, các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng?” 11 Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. 12 Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. 13 Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe, không hiểu. 14 Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; 15vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành. 16 Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. 17 Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trong bài đọc hôm nay các môn đệ đến gần Chúa Giêsu để hỏi Ngài tại sao Ngài lại dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng, và Ngài đã trả lời cùng họ: Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe, không hiểu.”  Điều này không có ý nói những khán giả của Chúa Giêsu chỉ toàn là những người câm, điếc, hoặc ngu dốt chẳng hiểu những gì Ngài nói, nhưng sự câm điếc là do sự lựa chọn của họ.  Hiểu như vậy tôi có thể thấy, tôi cũng có thể là một trong những người câm điếc ấy.  Để ý thức về sự câm điếc trong tôi và rèn luyện khả năng nghe, nhìn như Chúa Giêsu mong đợi, trong giờ cầu nguyện này tôi dành giờ ra để nhìn vào chính tôi.  Cho dù tôi đang ở trong sự tĩnh lặng của Nhà nguyện hay tại chốn ồn ào của thành phố, hãy dành một chút thời gian để mở rộng đôi mắt và đôi tai của tôi để tiếp nhận mọi thứ đang diễn ra xung quanh tôi…  Sẽ như thế nào nếu có một cách nhìn và nghe khác giúp tôi có thể cảm nhận được Nước Trời?

2.     Tôi có thể đọc lại bài đọc trên một lần nữa, để cho đôi mắt của tôi được mở ra để nhìn thấy thực tại ẩn giấu của Vương quốc Nước Trời đang tỏa sáng xung quanh tôi...  Trong những giây phút cuối cùng của giờ cầu nguyện này, hãy nói với Chúa Giêsu về những bí mật của Vương quốc Nước Trời mà Ngài muốn tiết lộ cho tôi.  Làm thế nào chúng có thể thay đổi cách tôi nhìn thế giới?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, July 25, 2023

Thứ Tư Tuần XVI Thường Niên – Năm A – 26-7-2023 – Lễ Thánh Gioakim và Anna, Thân Phụ Đức Maria

Thu Tu XVI TN

Xuất Hành 16:1-5, 9-15

1Con cái Ít-ra-en nhổ trại rời Ê-lim lên đường, và toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en tới sa mạc Xin, giữa Ê-lim và Xi-nai, vào ngày mười lăm tháng thứ hai kể từ khi họ ra khỏi đất Ai-cập. 2 Trong sa mạc, toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en kêu trách ông Mô-sê và ông A-ha-ron. 3 Con cái Ít-ra-en nói với các ông: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!” 4 Đức Chúa phán với ông Mô-sê: “Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn.  Dân sẽ ra lượm lấy khẩu phần cho mình, ngày nào cho ngày đó; Ta muốn thử lòng chúng như vậy xem chúng có tuân theo Luật của Ta hay không. 5 Ngày thứ sáu, khi chúng dọn phần ăn đã đưa về, sẽ có gấp đôi phần chúng lượm mỗi ngày”…

9Ông Mô-sê nói với ông A-ha-ron: “Xin anh nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en thế này: Anh em hãy lại gần thánh nhan Đức Chúa, vì Người đã nghe thấy những lời anh em kêu trách.” 10 Trong khi ông A-ha-ron nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en, họ quay mặt về phía sa mạc, và kìa, vinh quang Đức Chúa xuất hiện trong đám mây. 11 Đức Chúa phán với ông Mô-sê: 12“Ta đã nghe tiếng con cái Ít-ra-en kêu trách.  Vậy, ngươi hãy bảo chúng rằng: Vào buổi chiều, các ngươi sẽ được ăn thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thoả thuê, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi.” 13 Thật vậy, buổi chiều, chim cút bay đến rợp cả trại. Và buổi sáng thì có lớp sương phủ quanh trại. 14 Rồi khi sương tan đi thì trên mặt hoang địa, có một thứ gì nho nhỏ mịn màng, nho nhỏ như sương muối phủ mặt đất. 15 Khi con cái Ít-ra-en thấy thế, họ liền hỏi nhau: “Man hu?”  Nghĩa là: “Cái gì đây?”  Vì họ không biết đó là cái gì. Ông Mô-sê bảo họ: “Đó là bánh Đức Chúa ban cho anh em làm của ăn!”

(Trích Sách Xuất Hành, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Dân Ít-ra-en phàn nàn vì họ bị đói trong sa mạc.  Có điều gì tôi muốn phàn nàn với Chúa không?  Hãy dành một chút thời gian để thổ lộ cùng Chúa trong lúc này…   Thiên Chúa đã đáp ứng lại những phàn nàn của dân Ít-ra-en theo cách mà họ không ngờ tới.  Có dấu hiệu bất ngờ nào về sự ban thưởng của Thiên Chúa trong cuộc sống của tôi không?

2.     Khi đọc lại bài đọc trên, hãy hình dung lớp bánh mì mỏng như tơ bao quanh cuộc sống của tôi.  Sự giúp đỡ của Chúa luôn ở bên tôi, nếu tôi biết nhìn…  Trước khi kết thúc giờ cầu nguyện này, tôi muốn dành một chút thời gian để tạ ơn Chúa về bất cứ điều gì tôi đã nhận thấy trong giờ cầu nguyện hôm nay.  Tôi muốn để nó chìm sâu trong trái tim tôi để nuôi dưỡng tôi cho đến hết ngày hôm nay…

Phạm Đức Hạnh, SJ

 

Monday, July 24, 2023

Thứ Ba Tuần XVI Thường Niên – Năm A – 25-7-2023 – Lễ Thánh Gia-cô-bê, Tông Đồ

Thu Ba XVI TN

Mát-thêu 20:20-28

20 Khi ấy, bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. 21 Người hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây được ngồi, một người bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” 22 Đức Giê-su bảo: “Các người không biết các người xin gì!  Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”  Họ đáp: “Thưa uống nổi.” 23 Đức Giê-su bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”

24Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. 25 Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 26 Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. 27 Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. 28 Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là lễ kính Thánh Gia-cô-bê, Tông đồ và bài đọc hôm nay lại chẳng nói đến những cái tốt đẹp trong cuộc đời của thánh nhân, mà chỉ nói đến đầu óc hẹp hòi của mẹ con thánh nhân.  Sự hẹp hòi và đầy ích kỷ của họ đã khiến các môn đệ khác tức tối.  Tại sao Giáo hội lại chọn bài đọc chẳng hay ho gì về thánh nhân trong ngày lễ mừng kính ngài?  Hóa ra, dù là vị thánh nhưng họ lại có những cái gì rất con người, rất giống tôi, cũng tham lam, ích kỷ, hẹp hòi.  Thế rồi, khi gặp Chúa Giêsu và sẵn sàng theo Ngài, ngài đã trở thành một vị thánh quan trọng trong Giáo hội.  Ngài đã là Giám mụ tại Palestine, sau Thánh Phê-rô, nơi đã đề ra những quyết định quan trọng về mục vụ cho dân ngoại, nhờ vậy mà nay tôi được hưởng nhờ.  Tôi có thấy bài đọc này cho tôi một hy vọng không?  Dù tôi có bất toàn, dù tôi có như thế nào, nếu tôi mở lòng và cộng tác với Thiên Chúa, tôi cũng sẽ trở thành một vị thánh, trở thành con người hữu ích cho Giáo hội và xã hội.  Có điều gì nơi tôi cần được biến đổi, hầu tôi được trở nên tốt hơn, đẹp hơn, và hữu dụng hơn để những ước mơ của Chúa dành cho nhân loại được trở thành hiện thực, nhờ tôi quảng đại cộng tác với Ngài?  Tôi nói chuyện với Chúa về điều ấy.

2.     Mặc dù lúc mẹ của thánh nhân xin với Chúa Giêsu, họ đã chẳng hiểu điều họ xin, nhưng khi nghe lời mời gọi của Ngài phải uống chén đắng, họ đã sẵn sàng “xin vâng.”  Thánh nhân đã không nói suông, nhưng dùng cả đời sống của ngài để đáp lại lời xin vâng ấy, bằng cái chết tử đạo.  Thánh nhân là một trong những môn đệ đầu tiên bị ném đá cho đến chến vì lời chứng rao giảng Tin Mừng cho mọi người.  Trong giây phút này và trong ngày kính của thánh nhân, tôi muốn nhìn lại đời sống chứng nhân đức tin của tôi bao lâu nay.  Có điều gì gọi là tôi đang chết mỗi ngày cho đời sống chứng nhân này?  Tôi nói chuyện với Chúa và nói chuyện với thánh nhân về những thao thức cho niềm tin của tôi.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, July 23, 2023

Thứ Hai Tuần XVI Thường Niên – Năm A – 24-7-2023

Thu Hai XVI TN

Mát-thêu 12:38-42

38Khi ấy, có mấy kinh sư và mấy người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ.” 39 Người đáp: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ.  Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na. 40 Quả thật, ông Giô-na đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy. 41 Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa. 42 Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay cho tôi thấy Chúa Giêsu thật giận dữ với những người kinh sư và Pha-ri-sêu vì sự cứng lòng của họ.  Mặc dù Ngài đã làm nhiều phép lạ trước mặt họ vậy mà, họ vẫn không tin và đòi hỏi Ngài phải chứng minh bằng dấu lạ khác.  Trong khi đó dấu lạ lớn nhất, quan trọng nhất đối với mọi người đó chính là Ngài, Thiên Chúa đã làm người, mặc lấy xác phàm và đang hiện diện trước mặt họ, thế mà họ không nhận ra, không tin.  Có khi nào tôi cũng chính là những kinh sư và Pha-ri-sêu, vẫn cứng lòng tin và vẫn đi tìm những dấu lạ khác, trong khi đó Chúa Giêsu là Thiên Chúa đã sinh xuống làm người, đã chịu chết và sống lại, và vẫn luôn hiện diện hằng ngày bên tôi trong Phép Thánh Thể?  Có khi nào Chúa Giêsu lại quở trách tôi như Ngài đã quở trách các kinh sư và Pha-ri-sêu?  Tôi nghĩ gì, phản ứng gì và nói gì với Chúa Giêsu trong giây phút này?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên thật chậm, để cho từng lời của Chúa Giêsu thấm vào trong tâm hồn tôi, đánh thức sự cứng lòng tin của tôi, mở tâm trí tôi trước sự hiện diện cùng những việc làm liên lỉ của Thiên Chúa trong đời sống của tôi, đời sống của mọi người và đời sống của Giáo hội.  

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, July 22, 2023

Chúa Nhật Tuần XVI Thường Niên – Năm A – 23-7-2023

CN XVI TN

Mát-thêu 13:24-33

24Khi ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe dụ ngôn sau đây: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. 26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. 27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: ‘Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao?  Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?’ 28 Ông đáp: ‘Kẻ thù đã làm đó!’ Đầy tớ nói: ‘Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?’ 29 Ông đáp: ‘Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.  Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi’.”

31Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác.  Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. 32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.”

33 Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Chúa Nhật tuần trước, tôi đã được đọc và suy niệm dụ ngôn người gieo giống, trong phần đầu của Chương 13, Phúc âm Mát-thêu.  Bài đọc hôm nay nằm tiếp ngay sau dụ ngôn ấy, bao gồm ba dụ ngôn khác, đó là: Dụ Ngôn Lúa và Cỏ Lùng, Dụ Ngôn Hạt Cải và Dụ Ngôn Nắm Men.  Giờ cầu nguyện hôm nay, trước hết, tôi tập trung vào Dụ Ngôn Lúa và Cỏ Lùng.  Trong dụ ngôn này Thiên Chúa tiếp tục là người gieo lúa, hạt giống tốt trong ruộng của Ngài, tức là cuộc đời tôi, gia đình tôi, cộng đoàn tôi.  Thiên Chúa chỉ gieo giống tốt mà thôi, ấy vậy mà sau một thời gian lại có cả cỏ lùng mọc lên nữa.  Tôi có thể nhìn vào mảnh ruộng đời tôi, gia đình tôi và cộng đoàn của tôi, loại nào đang phát triển nhiều nhất: lúa hay cỏ lùng?  Trong mảnh ruộng gia đình hoặc cộng đoàn tôi: tôi đang là cỏ lùng hay là lúa?  Nếu là cỏ lùng, tôi cảm thấy như thế nào khi Chúa Giêsu nói: Cứ để cho cả lúa và cỏ lùng mọc lên cho đến mùa gặt?  Tôi nghĩ gì về tình thương của Chúa Giêsu, khi Ngài nói câu này với tôi?  Có khi nào tôi mất kiên nhẫn với những cỏ lùng trong tôi, đặc biệt những cỏ lùng trong gia đình và cộng đoàn của tôi, khiến tôi muốn nhổ phắt họ khỏi cuộc đời tôi, gia đình và cộng đoàn tôi?  Tôi để ý Chúa Giêsu muốn nói gì về thái độ mất kiên nhẫn và cầu toàn này của tôi.  Nếu tôi là lúa, tôi muốn nói gì với Ngài? 

2.     Hai dụ ngôn còn lại của bài đọc mang cùng một nội dung: Sức mạnh âm thầm của Nước Trời.  Tôi kinh nghiệm về sức mạnh biến đổi và ảnh hưởng của Nước Trời quanh tôi như thế nào?  Một nghĩa cử đẹp của người nào đó chẳng hạn, đã ở lại trong tôi rất lâu và thúc đẩy tôi và nhiều người khác cũng làm những điều tốt?  Có khi nào tôi nghĩ và đã sống chức năng của hạt cải nhỏ bé, hoặc nắm men rất âm thầm trong những công việc phục vụ rất nhỏ bé, nhưng lại tạo nên những tác động lớn trong gia đình và cộng đoàn như thế nào?  Tôi để ý Chúa đang tiếp tục mời gọi tôi trở thành hạt cải và nắm men trong cuộc đời như thế nào?  Tôi đọc lại thật chậm nhiều lần ba dụ ngôn trên và để ý Chúa Giêsu đang muốn nói gì với tôi và tôi đáp trả với Ngài ra sao.      

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, July 21, 2023

Thứ Bảy Tuần XV Thường Niên – Năm A – 22-7-2023 – Lễ Thánh Maria Ma-đa-lê-na

Thu Bay XV TN

Gioan 20:1-2, 11-18

1Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến.  Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”…11 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc.  Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. 13 Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?”  Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” 14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. 15 Đức Giê-su nói với bà: “Này bà, sao bà khóc?  Bà tìm ai?”  Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” 16 Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a!”  Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni!”  (nghĩa là ‘Lạy Thầy’). 17 Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha.  Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.” 18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Nói đến Maria Mác-đa-la là nói đến tình yêu.  Bà đã yêu Chúa Giêsu rất nhiều, như tôi đã có thể thấy điều này được ghi nhận trong các Phúc âm, nhiều đến nỗi ngày hôm nay những nhà tiểu thuyết và làm phim thường hay tục hóa tương quan giữa bà với Chúa Giêsu thành cuộc tình lãng mạn, để bán cho nhiều sách và thu hút nhiều khán giả đến xem phim của họ.  Gần đây nhất phải kể đến tác phẩm tiểu thuyết và cuốn phim cùng tên, “The Da Vinci Code” của tác giả Dan Brown.  Hôm nay Giáo hội mừng lễ kính bà và bài đọc hôm nay là một trong những bài tiêu biểu thường được dùng mỗi khi nhớ đến bà.  Tôi có thể thấy ngay câu đầu tiên của bài đọc diễn tả tình yêu bà dành cho Chúa Giêsu lớn biết bao.  Bà đã thấp thỏm chờ đợi, chắc chắn là buồn lắm và chắc chắn đã ăn không ngon, ngủ không yên cho nên ngay lúc tờ mờ sáng, bà đã vội đi ra thăm mộ của Chúa Giêsu, người bà rất yêu mến.  Tôi thử hình dung tâm trạng của bà trong những ngày sau khi Chúa Giêsu bị giết  như thế nào: buồn, sợ, thất vọng, mất phương hướng, giờ đây chỉ còn ra mộ chăm cho thân xác của Đấng bà rất yêu mến được chôn cất kỹ càng.  Chắc chắn khi yêu ai tôi cũng sẽ có tâm trạng như vậy và làm như vậy.  Câu hỏi cần đặt ra lúc này, đó là: Tôi có yêu Chúa Giêsu đến điên dại như vậy không?  Có sẵn sàng dâng cúng tất cả những gì tôi có cho Ngài?  Có sẵn sàng và mong mỏi kiếm tìm Ngài như bà Maria không?  Tôi dành giây phút này để ngẫm suy và nói chuyện với Chúa Giêsu.

2.     Kế tiếp tôi để ý đến chuyện bà Maria khóc và mẩu đối thoại giữa bà với thiên thần và giữa bà với Chúa Giêsu.  Bà ra mộ và không thấy xác Chúa Giêsu đâu, bà khóc vì nghĩ rằng xác của Ngài đã bị đánh cắp.  Ngày hôm nay những bận rộn của cuộc sống, những đam mê của thế trần đang thực sự đánh cắp Chúa Giêsu khỏi tôi, khiến tôi chẳng còn nhớ đến Ngài nữa, chẳng cần Ngài nữa, hoặc xếp Ngài vào hàng thứ yếu trong tất cả những gì tôi bận tâm mỗi ngày.  Tôi đã mất Chúa Giêsu, nhưng tôi đã có nhỏ được giọt nước mắt nào, khóc vì nhớ Ngài?  Lần cuối cùng tôi đã khóc vì cảm thấy mất Chúa Giêsu là khi nào?  Bà Maria gặp Chúa Giêsu nhưng tưởng là người làm vườn, coi sóc nghĩa trang nên đã làm gì với xác của Ngài chăng.  Bà muốn biết ông ta đã để xác Ngài ở đâu để, đích thân bà đi lấy mang về!  Có khi nào tôi cảm thấy đã mất Chúa và tôi nỗ lực đi tìm cho bằng được Ngài về?  Tôi dành giây phút này để nghĩ về tương quan giữa tôi với Chúa Giêsu.  Tôi còn Ngài hay tôi đã mất Ngài rồi?  Giây phút cầu nguyện mỗi ngày có thể là những nỗ lực tôi tìm lại Chúa Gieus chăng?        

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, July 20, 2023

Thứ Sáu Tuần XV Thường Niên – Năm A – 21-7-2023

Thu Sau XVI TN

Mát-thêu 12:1-8

1Khi ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. 2 Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát!” 3 Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? 4 Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến.  Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. 5 Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao? 6 Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. 7 Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. 8 Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay cho tôi thấy cuộc đối đầu giữa người Pha-ri-sêu và Chúa Giesu.  Trong câu chuyện hơi bối rối này, Chúa Giêsu đối mặt với những người nghe Ngài với chính Ngài.  Ngài không đưa ra cho họ những quy tắc hay tiêu chí về hành vi đạo đức đúng đắn, càng không có một hệ thống chính trị nào.  Chỉ mình Ngài!  Tôi không thể giữ thái độ trung lập về Ngài.  Tôi chỉ có thể chấp nhận Ngài theo cách riêng của Ngài hoặc là không.  Tôi muốn dành vài phút thinh lặng và để ý tôi phản ứng thế nào với Chúa Giêsu… đừng cố ép mình nghĩ “điều đúng” – chỉ xem điều gì xảy ra khi tôi nhìn vào Ngài, nói tên Ngài…  Có lẽ tôi có thể tự hỏi, tôi thực sự đang tìm kiếm điều gì trong cuộc sống?  Cái gì khác ngoài Chúa Giêsu?  Một hợp đồng pháp lý với Chúa?  Một tình bạn với Chúa của sự sống?

2.     Tôi đọc lại cuộc gặp gỡ gay cấn trên.  Dưới ánh sáng của những gì đã đến với tôi, tôi có thể hình dung mình là một người nào đó trong bối cảnh đó – một người Pha-ri-sêu, một môn đồ hay một người đứng xem – chọn bất cứ điều gì có vẻ đúng – hãy để cuộc trò chuyện phát triển một cách tự do và tự nhiên…  Cuộc trò chuyện với Chúa Giêsu về con người thật của Ngài không bao giờ kết thúc… Ngay cả khi tôi nghĩ rằng, tôi đã đi đến sự rõ ràng cuối cùng thì vẫn còn nhiều điều để khám phá…  Hãy để ý xem hiện tại tôi đang ở đâu trên hành trình với Chúa, mà không phán xét chính mình, và xem điều tôi muốn nói với Chúa trong những giây phút cuối cùng của giờ cầu nguyện này.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, July 19, 2023

Thứ Năm Tuần XV Thường Niên – Năm A – 20-7-2023

Thu Nam XVI TN

Mát-thêu 11:28-30

28Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.  Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay chỉ gói gọn trong ba câu, rất ngắn, nhưng có lẽ thật cần thiết cho tôi lúc này?  Chúa Giêsu quan tâm đến những gánh nặng đang đè nặng trên cuộc sống con người và Ngài mời gọi mọi người hãy đến với Ngài để được bồi giưỡng và nghỉ ngơi.  Tôi đón nhận lời mời này như thế nào?  Tôi đang có những gánh nặng nào?  Gánh nặng về thể xác, tâm linh, tâm hồn, tâm lý, hay xã hội?  Tôi đã mang gánh nặng này bao lâu rồi?  Tôi đến với Chúa Giêsu để được nghỉ ngơi bồi dưỡng chăng? 

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên và đổi ách của tôi để lấy ách của Chúa Giêsu cho êm.  Nếu là ách của tôi, tôi vẫn sẽ phải mang một mình, nhưng nếu mang ách của Chúa Giêsu, thì có Ngài cùng vác chung với tôi.  Tôi muốn không?  Nếu vách chung tôi sẽ có Chúa Giêsu cùng tâm sự với tôi.  Tôi sẽ tâm sự với Ngài những gì?  Tôi để ý sự hiểu biết, thông cảm và lắng nghe của Ngài nâng đỡ tôi như thế nào.  Tôi đọc lại bài đọc trên nhiều lần và để cho những lời này thấm thật sâu vào trong đời sống của tôi, trở thành sức mạnh nâng đỡ tôi những lúc nhọc nhằn. 

Phạm Đức Hạnh, SJ